Monday, January 16, 2012

ĐÔI LỜI NHẮN NHỦ VỚI GSTS VĨNH SÍNH (Lê Quốc Trinh)



Lê Quốc Trinh
Thứ Ba, 17/01/2012

Đôi lời nhắn nhủ với GSTS Vĩnh Sính

Tình cờ đảo mắt qua những bài vở trong Dân Luận năm ngoái tôi đọc được một bài viết của anh Vĩnh Sính nói về tính kiên cường quả cảm của người dân Nhật sau hai trận thiên tai động đất và sóng thần đi đến sự sụp đổ của nhà máy nguyên tử Fukushima, hồi tháng ba 2011. (Ref: Từ động đất và sóng thần, suy ngẫm về đặc trưng của văn hoá Nhật Bản, 30/03/2011)

Giáo sư Vĩnh Sính - Giáo sư danh dự (Sử học), Đại học Alberta, Canada

Anh Vĩnh Sính là bạn tôi trong Hội Việt Kiều Yêu Nước tại Canada, anh hoạt động ở Toronto còn tôi thì ở Montreal thời kỳ 1973-1987. Trước khi đến Canada anh đã là du học sinh tại Nhật, đậu bằng TS và Giáo Sư đại học. Tôi ít liên lạc với anh nhưng được biết anh đạt được nhiều thành quả ở trong nước qua công trình giới thiệu thành phố Hội An cho thế giới du lịch.

Bài này tôi viết nhằm mục đích nhắc anh nhớ lại một chuyện xảy ra gần đây liên hệ đến những dự án hạ tầng cơ sở do Nhật Bản viện trợ và thiết kế cho Việt Nam. Nhân chuyện đường hầm hiện đại Kim Liên (Hà Nội) bị ngập lụt ngay sau buổi khai trương cắt băng khánh thành (10/2009), nhà thầu Việt Nam viện cớ chưa sửa soạn máy bơm kịp cho sự cố, tôi mới viết một bài phản biện (trên BVN) vạch trần mánh lới nhà thầu sử dụng người dân như cái bung xung để làm áp lực tài chính với Nhà Nước. Vì lẽ trong suốt hai năm sửa soạn, xây dựng công trường, họ phải đào một cái hố sâu để làm đường hầm, do đó vì mưa bão liên tục (trận đại hồng thuỷ ở Hà Nội năm 2009) nhà thầu đương nhiên phải sử dụng thường xuyên nhiều máy bơm để thoát nước. Tôi cũng hiểu rõ tính chất "mafia" trà trộn trong thế giới xây dựng của Nhật mà lo ngại cho những công trình tại Việt Nam. Đó là lý do mà tôi đã E-Mail với anh Vĩnh Sính đề nghị anh chuyến dịch bài phản biện (đăng trên trang mạng BauxiteVN, 10/2009) ra tiếng Nhật để nhờ dư luận Nhật theo dõi làm áp lực ngõ hầu bảo đảm an toàn cho người dân Hà Nội.

Qua kinh nghiệm tôi tham gia nhiều dự án bạc tỷ ở Canada, thì mafia không có nghĩa là "xã hội đen" như mọi người lầm tưởng. Trong lĩnh vực xây dựng mafia ám chỉ những thế lực chính trị nấp sau các công ty đại gia hay nghiệp đoàn công nhân để làm áp lực "đen tối" nhằm chia chác lợi nhuận bằng những thủ đoạn mờ ám. Phương thức thông thường là hạ giá trị đấu thầu thấp nhất để giành giựt giao kèo, nhưng sau khi ký kết thì trở mặt tìm đủ mọi hình thức để rút tỉa ngân sách, cản trở tiến độ công trình, đi đến cắt ruột công trình, giảm thiểu chất lượng hay số lượng vật tư, gây nhiều tai nạn lao động, hoặc phá hỏng công trình. Nguy cơ này thường thấy xuất hiện trong những công trình hạ tầng cơ sở ở Việt Nam gần đây. Điều này làm tôi lo ngại cho an toàn công cộng, trước hết là an toàn lao động của đội ngũ công nhân.

Tuy nhiên lời từ chối dịch thuật của anh lúc đó làm tôi thất vọng. Cho đến khi nhà máy nguyên tử năng Fukushima bị động đất và sóng thần tàn phá tan hoang, nhiều thông tin lộ rõ những sai lầm thiết kế và xây dựng của nhà máy, trong đó nhà thầu Nhật chịu trách nhiệm không ít. Rồi đến khi chính phủ Việt Nam ngỏ lời yêu cầu Nhật Bản viện trợ DOA, thiết kế, quản lý để xây hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tôi đã từng viết thư ngỏ phản đối ngay. Gần đây khi dân chúng Nhật xuống đường biểu tình phản đối chính phủ Nhật tham gia vào dự án Điện Hạt Nhân cho Việt Nam, vì họ hiểu rõ hiểm hoạ khôn lường của công trình này, mà nhân sự là yếu tố quyết định hàng đầu, thì tôi thực sự thở phào. Ít ra dân chúng Nhật còn có lương tâm của một dân tộc văn minh, họ tự động phản kháng để tránh một hiểm hoạ cho dân tộc Việt Nam trong tương lai, thành thật cám ơn những người bạn Nhật.

Đến công trình xây Đường Hầm Thủ Thiêm (SaiGon), báo chí tường thuật có quá nhiều lỗi lầm khuất tất trong khâu xây dựng, lắp ráp, mà mối nguy cơ thấm nước sẽ đe dọa dân SaiGon trong thời gian dài. Tôi cũng đã có ba bài đăng trên BauxiteVN và báo Người Việt online để gióng lên tiếng chuông báo động. Tôi cũng không ngờ rằng công trình Đường Hầm Thủ Thiêm do kỹ sư Nhật thiết kế chỉ được họ bảo hành trong thời gian ngắn ngủi một năm mà thôi. Đến nước này thì mối lo ngại của tôi bắt ép tôi phải lên tiếng nhắn nhủ công khai với anh Vĩnh Sính trên các Trang Mạng, ít ra để báo động lần cuối với giới trí thức làm khoa học kỹ thuật ở hải ngoại nhưng tấm lòng còn một chút suy tư về đất nước. Tôi đành lựa chọn cách thức công khai này chính vì tôi biết nhiều trí thức hải ngoại chưa từng nếm mùi vị thực tiễn trong ngành xây dựng công nghiệp nặng, họ chưa hình dung nổi những nguy cơ ẩn tàng đe doạ môi trường sống, đến khi chuyện vỡ lở thì đành cúi đầu chấp nhận.

Để kết luận tôi muốn nhắn nhủ với anh Vĩnh Sính rằng: Nếu chúng ta thật tình đấu tranh cho lý tưởng yêu nước thì ngày nay đứng trước vận mệnh trôi nổi của tổ quốc chúng ta có thể nào nhắm mắt ngồi yên hay không, nhất là chúng ta trót mang thân phận người trí thức hải ngoại? Làm người trí thức đạt được bằng cấp cao như TSGS đã là khó, tôi vẫn biết thế, nhưng khó hơn nữa là ở lương tâm biết coi trọng sinh mạng an toàn của người đồng loại.

Người Nhật được thế giới khâm phục vì lẽ họ còn giữ được bản sắc nhân đạo của một xã hội văn minh, họ gặp nguy khốn qua hai cơn thiên tai khủng khiếp nhưng họ vẫn bình tĩnh dàn xếp chuyện nội bộ, không vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm.

Mong rằng dân tộc Việt Nam cũng sẽ thoát qua khỏi cơn bĩ cực khó khăn với Trung Quốc, nếu quả thực người trí thức yêu nước Việt Nam ở hải ngoại còn biết giữ vững hai chữ lương tâm trong tâm khảm.

Lê Quốc Trinh, Canada
15/01/2012

TB: Anh Vĩnh Sính có thể hồi âm tôi trên Diễn Đàn này nếu muốn. Sau đó tôi sẽ có một câu hỏi với anh về "Lá Thư của 14 vị nhân sĩ trí thức hải ngoại" gửi lên lãnh đạo Nhà Nước VN hồi tháng 09/2011
.
.
.

No comments: