Lý Đại Nguyên
January 6, 2012 8:14 AM
Dư luận trong, ngoài nước và cả quốc tế hết sức sửng sốt về lời tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng ở lễ khai mạc của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ IV tại Hà nội ngày 26/12/2011, ông ta đã cho rằng: “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng nếu không muốn bị sụp đổ”. Bài phát biểu khai mạc của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm hội nghị nóng lên bởi tính chất quan trọng của nó. Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn cho rằng: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Sự thật là thế, nhưng từ xưa tới nay, người ta thường chỉ nghe thấy những lời tuyên truyền khoe khoang lừa mị của các lãnh tụ đảng ở những đại hội lớn nhỏ, chứ chưa thấy từ miệng một ông lãnh tụ nào dám nhìn thẳng vào thực chất của vấn đề.
Nói đến ‘xây dựng, chỉnh đốn Đảng” với Việt cộng là điều vô phương cứu chữa. Vì cái đảng được xây dựng bằng tư tưởng thù hận để dẫn tới đấu tranh cách mạng cướp chính quyền. Đến khi có chính quyền thì thiết lập chế độ Độc Đảng, Độc Tài, Toàn Trị. Biến Dân thành đối tượng khủng bố, bóc lột của đảng. Khiến dân trở thành kẻ thù của chế độ. Biến đảng viên thành tầng lớp vua, quan thống trị cực quyền. Khi lý tưởng cộng sản đã bị nhân loại liệng vào thùng rác lịch sử, thì Việt cộng phải tự cứu bằng cách chạy theo áp dụng đường lối phát triển tư bản. Buộc đảng phải cho đảng viên dựa vào quyền lực để làm giầu. Biến đảng viên thành thứ “Tư Bản Đỏ”. Cộng đảng thành hệ thống “Mafia Phong Kiến”. Tức là vừa làm ăn bất chính có võ trang, vừa có quyền hành chính trị “cha truyền, con nối”. Nhà nước do đảng độc quyền lãnh đạo, đương nhiên phải tạo ra một hệ thống luật pháp để đáp ứng với nhu cầu độc quyền của mình, nhằm làm giầu của đảng và tham nhũng của đảng viên. Chỉ có như vậy mới giữ nổi đảng viên, mới bảo vệ, và phát triển được đảng quyền và chế độ.
Theo giáo sư Tương Lai, nguyên viện trưởng Viện Khoa Học Xã Hội cho ý kiến với biên tập viên Mạc Lâm, đài RFA về lời kêu gọi của Nguyễn Phú Trọng như sau: “Với tư cách là đảng viên hơn 50 năm tuổi đảng rồi, tôi rất mừng nếu ông tổng bí thư nhận ra được điều đó. Vấn đề đặt ra là tìm giải pháp nào để chỉnh đốn đảng. Nếu tự phê bình, tự chỉnh đốn mình thì tôi không tin lắm, việc tự phê bình đó, nếu không có một cơ chế vận hành để hỗ trợ và làm áp lực. Nếu anh không tự chỉnh đốn thì anh bị gạt đi. Tạo ra một cơ chế ấy thì mới chỉnh đốn đảng được. Nếu như chỉ kêu gọi hãy thế này, hãy thế nọ thì tôi cho rất vô duyên”. Ông nhấn mạnh: “Một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho đảng càng ngày càng mất uy tín trong dân chúng, là việc các vị nắm quyền trong tay, quyền hành rất lớn để mà tham nhũng”. Gs Tương Lai đặt thẳng vào vấn đề thực thi Dân Chủ, mà Nguyễn Phú Trọng không hề dám nhắc tới. Theo ông: “Giải pháp đó là phải thật sự mở rộng dân chủ. Tạo nên một cơ chế phê bình mạnh mẽ. Đối thoại mạnh mẽ. Tranh luận mạnh mẽ. Phản biện mạnh mẽ, không chỉ riêng trong đảng, mà còn trong xã hội nữa. Phải dùng áp lực của xã hội tác động vào đảng, để đảng tự chuyển biến”. Nói như vậy có nghĩa là phải có Tự Do Ngôn Luận. Tự Do Chính Đảng. Tự Do Tôn Giáo. Tự Do Nghiệp Đoàn. Bốn điểm đại kỵ đối với Việt cộng.
Chính vì không dám thực hiện dân chủ hóa chế độ với toàn dân, nên trong bài phát biểu bế mạc đại hội hôm 31/12/2011, Nguyển Phú Trọng cho biết: “Hội nghị đã có gần 400 lượt ý kiến phát biểu. Hội nghị đã thảo luận và quyết định ban hành Nghị Quyết để lãnh đạo, chỉ đạo kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2020. Các đại biểu cũng thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Nghị Quyết của Trung Ương về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay” với 3 nội dung trọng yếu:
1- Ngăn chặn, đẩy lui tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của các bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là các bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
2- Xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đấp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
3- Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là cấp bách nhất”.
Với gần 400 lượt ý kiến phát biểu, chẳng biết có ý kiến nào giống với ý kiến của Gs Tương Lai hay không? Nhưng với 3 nội dung của Quyết Nghị, thì cái Trung Ương Đảng cường quyền tham nhũng này, chỉ làm việc lấy lệ, làm việc cho có. Chứ bảo “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viện, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và ông Trọng còn đòi: “Sự gương mẫu của Trung Ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy Viên Trung Ương Đảng. Ủy viên Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư tự giác, gương mẫu làm trước, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi. Nêu gương những người tốt, việc tốt, ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tham nhũng lãng phí”. Đây đúng là sự đòi hỏi không tưởng, của một kẻ không tự nhìn lại bản chất của mình và đồng đảng của mình. Hoặc là đã tự cảm nhận được tương lai đen tối của mình và của đảng sắp tới gần, nên nói sảng.
Theo giáo sư Chu Hạo: “Nếu như đảng không gương mẩu trong chuyện thượng tôn pháp luật thì cái niềm tin ấy không còn. Nếu niềm tin trong lòng dân không còn thì tính chính đáng của sự lãnh đạo của đảng không còn nữa”. “Người dân mọi thành phần vẫn ước ao được sống trong một xã hội bình đẳng và thượng tôn luật pháp trước khi nói tới những thành tựu có tính tuyên truyền hơn là mơ ước thực sự của họ. Nếu đảng Cộng sản Việt nam thật sự muốn chỉnh đốn để tiếp tục lãnh đạo đất nước thì con đường duy nhất là đảng phải xem luật pháp cao hơn Đảng”. Nhưng xin hỏi thực, thứ luật pháp đó là thứ luật pháp nào?. Luật pháp do cộng đảng làm ra và đang được thi hành tại Việt nam là loại Luật Tùy Tiện Phi Pháp. Nó là thứ “Luật Pháp Hóa” những hành vi trấn áp toàn dân, vi phạm nhân quyền. Làm phương tiện để cho tham nhũng tồn tại và phát triển. Vậy bảo Đảng phải đứng dưới luật pháp do chính đảng cộng sản tạo ra, nhằm làm công cụ khống chế toàn dân, độc quyền lãnh đạo nhà nước, toàn quyền tham nhũng, qua các công ty quốc doanh. Nếu vậy thì cũng như không! Còn bắt cộng đảng phải tuân hành theo Luật Dân Chủ Trọng Pháp, đúng với nhu cầu toàn dân, thì ở Việt nam chưa có. Nếu có thì lập tức Đảng và chế độ độc tài Việt cộng phải ra đi. Đây mới chính là mối lo của Nguyễn Phú Trọng. Nhưng đó là lẽ tất yếu của lịch sử nhân loại và cũng là cuộc vận động lịch sử của dân tộc Việt nam sẽ phải đến.
LÝ ĐẠI NGUYÊN
Little Saigon ngày 3/1/2012.
.
.
.
No comments:
Post a Comment