Phạm Hồng Sơn
25-1-2012
Đoàn kết luôn là một khát khao hệ trọng của mọi lực lượng, thế lực muốn có sức mạnh tối đa, bất kể ác hay thiện, thần thánh hay ma quỉ. Nhưng có thể thấy có bao nhiêu con người, đoàn thể khác nhau, có bao nhiêu lực lượng, sức mạnh khác nhau thì cũng có thể có bấy nhiêu loại đoàn kết với những nền tảng, mục đích khác nhau.
Với đoàn kết, cả một dân tộc có thể thoắt biến thành một khối thành đồng trước sự tấn công, uy hiếp của ngoại bang. Nhưng cũng nhân danh đoàn kết, người ta có thể khiến cả một dân tộc anh hùng phải im lặng, cúi đầu trong kiếp đọa đầy, nô lệ. Bằng đoàn kết, người ta có thể thu hút, qui tụ được những tài năng, khả năng khác hẳn nhau thành những sức mạnh vô song cho tiến bộ. Nhưng cũng bằng đoàn kết, người ta có thể gạt bỏ, thủ tiêu mọi ý kiến khác biệt thậm chí cả sinh mạng của những người, những cộng đồng có tiềm năng sáng tạo xuất chúng nhất.
Vậy có một nền tảng nào khiến cho mọi người có thể đoàn kết, chia sẻ, gắn bó với nhau ở mọi lúc, mọi nơi? Có giá trị nào làm nền tảng khiến cho sự đoàn kết không thể trở thành cưỡng bức, đồng lõa hay làm bình phong cho những lầm lạc, tội ác? Có nền tảng đoàn kết nào có thể tập hợp được sức mạnh, tiềm năng của tất cả mọi người nhưng không đe dọa tới sự khác biệt, tính riêng tư, khả năng độc lập của mỗi cá nhân? Có giá trị nào có thể giúp con người có thể đoàn kết nhưng không biến họ thành con tin của đoàn kết?
Lòng yêu nước ư? Cũng có thể, nhưng lòng yêu nước không chỉ hạn hẹp bởi biên giới quốc gia mà cái ác cũng có thể vận dụng được lòng yêu nước. Sự căm thù độc tài, cường quyền ư? Cũng có thể, nhưng một sự đoàn kết chỉ để lật đổ cường quyền, độc tài cũng có thể được dùng để dựng lên một cường quyền, độc tài khác. Hay sự căm ghét bất công? Cũng có thể, nhưng lòng căm ghét bất công vẫn có thể lẫn với những nhỏ nhen, tỵ hiềm.
Có lẽ không thể có nền tảng nào tốt hơn, vững chắc hơn, an toàn hơn và phổ quát hơn cho đoàn kết của con người bằng chính phẩm giá con người – đã được cụ thể hóa bằng nhân quyền – các quyền con người. Và có lẽ nhân quyền không chỉ nên là nền tảng cơ bản nhất, bao quát nhất cho mọi đoàn kết của con người mà còn là mục đích tối hậu của loài người, trừ phi con người không còn muốn là con người nữa.
Có thể nhiều người trong chúng ta đã không thể lầm lẫn bề ngoài hấp dẫn, lương thiện của những chủ nghĩa, những lãnh tụ với bản chất phi nhân của chúng nếu chúng ta trước đó đã biết, đã thấu hiểu rằng phẩm giá con người không thể tách rời những nhân quyền cơ bản – những tự do tối thiểu của con người về tư tưởng, về quyền được nói lên, được chia sẻ những gì mình nghĩ, về quyền được tự làm báo, tự xuất bản, v.v.
Có lẽ nhiều người, nhiều dân tộc chắc đã không thể bị đoàn kết, bị trói buộc với những thần tượng, những tổ chức thiếu nhân tính nếu người dân trước đó đã biết, đã hiểu được giá trị phổ quát của nhân quyền – những quyền mà tạo hóa đã ban cho mọi con người, những quyền không thể bị tước đoạt.
Nền tảng nhân quyền có lẽ cũng không chỉ giúp dỡ đi những chia cách địa lý, nguồn gốc, giai cấp, định kiến hay hận thù mà còn tạo thành những cảnh báo, những giới hạn an toàn cho những đoàn kết cục bộ, địa phương, tư lợi hay những đoàn kết tình thế của con người.
Kinh nghiệm của loài người đến nay cũng cho thấy lấy nhân quyền làm nền tảng cơ bản còn có thể đưa được sự đoàn kết của con người từ những vùng đất hạn hẹp của thân hữu, gia tộc, đảng phái, dân tộc tiến được gần hơn sự bao la của miền đất đại đồng mà không cần phải biết tới những “chuyên chính” hay “quá độ”.
Hiểu nhân quyền như giá trị nền tảng của đoàn kết cũng có thể giúp con người thoát khỏi những băn khoăn, lo lắng, hoảng sợ về mất đoàn kết khi phải đối mặt với chỉ trích, phản đối. Bởi tôn trọng nhân quyền đích thực và đầy đủ luôn đồng nghĩa với niềm tự hào rằng con người là loài vật duy nhất có khả năng phản biện và tự hoàn thiện qua phản biện.
Tuy nhiên, những suy tư, tranh luận về đoàn kết hay nền tảng đoàn kết vẫn có thể không dứt chừng nào con người còn lý tính. Nhưng đoàn kết sẽ là gì, sẽ đưa con người đi về đâu nếu nền tảng cơ bản nhất, bao quát nhất, sâu sắc nhất của đoàn kết giữa những con người với nhau không phải là nhân quyền?
© 2012 pro&contra
.
.
.
No comments:
Post a Comment