Nhà văn Phạm Thị Hoài
Gửi cho BBC từ CHLB Đức
Cập nhật: 03:19 GMT - thứ ba, 17 tháng 1, 2012
Sau bài phỏng vấn với Giáo sư Chu Hảo về trí thức trong xã hội và hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, BBC nhận được nhiều bài viết đáp lời. Xin giới thiệu với quý vị bài của nhà văn Phạm Thị Hoài từ Berlin:
Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành
Đối lập trung thành tại Việt Nam là ai? Theo quan niệm của tôi, họ là những người không hài lòng với hệ thống chính trị trong nhiều vấn đề lớn, công khai phản biện và tìm giải pháp thay đổi trong phạm vi các vấn đề đó, nhưng không đụng chạm, hay tránh đụng chạm đến nền tảng tồn tại của hệ thống.
Họ gắn bó với hệ thống vì xác tín, vì thói quen hoặc vì không có, hay không biết đến lựa chọn nào khác. Họ góp phần tích cực xây dựng và duy trì hệ thống, và qua đó có địa vị, uy tín và những quyền lợi nhất định trong hệ thống. Mong muốn của họ là cải tạo hệ thống nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nó. Sự sụp đổ này đồng nghĩa với sự phủ định họ ở một số phương diện căn bản. Điều đó chắc chắn là đau đớn.
Họ thường là đảng viên Đảng Cộng sản, lực lượng chính trị duy nhất độc quyền cầm quyền và độc quyền xác quyết sự độc quyền của mình trong Hiến pháp Việt Nam. Giới hạn xa nhất mà họ có thể đi là thỉnh cầu Đảng của họ nhượng cho những lực lượng chính trị khác thuê vài mét vuông để ngụ cư trong lãnh địa mênh mông của Đảng mà hợp đồng thuê đương nhiên do Đảng soạn thảo. Như thế là đã quá nhiều hào phóng.
So với một số nhà đối lập trung thành đi trước, ông Chu Hảo còn đứng vững ở bên này giới hạn cho phép. Thay vì bị trừng phạt như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Hộ hay bị thanh lí như Trần Độ, bị vô hiệu hóa như Trần Xuân Bách, những người đã đặt ít nhất là một nửa bàn chân sang phía bên kia hoặc ở giai đoạn cuối đã đoạn tuyệt hệ thống, ông Chu Hảo còn được đảm đương những chức vị tuy không có thực quyền nhưng có một bục đứng để phát ngôn trong một không gian nhất định, còn được phép dấn thân vào những dự án tâm huyết chừng nào chúng chưa bị hệ thống coi là nguy hiểm, còn được xuất hiện như một nhân vật của công chúng chừng nào ông biết làm cho hình ảnh của mình giống một bông hoa cài lên ve áo chế độ hơn là một cái gai.
Ông cũng còn được yên ổn sau khi phát biểu trên những cơ quan truyền thông ngoại quốc như BBC hay RFA Việt ngữ, chừng nào ông vẫn đủ cảnh giác trước nguy cơ "các thế lực thù địch có thể lợi dụng" "thông tin sai lệch", như mới đây ông đã cảnh báo. Lê Công Định và Cù Huy Hà Vũ cũng phát biểu trên những cơ quan truyền thông này và họ đang ngồi sau song sắt.
'Trả giá mềm'
Đối lập trong một chế độ toàn trị tất nhiên là phải trả giá. Tuy những người cộng sản nổi tiếng về sự thanh trừng nội bộ trong chính hàng ngũ của mình không thua gì sự đàn áp kẻ thù bên ngoài, nhưng cái giá của đối lập trung thành chưa bao giờ cao chạm trần và có thể thỏa thuận, tùy ở tài mặc cả của những người trong cuộc và cũng tùy thời giá. Thời giá hôm nay, theo tôi, thuận lợi cho những người đối lập trung thành hơn hẳn các đồng chí của họ vài thập niên trước.
Cái giá duy nhất mà họ phải trả, như ông Chu Hảo phàn nàn, là tiếng nói phản biện của họ không có hồi âm. Tôi nghĩ, đó là một cái giá rất mềm, so với những ví dụ chúng ta được biết từ hơn nửa thế kỉ qua. Thay vì bị trừng phạt, bị thanh lí, bị vô hiệu hóa, họ chỉ không được đếm xỉa.
Dĩ nhiên không có chuẩn để so sánh nỗi đau tâm lí. Ở người không được đếm xỉa, nó có thể lớn hơn ở người bị trừng phạt.
Từng là một quan chức nhà nước tương đối cao cấp, dù chỉ ở một chức vụ không có nhiều quyền bính, ông Chu Hảo hiểu rõ hơn hàng chục triệu người, vì sao số phận của phản biện ở Việt Nam lại hẩm hiu như thế. Được hỏi, vì sao các trí thức phản biện chỉ phản biện khi đã về hưu, giải thích rằng khi đang còn chức quyền, “họ là con người của guồng máy đó nên phải tôn trọng những kỉ luật của guồng máy” đã được xác lập.
Tình thế thực ra quá rõ ràng. Hoặc là bạn đứng trong guồng máy và tôn trọng kỉ luật của nó, bạn chẳng phản biện gì hết và cũng không buồn nghe ai phản biện. Hoặc là bạn vẫn đứng trong guồng máy và thử giới hạn khoan dung của nó cũng như giới hạn chịu đựng của bạn, bạn hơi phản biện một chút và nó khạc bạn ra như một miếng đờm.
Hoặc là bạn tự nguyện ra khỏi guồng máy và xắn tay lên phản biện, nhưng xin đừng gửi về địa chỉ của guồng máy và cũng đừng trách nó dửng dưng với bạn. Với nó, bạn đã không còn tồn tại và bạn nên lấy đó làm mừng, đừng gửi gắm nốt phần đời vừa được giải phóng của bạn vào chính cái cũi đã nhốt bạn chừng ấy năm trời.
Ra khỏi guồng máy dễ hơn thoát khỏi hệ thống. Hệ thống bủa vây những người đối lập trung thành trong tư duy, trong diễn đạt, trong cả vốn từ vựng của họ.
Vì sao cùng một người, ở đây là ông Chu Hảo, vừa có thể phàn nàn rằng Việt Nam không có tầng lớp trí thức đích thực theo ông định nghĩa, tức những người có một số phẩm chất, trong đó nổi bật là năng lực tư duy độc lập, lại vừa có thể nhận định rằng cái giới trí thức (chưa có) đó tiếp tục cần đến sự lãnh đạo (có thực) của Đảng Cộng sản Việt Nam, như trong phát biểu mới đây của ông trên BBC?
Tôi xin thử một câu trả lời: nửa thế kỉ qua, hệ thống toàn trị của Đảng đã biến đổi thành công bộ nhiễm sắc thể của các đảng viên, “sự lãnh đạo của Đảng” đã ăn vào gen trong cơ thể họ và tự động phát tiết, trong cả những tình huống không phù hợp nhất.
Năm 2012 mở đầu với nhiều tin xấu: vụ bắt giữ nhà báo Hoàng Khương, vụ xung đột ở Tiên Lãng, vụ xét xử Lê Văn Luyện, những vụ xe cứ cháy người cứ chết từ cuối năm ngoái chưa dứt…
Với tôi, phát ngôn của ông Chu Hảo, rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”, là thông điệp tệ nhất. Nếu nó đến từ ông Đinh Thế Huynh, sếp tư tưởng đương chức của Đảng, thì tôi có chút cảm thông. Ông ấy cần công ăn việc làm, vì chắc chắn không được đâu mời làm trưởng thôn như Bộ trưởng Đinh La Thăng nếu mất chức, mà cũng không làm thơ hay như ông Nguyễn Khoa Điềm, người tiền nhiệm của ông hai khóa trước, để cuộc sống tiếp tục có ý nghĩa.
Hơn hai mươi năm trước, các nhà lãnh đạo tư tưởng Đông Đức cũng rất bế tắc khi bỗng nhiên không ai cần đến sự lãnh đạo của họ nữa. Nhưng thông điệp nói trên đến từ vị giám đốc, linh hồn và trụ cột của Nhà xuất bản Tri Thức, cái nôi quý giá cho những tác phẩm quan trọng của tri thức nhân loại có thể lọt lòng tại Việt Nam.
Tinh thần toát lên từ khối tri thức mà ông Chu Hảo tổ chức truyền bá bằng một sự dấn thân đáng khâm phục ấy là tình yêu, ý thức và khát vọng tự do, trước hết là tự do tư tưởng. Vừa cổ vũ cho tự do tư tưởng, vừa biện minh cho sự cần thiết của chiếc gông tròng vào cổ trí thức Việt Nam và đè nặng lên họ, khiến họ chỉ còn nhận thức độ cao trí tuệ bằng khoảng cách từ cổ xuống đất chứ không bằng khoảng cách từ đầu lên trời? Nghịch lí, những điều chỉ có ở Việt Nam, cũng không chừa ông Chu Hảo.
Nghịch lí ấy hẳn có tên khác, "biện chứng cách mạng", trong từ vựng chính thống. Không để ý tên tác giả, có thể nhầm phát biểu của ông Chu Hảo với phát biểu của nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN Lê Khả Phiêu đăng trên Quân đội Nhân dân hay phát biểu của đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà ông Chu Hảo thiết tha đặt kì vọng, vì cả ba ông đều sử dụng vô tư và vô trách nhiệm vốn từ vựng sáo mòn đang từng ngày làm tổ trong năng lực ngôn ngữ, công cụ và thành quả của tư duy, của cộng đồng.
“Đổi mới” thì luôn đi kèm “quyết tâm” như thuở nào và hai thứ này cộng lại luôn phải “triệt để và sâu rộng” cũng như "chỉ đạo" thì cần "quyết liệt", “sửa đổi” thì phải “căn bản”, “thực hiện” thì “nghiêm túc”; các “thảo luận” thì không tránh khỏi “thẳng thắn, dân chủ” và chỉ có cách "ưu tiên, mở rộng” chúng; “hạn chế, yếu kém” thì Đảng cần “khắc phục” và “chủ nghĩa cá nhân” thì cần “đấu tranh triệt để”.
Lại "triệt để" rồi. Có doping "triệt để" lên nữa và lên nữa cũng vô ích, nhờn ngôn từ không khác nhờn thuốc kháng sinh. Không một nội dung cụ thể nào có thể sờ được trong cái cẩm nang từ vựng chính trị lười biếng đó.
Nếu cách tư duy, cách diễn đạt, nếu ngôn ngữ chính thống này hoàn toàn thắng thế thì trong vòng ba thế hệ tới, sẽ không còn ai đọc và hiểu những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành.
'Lạc quan vô tận'
Nhiều người đối lập trung thành tin rằng mình phải đứng trong hệ thống, phải thuộc về nó mới có cơ hội thay đổi nó, hay ít nhất mới có điều kiện để “làm một cái gì đó có ích” như cách nói nôm na. Những cống hiến của ông Chu Hảo và nhiều trí thức đứng trong hệ thống nhưng đứng ngoài guồng máy đủ lớn để bỏ qua sự xỉa xói vô liêm sỉ từ phía những người thường xuyên đem họ ra dè bỉu, trong khi mình thì đóng tất cả các vai, từ vai em ngoan biết phận qua vai đàn anh đàn chị khinh bạc, chưa kể vai chỉ điểm, chỉ trừ vai bồi bàn trong đại tiệc thủ lợi khổng lồ của các cá nhân do hệ thống đẻ ra.
Và cũng đủ lớn để bỏ qua sự mạt sát bạt mạng từ những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng, những kẻ thừa khí phách để chê bai giới trí thức trong nước xu phụ quyền lực, trong khi mình thì chỉ thiếu một giọt can đảm để chính danh. Tôi kính trọng những cống hiến của ông Chu Hảo, nhưng không chia sẻ tọa độ chính trị của ông. Tôi cũng tin rằng những lựa chọn đối lập khác có thể có ích không kém, nếu không muốn nói là càng ngày càng cần thiết hơn.
Song mỗi lựa chọn đều là một thực đơn trọn gói chứ không phải một buffet trong tiệc đứng để ta lẩy riêng những món vừa miệng. So với các lựa chọn đối lập khác, vị đắng trong gói đối lập trung thành còn là ít hơn cả.
Tôi biết rằng mình đứng từ xa, không thể nhìn thấu những họa tiết đang từng ngày biến hóa trong bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam, nơi vài thập niên trước có nằm mơ cũng không thấy những cánh cửa đã mở của hôm nay. Những bước đi rất nhỏ, rất chậm, rất vất vả, đã gộp thành một chặng đường.
Tôi biết rằng từ một vị trí ưu đãi, không có gì để mất trừ hi vọng gặp lại quê hương và gia đình, mình dễ bất công hay dễ đánh mất sự cảm thông với những thỏa hiệp không tránh khỏi của những người phải tồn tại trong một chế độ toàn trị. Nhưng từ vị trí nào thì cuối cùng chúng ta cũng đứng trước câu hỏi phải làm gì với nó. Giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị là giúp nó tồn tại mĩ miều hơn.
Đến tận những ngày cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức, một số trí thức và văn nghệ sĩ hàng đầu của quốc gia này còn theo đuổi mô hình một chủ nghĩa xã hội nhân đạo. Họ cũng là những nhà đối lập trung thành, muốn cải tạo chứ không phá bỏ hệ thống.
Sứ mệnh không thành của họ, ở thời lịch sử sắp cáo chung, còn dễ định nghĩa. Chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam nay chỉ còn trên giấy tờ, trong sách giáo khoa và trong tâm tưởng của thế hệ những người từng coi nó là lí tưởng sống. Các nhà đối lập trung thành ở Việt Nam phải theo đuổi một chủ nghĩa xã hội hồng có bộ mặt người trên lí thuyết và đối diện với một chủ nghĩa tư bản đỏ có bộ mặt rừng rú trong thực tế. Sứ mệnh của họ là cải tạo hệ thống nào để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống nào, thật không dễ trả lời, chưa nói tới việc thực hiện.
Nhưng ông Chu Hảo là người lạc quan. Lạc quan vô tận. Tạp chí Xây dựng Đảng Xuân Nhâm Thìn này có bài “Tết đến rồi…!” của ông. Cứ từ từ, "tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước", như ông tuyên bố.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của nhà văn, nhà báo Phạm Thị Hoài, chủ nhiệm trang blog pro & contra, cựu chủ biên tạp chí Talawas. Tác giả đang sống tại Berlin, CHLB Đức.
.
.
.
No comments:
Post a Comment