Sunday, January 22, 2012

PHẢI LÀM GÌ CHO THỜI KHẮC LỊCH SỬ ? (Le Nguyen, Danlambao)



23-1-2012

Trong năm qua, thế giới có nhiều biến động từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến xã hội làm chấn động toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình Việt Nam, nhất là biến động chính trị hay nói rõ hơn là biến cố mùa xuân Ả Rập ở Bắc phi, Trung Đông đã đánh tan những thể chế độc tài, những chế độ phản động, phản tiến hóa đi ngược lại hướng văn minh của loài nguời, chúng cướp quyền lực nhà nước, cai trị nhà nước bằng bàn tay sắt, với súng đạn dùi cui, công an mật vụ, nhục hình tra tấn, thủ tiêu ám sát lẫn ngục tù khắc nghiệt và các chế độ bạo ngược tưởng chừng như muôn năm trường trị không thể đánh bại. Thế nhưng tất cả đều đã, đang diễn biến theo hướng hòa bình hoặc lần lượt sụp đổ trước sức mạnh cách mạng của người dân bị trị, bị đẩy đến bước đường cùng, không còn chọn lựa nào khác là phải vùng lên lật đổ cường quyền, giành lại quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Từ đó mùa xuân Ả Rập, hương thơm hoa lài đã thổi sang Nga, một nước “chia tay” độc tài cộng sản từ thế kỷ trước, đang manh nha hình thành, tái lập một hình thức độc tài cộng sản không cộng sản dưới vỏ bọc dân chủ do ông Putin trùm tình báo Sô Viết KGB lãnh đạo, khuynh loát nền chính trị dân chủ non trẻ của xứ Nga, một nước từng được tuyên xưng là cái nôi của cách mạng vô sản toàn thế giới, là thành trì kiên cố của phe xã hội chủ nghĩa.

Tuy thế, với cơ chế dân chủ, chính thể dân chủ còn nhiều khiếm khuyết của nước Nga đã tạo điều kiện cho người dân tràn xuống đường, cất lên tiếng nói ngăn chận âm mưu gian manh trong bầu cử như nó đã từng hiện hữu trong nhà nước độc tài cộng sản, theo bản chất dối trá của nó vốn có. Trước phản ứng quyết liệt của người dân thể hiện quyền làm chủ của mình, ông Putin kẻ nắm quyền lực chính trị của nước Nga hậu cộng sản, có nguồn gốc cộng sản đại diện cho đảng cầm quyền, không dám manh động, không dám sử dụng bạo lực cộng sản trấn áp như đã từng có trong thời xây dụng xã hội chủ nghĩa, tiến lên thiên đường cộng sản, phải buộc lòng lên tiếng xoa dịu phẫn nộ cũng như phải mở ra hướng đối thoại với người dân theo cơ chế, theo cách tổ chức cai trị dân chủ của chính thể dân chủ,   của bọn tư bản giãy chết đã thực hiện thành công trong tổ chức cai trị, quản trị nhà nước thời hiện đại. Diễn biến hòa bình đang thắng thế và thể chế chính trị dân chủ Nga dần hoàn thiện bởi chính người dân Nga, đấu tranh bảo vệ nền dân chủ non trẻ của mình, sau nhiều thế hệ quằn quại dưới ách xích xiềng bạo ngược của độc tài cộng sản.

Hương thơm hoa lài cũng tràn xuống Miến Điện (Myanmar) một nước trong vùng Đông Nam Á, một nước độc tài quân phiệt, nước láng giềng cai trị đất nước tàn bạo sắt máu không thua kém cộng sản Việt Nam, chúng cũng xây dựng quyền lực trên núi xương sông máu của dân lành vô tội, cũng cai trị dân bằng dùi cui súng đạn, công an mật vụ với nhà tù nhiều hơn nhà thương, trường học.

Những ngày gần đây, kể từ khi mùa xuân Ả Rập nổ ra chấn động thế giới khiến giới lãnh đạo kế tục của nhà nước Miến Điện đã có những động thái tích cực, thể hiện thực tâm hòa giải dân tộc không qua những lời kêu gọi suông mà bằng những hành động tự chuyển hóa ngoạn mục, chủ động diễn biến hoà bình như thuận theo lòng dân, nói không với “anh lớn”Trung Cộng ngừng xây dựng đập thủy điện Myitsone, cùng lúc ban hành lệnh trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, đúng hơn là trả tự do cho các tù nhân chính trị. Ngoạn mục, quyết đoán hơn cả là đảng cầm quyền cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi tái phục hoạt Liên Minh Toàn Quốc Vì Dân Chủ hoạt động công khai hợp pháp, cạnh tranh chính trị sòng phẳng với đảng cầm quyền. Tất cả, những việc làm của lãnh đạo Miến Điện, tổng thống Thein sein, thể hiện bản lãnh lãnh đạo chính trị có tầm vóc, đang từng bước hình thành các điều kiện cần thiết hướng đến dân chủ hóa nhằm thiết lập thể chế chính trị dân chủ và dù hệ quả, tàn tích của chế độ độc tài quân phiệt chuyển sang chính thể dân chủ của Miến điện còn là đoạn đường dài nhiều thử thách, chông gai phía trước nhưng nếu tất cả lãnh đạo nhà nước Miến điện, nhân dân Miến Điện đều e ngại, lo sợ bất ổn không bước tới thì bao giờ tới đích dân chủ hay lại phải luẩn quẩn trong vòng tròn khép kín của hô hào dân chủ tập trung, dân chủ mở rộng? Không đi sẽ không tới và dân tộc Miến Điện đã bắt đầu dũng cảm bước tới!

Mùa xuân Ả Rập, hương thơm hoa lài cũng lan tỏa sang “ngôi làng Ba Đình Việt Nam”, khiến cho các lý trưởng, cường hào hoảng hốt, bộc lộ thú tính như thường thấy, chúng hung hăng trấn áp điên cuồng, với đầu óc hạn chế của lý trưởng làng, chỉ biết cầm gậy chỉ huy nhưng tầm nhìn không vượt qua lũy tre làng xã hội chủ nghĩa và con trâu với cái cày Marx, Lenin, Mao, Hồ. Do đó, thay vì có phản ứng tích cực theo chiều hướng văn minh của nhân loại như Nga, Miến Điện đã làm nhằm tạo đà vượt thoát khỏi sức ỳ của lạc hậu chậm tiến, chúng lại gia tăng kìm kẹp, tăng cường bạo lực trấn áp như đã từng có trong đời sống của chúng nhưng lại làm ngơ cho bọn sâu dân mọt nước hoành hành hút máu nhân dân “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống hầm tai vạ” và chuyện gì đến ắt phải đến.

Thế cho nên, những trấn áp bạo lực tồn tại lâu dài của độc tài công sản đã gọi mời bạo lực nên những ngày cuối năm âm lịch bạo lực đối đầu bạo lực như tất yếu lịch sử “nơi nào có áp bức nơi đó có đấu tranh” đã nổ ra rất quyết liệt khắp nơi trên cả nước. Đỉnh điểm của hành động bạo lực đối đầu với bạo lực là mìn, súng hoa cải của kỳ tài đất Tiên Lãng, nông dân Đoàn Văn Vươn đã thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, kể cả đương kim lẫn cựu quan chức cộng sản. Cũng từ biến cố sử dụng bạo lực chống cường quyền chính đáng của Đoàn Văn Vươn, tuy vi phạm luật pháp nhưng được sự lên tiếng đồng tình, ủng hộ của số đông quần chúng nhân dân trên các phương tiện truyền thông cả lề đảng lẫn lề dân khiến tập đoàn lãnh đạo làng Ba Đình phải lùi bước, một dấu hiệu hiếm thấy từ trước đến nay của đảng cộng sản Việt nam.

Một dấu hiệu lùi bước khác nữa của cộng sản liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp là vụ án “lập quỹ trái phép” của nữ “anh hùng lao động” Trần Ngọc Sương, giám đốc Nông Trường Sông Hậu, một trong mười lăm phụ nữ xuất sắc nhất được trao tặng danh hiệu “phụ nữ ấn tượng của Châu Á-Thái Bình Dương năm 2002”. Bà Trần Ngọc Sương còn là con gái của nhà cách mạng lão thành Trần Ngọc Hoằng, một thiếu tá thuộc “quân đội nhân dân”, cũng được nhà nước trao danh hiệu “anh hùng lao động” có công khai phá bảy ngàn mẫu đất hoang hóa thành vùng nông nghiệp trọng điểm, kiểu mẫu điển hình cho vùng nông thôn mới cho cả nước học hỏi, làm theo đúng thật với nghĩa của nó.

Thế mà cả đời hy sinh, cống hiến tài năng, cả máu xương cho lý tưởng cách mạng trong đấu tranh cũng như trong xây dựng tổ quốc “xã hội chủ nghĩa” giàu đẹp dưới sự lãnh đạo của đảng, từ đời cha (ông Trần Ngọc Hoằng) đến đời con(bà Trần Ngọc Sương) đến gần cuối đời không chồng, không con, không có gia tài sự sản nào giá trị cho riêng bản thân, với nhiều bệnh tật đeo bám theo tuổi già, lại bị các đồng chí của bà ghép tội “lập quỹ trái phép” kêu án 8 năm tù giam. Bà Sương đã kháng án chống lại bản án phi lý dành cho bà bởi cái quỹ được gọi là lập trái phép không do bà lập ra, nó do người tiền nhiệm để lại và mục đích của quỹ phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng cư dân trong Nông Trường Sông Hậu, không phục vụ cho tư lợi, cho lợi ích cá nhân. Vụ án kéo dài nhiều năm không có dấu hiệu tích cực cho tương lai của bà ba Sương, tên gọi dân dã thân mật mà bà con nông dân giành cho bà, từ sơ thẩm kết án 8 năm tù giam đến phúc thẩm vẫn y án 8 năm và bà tiếp tục kháng án lên toà giám đốc thẩm.

Dường như các đồng chí của bà ba Sương không khoan nhượng, quyết tâm tống tù bà nên vẫn tiếp tục “điều tra làm rõ” chuẩn bị hồ sơ tố tụng đưa bà ra tòa giám đốc thẩm xét xử và khả năng y án như tòa sơ, phúc thẩm rất cao. Mãi cho đến khi biến cố súng, mìn của nông dân Đoàn Văn Vươn nổ ra gây chấn động cả nước khiến lãnh đạo làng Ba Đình buộc lòng chỉ đạo tay chân thuộc hạ đình chỉ mọi hoạt động tố tụng liên quan đến bà Trần Ngọc Sương. Có phải đây là bước lùi do tác động từ biến động Tiên Lãng của nông dân Đoàn Văn Vươn hay hương thơm hoa lài, mùa xuân Ả Rập của Bắc Phi, Trung Đông lan tỏa trong lòng dân tộc Việt Nam hoặc diễn biến hòa bình từ Nga, Miến bắt đầu ảnh hưởng đến nhận thức của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam?

Dõi theo những biến động chính trị trong cũng như ngoài nước việt Nam trong năm qua diễn ra khá nhanh, nhanh đến độ không ai tiên đoán hoặc nghĩ rằng nó xảy ra nhưng thật sự nó đã xảy ra. Do đó, dù đảng cộng sản Việt Nam muốn hay không muốn, dù hô hào chấn chỉnh, ngăn chận, chống thế nào đi nữa thì diễn biến hòa bình, tự chuyển biến tự chuyển hóa trong nội bộ đảng cộng sản, trong lòng dân tộc Việt Nam nhằm tiến đến, hướng đến dân chủ là không thể đảo ngược, làm nền cho kết luận, dân chủ hóa Việt Nam nhất định sẽ diễn ra theo hai hướng: một là lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam chủ động từng bước thực hiện dân chủ hóa như Nga, Miến đã làm; hai là người dân tự tổ chức tràn xuống đường làm cuộc thay đổi dân chủ như người dân Bắc Phi, Trung Đông.

Thế thì, biến động chính trị, xã hội trên thế giới của Bắc phi, Trung Đông, Nga, Miến Điện lẫn hàng loạt biến động chính trị, xã hội trong nước Việt Nam trong năm qua báo hiệu diễn biến dân chủ sẽ diễn ra theo hướng số một hay hướng số hai đều phải có chuẩn bị thích hợp và những hạt nhân dân chủ, những người đấu tranh tiên phong, những ai còn nặng lòng với tương lai đất nước dân tộc phải làm gì để góp phần nhỏ bé của mỗi người cho thời khắc làm nên lịch sử của dân tộc Việt Nam? Đây là việc cần kíp cần vận dụng trí tuệ suy nghĩ của nhiều người, kể cả thảo luận chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu dân chủ hóa bám sát hai hướng diễn biến dân chủ theo cách xuống đường làm cuộc thay đổi như Bắc Phi, Trung Đông hoặc theo cách lãnh đạo quyền lực nhà nước tự chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ trong hòa bình như Nga, Miến Điện. Hãy cùng nhau suy nghĩ, hành động cho dân chủ bởi dân chủ vì dân chủ theo khả năng giới hạn vốn có của mọi người, nhất định sẽ thành công!


.
.
.

No comments: