Nguyễn Tường Thụy
19/01/2012
Hôm nay, kỷ niệm 37 năm, ngày Hoàng Sa rơi vào tay quân xâm lược.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa ngày 19/1/1974 trước sự xâm lăng của Trung Quốc, 74 chiến sĩ thuộc quân đội Việt Nam cộng hòa đã ngã xuống. Hạm trưởng thiếu tá Ngụy Văn Thà đã tuẫn tiết khi không giữ nổi đảo.
Các Anh đã chiến đấu với lực lượng địch mạnh hơn nhiều lần, không được sự giúp đỡ của hạm đội 7 (Hoa Kỳ) đang ở gần đấy mặc dù Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa có yêu cầu.
Phía Trung Quốc từ đó trơ trẽn nói rằng đây là sự kiện “thu hồi lãnh thổ” để lấp liếm đi hành động xâm lăng của chúng.
Việc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam lập tức bị dư luận quốc tế phản ứng quyết liệt.
Ngay trong ngày 19/1/1974, Bộ ngoại giao Việt Nam cộng hòa ra tuyên cáo: “Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền và an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và an ninh của Đông Nam Á và toàn thế giới”.
Ngày 14/2/1974, Chính phủ Việt Nam cộng hòa ra tuyên bố: “Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa là một phần không thể cắt rời của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa”.
Ngày 20 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) ra tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam dân chủ công hòa tuyên bố: “Các nước liên quan nên giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và quan hệ láng giềng”.
37 năm qua, không biết tự khi nào, có lẽ từ ngày tôi hiểu ra thế nào là Tổ quốc và thế nào là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cứ đến ngày này, lòng tôi lại nhói đau.
Đau lắm chứ. Một phần đất đai của cha ông ta đã rơi vào tay quân xâm lược và không biết đến bao giờ mới đòi lại được. Nhưng sự hy sinh của Các Anh không phải là vô ích. Nó là tấm gương thôi thúc những người lính dũng cảm xông pha nơi trận mạc trong những cuộc chiến đấu giữ gìn bờ cõi sau này.
Xúc động lắm chứ. Các chiến sĩ Hoàng Sa, dù thuộc về thể chế chính trị nào đi chăng nữa, nhưng sự hy sinh của các Anh đều vì Tổ quốc, tự nguyện và thanh thản.
Có thể nói, khi các Anh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu của các Anh chẳng khác nào những chiến sĩ đã chiến đấu và ngã xuống Trường Sa 14 năm sau – ngày 14/3/1988.
Tinh thần ấy được hun đúc từ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam từ mấy nghìn năm nay. Mỗi người dân Việt Nam đều có quyền yêu nước và không ai được độc quyền đối với cái quyền thiêng liêng ấy.
Hàng năm, cứ nhớ đến ngày 19/1/1974, 17/2/1979, 14/3/1988, lòng tôi lại tràn ngập cảm xúc. Nhưng sao tôi cứ hay nghĩ nhiều hơn về những người chiến sĩ đã hy sinh trong Hải chiến Hoàng Sa? Bởi các Anh tuy nằm xuống nhưng Tổ quốc vẫn chưa có một việc làm nào để tôn vinh các Anh. Có chăng, các Anh mới chỉ sống trong tâm khảm của đồng đội, của những công dân hiểu được thế nào là Tổ quốc và ai là người chiến đấu vì Tổ quốc.
Một sự tôn vinh, ghi nhớ công ơn của các Anh sẽ có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực hơn rất nhiều những lời kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc. Mặt khác, còn có tác dụng khơi dậy tinh thần yêu nước của mỗi người Việt Nam trước hiểm họa xâm lăng của ngoại bang.
Xin bày tỏ lòng tiếc thương các Anh, những người lính đã bỏ mình trong khi thực hiện sứ mạng cao cả: BẢO VỆ TỔ QUỐC.
Trước những nấm mồ hoang cỏ lạnh, hay các Anh còn gửi xác ở đâu đó nơi biển cả, tôi thành kính thắp cho các Anh một nén hương với tất cả lòng tri ân.
19/1/2011
Tường Thụy
Tường Thụy
(Bài viết cũ chưa có trong blog)
------------------------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment