Wednesday, January 25, 2012

ĐÔI LỜI CŨNG NGÔ BẢO CHÂU (Hahien)



Hahien
25/01/2012

Những ý kiến của NBC nếu được viết thành 1 bài viết độc lập để nói về quan điểm của anh đối với “chuyện phản biện” một cách chung chung, rằng theo tôi thì thế này thế nọ thế kia thì chắc là không có gì để bàn. Nhưng vì những phát biểu ấy của anh lại được báo Tuổi Trẻ đặt trong ngữ cảnh của những hoạt động phản biện rất cụ thể như “Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi” hay “Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước”, thì những phát biểu ấy của NBC sẽ được suy luận là có ngụ ý bình luận về những hoạt động phản biện cụ thể ấy.

Ví dụ như khi tôi nói một câu rằng: “chúng ta cần phải khách quan trong mọi vấn đề” một cách chung chung mà không đề cập cụ thể đến vấn đề gì thì chẳng ai bắt bẻ được tôi vì câu ấy quá đúng. Nhưng khi người ta hỏi mình về một sự kiện A, B, C mà tôi lại nói câu đó thì người nghe tất phải suy luận rằng những sự kiện ấy có liên quan đến điều tôi nói, rằng tôi đang ngầm chỉ trích ai đó là “thiếu khách quan” trong các sự kiện A, B hay C nọ.

Trở lại phát biểu của NBC rằng: “Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến…”, nếu chỉ là một câu phát biểu về cái sự “bàn luận” chung chung thì không có chuyện gì, nhưng nó lại là câu trả lời cho câu hỏi của Tuổi Trẻ rằng : ”Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này?” thì người đọc có thể suy luận rằng câu trả lời ấy của NBC là ngầm chỉ trích những người đã tham gia những “hoạt động phản biện” mà báo Tuổi Trẻ đề cập đến là chỉ hay bàn luận đến những chuyện mà họ không biết rõ, hoặc cho rằng họ chỉ hay “nêu ý kiến” mà chẳng có “hành động” gì cả.

Thực ra câu trả lời của NBC là lạc đề vì Tuổi Trẻ hỏi NBC về đánh giá của anh đối với “các hoạt động này” chứ có hỏi anh có hay bàn luận về điều này hay điều kia đâu mà anh trả lời là tôi thế nọ, tôi thế kia, và cũng chính vì “lạc đề” như vậy nên người ta lại càng suy luận rằng anh có thái độ vô cảm, đánh giá không cao hoặc quay lưng lại đối với “các hoạt động này”.

Có lẽ trong khi khuyên mọi người phải tỉnh táo thì NBC lại mất đi sự tỉnh táo cần thiết khi bị Tuổi Trẻ “khiêu khích” bằng câu: “Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội.”. Các chuyên gia ở các “lĩnh vực hẹp” mà thiếu tỉnh táo là rất dễ bị chạm tự ái bởi cái câu này. Đây là cách nói khích để tìm kiếm đồng minh. Người tỉnh táo thì sẽ từ chối trả lời những câu hỏi khiêu khích như vậy, hoặc có thể hỏi ngược lại rằng “xin anh (chị) cho tôi biết cụ thể “người ta” mà anh (chị) đang nói đến là ai và “người ta” nói câu ấy trong ngữ cảnh cụ thể nào thì tôi mới có thể bình luận.

Một người nổi tiếng như GS NBC thì mọi lời nói và hành động của anh đều có sức nặng nhất định. Vì thế nói thế nào, vào lúc nào, trong ngữ cảnh nào để người tốt được nhờ, kẻ xấu không lợi dụng được là sự kỳ vọng của những người yêu mến anh. Hẳn sự “đòi hỏi” này cũng không phải là quá sức anh.

Nếu NBC “cãi” rằng tôi phát biểu gì là quyền của tôi, ai suy luận thế nào là việc của họ, đừng có mà đòi hỏi tôi phải thế này thế nọ thế kia thì còn nói làm gì nữa, vì nếu anh chỉ là một gã vô danh tiểu tốt thì chẳng ai quan tâm đến việc anh nói gì, làm gì, chẳng ai thèm đòi hỏi cái gì cả.

Nhưng đằng này anh lại là GS NBC danh tiếng lẫy lừng thì phải khác chứ !

.
.
.

No comments: