Saturday, January 7, 2012

SÁCH MỚI: “HOÀNG SA - TRƯỜNG SA: LUẬN CỨ VÀ SỰ KIỆN” (Đinh Kim Phúc)



Đinh Kim Phúc
Thứ sáu, ngày 06 tháng một năm 2012

Xin trân trọng giới thiệu công trình mới của Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc:

Chủ quyền biển Đông – đặc biệt là chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian vừa qua.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 20/10/2009, Bộ Ngoại giao nước ta đã trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam phản đối việc nhân viên vũ trang Trung Quốc có những hành động vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam vào tránh bão tại đảo Phú Lâm (ngư dân Việt Nam thường gọi là đảo Trụ Cẩu), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ.

Cũng trong quãng thời gian này, ngày 17/10/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp và hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Trong cuộc gặp này, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định: “Việt Nam là láng giềng hữu nghị và là đối tác quan trọng của Trung Quốc. Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam”.

Đáp lại, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết: “Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng với Trung Quốc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “mười sáu chữ và tinh thần bốn tốt”.

Theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), ngày 26/5/2011, các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động bình thường của PVN. Tàu hải giám Trung Quốc đã đe dọa tàu Bình Minh 02, cắt cáp thăm dò địa chấn tại lô 148 Thềm lục địa Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 120 hải lý. Hoạt động thăm dò của tàu Bình Minh 02 đã diễn ra một cách bình thường từ năm 2010 mà không có tranh chấp nào xảy ra…

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc – tác giả cuốn sách chỉ ra rằng việc nghiên cứu những động thái của Trung Quốc cũng như các nước đang tranh giành chủ quyền ở vùng quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là một việc làm vô cùng cần thiết; đồng thời với những luận cứ cụ thể, các bản đồ chi tiết về biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa được vẽ bởi các nhà thám hiểm, các nhà hàng hải từ thế kỉ XIX trở về trước – sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và vùng biển Đông của Việt Nam.

.
.
.

No comments: