Đức Tâm - RFI
Boxitvn
06/01/2012
Bà Bùi Thị Minh Hằng, tại quảng trường nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn), ngày 27/11/2011. Đây là hình ảnh cuối cùng của bà Bùi Thị Minh Hằng, trước khi bà bị bí mật bắt đưa đi trại cải tạo. DR
Ngày hôm nay, 05/01/2012, Sứ quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo báo chí “về việc bắt giữ Bùi Thị Minh Hằng”, theo đó, cơ quan đại diện Hoa Kỳ “quan ngại sâu sắc bởi những thông tin tường thuật rằng Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án không quan xét xử tới 2 năm giam giữ tại một trại cải tạo ở Việt Nam, vì đã tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa” và việc bắt giam bà Hằng không theo trình tự chuẩn mực, đã mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam đối với Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu.
Do vậy, sứ quán Mỹ tại Hà Nội “kêu gọi chính phủ Việt Nam thả bà Hằng và tất cả các tù chính trị”, bởi vì “không ai đáng bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận hay quyền hội họp ôn hòa”.
Cơ quan đại diện Mỹ cho biết vẫn thường xuyên yêu cầu chính quyền Việt Nam thả vô điều kiện mọi công dân bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ chính kiến của mình.
Thông cáo báo chí cũng nhắc lại rằng, nhân quyền vẫn là một hồ sơ quan trọng trong quan hệ song phương và Hoa Kỳ “tiếp tục thúc giục chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền được quốc tế công nhận”.
Cũng trong ngày hôm nay, theo AP, tổ chức theo dõi về nhân quyền Human Rights Watch, có trụ sở tại New York, đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Bùi Thị Minh Hằng.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW, cho rằng không có lý do gì để chính quyền Việt Nam cưỡng bức một người biểu tình ôn hòa vào một nơi thực sự là trại lao động cưỡng bức. Theo đại diện HRW, “việc giam giữ bà Bùi Thị Minh Hằng mà không xét xử cho thấy sự coi thường đáng lo ngại của Việt Nam đối với các quyền con người và các bảo đảm về quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp của chính Việt Nam”.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, năm nay 47 tuổi, đã bị bắt giữ tại Sài Gòn hồi cuối tháng 11/2011, vì đã giơ biểu ngữ phản đối hành động trấn áp, câu lưu những người biểu tình ở Hà Nội. Sau đó, bà bị chuyển thẳng đến cơ sở giáo dục Thanh Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, mà thực chất là một trại cải tạo lao động.
Cuối tháng 12 năm ngoái, hơn một chục nhân sĩ, trí thức và các nhà hoạt động cho nhân quyền đã ký đơn kiến nghị gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đòi trả tự do cho bà Hằng.
Năm ngoái, bà Bùi Thị Minh Hằng là một trong những người tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình ở Hà Nội, phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông. Chỉ vì những hành động này mà bà đã bị công an câu lưu nhiều lần.
Đ. T.
Nguồn: Viet.rfi.fr
------------------
Phụ lục 1:
PRESS RELEASE:
Detention of Bui Thi Minh Hang
HANOI, January 5, 2012 – The U.S. Embassy is deeply concerned by reports that Bui Thi Minh Hang has been sentenced without trial to up to two years in a reeducation camp in Vietnam for participating in a peaceful protest. This lack of due process contradicts Vietnam’s commitment to the Universal Declaration of Human Rights. Bui Thi Minh Hang participated in peaceful protests related to the South China Sea last year.
We call on the Vietnamese government to release Ms. Hang and all political prisoners, and affirm that no person should be imprisoned for exercising their freedoms of expression or peaceful assembly, or any internationally recognized human right. The United States regularly urges the Government of Vietnam to release unconditionally all individuals imprisoned for expression of their views.
Cooperation on human rights remains an important facet of our bilateral relationship. We continue to urge the Government of Vietnam to respect internationally recognized human rights.
# # #
THÔNG CÁO BÁO CHÍ:
Việc bắt giữ Bùi Thị Minh Hằng
Hà Nội, 5/1/2012 – Đại sứ quán Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc bởi những tin tức tường thuật rằng Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án không qua xét xử tới 2 năm giam giữ tại một trại cải tạo ở Việt Nam vì đã tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hoà. Sự việc không theo trình tự chuẩn mực này mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam đối với Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu. Bùi Thị Minh Hằng đã tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hoà liên quan đến Biển Đông hồi năm ngoái.
Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả bà Hằng và tất cả các tù chính trị, và khẳng định rằng không ai đáng bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận hay quyền hội họp ôn hoà hay bất cứ quyền con người nào được quốc tế công nhận. Hoa Kỳ vẫn thường xuyên thúc giục Chính phủ Việt Nam thả vô điều kiện mọi cá nhân bị bỏ tù vì bày tỏ quan điểm của mình.
Hợp tác về nhân quyền vẫn là một mặt quan trọng trong mối quan hệ song phương giữa hai nước. Chúng tôi tiếp tục thúc giục Chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền được quốc tế công nhận.
(hết thông cáo)
Nguồn: Embassy of the US – Hanoi, Vietnam và Ba Sàm.
-----------------------
Phụ lục 2:
Việt Nam: Hãy trả tự do cho Nhà vận động ôn hòa
Bà Bùi Thị Minh Hằng bị đưa vào “Cơ sở Giáo dục” 2 năm
(Thông cáo phát hành ngay)
(New York, ngày mồng 4 tháng Giêng năm 2012) – Ngày hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu chính quyền Việt Nam cần thả ngay nhà vận động Bùi Thị Minh Hằng và chấm dứt sách nhiễu chỉ vì bà đã biểu tình một cách ôn hòa. Vào ngày 28 tháng Mười một năm 2011, chính quyền đã đưa bà Hằng vào Cơ sở Giáo dục Thanh Hà tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để quản chế hành chính trong 24 tháng.
Bà Bùi Thị Minh Hằng, 47 tuổi, bị công an bắt ngày 27 tháng Mười Một bên ngoài Nhà thờ Đức Bà ở Thành phố Hồ Chí Minh với lý do bị cho là “gây mất trật tự công cộng.” Khi đó, bà Hằng đang biểu tình trong im lặng để phản đối việc bắt bớ những người tham gia biểu tình ôn hòa ở Hà Nội trong buổi sáng ngày hôm đó. Ngay ngày hôm sau, công an đưa bà vào quản chế tại “cơ sở giáo dục” không qua tòa án xét xử.
“Không có gì để biện hộ cho hành động của chính quyền Việt Nam tống một người biểu tình ôn hòa vào một nơi thực chất là trại cưỡng bức lao động,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Quản chế Bùi Thị Minh Hằng không qua xét xử là biểu hiện ngang ngược của việc coi thường nhân quyền đối với cá nhân bà Hằng cũng như bất chấp điều khoản bảo đảm tự do ngôn luận được ghi trong chính Hiến pháp Việt Nam.”
Bà Bùi Thị Minh Hằng là một nhà vận động cho quyền lợi về đất đai, trong thời gian gần đây trở nên nổi tiếng với tư cách một người phản đối chính phủ Trung Quốc. Bà đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối việc chính quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra vào các ngày Chủ nhật từ tháng Sáu đến tháng Tám ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra lệnh quản chế hành chính bà Bùi Thị Minh Hằng 24 tháng theo Pháp lệnh 44 về Xử lý Vi phạm Hành chính. Bà Hằng không có cơ hội yêu cầu mở một phiên tòa xem xét lại lệnh trên.
Điều 25 của pháp lệnh cho phép các cán bộ đương chức có thẩm quyền rất rộng để quản chế người khác với các lý do tùy tiện, không rõ ràng. Bất kỳ một cá nhân nào cũng có thể bị đưa vào một “cơ sở giáo dục” nếu bị cho là đã “thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của tổ chức trong nước hoặc nước ngoài, tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài, vi phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất thường xuyên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Luật sư của bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Hà Huy Sơn, đã gửi đơn khiếu nại về lệnh quản chế đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, trong đó phát biểu rằng việc bắt giữ và quản chế là trái luật. Hiện vẫn chưa có phúc đáp cho đơn khiếu nại.
“Pháp lệnh 44 cho phép công an và chính quyền địa phương trừng phạt những người họ không ưa mà không cần qua thủ tục xét xử tại tòa án,” ông Robertson nói. “Đó là một văn bản pháp luật nguy hiểm, khiến lời tuyên bố tôn trọng pháp chế của chính phủ Việt Nam trở thành trò cười, nên cần phải bị bãi bỏ.”
Trong quyết định đối với Bùi Thị Minh Hằng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng dẫn Nghị định 76, hướng dẫn cụ thể về việc đưa người vào “cơ sở giáo dục.” Điều 30 của Nghị định này quy định những cá nhân bị đưa vào “cơ sở giáo dục” phải “lao động mỗi ngày 8 giờ” và phải “hoàn thành định mức lao động được giao.”
Điều 26 của Nghị định nêu trên trao quyền cho giám đốc cơ sở tùy tiện quyết định việc gia hạn thời gian quản chế, nếu “người đã chấp hành xong quyết định mà vẫn chưa thực sự tiến bộ.” Nếu người bị quản chế không hoàn thành định mức lao động được giao, hay không vâng lời cán bộ cơ sở, có thể sẽ bị kỷ luật vì không “tiến bộ” và bị giam giữ tùy tiện thêm một thời gian nữa để “quản lý, giáo dục.”
Việt Nam từng thẳng tay đàn áp những nhà vận động đã công khai lên tiếng chỉ trích chính phủ Trung Quốc. Năm 2008, chín ngày trước khi ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền bắt giam nhà vận động Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày), người viết blog phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng như về nhiều vấn đề khác. Sau đó ông bị kết án 30 tháng tù với tội danh trốn thuế được ngụy tạo, rồi sau đó bị giam giữ bặt vô âm tín từ ngày 20 tháng Mười năm 2010, đúng ngày mãn hạn tù và đáng lẽ phải được trả tự do.
Trong tháng Mười một năm 2011, Việt Nam kết án Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành năm năm tù giam vì đã phát sóng một chương trình phát thanh Pháp Luân Công sang Trung Quốc. Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc, nhưng không bị cấm ở Việt Nam.
Trước lần bị bắt gần đây nhất, Bùi Thị Minh Hằng từng bị câu lưu ít nhất bốn lần trong vòng năm tháng vì đã tham gia biểu tình. Bà bị bắt ngày 16 tháng Mười khi đang đi bộ cùng bạn bè quanh bờ hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội, đội chiếc nón có dòng chữ HS-TS-VN, là những chữ viết tắt của “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam.” Một số người mặc thường phục đã giật và hủy hoại chiếc nón của bà. Khi bà gọi công an can thiệp, họ bắt luôn bà.
Bà bị công an tạm giữ suốt từ ngày 16 đến 19 tháng Mười, và bà đã tuyệt thực trong suốt thời gian đó. Trong ngày mồng 2 tháng Tám, bà cũng bị câu lưu một thời gian ngắn vì đã đứng bên ngoài tòa án và ôn hòa ủng hộ Ts. Cù Huy Hà Vũ, người đang chống bản án với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước.”
Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác đều tuyên bố chủ quyền đối với các đảo trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ lâu, chính quyền Việt Nam rất nhiều lần tùy tiện bắt và giam giữ những người lên tiếng về các vấn đề được cho là có tính nhạy cảm trong chính sách ngoại giao.
“Bắt giam những người thể hiện quan điểm về quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng cũng là vi phạm nhân quyền không khác gì hành động bắt giữ những người lên tiếng về những vấn đề trong nước,” ông Robertson phát biểu. “Quyền tự do ngôn luận bao gồm ngôn luận về cả những vấn đề trong nước lẫn quốc tế.”
Nguồn: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.
No comments:
Post a Comment