Nguyễn Văn Tuấn
Thứ tư, 25 Tháng 1 2012 01:29
Câu chuyện trí thức lại trở nên ồn ào trong không gian cyber. Có quá nhiều ý kiến mà tôi khó có thể theo dõi hết. Nhưng sự ồn ào chung quanh câu chuyện là một dấu hiệu cho thấy xã hội đang … thiếu trí thức, vì nói như anh Nguyễn Vạn Phú nếu có thì đâu có ai bàn thảo làm gì. Tôi sưu tầm được vài bài (không hẳn phù hợp với quan điểm của tôi), một số là do tác giả gửi, và post lại trên trang web này, trước là làm tư liệu (để sau này có dịp bàn), sau là chia sẻ cùng các bạn.
Bài thứ nhất của anh Giản Tư Trung, bàn về trách nhiệm xã hội của giới trí thức. Ngay từ đầu, anh theo định nghĩa ví von của Gs Cao Huy Thuần, người trí thức là người không để cho xã hội ngủ. Cách ví von này đọc rất vui nhưng cũng gần với thực tế. (Nó cũng giống như định nghĩa văn hoá của Gs Trần Ngọc Ninh: văn hoá là cái gì của mình khác người ta – tôi nhớ lõm bõm như thế, chứ không chính xác từng chữ). Một cách để người trí thức đánh thức xã hội là dùng hiểu biết và uy tín chuyên môn của mình để xác lập chuẩn mực xã hội và thúc đẩy phát triển xã hội. Có lẽ đây là loại trí thức công cấp II mà tôi có đề cập đến trong bài trước.
Bài thứ hai của “Lại nói về chuyện chữ Tâm của người trí thức” của tác giả Đào Tiến Thi đăng trên trang nhà của Ts Nguyễn Xuân Diện. Bài này thật ra là một “tham luận” và bàn thêm bài của Ts Nguyễn Thị Từ Huy. Tác giả nhận diện và phân biệt 4 hạng trí thức trong xã hội Việt Nam ngày nay. Hạng 1 là những người “trí thức thứ thiệt”, đau đáu với vận mệnh đất nước quê hương và sẵn sàng dấn thân, cho dù họ không được lòng của giới cầm quyền. Hạng 2 là những người cũng quan tâm đến đất nước và dân tộc, cũng bức xúc trước những bất cập của xã hội, nhưng họ không dám dấn thân. Thay vì dấn thân, họ co rút trong cái không gian và môi trường nhỏ bé là gia đình. Hạng 3 là những người không màn đến các vấn đề xã hội dù cũng có chút hiểu biết về chính trị, nhưng họ không lên tiếng, không có hành động, mà thay vào đó là thái độ xu nịnh và lo làm ăn vì quyền lợi kinh tế cá nhân. Họ là những người thiếu lập trường, không có niềm tin, nhưng lại rất hãnh diện về những học vị và học hàm (có thể là dỏm hay mua bán) của họ. Hạng 4 là những người cũng thông minh, nhạy cảm với thời cuộc, và sử dụng thông minh của mình để dèm pha người khác; họ là những con buôn chính trị. Nhưng theo cách hiểu của tôi thì chỉ có hạng 1 là những người trí thức thật sự, còn hạng 2, 3 và 4 thì ngụy trí thức là đúng hơn.
Bài thứ ba là của Lê Phú Khải, một tác giả mà tôi ái mộ từ lâu qua những bài phóng sự của anh về Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi vẫn còn một cuốn sách của anh, trong đó có nhiều số liệu quí. Bài này của anh LPK rất … gay gắt, nhưng có nhiều dữ liệu hay. Bài có tựa đề là “Trí thức, trí ngủ và trí trá”, đọc lên đã mang tính “chiến đấu” :-). Tôi thích những giai thoại anh kể trong bài này, như lúc cụ Hồ ngắt lời phi hành gia Gherman Titov và khuyên giới khoa học nên nghiên cứu những gì “là là dưới mặt đất” thôi, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khuyên các nhà toán học nên nghiên cứu toán ứng dụng. Là người làm về khoa học thực nghiệm, nên tôi có xu hướng nghiêng về các vấn đề mang tính ứng dụng. Nhưng kinh nghiệm tôi cho thấy nghiên cứu ứng dụng không dễ chút nào, nếu không muốn nói là rất rất khó. Có lần tôi viết rằng chúng ta cần nhiều nhà khoa học toán (mathematical scientists) hơn là nhà toán học (mathematician). Nhà khoa học toán không chỉ am hiểu toán mà còn là một nhà khoa học, biết làm thí nghiệm theo qui trình của phương pháp khoa học. Đó cũng là toán ứng dụng vậy. Nhưng tôi lại nghĩ nếu chúng ta có khả năng làm toán cao cấp thì cứ làm, không nên ngăn cản. Vấn đề là ưu tiên cho lĩnh vực nào trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Trong điều kiện hiện nay, nếu bạn có 20 triệu USD trong tay, bạn sẽ đầu tư vào việc xây một bệnh viện mới hoặc đào tạo 1000 bác sĩ chuyên khoa, hay để thực hiện những seminar về một lĩnh vực hẹp nào đó mà rất ít người hiểu được (chưa nói khả năng ứng dụng), thì bạn cho đầu tư cho lĩnh vực nào? Định ra ưu tiên là việc của nhà quản lí và cơ quan tài trợ, và điều này đòi hỏi sự sáng suốt (tầm) và đức (tâm) của Nhà nước.
Nhân bài của anh LPK, tôi nhớ đến một bài phân tích trước đây, tôi có so sánh 10 lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu của VN và Thái Lan qua con số ấn phẩm khoa học. Bảng số liệu dưới đây trình bày số ấn phẩn khoa học năm 2008 trên các tập san khoa học quốc tế của VN và Thái Lan. Mười ngành khoa học VN có ấn phẩm khoa học nhiều nhất tập trung vào các lĩnh vực lí thuyết và công nghệ thấp. Trong khi đó 10 ngành hàng đầu của Thái Lan là những lĩnh vực ứng dụng và công nghệ cao, có thể đóng góp trực tiếp cho kinh tế. Ngành vật lí và toán của Thái Lan thậm chí không nằm trong khoa học “top 10”, nhưng chúng ta biết thu nhập của người Thái Lan cao gấp ta ~9 lần.
Việt Nam | Thái Lan |
Vật lí (76) | Dược học (189) |
Y tế công cộng (69) | Công nghệ thực phẩm (168) |
Toán lí thuyết (66) | Công nghệ sinh học và vi sinh học (161) |
Y học nhiệt đới (54) | Sinh học phân tử và sinh hóa (150) |
Vật lí chất rắn (35) | Khoa học vật liệu (137) |
Khoa học môi trường (34) | Vi sinh học (130) |
Bệnh truyền nhiễm (33) | Khoa học môi trường (127) |
Vật lí ứng dụng (30) | Bệnh truyền nhiễm (127) |
Khoa học vật liệu (24) | Polymer (126) |
Kĩ thuật (21) | Kĩ thuật hóa học (121) |
Nhưng chúng ta đang bàn về trí thức, chứ không phải đầu tư cho khoa học! Ba bài tôi giới thiệu dưới đây cung cấp những quan điểm về thế nào là trí thức và vai trò của trí thức. Cái mẫu số chung mà ai cũng đồng ý là bằng cấp và chức vụ là điều kiện (có thể) cần chứ chưa đủ cho một người trí thức. Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu, có bằng cấp cao – dù là mua hay dỏm – không làm nên người trí thức. Những người có bằng cấp, chức danh, và tư cách mà không ưu tư với tình thế của đất nước, không quan tâm đến xã hội, không dám lên tiếng trước những bất công, chỉ lo vinh thân phì da, v.v. thì những kẻ đó không phải là trí thức. Tiếng Anh có một chữ để mô tả những hạng người như thế: idiot – kẻ ngu xuẩn. Triết gia Aristotle đã quan niệm rằng con người là những political animals (hiểu theo nghĩa những động vật sống trong một thành phố chứ không phải là những nhóm cô lập), và ông kết luận nếu kẻ nào không tham gia vào việc công thì kẻ đó chưa là những human – con người. Có thể chiếu theo quan điểm của Aristotle để phân định trí thức với idiot.
NVT
====
Bài 1:
Câu chuyện trí thức hay là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết?
Giản Tư Trung
Tôi cảm thấy học hỏi được khá nhiều từ những góc nhìn khác nhau về khái niệm trí thức đang được chia sẻ trên diễn đàn. Riêng tôi, từ một góc nhìn, tôi hiểu nôm na, trí thức là người có trí và không để cho xã hội ngủ. Nếu ai đó có “trí” nhưng lại để cho xã hội “ngủ” thì gọi là “trí ngủ”, chứ không phải là “trí thức”. Như vậy có 2 điều kiện để hình thành trí thức: “có trí” (sự hiểu biết) và “không để cho xã hội ngủ” (thức tỉnh xã hội).
Do vậy, bàn về trí thức thì cũng chính là bàn về trách nhiệm xã hội của những người hiểu biết (“hiểu biết” ở đây được tạm hiểu là hiểu biết hơn so với mặt bằng chung của xã hội về một vấn đề nào đó, một khía cạnh nào đó, một ngành nghề hay lĩnh vực nào đó). Tôi rất thích một câu nói của Einstein “Thế giới này là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả”. Câu nói này nói về trách nhiệm xã hội (trách nhiệm “làm người”) của một người bình thường đối với cái xã hội hay cái cộng đồng mà mình đang sống. Một người bình thường vô cảm thì đáng phê phán, còn một người có hiểu biết sâu sắc và được lắng nghe mà yên lặng thì còn đáng phê phán hơn. Một người bình thường còn có trách nhiệm xã hội như vậy, đối với những người có hiểu biết thì trách nhiệm xã hội này còn lớn hơn.
Nói cách khác, vai trò của những người có hiểu biết là: dùng sự hiểu biết (và cả uy tín) của mình để góp phần giúp cộng đồng phân định rõ hơn sự đúng-sai, phải trái, hay-dở, tốt-xấu, nên-không nên… trước những vấn đề chung mà xã hội đã, đang và sẽ gặp phải hay trải qua; dùng sự hiểu biết của mình để truyền bá tinh thần, tư tưởng, quan điểm… mà mình tin là cần thiết để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ; dùng sự hiểu biết của mình để góp phần xác lập những chuẩn mực xã hội, những thang giá trị xã hội, góp phần định hướng và định hình xã hội… Tất nhiên sự phân định, sự truyền bá, sự xác lập hay sự định hướng, định hình này cũng cần phải dựa trên cái chuẩn là những giá trị vượt không gian và vượt thời gian, những giá trị có tính phổ quát của thế giới đương đại. Và tất nhiên, để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thì người hiểu biết có thể nói, có thể viết, hay có thể làm gì đó. Vì làm một điều tốt cũng là cách gián tiếp góp phần đấu tranh tiêu diệt cái xấu; làm một điều đúng, cũng là cách gián tiếp góp phần chỉ cho người khác thấy những cái sai…
Không ai được phép độc quyền chân lý, nhưng ai cũng được quyền góp phần xác lập chân lý. Và chân lý thường không thuộc về số đông, mà thường thuộc về những người có hiểu biết, thường gọi là giới trí thức hay giới tinh hoa (và đôi khi chân lý tạm thời thuộc về “kẻ mạnh” bất kể sự hiểu biết và khả năng lắng nghe của họ như thế nào, bởi kẻ mạnh mà thiếu hiểu biết thì họ sẽ nắm giữ cả pháp lý lẫn đạo lý theo cách mà họ muốn để bảo vệ họ và quyền lực của họ).
Khi bàn về trí thức thì người ta thường bàn về vai trò của trí thức (thậm chí có người nói là thiên chức của trí thức). Tuy nhiên, cũng cần phải bàn về “điểm mù” của trí thức dù trí thức có cái trí hơn người. Bởi lẽ trí thức cũng là con người, mà đã là con người thì cũng sẽ có cái nhầm, có lúc sai mà mình không hề biết. Điểm mù ở đây được hiểu là “mình không biết cái mà mình không biết”. Khi chia sẻ, tranh luận hay góp ý sẽ giúp mỗi người nhìn thấy điểm mù của người và của mình. Khi nhận ra điểm mù của mình cũng là lúc “mình biết rõ cái mà mình không biết”; và khi nhận ra những “cái mà mình không biết” cũng là lúc cảm thấy mình thực sự hiểu biết. Do vậy, cùng với trách nhiệm “thức tỉnh xã hội” thì trí thức cũng có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh chính mình”, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình.
Ở những xã hội bình thường thì có lẽ vai trò của trí thức là hướng sự bình thường đến sự phi thường; còn đối với những xã hội mà còn đầy rẫy sự bất thường thì sứ mệnh lớn của trí thức chắc hẳn là góp phần đưa sự bất thường đó trở về sự bình thường. Nói cách khác, trong những xã hội mà sự bất thường đang bao trùm thì trách nhiệm của người trí thức còn nặng nề hơn (vì có quá nhiều cái cần phải thức tỉnh) và nguy hiểm hơn (vì không dễ dàng để làm chuyện thức tỉnh trong những xã hội này)…
Nhưng, nếu là người có hiểu biết thì không thể không làm gì cả, bằng cách này hay cách khác, dù nhỏ bé hay lớn lao, dù ồn ào hay lặng lẽ…
Vài dòng tản mạn cùng anh em.
Mồng 2 Tết Nhâm Thìn, 2012
Giản Tư Trung
--------------------------------------
Bài 2:
Lại nói về chuyện chữ Tâm của người trí thức
Đào Tiến Thi
Nhân chủ đề TÀI và TÂM mà TS. Nguyễn Thị Từ Huy nêu ra (Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 21-1-2012 (28 Tết), tôi muốn góp thêm một chút. Trong bài của chị Từ Huy (T.H), chữ “tài” và chữ “tâm” thực tế không phải là “tài” và “tâm” nói chung mà là “tài” và “tâm” của người TRÍ THỨC. Còn bài này chỉ bàn về chữ TÂM của người trí thức mà thôi.
Nhân chị T.H nhắc đến bài thơ Bán vàng của Nguyễn Duy, nên thay cho mở bài, tôi xin chép hầu quý độc giả một đoạn. (Tôi thuộc bài thơ này ngay khi nó đăng lần đầu ở báo Văn nghệ khoảng 1987 - 1988):
Tâm hồn ta là một khối vàng ròng
Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ
Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ
Mảnh này vì cha mẹ, em ta
Giữ ngọc gìn vàng biết mấy công phu
Ta giàu lắm mà con ta đói lắm
Ta vương giả mà vợ ta lận đận
Cha mẹ ta trong lụt bão trắng trời
Ta mơ màng, ta uốn éo, ta lả lơi
Để mặc kệ mái nhà xưa dột nát
Mặc kệ áo quần thằng cu nhếch nhác
Mặc kệ bàn tay mẹ nó xanh xao
Ta rất gần bể rộng với trời cao
Để xa cách những gì thân thuộc nhất
Nồi gạo hết lúc nào ta chả biết
Thăm thẳm nỗi lo, mắt vợ u sầu
Viên thuốc nào dành để lúc con đau
Vợ nằm đó xoay sở mần răng nhỉ ?
Cơn hoạn nạn bỗng làm ta tĩnh trí
Ngọn gió tha hương lạnh toát da gà
Cái ác biến hình còn lởn vởn quanh ta
Tai ách đến bất thần không báo trước
Tờ giấy mong manh che trở làm sao được
Một câu thơ chống đỡ mấy mạng người…
Nhân vật trữ tình ở đây là một nhà thơ, tức là người trí thức. Anh ta tự nhận “Tâm hồn ta là một khối vàng ròng” nhưng mà rồi “Đành đem bán bớt đi từng mảnh nhỏ/ Mảnh này vì con, mảnh này vì vợ/ Mảnh này vì cha mẹ, em ta…”
Thế mới biết cuộc mưu sinh nó ác lắm. Xuân Diệu cũng từng viết:
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
Bởi vậy, tuy tôi chia sẻ với nỗi bức xúc của chị T.H về lối sống thực dụng “sát sạt” của nhiều trí thức hiện nay, nhưng tôi vẫn nhìn ở sự thông cảm nhiều hơn.
Một ông giáo sư dù tài giỏi đến mấy thì cũng phải sống cuộc đời thường như tất cả mọi người, không phải là thánh. Cho nên, cái ông giáo sư mà chị T.H nói đến, theo tôi, cũng chưa chắc (chưa chắc thôi) đã là người xấu. Bởi vì tuy việc đọc nhận xét luận văn của ông có chế độ của nhà nước nhưng cái giá này quá bèo. Nếu đọc cho kĩ thì rõ ràng nó chẳng tương xứng tí nào. Cho nên theo lệ thường đã từ rất lâu rồi, bất cứ ai đưa đọc luận văn, dù luận văn cao học (thạc sỹ) hay nghiên cứu sinh (tiến sỹ) đều có khoản thù lao thêm cho thầy. Và tôi nghĩ thế cũng là chính đáng. Vấn đề là nhận thế nào cho phải chăng. Theo tôi, ông thầy không đòi hỏi, mà nếu trò có đưa nhiều thì nên trả bớt lại, nhất là với trò nghèo, và nhất là với trò nghèo mà lại giỏi. Càng không nên vì tiền nhiều tiền ít mà nhận xét sai lạc luận văn. Lương tâm là ở chỗ ấy, chứ không phải cứ nhận tiền là mất lương tâm. Tôi có mấy giáo sư dạy mình hồi làm thạc sỹ, sau này luôn động viên tôi đi làm tiếp tiến sỹ, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi ngại đi. Có lần trong bàn tiệc có nhiều giáo sư bậc thầy, một giáo sư bảo tôi: “Nếu chú mày đi làm tiến sỹ, các thầy ở đây đều hết sức giúp đỡ, không ai lấy tiền của mày đâu”. Tôi nghĩ đó là một thái độ thành thực, sòng phẳng và tốt bụng. Tôi có một anh bạn là phó giáo sư ở một viện nghiên cứu nọ, một lần nhân đề cập chủ đề này, anh bảo: “Mình vẫn thường nhận tiền thù lao đọc phản biện. Nhận tiền thù lao này không những không xấu mà còn chính đáng. Còn ông nào không thích nhận thì tùy, thì cũng tốt thôi. Nhưng mình không chấp nhận có một ông nọ không nhận nhưng lại cầm phong bì đến cơ quan để bêu riếu người học trò đó trước mọi người”.
Đối với các bác sỹ, tầng lớp mà bây giờ dư luận xã hội hay chê trách, nhưng tôi không thấy họ xấu đến như thế. Lương họ còn thấp hơn cả lương giáo viên, việc thì lại vất vả hơn giáo viên. Và cũng chẳng dễ có việc làm thêm như giáo viên. Vậy thì lấy lý do gì để đòi hỏi quá nhiều ở họ? Lấy lý do gì để áp đặt vào họ cái gọi là Y ĐỨC, trong khi lại chẳng áp đặt những cái khác, cần thiết hơn, thực thi hơn, như QUAN ĐỨC, LẠI ĐỨC, CẢNH SÁT ĐỨC,… Mỗi lần đến bệnh viện, tuy cũng không ít những việc làm tôi bực mình, nhưng tôi thấy thương các thầy thuốc nhiều hơn là sự khó chịu. Hai mươi chín Tết năm ngoái, tôi đến bệnh viện Hòe Nhai (Hà Nội) để hỏi về tình trạng bệnh của vợ tôi (đang điều trị tại nhà), bác sỹ Đ.N.L vẫn rất chu đáo giải thích tình trạng bệnh của vợ tôi, hướng dẫn cách dùng thuốc, cách ăn uống hợp lý,… Và tôi thấy xung quanh các bác sỹ, các y tá vẫn làm việc tất bật như ngày thường (trong khi hầu hết các cơ quan đã nghỉ Tết), khiến tôi rất cảm động.
Trên kia là phần cảm thông của tôi. Cảm thông về những người làm khoa học nhưng đồng lương không đủ sống, vẫn phải lo toan kiếm sống bằng cách khác để con cái không đến nỗi tủi thân thua thiệt, nhưng chính họ lại chịu sự xét đoán cao hơn mọi người.
Tuy nhiên, tôi cũng xét đoán người trí thức khắt khe hơn TS. Nguyễn Thị Từ Huy ở chỗ khác. Cái TÂM của người trí thức theo tôi không thể chỉ trong ứng xử đời thường, trong những việc thuộc về VI MÔ như chị T.H nêu. Cái TÂM của người trí thức còn phải hướng tới những vấn đề VĨ MÔ, tức những vấn đề của đất nước, của nhân dân, và của thời đại nữa.
Theo tiêu chí đó, theo tôi hiện nay nước ta có 4 hạng trí thức:
1. Hạng đau đáu với vận mệnh đất nước và nhân dân. Xin lấy mấy câu của nhà văn Phạm Ngọc Luật viết về hạng trí thức này thay cho nhận xét của tôi: “Họ không mũ ni che tai. Không lạnh tanh máu cá. Không chép miệng triết lý vặt. Họ là những trí thức dấn thân. Họ nói và làm có thể không theo một khuôn phép thông lệ. Có thể nó đắng hơn mướp đắng, cay hơn ớt, xốc hơn mù tạt, nhưng không giả”.
Hạng thứ nhất này hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (không biết có nổi một phần nghìn hay không) và hiện nay đánh giá về họ có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thông thường, trong cộng đồng, họ bị chê là “hâm”, là “ngu”, là “điếc không sợ súng”, nhưng đấy chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Trong thâm tâm sâu thẳm, mỗi công dân vẫn nhìn họ với thái độ kính phục (tuy rằng đa số chỉ “kính nhi viễn chi” mà thôi), cho nên theo tôi họ là linh hồn của đất nước, nhân dân nhìn vào họ để lấy chút niềm tin vào cuộc sống. Vì những hoạt động của họ là vì đất nước và nhân dân, cho nên mặc dù nhà cầm quyền nhiều khi không ưa họ nhưng có lẽ vẫn thấy sự có mặt của họ là cần thiết, nhất là trong một số vấn đề “nhạy cảm” mà nhà nước thì không tiện hiện diện. Thử hỏi nếu không có họ thì làm sao hồi năm 2010, Hội Địa lý Hoa Kỳ sửa tên địa danh Hoàng Sa, Trường Sa vốn lúc đầu mang tên Trung Quốc? Nếu không có họ thì làm sao mới đây tạp chí Nature và tạp chí Science tuyên bố không cho đăng bản đồ Biển Đông có hình lưỡi bò?
2. Hạng có quan tâm, có “biết cả”, cũng đau khổ, cũng bức xúc ít hoặc nhiều nhưng nhìn chung không động tay động chân một việc gì cho sự nghiệp chung cả. Lý lẽ của họ là “chả làm gì được đâu”, và họ quay sang giữ lấy sự an toàn và hạnh phúc cho riêng mình, không chấp nhận bất cứ thứ hệ lụy nào do “hành động cao cả” mang lại. Hạng thứ hai này có lẽ là đông đảo nhất trong giới trí thức hiện nay. Điều đáng chú ý là họ còn lương tâm, thậm chí nhiều người rất tốt, nhưng họ chỉ dùng một nửa lương tâm thôi, tức là chỉ dành cho những việc thuộc phạm vi gia đình, anh em, bè bạn,... Tuy nhiên, ngay cả những đối tượng đó, sự tương trợ cũng chỉ khi nào nó không gây hệ lụy cho họ. Trong trường hợp một đồng nghiệp cùng đơn vị, cơ quan bị đánh, dù đúng mười mươi, nhưng nếu sếp quyết tâm đánh thì họ cũng không dám bảo vệ. Vì vậy, yêu nước thương dân đối với họ là khái niệm quá xa xỉ, không thể với tới, không dám với tới. Với cách định nghĩa tuyệt đối “trí thức là những người làm những việc không liên quan gì đến mình” thì thực chất họ cũng không còn là trí thức nữa, mà chỉ là công chức, viên chức thôi. Nhưng ngay cả với tư cách công chức, viên chức, thì họ cũng chỉ đáng ghi nhận ở bản chất lương thiện. Nhưng nếu người lương thiện xét một cách đầy đủ, không phải là người ngồi nhìn cái ác hoành hành thì họ cũng không hẳn là lương thiện nữa. Cho nên dễ thấy một điều trên cả xã hội hiện nay: người tốt thì còn nhiều nhưng việc tốt thì quá ít.
3. Hạng không quan tâm các vấn đề xã hội, chỉ mải làm ăn, rất giỏi thu vén lợi ích cá nhân. Nếu có ai nói đến những vấn đề “bức xúc”, “nhạy cảm” thì họ tránh ngay, bảo “quan tâm đến nó làm gì, nhức đầu lắm”. Thực ra bảo họ không quan tâm đến chính trị hay bảo họ “vô cảm” thì chỉ đúng một nửa. Họ có thể không biết ông chủ tịch nước bây giờ là ai, hay có biết thì chỉ biết cái tên là cùng, chứ chẳng biết con người, học vấn, đạo đức, xu hướng tư tưởng,… của vị nguyên thủ quốc gia của mình thế nào, nhưng họ lại biết rất rõ về các sếp của mình, từ sếp trực tiếp cho đến sếp của sếp, từ sếp ông đến sếp bà: sếp ông thích cà vạt màu gì, sếp bà thích nước hoa gì, sinh nhật của con gái sếp là ngày nào, v.v.. Hạng thứ ba này theo tôi chiếm một tỷ lệ khá lớn, chỉ sau hạng thứ hai. Điều đáng buồn cho họ chưa phải là thái độ bàng quan, vô cảm hay thực dụng mà cái đáng buồn là ở chỗ: họ đã đổ vỡ hoàn toàn niềm tin. Nhiều người có địa vị, có học hàm học vị sáng choang, có cả nhiều tiền của nữa nhưng chả còn chút niềm tin gì. Họ sống trong sự trống rỗng, buồn tẻ nhưng đôi khi để khỏa lấp cái trống rỗng, buồn tẻ đó, họ vênh váo với thiên hạ bằng những thứ họ có (địa vị, học hàm học vị, tiền của chẳng hạn)
4. Hạng thứ tư, hạng trí thức thoái hóa hoàn toàn, dùng chất xám để buôn chính trị, hạng người mà một nhà thơ đã gọi là “điếm cấp cao”:
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi…thân (hay trôn)
Họ thường là những người thông minh, họ có một cái đầu nhạy cảm với mọi vấn đề của cuộc sống, cho nên đón ý quyền lực cũng rất tinh. Chỉ có điều họ dùng cái bẩm chất thông minh, nhạy cảm ấy hoàn toàn cho lợi ích cá nhân. Nếu hạng thứ ba phải mua địa vị, học hàm, danh hiệu bằng tiền thì hạng thứ tư này hoàn toàn bằng cái lưỡi rắn. Ví dụ, để tiến thân, cái lưỡi rắn dám phun nọc độc vào những người chân chính đang “có vấn đề”.
Hạng này cho đến nay chỉ là thiểu số nhưng có xu hướng đang phát triển.
Vẫn biết cuộc sống muôn màu muôn vẻ, trí thức thì cũng là người, có tốt có xấu, nhưng tôi vẫn cảm thấy buồn, nếu so sánh tầng lớp trí thức hiện nay với tầng lớp trí thức trước Cách mạng tháng Tám (chứ chưa dám so với trí thức các nước khác). Tầng lớp trí thức hiện nay về số lượng đông gấp hàng trăm lần so với tầng lớp trí thức trước Cách mạng. Học hàm, học vị thì rực rỡ mà trí thức thời trước không thể nào dám đọ. Nhưng so sánh về tính độc lập tư tưởng, về khả năng tác động vào đời sống xã hội, về tính tự chủ tự lập trong đời sống mưu sinh thì trí thức ngày nay thật khó sánh với cha ông cách đây chưa lâu. Chỉ cần để ý sự kiện đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925), để tang Phan Châu Trinh (1926), phong trào đón tiếp Bùi Quang Chiêu và đòi thả Nguyễn An Ninh (1926) cũng đủ thấy vai trò to lớn của trí thức trong các phong trào xã hội thời ấy như thế nào.
Đ.T.T.
Đêm Giao thừa Tân Mão sắp sang Nhâm Thìn
-----------------------------------
Bài 3:
Trí thức, trí ngủ, và trí trá
Lê Phú Khải
Người tri thức, nếu hiểu một cách thật nghiêm túc về khái niệm này, là những người suy nghĩ và hành động hướng tới lẽ phải, tới chân lý, tiến bộ xã hội. Triết gia Pháp J.P. Sartre viết : Nếu ai đó chế ra quả bom nguyên tử, thì người đó là bác học, chỉ khi nào ông bác học ý thức được cái vũ khí giết người ghê gớm ấy, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, lúc đó ông ta là trí thức. Giáo sư Cao Huy Thuần, giảng dạy đại học Picardie Pháp có một định nghĩa thật độc đáo, bất ngờ về thế nào là một người tri thức : Ai đánh thức không cho xã hội ngủ, người đó là tri thức, bất kể họ là ai!
Trong lịch sử dân tộc tay các bậc tiền hiền như Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn An Ninh…. Chính là các bậc trí thức tiêu biểu của đất nước.
Trong giờ phút trang nghiêm của lịch sử hôm nay, khi mà cõi bờ biên cương, biển đảo ngoài khơi đã bị lấn chiếm, đang bị nhòm ngó từng ngày, khi mà kinh tế đất nước đang suy sụp, tham nhũng lan tràn, người dân khắp nơi bị cường hào cướp đất, cướp nhà, các tiếng nói dân chủ đó đây còn bị thù ghét thì có những người cương trực là hình ảnh tiêu biểu và là niềm tự hào của trí thức Việt Nam. Đất nước có qua được những năm tháng hiểm nghèo này là trông cậy vào sự dấn thân của những người trí thức và sự can đảm của toàn dân. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng là một ví dụ sinh động theo cách hiểu của giáo sư Cao Huy Thuần về người trí thức.
Về các vị trí ngủ, hiểu theo nghĩa phổ thông là những vị có bằng cấp, có học vị cao ở nước ta thì đông lắm và buồn lắm. Một giáo sư đại học, thậm chí còn là chủ nhiệm khoa, khi đi nước ngoài dự hội thảo khoa học thì tranh đi bằng được. Nhưng đến hội nghị thì chỉ ngồi yên. Ai hỏi có ý kiến gì về bản báo cáo vừa được nghe, thì chỉ lắc đầu…vì không biết tiếng Anh (!) Sao lại có chuyện đau lòng đến thế (!). Đó là di hại của nền giáo dục XHCVN lấy công nông làm nền tảng. Chọn người đi học, không chọn người có khả năng học mà chọn theo lý lịch. Cứ được tổ chức cử đi học “đào tạo” thì thế nào cũng đỗ đến tiến sỹ! Hồi tôi còn là sinh viên Đại học sư phạm Văn Khoa Hà Nội đầu những năm 60 (Thế kỷ 20), khi chúng tôi được giới thiệu thầy Hoàng Ngọc Hiến mới ở Liên Xô về với học vị Phó tiến sỹ. Thầy Hiến hỏi cả lớp các anh chị có biết phó tiến sỹ là gì không? Cả lớp ngơ ngác, thầy Hiến liền nói : Đem một con bò Việt Nam qua Liên Xô 9 năm, dắt nó về là thánh phó tiến sỹ ! Cả lớp đã cười ầm. Đó là thời thầy Hiến, sự học còn rất nghiêm túc. Còn ngày nay, có tiền có thể thuê người đi học thay mình mà vẫn đỗ cử nhân, cao học là chuyện “thường ngày ở huyện”. Chỉ một chế độ chưa loại trừ sự giả dối mới sinh ra một lớp “Trí ngủ” đông đảo đến như thế. Cái sự học của nhân loại là nghiêm túc lắm. Không phải ai cũng có thể học được, có thể đỗ bằng này bằng kia được, nếu không phải là người có năng lực học hành, có khả năng lao động trí óc. Vừa qua, giáo sư Trần Văn Giầu có công bố cuốn hồi ký. Đọc cuốn sách này trên mạng tôi mới hay, nhà ông Giầu là đại điền chủ ở Nam Bộ, nhà đông anh em, nhưng chỉ có ông là đi học mà thôi. Các người anh em khác của ông không học được vì không “ sáng dạ” bằng ông. Gia đình phải chia ruộng cho họ để lại thành điền chủ không thể thành trí thức được. Đọc hồi ký của ông Trần Văn Giầu, tôi lại nhớ đến trường hợp của ông già tôi. Ông già tôi thi diplôme tới 4 lần không đỗ. Cũng thời ấy, có người rất chịu học, có vợ rồi mà vẫn đi thi lấy cái bằng Tiểu học, nhưng năm lần bảy lượt vẫn không đỗ !. Vì nền giáo dục “Tư sản” là như vậy nên các người có bằng tú tài thời xưa đã có kiến thức đáng nể. Nếu đỗ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ thì họ là trí thức chứ không phải mang danh “ Trí ngủ” như ở nước ta dưới nền giáo dục XHCN .
Bây giờ nói đến các vị “ Trí trá” Hồi còn mồ ma bác sỹ Nguyễn Khắc Viện , ông nhiều lần nói với tôi về tình hình tri thức Pháp và Phương Tây. Ông cho hay, chính phủ Pháp chỉ tuyển lựa vào bộ máy của mình những người đạt đỗ cao, có danh tiếng. Vì thế khi bước chân vào một cơ quan công quyền thì người Pháp biết rằng, quan chức nhà nước là người họ gặp xưa kia đi học cùng với họ, đều là những người giỏi. Vì thế quan chức Nhà nước là những người vừa có quyền, vừa có uy, thế mới gọi là uy quyền, nhưng dù uy quyền đến mấy, khi đã ngồi vào ghế quan chức thì anh chỉ là một công chức, một viên nha lại mà thôi. Đã là nha lại thì phải từ lời nói đến việc làm, dù làm viện trưởng, vụ trưởng, thứ trưởng,… nhất nhất phải nghe lời cấp trên. Không thể có sáng tạo gì được, không thể được xã hội xem là trí thức. Đổi lại anh ta được lương cao bổng hậu, vợ đẹp con khôn, phú quý của đời. Một bộ phận khác, dù đỗ đạt cao, nhưng không chịu chui vào bộ máy quan chức, mà làm nghề tự do như bác sỹ, kiến trúc sư, luật sư, nhà báo, nhà văn…. Tầng lớp này dám tư duy độc lập, dám ăn dám nói, dám phụng sự lẽ phải….Họ chính là trí thức của nhân dân Pháp. Họ có thể bị bầm dập nhưng được xã hội kính trọng.
Bạn sẽ hỏi tôi : Thế thì anh “ Trí trá” nằm ở đâu trong xã hội Tây cũng như Ta? Xin thưa, đó là các vị công chức, nha lại… nhưng lại muốn tỏ ra thức thời, lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội. Nhưng đã là nha lại, bị “Áo xiêm dàng buộc lấy nhau” mà lại lên tiếng nên phải uốn éo, phải trí trá…làm cho người khác bị lừa nhờ danh tiếng của mình (!). Nhưng không lừa được những người trí thức đích thực, có lương tâm với dân tộc.
Để kết thúc cho bài viết này, tôi cũng nhân đây nói về Toán học. Năm 1976, sau ngày nước nhà thống nhất, trong không khí hồ hởi, Việt Nam đã tổ chức một hội nghị Toán học lớn, có rất nhiều nhà toán học giỏi gốc Việt các nước về dự. Lúc đó tôi là phóng viên dài TNVN công tác trong bộ phận tuyên truyền trong giới trí thức nên phải ra tận sân bay để đón các tri thức Việt kiều về dự hội nghị. Tôi nhớ đã đón tiến sỹ toán học Lê Dũng Tráng, người Thanh Hóa, 29 tuổi, giáo sư Fédéric Phạm cha là nhà toán học Việt Nam, mẹ là người Pháp, giáo sư Phạm sinh ra ở Pháp nên nói tiếng Việt rất khó khăn, chỉ nói được từng từ một, không thành câu! Đa số các vị là các nhà toán học lý thuyết. Một nữ giáo sư toán học ở trường Đại học sư phạm Hà Nội dự hội nghị đó, bà là một người rất nổi tiếng, rất tâm huyết với nền khoa học của nước nhà rất được mọi người kính trọng vì tính tình thẳng thắn, cương trực, bà đã nói với tôi : Toán lý thuyết rất quan trọng, rất vĩ đại nhưng với nước ta thì chẳng có tác dụng thiết thực là bao, thế mà tôi ngày nào cũng phải xếp hàng mua bắp cải để ăn! Rổi bà hỏi tôi : Anh có biết trường phái “Toán học kỳ dị” là thế nào không, anh có biết thế nào là “ “Bài toán bốn mầu không” ? Rồi bà giải thích “ Bài toán bốn mầu là, tôi cho anh bốn mầu khác nhau anh phải tô được bản đồ thế giới mà các nước ở xung quanh một nước lại không trùng màu nhau. Nhưng trên thực tế có nước giáp gianh tới 5 – 6 nước thì làm sao mà tô được bản đồ thế giới, khi trong tay chỉ có 4 màu! Ấy vậy mà trên lý thuyết bài toán đó lại giải được. Thế nên giới toán học lý thuyết gọi bài toán đó là “Bài toán bốn mầu”! Toán lý thuyết là thế đấy anh ạ! Nó chỉ làm người nghiên cứu nó vinh thân phì gia, với một nước nghèo và lạc hậu như nước ta thì….
Được vị nữ giáo sư đáng kính này giảng giải tôi mới vỡ lẽ, tại làm sao trong hội nghị đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Thủ Tướng phụ trách công tác khoa học đã kêu gọi các nhà toán học Việt Nam mà tuyệt đại là toán học lý thuyết chuyển sang nghiên cứu toán học ứng dụng cho đất nước được nhờ. Nhưng ít ai theo lời khuyên của Tướng Giáp (!) Giáo sư tiến sỹ Trần Kiêu, chủ nhiệm khoa Sinh học trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, một chuyên gia hàng đầu thế giới về sinh học rắn hổ mang, còn kể cho tôi một chuyện lý thú. Năm thiếu tá phi công vũ trụ Ti Tốp sang thăm Việt Nam. Ta có tổ chức 1 buổi gặp mặt giữa phi hành gia vũ trụ với các nhà khoa học VN, khi thiếu tá Ti Tốp khuyên các nhà khoa học VN nghiên cứu vũ trụ và đi vào lĩnh vực vụ trụ, bỗng Bác Hồ đứng ngay dậy, ngắt lời thiếu tá Ti Tốp, Bác khuyên các nhà khoa học VN nên nghiên cứu các khoa học là là mặt đất thôi! Giáo sư Trần Kiên kết luận “ Tôi đã suy nghĩ nhiều về lới khuyên của Bác và chuyển đề tài “ Thần kinh cá chép” của tôi rất được các nhà khoa học thế giới quan tâm sang nghiên cứu đề tài “ là là mặt đất” là “ khẩu phần ăn của cá Rô – Phi”.
Toán học rất vĩ đại, Viện nghiên cứu toán học cao cấp mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đang là Viện trưởng rất sang trọng. Nhưng các bệnh viện nhi đồng ở nước ta các cháu thiếu nhi đang phải nằm chung 2 – 3 cháu một giường, các bà mẹ phải nằm dưới đất. Khi một em bé bị đau ruột thừa, mẹ em vừa khóc vừa bế em đến bệnh viện, vạn lạy các bác sỹ cứu nhân độ thế, nhưng bệnh viện còn chờ bố em đi bán bò có tiền nộp viện phí thì mới mổ ruột thừa cứu em… thì mọi sự sang trọng phải xem lại! Mọi vật trang trí phải xem lại.
LPK
4/2011
Nguồn: http://www.trannhuong.com/news_detail/8872/TRÍ-THỨC-TRÍ-NGỦ-VÀ-TRÍ-TRÁ
.
.
.
No comments:
Post a Comment