7.01.2012
J. Maarten Troost là tác giả các cuốn Getting Stoned with Savages, The Sex Lives of Cannibals, Lost on Planet China. Cộng tác với Atlantic Monthly, Washington Post, Prague Post. Đã từng sống ở Kiribati (Equatorial Pacific), Fiji, Vanuatu, và hiện tại California (Hoa Kỳ). Bản tiếng việt chuyển ngữ từ nguyên bản Lost on Planet China.
chương 3
Hãy bắt đầu với chủ tịch Mao. Nước Trung Hoa cận đại có quá nhiều thứ bắt đầu và kết thúc với nhà độc tài đầy màu sắc gốc Hồ Nam này. Khi nhà Thanh, cái triều đại èo uột cai trị nước Trung Hoa bước vào buổi hoàng hôn, và cuối cùng sụp đổ với sự thoái vị của vị vua non trẻ, cậu hoàng đế tội nghiệp Phổ Nghi, thì Mao đã sừng sững trổi bật như kẻ cuối cùng còn sót lại sau nhiều thập niên nội chiến. Hiển nhiên những người cho đó là điều tốt đẹp từ căn bản, sẽ biện luận rằng một nước cứng đầu và lạc hậu như Trung Hoa chỉ có thể bước vào thời cận đại dưới sự chỉ đạo sắt thép của một kẻ vĩ cuồng như Mao Trạch Đông mà thôi. Thực ra, quan điểm này thường được diễn tả một cách thực nghiệm bằng tỉ số 70:30 – 70 phần trăm những gì Mao làm thì tốt đẹp hết biết, trong khi 30 phần trăm còn lại thì có hơi quá mức. Đó, thực ra, cũng là quan điểm chính thức ở Trung Hoa.
Dĩ nhiên, thỉnh thoảng, nhà cầm quyền cũng nhìn nhận là đã mắc phải những lỗi lầm. Khi nhìn lại, Bước Đại Nhảy Vọt rõ ràng chẳng phải là sáng kiến hay ho gì. Mùa xuân 1958, Mao quyết định Trung Hoa phải là một siêu cường. Không phải như bất kỳ một siêu cường vớ vẩn nào khác, bạn phải nhớ điều đó; Mao sẽ chẳng là gì nếu không có những tham vọng. Khi phát động Bước nhảy Vọt, Mao thảnh thơi vạch kế hoạch cho cái mà ông ta gọi là Uỷ Ban Kiểm Soát Đất Đai. Thời đó Trong Hoa còn là xứ sở của nông dân, còn quay cuồng từ những năm tháng chiến tranh và nhiều thế kỷ nghèo nàn. Vậy mà Mao cho rằng Trung Hoa nên làm bá chủ thế giới. Ông ta chỉ cần một hay hai năm để vực Trung Hoa dậy và chuẩn bị cho nó thống trị toàn cầu. Và thế là Bước Nhảy Vọt ra đời, một cuộc chạy đua hấp tấp để biến đổi một quốc gia nông nghiệp thành một quốc gia công nghiệp. Từ ngôi cao trong Cấm Thành, nhìn ra khung cảnh của những đền đài lăng miếu, Mao tuyên bố: “Trong tương lai, ta muốn nhìn chung quanh, và thấy những ống khói mọc lên khắp nơi!”
Lệnh đã phán truyền. Trên toàn lãnh thổ Trung Hoa, những tường thành đã từng ngăn chặn bước tiến của quân Mông Cổ bị phá hủy và thay vào đó bằng những xưởng đúc thép. Cấu trúc nền tảng cổ xưa của đô thị bị san bằng và những nhà máy năng lượng được xây lên từ tro than. Dĩ nhiên, có nhiều người phản đối việc cố tình hủy diệt di sản văn hóa Trung Hoa. Để đáp lại, Mao chỉ định họ vào đội đập đá phá gạch. Trong khi đó ở thôn quê, một nửa tỉ nông dân bỗng dưng thấy đời sống của mình chìm vào hỗn loạn. Những công trình thủy lợi quy mô được áp đặt trên toàn quốc, trong đó có đập nước ở tỉnh Hà Nam mà khi sụp đổ vào năm 1975 đã giết hai trăm năm chục ngàn người. Thôn làng biến thành công xã, nơi tên gọi của người dân bị thay bằng con số. Những con số, dù sao cũng tiện dụng hơn những cái tên. Dụng cụ và những đồ dùng trong bếp được nấu chảy trong hàng triệu những lò đúc thép ở sân sau, để Mao có thể tuyên bố đã tăng gấp đôi sản lượng thép trong vòng một năm. Thép ấy, dĩ nhiên là vô dụng, và bất kỳ phi công nào lái những chiếc máy bay làm bằng thép lấy từ những lò đúc sau nhà không lâu sau đều bỏ mạng. Nhưng chỉ tiêu sản suất thép đã đạt được, và đó mới là điều bận tâm của Mao.
Chỉ tiêu sản xuất lúa gạo cũng tương tự. Các siêu cường xuất cảng lúa gạo. Vậy thì Trung Hoa phải xuất cảng lúa gạo. Để đạt mục tiêu này, Mao tuyên án tử hình tất cả chim sẻ ở Trung Hoa. Chim sẻ ăn thóc; vậy thì chúng phải chết. Điều này trên giấy tờ có vẻ hợp lý. Ai có thể ngờ sự tiêu diệt lũ chim sẻ thấp hèn kia lại có thể dẫn tới một trong những tai ương khủng khiếp nhất từng đổ xuống nhân loại? Trong vòng ba năm sau đó, Trung Hoa phải đương đầu với nạn đói chưa bao giờ có quốc gia nào phải gánh chịu như thế. Dĩ nhiên cũng có những nhà khoa học, những nhà kinh tế, những chuyên viên luyện thép và nông dân muốn can gián với Mao rằng đó không phải là những điều nên làm. Nhưng không ai dám bày tỏ sự lo âu của mình với ông Chủ Tịch, người luôn khinh miệt giới trí thức, bọn người khó chịu đã sở hữu kiến thức là một trong những thứ vô cùng đáng ghét.
Thực vậy, năm 1956, trong cái gọi là Chiến Dịch Trăm Hoa Đua Nở, Mao khuyến khích những người bất đồng ý kiến phát biểu, và những người ấy đã lên tiếng. Sau khi nhận diện những kẻ bất đồng chính kiến, Mao phát động chiến dịch thanh trừng. Cuối cùng ông ta đã khen ngợi tỉnh Hồ Nam là đã “tố giác một trăm ngàn người, bắt giam mười ngàn và giết một ngàn,” rồi kết luận, “những tỉnh khác cũng làm giống như thế. Vậy là những vấn đề của chúng ta đã được giải quyết.” Chỉ riêng trong thập niên 50, khi Mao củng cố xong quyền lực, những cuộc thanh trừng đã kết liễu trên tám trăm ngàn mạng người. Kết quả là không còn ai dám phê phán là thép mà dân quê được chỉ thị sản xuất từ những lò đúc sau nhà là vô giá trị nữa, hoặc việc tiêu diệt chim sẻ đã dẫn tới dịch châu chấu, hoặc những thay đổi cách mạng ông ta đem ra áp dụng chỉ căn cứ trên những mộng mơ vô nghĩa. Khi nạn đói xảy ra sau đó, hơn 30 triệu người chết. Đó là trận đói duy nhất tàn khốc hàng đầu trong lịch sử nhân loại. Tuy vậy, Mao vẫn giữ ngôi vị độc tôn. “Chết chóc cũng có cái lợi,” ông ta nói. “Chúng mang lại phân bón cho đất đai.” Và đây mới là điều thực sự gây sửng sốt: Trong khi dân Trung Hoa chết đói, Mao tiếp tục xuất cảng lúa gạo.”
Dĩ nhiên, còn những tư tưởng khác nữa không đưa đến thành quả tốt đẹp. Sự tôn thờ cá nhân Mao lên đến cực độ vào thời Cách Mạng Văn Hóa, một cơn điên loạn có tính toán vào cuối thập niên sáu mươi sang đầu thập niên bảy mươi được thực hiện bởi những kẻ yểm trợ cực đoan, hung bạo của Mao với mục đích củng cố quyền lực và bẻ gẫy các thế lực chống đối. Ngay cả Đặng Tiểu Bình, người sau này cai trị Trung Hoa, cũng đã bị lưu đày ở tỉnh Giang Tây xa xôi, nơi ông ta lao động cực nhọc trong một xưởng chế tạo máy cày. Nhưng đó không chỉ đơn thuần là sự tranh dành quyền lực, và từ ngữ cách mạng văn hóa không diễn tả đúng mức nỗi kinh hoàng của thời kỳ ấy. Đó là cuộc đấu tranh chống “Bốn Cái Cũ” – phong tục cũ, tư tưởng cũ, tập quán cũ, và văn hóa cũ – được thực thi bởi bọn thiếu niên điên cuồng đã bị tẩy não, của cái gọi là Vệ Binh Đỏ, từng bọn thiếu niên mà bản năng bạo dâm tiềm ẩn bỗng dưng được buông lỏng dây cương. “Hãy tàn bạo,” Mao ra lệnh cho bọn chúng, và bọn chúng đã đem hết sức mình để thi hành. Công an và quân đội được chỉ thị không can thiệp khi bọn vệ binh tung hoành khắp nơi, đánh đập và tra tấn thầy cô giáo của chúng cùng bất kỳ những ai chúng nghi ngờ là “hữu khuynh.”
“Bắc Kinh chưa đủ bạo tàn,” Mao nói về Bắc Kinh, dùng cái tên cũ Peking lúc đó, trong lúc cái gọi là Tháng Tám Đỏ được phát động. “Bắc Kinh còn quá văn minh.” Nội trong tháng đó chỉ riêng ở Bắc Kinh gần hai ngàn người bị giết. Mao hủy bỏ trường học và chỉ thị cho Vệ Binh Đỏ được tự do di chuyển, chẳng bao lâu nước Trung Hoa run sợ trước hình ảnh những toán thiếu niên điên loạn trong đồng phục màu xanh ô-liu may tại nhà và băng đỏ đeo trên cánh tay. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trong tỉnh Quảng Tây, bọn Vệ Binh Đỏ không chỉ tra tấn và giết thày cô giáo, mà còn ăn thịt họ. Trong nhà ăn tập thể. “Đập tan văn hóa cũ,” Mao ra lệnh. Các bức họa bị phá hủy, sách vở bị phóng hỏa. Bất kỳ ai bị bắt gặp cùng với một nhạc cụ có thể sẽ bị tra tấn hoặc ngay cả giết bỏ. Hàng ngàn di tích lịch sử bị hủy diệt. Toàn quốc bị cuốn vào cơn động kinh kinh hoàng khi Mao nỗ lực xóa bỏ lịch sử Trung Hoa.
Cuối cùng, sự kinh hoàng của thời kỳ ấy chỉ thực sự kết thúc khi Mao qua đời vào năm 1976. Khoảng 70 triệu người đã bỏ mạng dưới thời cai trị của ông ta, một thành tích cho phép ông tranh dành một cách nghiêm túc với Adolf Hitler và Joseph Stalin để lấy danh hiệu Bạo Chúa Tàn Ác Nhất của nhân loại. Nhưng điều làm cho nước Trung Hoa hiện đại trở nên kỳ quái là cho tới ngay cả ngày hôm nay, người ta vẫn không thể tránh né bộ mặt nung núc của ông ta. Tôi nghĩ sẽ rất công bằng khi nói rằng cái ngày Hitler tự sát trong hầm chỉ huy, bao quanh bởi một quốc gia tan nát cùng với một triệu quân Sô Viết, hầu hết người dân Đức xem như đã sẵn sàng với cuộc sống của họ, bỏ Hitler lại cho quá khứ, và thực sự họ đã làm như thế. Dĩ nhiên họ không thay đổi được những điều đã xảy ra, nhưng ba mươi năm sau khi Hitler chết, con số những tên đầu trọc ngu độn tụ tập nồng nhiệt chào Heil Hitler chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Khi Joseph Stalin mà tên cúng cơm là Joseph Vissarionovich Dzhugashvili (bạn hãy thử đọc thật nhanh xem), chết vào một buổi tối u ám năm 1953, thì chẳng bao lâu sau ông ta bị hạ bệ bởi Nikita Krushchev, người tiến hành một chiến dịch Bài-Trừ-Stalin rộng rãi. Chủ nghĩa Cộng Sản tiếp tục dây dưa thêm 40 năm, nhưng sẽ rất khó tìm thấy một bức tượng chân dung Bác Stalin.
Điều này hoàn toàn trái ngược với Trung Hoa. Mỗi khi tôi mở ví ra là tôi được Mao chào hỏi, với vẻ trang trọng và tự tin bởi khuôn mặt ông ta in đặm trên tất cả những đồng tiền giấy. Hầu như tất cả mọi thành phố đều có Quảng Trường Nhân Dân, và đại đa số vẫn bị chiếm ngự bởi một bức tượng khổng lồ của Mao, với vẻ hãnh diện và dũng cảm. Một bức tượng chân dung khổng lồ của Người Cầm Lái Vĩ Đại chế ngự Quảng Trường Thiên An Môn, và làm nổi gai ốc hơn nữa là, mắt nhìn của pho tượng hướng về lăng của ông ta, nơi hàng ngày ông đón tiếp khách viếng thăm. Điều này làm tôi hài lòng, bởi không phải ngày nào người ta cũng có thể gặp một trong những tên đại gian ác của lịch sử. Thế nên một buổi sáng tinh mơ, tôi quyết định ghé qua cho biết.
Nhưng trước tiên, tôi phải đi đến đó. Khách sạn tôi cư trú, có vẻ rất phổ biến với du khách thuê bao trọn chuyến từ Đông Âu, tọa lạc trong khoảng cách có thể đi bộ tới Quảng Trường Thiên An Môn và Cấm Thành. Tôi bước ra cửa, nhìn người gác cửa làm cái công việc thông lệ hàng ngày của anh ta, bao gồm việc gom góp và tống khứ tất cả những thứ gì nhờn và nhớt từ trong ruột gan anh ta, và tiếp tục bằng việc xì nước lòng thòng từ lỗ mũi bên này đến lỗ mũi bên kia, rồi, sau khi đã hài lòng với việc tống khứ chất nhờn này mới mồi một điếu thuốc. Và chào ông buổi sáng, tôi nghĩ, trong lúc len lỏi qua đám khói khét nghẹt, thận trọng bước qua những vũng đàm nhớt và mũi rãi thải đầy lối vào khách sạn. Tôi không thể quyết định thứ nào làm mình khó chịu hơn – đàm tung tóe hay nước mũi lòng thòng – nhưng trong khi len lỏi giữa làn khói mù ban mai của thành phố về phía lăng Mao, rõ ràng là chẳng bao lâu tôi sẽ phải chấp nhận những phương pháp người Hoa dùng để tống khứ chất đọng trong mũi và trong phổi của họ. Người Hoa đã phát minh ra nhiều thứ, ngoại trừ khăn tay. Tôi rảo bước và nhìn cư dân Bắc Kinh, trẻ hay già, đàn ông và ngay cả một số phụ nữ có tuổi, chào mừng một ngày mới bằng một cú khạc rầm rộ và nột cú nhổ vang rền, và sau đó, ngay khi tôi nghĩ đường phố Bắc Kinh không thể nào có thể bị làm ô uế hơn được nữa, thì tôi đụng đầu một gã đàn ông ngồi bệt bên lề đường. Ông ta bế một đứa bé mặc quần thủng đáy phía trên đường cống nước để thằng bé ỉa xuống đó, ngay trung tâm Bắc Kinh, chỉ cách đám xe đạp dập dìu và những xe gắn máy phành phạch vài phân. Lạ thật, tôi thầm nghĩ khi nhớ về những chứng bệnh có thể đang lẩn lút ở Trung Hoa năm nay – SARS, cúm gia cầm, kiết lỵ. Những chứng bệnh có chốn định cư yên ổn ở Trung Hoa.
Sau khi băng qua đường tôi ghi nhận quan sát thứ nhì của mình về đời sống ở Bắc Kinh: Đừng giỡn mặt với tài xế người Hoa. Ngay cả dù có trông thấy bạn, họ cũng không cho xe chạy chậm lại. Ngay cả khi đèn cho người đi bộ đã đổi qua màu xanh, họ cũng không cho xe chạy chậm lại. Vì vậy đừng giỡn mặt với tài xế Trung Hoa. Nếu bạn không muốn bỏ mạng.
Một lát sau, tôi có thêm ghi nhận thứ ba về đời sống ở Bắc Kinh: Đừng giỡn mặt với dân chạy xe đạp người Hoa. Xin coi lại ghi nhận số 2. Điều đó cũng áp dụng ở đây. Bạn sẽ bỏ mạng.
Ấy là thời điểm mà đa số dân Bắc Kinh vẫn còn ngái ngủ.
Trong đời, chưa bao giờ đi bộ trên đường phố mà tôi lại sợ hãi như buổi sáng tinh mơ ấy. Sau khi tránh né những bọng đàm nhớt vùn vụt bay qua, tôi đến một ngã tư. Tôi thận trọng chờ đèn cho người đi bộ, hình người đàn ông chớp nháy, đổi qua màu xanh, và rồi, sau khi chắc chắn mình có quyền ưu tiên, tôi tự tin nhấc bàn chân ra khỏi lề đường, để suýt nữa mất toi bàn chân khi một chiếc xe phóng vụt qua, xua tôi ngược trở lại lề đường. Một lát sau, khi cái hình người bé nhỏ kia vẫn còn màu xanh, tôi rình chờ một khoảng trống trong đám xe cộ và bước xuống đường, và tôi nhận ra mình lọt một cách hiểm nghèo vào giữa đám người đi xe đạp, mà nhiều người có lẽ đang chửi tôi. Tôi cũng không chắc lắm. Cuốn Chinese for Dummies không có phần những câu chửi thề thông dụng.
Tôi tự hỏi ở Trung Hoa làm cách nào người ta có thể băng qua một con đường có bốn làn xe cộ, một con đường mà xe hơi xếp hàng sáu, thêm hai hàng nữa chèn chặt bởi một biển xe đạp và xe gắn máy? Làm sao người ta có thể di chuyển qua cái đống hỗn mang của một thành phố ở Trung Hoa nhỉ? Phải hết sức cẩn thận, tôi suy diễn. Băng qua đường không có nghĩa đơn giản là đi thẳng từ lề đường bên này sang lề bên kia. Đó là một vấn đề cần được chia thành sáu phần. Trước hết, tôi sẽ phóng qua cái khối xe đạp và xe gắn máy chèn lòng đường, ôm sát lề kia. Từ đó, tôi sẽ băng qua đường từng làn một trong lúc xe cộ phóng vùn vụt sát bên mình, và tôi khổ công cố gắng không nghĩ tới sự kiện đáng ghi nhận rằng Trung Hoa có tỷ lệ thương vong do tai nạn xe cộ cao nhất thế giới tính theo đầu người. Và tôi di chuyển, từng bước dài một; trong khi đoàn xe cộ vùn vụt lao quanh, những chiếc xe lái bởi những người, theo như tôi biết, biết lái xe cũng chưa lâu lắc gì cho lắm.
Rồi, với một chút ngạc nhiên, tôi bỗng dưng thấy mình lọt vào cái mênh mông của quảng trường Thiên An Môn. Tôi rất hồi hộp và khích động khi đến được nơi này, không chỉ vì đã băng qua được hàng chục ngã tư mà vẫn còn sống, nhưng vì quảng trường Thiên An Môn là một trong những địa danh mang tính biểu tượng mà tôi vẫn muốn có dịp ghé thăm. Nó đem lại sự thỏa mãn quen thuộc đại khái như đã thăm được một công viên giải trí quy mô kiểu Cộng sản vậy. Đây là nước Trung Hoa Đỏ – chân dung chói lọi của Mao treo trên chỗ vinh dự trên cổng Thiên An, những lá cờ đỏ bay phần phật, Đại Sảnh Đường Nhân Dân rộng thênh thang. Tháp đài tưởng niệm các Anh Hùng Nhân Dân, và dĩ nhiên, Cung Văn Hóa Công Nhân bởi vì bất cứ lễ đài đỏ nào mà không có một Cung Công Nhân thì sẽ bị coi là thiếu sót. Xe cộ không được phép giao thông trong quảng trường, dù xe tăng thì được xem như ngoại lệ, vào buổi sớm mai, mù mịt khói, chỉ có lẻ tẻ vài nhóm du khách người Hoa tụ tập ở đó. Với quá ít người thăm viếng, cái mênh mông của quảng trường trở nên lộ liễu. Hơn một triệu người có thể xếp một cách thoải mái vào quảng trường. Thỉnh thoảng, Mao thưởng ngoạn việc triệu tập đám Vệ Binh Đỏ, và trong lúc rảo bước người tôi nổi gai ốc khi nghĩ tới lời hiệu triệu của Mao và sự đáp ứng của hàng triệu đứa thiếu niên sát nhân. Hãy thẳng tay! Hãy tiêu diệt văn hóa cũ!
Nhưng hôm nay chỉ có những du khách Trung Hoa. Họ rất dễ nhận diện. Mỗi nhóm được cấp một thứ mũ chơi dã cầu riêng biệt. Có nhóm đỏ, nhóm xanh lá cây và nhóm xanh nước biển, mỗi nhóm vây quanh một người hướng dẫn cầm cây dù. Trong khi lang thang, trố mắt nhìn cảnh vật một cách thích thú, tôi bày một trò chơi thú vị là thử cố nhận diện đám công an chìm, và khi đến lăng Mao Chủ Tịch, tôi đếm được trên hai chục, dù tôi có thể sai. Có thể đám đàn ông mặc áo khoác Thành Viên dáng vẻ rất ngầu ấy chỉ là những người đi dự hội thảo chứ không phải bọn đâm thuê chém mướn của nhà nước. Dù vậy, chớ có dại dột mà lỡ miệng nói “Hãy trả tự do cho Tây Tạng!” – Thiên An Môn, dĩ nhiên, là một trong những nơi tốt đẹp nhất trên thế giới để bị đánh vì phản kháng.
Tôi thấm nhuần sự biểu dương chủ nghĩa Xã Hội Hiện Thực, một thứ cấu trúc vinh danh vô sản bằng cách thu gọn cá nhân lại thật nhỏ. Lúc tới gần cửa lăng, tôi bị đón đầu bởi một người thanh niên mặc áo dành riêng cho thành viên màu mật ong.
“Ông không được mang túi vào đây,” anh ta nói bằng tiếng Anh, tay chỉ cái túi đeo vai của tôi.
“Tôi có thể để đâu đó được không?” tôi hỏi.
“Để tôi dẫn ông đi,” anh ta đề nghị.
Tôi hoàn toàn không biết hắn ta là công an, nhân viên coi sóc lăng, một tên gạt gẫm, hay chỉ là một anh chàng tốt bụng muốn giúp một du khách ngoại quốc đang bối rối. Tôi đi theo anh ta, và cố dẹp bỏ ý nghĩ hắn sẽ dẫn tôi băng qua sáu lằn xe cộ, tôi trở thành cái bóng của hắn, nhưng không sao bởi vì, như tôi đã khám phá trước đây, người Hoa rất uyển chuyển trong vấn đề xâm phạm khoảng cách riêng tư của người khác. Hắn dẫn tôi tới một dinh thự nơi tôi có thể gửi cái túi xách.
“Xie xie,” tôi nói, phát âm trật lất hai chữ “Cám ơn.”
“Ông có tiền không?” hắn hỏi sau khi chúng tôi đã phóng qua đường.
“Có, tôi giữ lại cái ví. Cám ơn anh đã hỏi.”
“Hai chục Nhân Dân Tệ,” hắn vừa nói vừa cười một nụ cười đầy hy vọng.
Tôi cho hắn mười, số tiền vượt quá giá trị công việc hắn làm cho tôi, nhưng tôi còn lạ nước lạ cái ở Trung Hoa và chưa đạt tới cái mức cương quyết một cách cộc cằn để giằng co giá cả. Tôi xếp hàng; còn sớm, chưa tới chín giờ, và nói theo tiêu chuẩn Trung Hoa thì hàng người còn khá ngắn. Có đâu khoảng năm trăm người chờ đến phiên mình diện kiến ông Chủ Tịch. Chúng tôi nghe máy phóng thanh liên lục kể lại cuộc đời và sự nghiệp Mao Trạch Đông trong lúc chờ những người gác với nét mặt cau có trong đồng phục xanh da trời và găng tay trắng dẫn chúng tôi vào. Thực ra tôi chẳng biết họ nói gì trên máy phóng thanh. Có lẽ họ thông báo cho chúng tôi biết đang có đồng hồ Mao hạ giá dán nhãn xanh da trời trên lối số ba của tiệm bán đồ kỷ niệm. Ai mà biết? Tôi thì chắc chắn là không rồi.
Một người bán bông bán hoa hồng giả, và khá nhiều người trong đám đông mua. Tôi đoán phần lớn du khách đến từ những vùng sâu vùng xa của Trung Hoa. Đã từng sống ở Sacramento, tôi có thể nhận ra một anh chàng nhà quê bất kỳ ở đâu.
Sau cùng, chúng tôi nhích tới và bước vào. Bên trong, chúng tôi được đón tiếp bởi bức tượng trắng của Người Cầm Lái Vĩ Đại, và đây là nơi khách thăm viếng đặt hoa hồng, trong lúc cúi đầu thật thấp. Mao cũng như Đức Phật. Tôi tự hỏi người ta sẽ làm gì với đống hoa hồng bằng nhựa chất đống mỗi ngày. Tôi đoán người ta sẽ quét gom lại và bán cho những người đến viếng sau đó. Đi đứng thong dong là điều không nên, đám đông ùn về phía trước, do sức xô đẩy của chính nó tạo ra. Trong căn phòng kế cận chủ tịch Mao nằm đó, cuộn ấm cúng bằng lá cờ đỏ có hình búa liềm.
Thông thường, ở gần người chết tôi thấy rờn rợn, nhưng với Mao, tôi không thấy vẻ gì ma quái hay rùng rợn. Đó là vì ông ta có màu vàng cam – một thứ vàng cam đình đám, như món đồ chơi, như thể ông ta không là gì khác hơn một hình nhân bằng sáp đang yên nghỉ. Và có lẽ đó là tất cả những gì làm thành con người ông ta ba chục năm sau khi ông ta chết. Tôi gần như thấy tội nghiệp ông ta, một tên độc tài hiểm ác thu gọn thành một thứ vật trưng bày bệnh hoạn. Nhưng rồi tôi nhận ra phản ứng của những bạn đồng hành người Hoa của tôi. Tôi đã chờ đợi câu bông đùa kiểu – Coi ông ấy vàng khè kìa. Bạn có nghĩ đấy là người giả không? Ở Trung quốc khó biết đâu là thật đâu là giả. Mao đã chết hơn ba chục năm rồi. Chắc hẳn người ta có thể châm chọc nhà độc tài mập ú ấy chứ. Nhưng tôi đã sai lầm trầm trọng. Người ta cúi đầu trước ông ta. Vài người lớn tuổi còn khóc nữa. Ngay cả trước linh cữu ông bà nội ngoại của họ, họ cũng không cung kính được như thế, cơn mê hoặc chỉ bị phá vỡ khi chúng tôi qua phòng bên cạnh, sảnh đường bán đồ kỷ niệm, nơi chúng tôi được mời mọc mua những hàng thật, sản xuất tận nguồn, nào là đồng hồ Mao, nút gài tay áo của Mao, chân dung Mao và dĩ nhiên, cuốn sách Lời Dạy Của Mao Chủ Tịch còn được gọi là cuốn Sách Đỏ Nhỏ. Hơn 900 triệu bản đã bán hết từ lần xuất bản đầu tiên năm 1964. Và đó là điều hiển nhiên. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, ra khỏi nhà mà quên mang sách theo là giao mạng cho đám côn đồ thiếu niên và có thể đi trại cải tạo lao động. Đứng trước Mao Trạch Đông, dù ông ta đã chết, vẫn là một trải nghiệm thích thú cho những người mà cả một thời thơ ấu đã được nhồi sọ rằng không có thần thánh nào khác ngoài Mao.
Tôi nhận lại cái túi và trở ra quảng trường, nơi lúc này, chỉ sau một giờ đồng hồ, đã sôi sục những người là người. Có thêm rất nhiều người bán cuốn Sách Đỏ Nhỏ. Tôi bước qua những dân quê cụt chân ngồi trên xe đẩy. Một người đàn ông gạ bán cho tôi chân dung vẽ bằng than của Mao, Vladimir Putin, và George W. Bush. Biết chọn ai đây? Phía xa, nơi những bức tường bề thế của Cấm Thành, những người lính diễn hành qua chân dung lù lù đe dọa của vị chủ tịch quá cố. Tôi về khách sạn, nhận thấy một lô xe Audi sơn đen kính màu tối, loại xe dành riêng cho viên chức Đảng Cộng Sản. Tài xế Trung Hoa nhường đường cho những xe này, trong khi theo như tôi chứng kiến, họ chẳng nhường cho bất kỳ ai khác.
Một nơi chốn khác thuờng, tôi nghĩ. Lang thang trong Quảng Trường Thiên An Môn, tôi cảm giác như đi vào một quá khứ thụt lùi nhanh chóng. Có lẽ cũng vì mùi than cháy nồng trong không khí Bắc Kinh, một thứ mùi mà cho tới ngày nay tôi vẫn kết hợp với thứ Chủ Nghĩa Cộng Sản mà tôi nhớ được từ chuyến thăm viếng Tiệp Khắc thuở ấu thơ. Tôi mang một nửa dòng máu Tiệp Khắc, và năm 1968 khi chiến xa Liên Sô xâm lăng Tiệp Khắc, hầu hết thân nhân tôi đều nghĩ đó là thời cơ thuận lợi nhất để bỏ xứ mà đi. Tuy nhiên ông tôi ở lại, và mẹ tôi, người xuất cảnh hợp pháp sau khi kết hôn với ông bố người Hoà Lan của tôi, vẫn thường đem chị tôi và tôi về thăm trong những năm u ám sau đó khi Tiệp Khắc nhận ra rằng nó chưa thể gỡ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê. Quảng Trường Thiên An Môn, với những ngôi sao đỏ và cấu trúc theo kiểu Stalin, gợi nhớ cho tôi về những năm tháng ấy, ngoại trừ sự kiện không có thời điểm nào trong lịch sử Tiệp Khắc mà người dân lại tôn thờ một tên độc tài hung hiểm như Mao Trạch Đông. Nhưng có lẽ cũng nhờ dân Tiệp ít bị bưng bít thông tin hơn. Thực ra hiện nay ở Trung Hoa, người ta vẫn có thể vào tù với tội danh “xách động lật đổ chính quyền” chỉ vì phát tán những thông tin về cuộc Cách Mạng Văn Hóa vượt ra ngoài khuôn khổ cho phép, rằng sự quá mức trong thời kỳ ấy cho thấy nếu để công chúng tham gia vào chính trị thì sẽ phải đương đầu với những nguy cơ. Ít ra chính quyền cũng nhìn nhận là Mao hơi quá đáng. Tuy vậy, sự kiện mà cho tới hôm nay ở Trung Hoa có những người – đúng ra là đa số, nhìn lên Mao với sự ngưỡng mộ, trong khi những kẻ thừa kế của ông ta đi làm bằng những chiếc xe màu đen đắt tiền – gợi cho tôi thấy nước Trung Hoa hiện đại mà người ta đề cập tới thực sự chưa hiện hữu nơi đây.
Và rồi, tôi về khách sạn, mở máy truyền hình.
Trong tất cả những điều tôi không bao giờ nghĩ có thể thấy ở Trung Hoa lại xảy ra, nhân vật Tweety Bird nói tiếng Phổ Thông là một trong những thứ ấy. Tôi xem thêm một lần con chim Tweety làm rối trí chú mèo hay phun phì phì có tên Sylvester. Thật là kỳ cục, tôi nghĩ, khi nghe con mèo hoạt họa nói tiếng Phổ Thông ngọng ngịu. Rồi tôi bấm đài khác. Chương trình phát hình thương mại quảng cáo Kem Duy Trì Sức Khỏe, một loại kem mới rất mạnh có tác dụng làm tăng kích thước vú. Trên màn hình một phụ nữ bị châm chọc một cách tàn nhẫn bởi những cô bạn có ngực lớn. Cô ta đã dùng hết loại thuốc xoa làm lớn ngực này đến loại khác nhưng không kết quả. Cho đến khi cô dùng thử Kem Duy Trì Sức Khỏe. Đoạn quảng cáo trình bày một cách có nghệ thuật tác dụng làm căng phồng của thuốc bằng cách chiếu hình đôi vú hoạt họa phồng lên sau khi thoa kem. Kết thúc bằng những chứng từ của khách hàng, những người được quay phim một cách cẩu thả lúc đang cúi xuống trên sa lông, đang đọc báo, đang khom người tưới nước cho cây cảnh – và tất cả những thứ đó sẽ là của bạn với giá 99 Nhân Dân Tệ.
Cũng được. Nội trong một buổi sáng tôi đã chu du từ Mao Trạch Đông đến Kem Làm Tăng Ngực. Có lẽ nước Trung Hoa chẳng đơn giản như tôi nghĩ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment