Friday, January 13, 2012

NGƯỜI MỸ NGHĨ GÌ VỀ NGÀNH NHÂN VĂN ? (Faiza Elmasry, VOA)



Faiza Elmasry | Washington DC
Thứ Hai, 09 tháng 1 2012

Từ “nhân văn” thường để chỉ ngành học bao gồm ngôn ngữ, sinh ngữ, văn chương, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, triết học và tôn giáo. Số sinh viên theo đuổi các ngành nhân văn đã lên đến cao điểm tại Hoa Kỳ trong thập niên 1960, sau đó khuynh hướng này

Sinh viên Tim Clark đang học năm cuối tai đại học Amherst, một trường nhỏ chuyên về các môn nhân văn ở miền tây bang Massachusetts. Anh học cổ ngữ Latin, tiếng Hy Lạp và khảo cổ học. Anh cho biết nhờ những lớp học này mà anh không còn là một người của 4 năm về trước nữa. Anh nói:

"Tôi học những môn cổ điển. Nhờ môn lịch sử, tôi đã thay đổi cách suy nghĩ và cách nhìn vào thế giới. Lịch sử thực sự dạy cho tôi nhìn sự việc theo cách tựa như không có câu trả lời rõ rệt, mà là cố gắng nhận ra những thành tố khác nhau của một vấn đề. Trường nhân văn luyện cho ta trở thành con người có óc suy nghĩ phân biện và làm sao để phân tích các tài liệu."

Tuy nhiên anh Clark cho biết nhiều người không nhìn thấy lợi ích của việc theo đuổi các ngành nhân văn:

"Khi tôi cho mọi người biết môn học chính của tôi là nhân văn, nhiều người hỏi là tôi sẽ làm gì với ngành đó? Họ nói tất cả những gì mà tôi được giảng dạy không liên quan gì đến thế giới hiện đại!"

Bà Carolyn Martin là viện trưởng (hiệu trưởng) đại học Amherst, phát biểu:

"Chắc chắn có thêm nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học và công nghệ là điều rất cần thiết, nhưng ngành học về văn hóa huấn luyện khảø năng viết lách giỏi, cách suy nghĩ thấu đáo và cách giao thiệp, xử sự khôn khéo với mọi người cũng quan trọng không kém."

Trước đây bà Martin là viện trưởng đại học Wisconsin tại Madison. Bà cho biết trong công việc trước đây, bà cảm thấy bị nhiều áp lực phải bênh vực tầm quan trọng của ngành nhân văn. Năm nay bà làm việc trong một hội đồng Hàn Lâm Hoa Kỳ về Nghệ Thuật và Khoa Học, một tổ chức đang duyệt xét vấn đề này. Bà nói :

"Theo tôi nghĩ, chúng ta cần đến tất cả mọi lãnh vực của kiến thức, không những cần được tài trợ đầy đủ, mà còn cần phải bảo đảm là tất cả giới trẻ có được những kỹ năng căn bản liên quan đến mỗi một bộ môn trong các lãnh vực khác nhau."

Không phải ai cũng cảm nhận như vậy. Lấy ví dụ, vào tháng Mười năm ngoái, thống đốc bang Florida nói tiền thuế của tiểu bang cần phải được dùng để đẩy mạnh bộ môn khoa học và các ngành học về công nghệ cao, chứ không ”đào tạo thêm người để rồi họ không kiếm được việc làm trong ngành khảo cổ.” Vì chính phủ tiểu bang kiểm soát gần 2/3 ngân sách tài trợ cho các trường cao đẳng và đại học, sự ưu ái hay coi thường của chính phủ tiểu bang đối với các bộ môn nhân văn có thể ảnh hưởng đến tương lai của toàn bộ khoa nhân văn.

Ông Travis Reindl, phát ngôn viên cho hội các thống đốc toàn quốc, đưa ý kiến:

"Theo tôi vấn đề quan trọng ở đây là những loại chứng chỉ, bằng cấp gì mà các tiểu bang thực sự cần đến để thỏa mãn nhu cầu kinh tế của các bang trong hiện tại cũng như tương lai."

Điều này giúp các bang sắp xếp các ưu tiên cho ngành giáo dục cấp cao sao cho phù hợp với phát triển kinh tế. Ông Reindl cho hay hội các thống đốc không khuyến nghị các chính phủ tiểu bang cắt tài trợ cho các ngành học nhân văn. Ông nói tiếp:

"Không phải là nhân văn hay khoa học. Theo tôi cái công tác và thử thách mà chúng ta phải khắc phục là phải có sự cân bằng đúng mức. Chúng ta phải có những kỹ sư và các khoa học gia viết giỏi, nói giỏi, biết cảm nhận những cái hay, cái đẹp của sự khác biệt trong các nền văn hóa và nơi mỗi cá nhân, có thể làm việc với mọi người để đạt kết quả hữu hiệu, cho dù là người trong nước hay người nước ngoài trên khắp thế giới."

Nhưng theo ông Reindl, để sao cho vẫn bắt nhịp được với thời đại và tránh được nhát kéo của việc cắt giảm ngân sách, các bộ môn nhân văn cần phải chỉnh đốn lại:

"Lấy ví dụ chúng ta có thể thiết lập các chương trình đối tác giữa các đại học, để xem coi ban giảng huấn các trường có thể chung nhau tổ chức một số các lớp và các chương trình hay không. Chúng ta có thể dạy một số chương trình theo cách hàm thụ để sao cho những chương trình đó vẫn được tiếp tục mà vẫn phù hợp với ngân sách hạn hẹp trên thực tế."

Ông Richard Freeland, Ủy viên đặc trách giáo dục bậc cao học bang Massachusetts đưa ra một đề nghị khác. Ông khuyến khích sinh viên học các môn nhân văn để mở rộng tầm chú ý đến những điều hấp dẫn.

Ở bậc cử nhân, sinh viên có thể chọn hai ngành chính hay kết hợp một chính, một phụ. Sinh viên cũng có thể học một loạt các lớp về kinh doanh hay sức khỏe và khoa học, hay sư phạm, đồng thời cũng có nhiều môn học trong chương trình của nhà trường để họ thăm dò một số môn nhân văn nào mà họ thích.

Ông nêu lên rằng những sinh viên tốt nghiệp khoa nhân văn có thể áp dụng hiểu biết của họ vào những lãnh vực khác thiên về kỹ thuật nhiều hơn:

"Lấy ví dụ, trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, kỹ năng ngôn ngữ, sinh ngữ hết sức quan trọng trong các lãnh vực như doanh nghiệp, công nghệ, khoa học y tế. Các chương trình giảng dạy Anh ngữ, môn dạy về cách viết về kỹ thuật và cách viết thực dụng đã được giảng dạy tại các trường đại học trên khắp nước. Trong ngành âm nhạc, một số các trường đại học đã triển khai những chương trình về công nghệ âm nhạc cho những sinh viên yêu thích nhạc nhưng không đủ tài kiếm sống bằng nghề trình diễn."

Ủy viên Freeland cho biết, tìm ra cách áp dụng vào thực tế có thể giúp ngành nhân văn sống còn trước sự lấn lướt mới của công nghệ và chứng minh rằng học hỏi về đạo đức, về các giá trị và học lối suy nghĩ bằng đầu óc phân biện vẫn rất hợp tình hợp cảnh trong thế kỷ thứ 21.

.
.
.

No comments: