Sunday, January 15, 2012

QUAN HỆ BẮC KINH - ĐÀI BẮC : CHỦ ĐỀ TRỌNG TÂM CUỘC BẦU CỬ TỔNG THỐNG ĐÀI LOAN (Lê Phước, RFI)


Lê Phước  -  RFI
Thứ bảy 14 Tháng Giêng 2012

Bầu cử tổng thống tại Đài Loan diễn ra hôm nay 14/12/2012. Đây là một trong những chủ đđược báo chí Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm. Nhìn chung, các tờ báo lớn đều cho rằng, chủ đề trọng tâm trong cuộc bầu cử này là mối liên hệ Trung Quốc - Đài Loan. Libération đăng bài phóng sự về sự kiện này.

Cuộc bầu cử hôm nay là cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lần thứ năm của Đài Loan. Hai đảng tranh cử vẫn là Quốc Dân đảng, được cho là thân Trung Quốc, và Đảng Dân Tiến, đảng phản đối việc sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc. Hai ứng cử viên đó là tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu, 63 tuổi, thuộc Quốc Dân Đảng và bà Thái Anh Văn, 55 tuổi, lãnh đạo Đảng Dân Tiến.

Về phần mình, bà Thái Anh Văn đặt ra một chiến lược kép : một mặt đấu tranh chống tệ nạn xã hội, chống thất nghiệp do chính sách di chuyển ngành công nghiệp Đài Loan về phía Trung Quốc. Mặt khác, bà cố gắng làm dịu bớt những đòi hỏi độc lập Đài Loan để tránh gây mất lòng Bắc Kinh.

Nói về thái độ của phía Trung Quốc, Libération cho hay, lần này, Trung Quốc không hù dọa bằng cách phóng tên lửa ngoài khơi Đài Loan như năm 1996, hay bằng giọng điệu mạnh bạo như năm 2000. Những lần đó, động thái hù dọa đã gây hiệu ứng ngược cho Trung Quốc. Bởi thế, lần này, Trung Quốc chọn cách không can thiệp vào một cuộc bầu cử mà từ ngữ chính thức của nước này gọi là « bầu cử lãnh đạo địa phương ».

Đối với ông Mã Anh Cửu, ông này được sự ủng hộ của Trung Quốc. Từ khi lên cầm quyền năm 2008, ông đã bắt đầu thực hiện chính sách thân Trung, trái hẳn với những người tiền nhiệm. Quan hệ giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, không ngừng được cải thiện. Năm 2011, có đến hai triệu du khách Trung Quốc đến Đài Loan. Các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước cũng lên mức hàng trăm chuyến mỗi tuần.

Rồi vào tháng 6 năm 2010, hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác kinh tế nhằm giảm bớt hàng rào thuế quan và thương mại. Trao đổi thương mại hai chiều đã tăng 36%, đầu tư của Đài Loan ở Trung Quốc hiện vượt mức 140 tỷ euro, đầu tư của Trung Quốc trên lãnh thổ Đài Loan chính thức được cho phép vào năm 2009, và đã không ngừng tăng phi mã. Hiện tại, có đến hơn 1 triệu người Đài Loan sinh sống ở Hoa Lục.

Từ đó, tờ báo đặt câu hỏi : Liệu ảnh hưởng kinh tế có kéo theo ảnh hương về chính trị ? Liệu sự hội nhập vào nền kinh tế Trung Qu ốc có khiến Đài Loan bị sáp nhập vào chế độ Bắc Kinh theo kiểu một nhà nước hai chế độ như trường hợp của Hồng Kông và Ma Cao ?

Hồi tháng 10/2011, ông Mã Anh Cửu còn cho biết muốn ký hiệp ước hòa bình với Trung Quốc trong 10 năm tới. Dự định này đã vấp phải nhiều phản đối ngay trong nội bộ Quốc Dân đảng.

Đánh giá về thái độ thân Trung của ông Mã, cựu tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy cho rằng, Mã Anh Cửu muốn hợp tác với Trung Quốc để sáp nhập Đài Loan. Libération còn dẫn lời một giáo sư chính trị theo đó : « Đối với Mã Anh Cửu, việc thống nhất hai miền eo biển Đài Loan là tất yếu. Việc đó có thể được thực hiện thông qua đàm phán chính trị, hoặc thông qua chính sách tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc sao cho Đài Loan và Trung Quốc bị ràng buộc với nhau đến mức không tách rời ra được ».

Tác giả bài phóng sự còn dẫn lời của một số khách du lịch Trung Quốc tại Đài Loan với nhưng lập luận theo kiểu : « Người Đài Loan thật ngốc. Họ phải hợp nhất với chúng tôi, và như vậy họ sẽ không còn phải mua vũ khí đắt đỏ của Mỹ », « Hòn đảo này nhỏ bé, bởi vậy người Đài Loan có thể có trọng lượng gì đối với chúng tôi ?! ».

Trong mục Lá thư Châu Á trên báo Le Monde, phóng viên Brice Pedroletti nhận định : « Khi được hỏi, người du lịch Trung Quốc không chút do dự mà cho biết, họ ủng hộ ông Mã Anh Cửu, vì ít ra ông này là người không có ý tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc ».

------------------------

Trọng Thành  -  RFI
Thứ bảy 14 Tháng Giêng 2012

Hôm nay 14/1/2011, các cử tri Đài Loan đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống và 113 nghị sĩ Quốc hội. Tổng thống mãn nhiệm Mã Anh Cửu chiến thắng với 51,6% số phiếu. Cuộc bỏ phiếu bắt đầu vào 8 giờ (giờ địa phương) tức 0 giờ GMT và kết thúc vào lúc 16 giờ, tức 8 giờ GMT. Có khoảng 18 triệu cử tri đăng ký bầu cử.

Bà Thái Anh Văn, ứng cử viên đảng Dân Tiến, được 45,6 % số phiếu. Ứng cử viên đảng Dân Tiến đã thừa nhận kết quả và tuyên bố sẽ từ chức chủ tịch đảng này.

Ba ứng cử viên Mã Anh Cửu, Thái Anh Văn và James Soong (Reuters)

Về bầu cử Quốc hội, Quốc Dân đảng giành được đa số với 64/113 ghế (so với 80 ghế trong Quốc hội mãn nhiệm). Đảng Dân Tiến được 40 ghế, 9 ghế còn lại thuộc về các đảng chính trị khác.

Cuộc tranh cử tổng thống lần này được giới phân tích đánh giá là một trong các cuộc cạnh tranh sít sao nhất trong lịch sử nền dân chủ non trẻ Đài Loan. Năm 2008, ông Mã Anh Cửu (Quốc Dân đảng) đã giành được chiến thắng với khoảng cách 17 điểm so với đối thủ đảng Dân Tiến.

Ông Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), luật gia 61 tuổi, được đào tạo ở Mỹ, có chủ trương xích gần lại Bắc Kinh. Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), 55 tuổi, đào tạo trong ngành pháp lý và kinh tế ở nước ngoài muốn khẳng định nền độc lập của Đài Loan trước Trung Quốc.

Bắc Kinh rất chú ý đến cuộc bầu cử Đài Loan. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, một cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, « lý do khiến Trung Hoa lục địa hết sức quan tâm đến cuộc bầu cử ở Đài Loan, bởi tư tưởng khẳng định độc lập cho Đài Loan có khả năng sẽ ngày càng được ủng hộ nhiều hơn ». Tuy nhiên, Hoàn Cầu thời báo cũng giảm nhẹ ý nghĩa của các cuộc bầu cử trong tương lai lên chính sách của Đài Bắc đối với Bắc Kinh.

Theo một số nhà phân tích, Bắc Kinh tỏ ra vô cùng thận trọng, tránh đưa ra các bình luận trong thời gian tranh cử tổng thống, vì lo ngại làm như vậy sẽ tạo thuận lợi cho nữ ứng cử viên đối lập đảng Dân Tiến, và đặc biệt là trong hoàn cảnh việc tăng cường quan hệ Đài Trung không đi kèm với triển vọng cải thiện đời sống của đông đảo giới công nhân, cử tri tiềm năng của đảng đối lập Dân Tiến. Kinh tế Đài Loan chỉ tăng 3,4 % trong quý Ba năm 2011, trong khi đã vọt lên tới 11% vào năm 2010.

Theo giới quan sát, kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949 đến nay, quan hệ song phương Bắc Kinh Đài Bắc chưa bao giờ tốt như dưới thời của tổng thống Mã Anh Cửu, và các quan hệ này có thể sẽ dậm chân tại chỗ, nếu bà Thái Anh Văn thắng cử.
.
.
.

No comments: