Hà Huy Sơn
09/01/2012
Nhà nước pháp quyền có đặc trưng cốt yếu là quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Có thể so sánh để hiểu một cách đơn giản là nhà nước pháp quyền cũng giống như một công ty cổ phần. Trong đó, mỗi công dân là một cổ đông phổ thông có vốn góp và quyền biểu quyết như nhau. Hiến pháp là điều lệ hoạt động của công ty; Quốc hội là Hội đồng Quản trị công ty; Chính phủ là Ban Giám đốc điều hành; Hệ thống tư pháp là Ban Kiểm toán nội bộ công ty; Tòa án hiến pháp là Ban Kiểm soát của công ty.
Hiến pháp được xây dựng thông qua trưng cầu trực tiếp ý kiến của toàn dân, biểu quyết theo đa số; Điều lệ công ty cổ phần do các cổ đông phổ thông xác lập theo biểu quyết đa số.
Quốc hội do công dân bầu ra bằng bầu cử; Hội đồng Quản trị công ty do Đại hội cổ đông bầu ra. Quốc hội bầu ra Chính phủ; Hội đồng Quản trị bầu ra Ban Giám đốc điều hành. Quốc hội bầu ra Hệ thống tư pháp; Hội đồng quản trị bầu ra Ban Kiểm toán nội bộ công ty. Chánh án Tòa án hiến pháp do công dân bầu ra bằng bầu cử; Đại hội cổ đông bầu ra Trưởng ban Kiểm soát công ty.
Quyền lực của công dân được ghi rõ ràng bằng văn bản Hiến pháp. Hiến pháp là tối thượng, nhà nước chỉ được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp. Tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần không được vượt qua điều lệ của công ty. Để ngăn chặn việc các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp ban hành các văn bản pháp luật vi hiến và có hành vi trái với hiến pháp thì sẽ bị Tòa án hiến pháp phủ quyết, ngăn chặn. Nếu Chánh án Tòa án hiến pháp không thực hiện đúng hiến pháp sẽ bị công dân phế truất bằng trưng cầu ý dân. Cũng giống như công ty cổ phần Đại hội cổ đông có quyền sửa đổi điều lệ công ty, bãi bỏ các quyết định trái điều lệ công ty của Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm toán nội bộ, phế truất Trưởng ban Kiểm soát công ty và giải tán các ban này nếu có hành vi đi ngược lại lợi ích của đa số các cổ đông.
Không có nhân dân thì không có tổ quốc, do đó tội nặng nhất phải là tội phản bội nhân dân.
Các tội lật đổ chính quyền, tuyên truyền chống nhà nước phải được thay bằng tội chống lại Hiến pháp.
Thăng Long – Hà Nội, 07/01/2012
H. H. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.
No comments:
Post a Comment