Hà Văn Thịnh
Posted by basamnews on 02/01/2012
Ngày đầu tiên của năm mới, đọc báo và… đau đớn! Chưa có năm nào mà dịp cuối năm lại cùng lúc được nghe và thấy một GS (Nguyễn Huệ Chi, BBC, 31.12.2011) và một nhà văn (Võ Thị Hảo, BBC, 30.12.2011) trăn trở về cái chuyện hổng giống ai trên trái đất này: GS Nguyễn Huệ Chi mong muốn những người cầm quyền biết rằng trí thức không phải là bò, còn nhà văn Võ Thị Hảo thì băn khoăn, có lẽ trí thức Việt Nam bây giờ không còn/ không giống là con người nữa (!). (Nguyên văn: “Chúng ta có còn bình thường không và có còn là con người nữa không…”. “Chúng ta” là nói về trí thức Việt Nam theo nghĩa hẹp và “cả dân tộc Việt Nam” theo nghĩa rộng).
Hai cách nói và nghĩ của hai người không lẽ “bỗng dưng” mà trùng lặp? Rõ ràng không thể có chuyện ngẫu nhiên mà phải đoan quyết ngay lập tức rằng đây chính là tâm trạng chung, suy nghĩ chung của không ít trí thức thời nay trước việc họ bị gạt ra bên lề xã hội, trong khi hầu như ai cũng biết về cái gọi là “nền kinh tế tri thức”, “vai trò hàng đầu của trí thức trong thời đại mới”… Những ngôn từ thật kêu và thật mạnh của nỗi mỉa mai ê chề.
Chợt nhớ đến Trịnh Công Sơn khi ông đã từng hát lên rằng, có “một đàn bò vào thành phố”. Vì là ngôn ngữ của ca khúc nên không rõ (thật ra là chẳng muốn bới đào cái sự rõ) là Trịnh muốn nói tới loại bò nào. Phải chăng Trịnh nghĩ và tin rằng, bởi vì có những người mặc nhiên là bò nên họ coi ai cũng là bò? Chính vì cái lẽ mặc nhiên ấy nên xã hội thời nay đang tạo ra cả một thế hệ như bò hoặc xa xôi một chút, không còn là con người nữa?
Một đất nước mà chỉ băn khoăn vì một nỗi không phải bò, không phải người thì làm sao có thể phát triển, làm sao có thể văn minh hơn người, giông giống người? Nỗi đau này ai thấu hiểu cho đây? Chẳng lẽ những người có trách nhiệm cũng cho rằng chuyện này là “chuyện nhỏ”? Làm sao năm hết tết đến, bao thứ phải nghĩ, phải lo; trí thức hay người dân lao động chân tay lại không hề vui mà chỉ buồn về thân phận thấp hèn, bị quyền lực coi khinh, chà đạp?
Nếu tỉnh lại một chút và nghĩ xa hơn một tý sẽ thấy rằng, sự nguy nan của vận nước, sự đau đớn của thời cuộc đã trầm trọng lắm rồi. Không đúng ư? Có thời buổi nào, ở nước nào mà cùng lúc hai nhà văn lại “đồng thanh” nói chúng tôi không phải là người, có lẽ là bò? Đây không chỉ là tiếng chuông cảnh tỉnh mà là sự báo động ở cấp độ da cam một thực tế rằng sự coi khinh trí thức, sự chà đạp lên các giá trị thông thường đã đến mức không thể chấp nhận được.
Nhân ngày đầu năm, xin bày tỏ một ước mong nhỏ nhoi: Trong năm 2012, chúng ta không phải là bò!
Huế, Ngày 1-1-2012.
------------------------------
Quốc Phương, BBC
BBC Tiếng Việt
Cập nhật: 17:07 GMT - thứ bảy, 31 tháng 12, 2011
Người đồng chủ trì trang mạng phản biện của trí thức Việt Nam, Bauxite Việt Nam, vừa lên tiếng từ trong nước, nói với BBC rằng bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Nước đòi trả tự do cho một người 'biểu tình yêu nước' mới lên mạng hôm 31/12/2011, thực ra là một đa thông điệp.
Giải thích về động cơ đằng sau bức thư cuối năm gửi Chủ tịch Trương Tấn Sang đòi thả bà Bùi Thị Minh Hằng, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho hay ông và nhóm chủ trương, ký tên bức thư không hy vọng người nhận thư và chính quyền 'trả lời' hay 'giải quyết' đơn thư này, song nói đây là một thông điệp gửi cho tất cả mọi người dân ở trong nước để cảnh báo về một hiện trạng mà ông gọi là "vô pháp luật" ở Việt Nam.
"Nói chung là ít hy vọng lắm. Tôi không có hy vọng đâu," Giáo sư Huệ Chi dự đoán với BBC hôm thứ Bảy về tác động và hiệu quả với lãnh đạo của bức thư ngỏ.
"Nhìn những người ở trên, chúng tôi không đặt vấn đề hy vọng, nhưng chúng tôi đặt vấn đề là những người ấy, dầu sao đi nữa, gửi lá thư cho họ cũng không đến nỗi quá uổng phí. Nhưng mà thực tế là gửi lá thư cho toàn thể dân tộc," Giáo sư Huệ Chi nói.
"Để cho dân tộc biết rằng chúng ta vẫn có rất nhiều người rất tỉnh táo, lý trí vẫn sáng suốt, chứ không phải biến chúng ta thành bò được. Chúng tôi chỉ có một chút hy vọng ấy thôi," chuyên gia văn học cổ đại Việt Nam giải thích.
Giáo sư Huệ Chi cho hay lý do ông, bên cạnh những người khác gửi bức thư ngỏ, đã chọn Chủ tịch Sang vì Giáo sư có "ấn tượng" về một số động thái gần đây của ông Sang đối với vấn đề chủ quyền đất nước:
"Tôi cũng rất có ấn tượng về ông Trương Tấn Sang trong việc ông đi sang Ấn Độ, rồi Philippines để liên kết với các nước đó tạo một lực lượng mà chắc là để làm cho Việt Nam mạnh lên trong đối trọng với Tàu (TQ)," Giáo sư Huệ Chi nói.
"Đối với ông Trương Tấn Sang, chúng tôi nhìn ông ấy với một cái nhìn cũng tương đối khác với những người khác, bởi vì chúng tôi thấy ông ấy có những hành động tích cực.
"Cũng như gần đây ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố thẳng thắn ở giữa Quốc hội là Hoàng Sa là bị Trung Quốc cướp, bị Trung Quốc xâm lược. Một thái độ thẳng thắn."
Thế nhưng, nhà nghiên cứu văn hóa than phiền rằng ở trong nước các lãnh đạo ở trên rất "coi rẻ" người dân và do đó tái khẳng định ông "không có hy vọng" gì cả:
"Chúng tôi viết để cho thấy rằng 85 triệu dân ở trong nước không phải là những con bò, mà là những con người. Họ biết sống, họ biết suy nghĩ và họ biết quyền của họ. Chứ còn hiện nay, chúng tôi bị đối xử hơn những con bò," Giáo sư Huệ Chi nói.
'Ba yêu cầu'
Bức "Thư gửi Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang" của nhóm chủ trương được thực hiện từ ngày 25 tháng Mười Hai, cáo buộc chính quyền đã vi hiến khi tiến hành bắt giữ công dân Bùi Thị Minh Hằng, người đã tham gia các cuộc biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa và chống Trung Quốc vi phạm biển đảo Việt Nam từ mùa Hè vừa qua.
"Việc cưỡng bức bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục và việc bắt giữ, bắt giam, hăm daọ công dân bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa là trái với đạo lý, trái với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, vi phạm Công ước Quốc tế về quyền con người mà việt Nam đã ký kết, tham gia," thư ngỏ viết.
Những người chủ trương, ký và gửi bức thư còn cho rằng một nhà nước pháp quyền văn minh thì "không có một công dân nào bị bắt giam, bỏ tù hay đưa đi cải tạo" khi chưa có phán quyết của tòa án.
Bức thức ngỏ đưa ra ba đề nghị với ông Chủ tịch Nước như sau:
"Xem xét việc trả tự do ngay cho bà Bùi Thị Minh Hằng; Yêu cầu các cơ quan chức năng chấm dứt các hành vi ngăn cản, đe dọa công dân bày tỏ sự quan tâm đối với hiện tình của đất nước;"
"Xem xét việc bãi bỏ tất cả các văn bản của Nhà nước đã vi phạm Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và trái với Hiến pháp; đặc biệt là quy định 'áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục' của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và sửa đổi, bổ sung năm 2008' do ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.
Bức thư ngỏ có hàng chục chữ ký, trong đó có nhiều trí thức, nhân sỹ được biết đến rộng rãi ở trong nước như các vị Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Đông Yên, Hoàng Xuân Phú...
Ngoài ra còn có chữ ký của các tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Kiên, các nhà văn: Nguyên Ngọc, Vũ Ngọc Tiến, Trần Nhương và những người khác.
-------------------------------
Quốc Phương
BBC Tiếng Việt
Cập nhật: 15:14 GMT - thứ sáu, 30 tháng 12, 2011
Nhân dịp cuối năm, một số trí thức, nhân sỹ, văn nghệ sỹ trong nước cho BBC biết cảm quan khác nhau của họ về năm 2011 đang sắp qua đi và nêu ra dự đoán cùng hy vọng cho tình hình đất nước trong năm mới 2012.
Tiến sỹ Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết đánh giá của mình về năm 2011:
Việt Nam nhiều mối lo hơn là tín hiệu đáng mừng... So với năm trước, gần đây những bức xúc xã hội càng ngày càng gia tăng và niềm tin cũng suy giảm ở trong người dân. Rất nhiều hiện tượng thể hiện sự bức xúc của người dân," nhà nghiên cứu xã hội nói.
"Chẳng hạn trước đây chưa từng thấy những hiện tượng như người dân chống lại người thi hành công vụ đánh lại cảnh sát, lao xe vào cảnh sát. Tất cả những cái đó không phải là những hành động mang tính tự nhiên mà có. Nó cũng có thể là bột phát nhưng về bình diện rộng, nó thể hiện được sự bất bình của người dân, sự bức xúc của họ và họ buộc phải thể hiện nó ra khi bị đẩy đến tình thế, tất nhiên, cũng có những người sai.
"Thế nhưng những cái đó bắt đầu trở nên những hiện tượng lặp đi lặp lại, chưa dám nói là phổ biến. Báo chí đã nói rất nhiều, phê bình, thậm chí đưa ra xử những vụ như là tát cảnh sát hay chống người thi hành công vụ. Thực ra chống người thi hành công vụ ở nước nào, về cơ bản cũng không được chấp nhận.
"Nhưng nó thể hiện sự bức xúc của người dân. Và niềm tin vào bộ máy nhà nước có thể bảo vệ người dân hay thực thi luật pháp cho đúng đã bị suy giảm, nên người ta mới có những hành động như vậy."
Về triển vọng năm mới, đặc biệt liên quan tới người nghèo ở Việt Nam, ông Dương cho biết:
"Về mặt kinh tế vẫn là đang tăng trưởng, cho nên về cơ bản mọi người vẫn đang được hưởng những lợi ích nhất định. Thế nhưng những vẫn đề về công bằng, phân bổ những thành quả về mặt kinh tế từ trước đến nay vẫn không mang tính công bằng.
"Việt Nam hiện nay đứng trước những thách thức rất lớn về mặt kinh tế. Kinh tế có khả năng sụt giảm sâu nữa. Nhiều báo cáo kinh tế ở Việt Nam cho thấy kinh tế đang đi vào những ngõ cụt. Nên tôi e rằng trong năm tới, những vấn đề cải thiện đời sống cho người nghèo, nếu như không thụt lùi thì cũng không có bước tiến nào đáng kể cả."
'Toàn vẹn lãnh thổ'
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, blogger có sự hiện diện trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong năm, nhấn mạnh đến thái độ bảo vệ lãnh thổ của người dân:
"Nhìn lại năm 2011, thì điều đáng mừng nhất là người dân. Rất nhiều người dân Việt Nam đã lo lắng đối với vận mệnh của đất nước và băn khoăn, lo lắng, mong muốn được góp phần tìm hiểu, bày tỏ thái độ và phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc đã liên tục gây hấn trên biển Đông," ông Diện nói:
"Người dân Việt Nam rất lo lắng và muốn cùng với chính phủ, nhà nước, bày tỏ sự quyết tâm trong việc gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đấy là điều mà chúng tôi thấy là đáng mừng.
"Còn điều đáng lo, thì lo nhất trong năm 2011 là sự băng hoại của các giá trị văn hóa và đạo đức. Lễ hội được mở tràn lan, các vụ giết người ngày càng nhiều và những sát thủ thì ngày càng trẻ tuổi. Học sinh, sinh viên ở nhiều trường phổ thông và trường đại học có nhiều biểu hiện xấu về mặt đạo đức, làm cho rất đáng lo."
"Những mặt khác về mặt văn hóa xã hội như nạn đạo văn, đạo các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, các sáng tác vẫn chưa chấm dứt. Các lễ hội mở lan tràn, mù quáng, đã không phát huy được hết những tác dụng để khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, văn hiến của người Việt Nam; mà lại cổ vũ cho những điều mê lầm như thăng quan, tiến chức, cầu tài, cầu lộc, hoặc chưa được định hướng tốt đẹp."
Về kỳ vọng năm 2012, ông Diện, người giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho hay:
"Trước thềm năm mới, bao giờ người ta cũng hy vọng những điều tốt đẹp, sáng sủa hơn và chờ đợi những điều tốt đẹp hơn và chúng tôi cũng hy vọng với hội nghị trung ương vừa rồi của đảng, sẽ có chỉnh đốn đảng, nhìn nhận ra những sai lầm, những khuyết điểm và đảng sẽ phát huy nội lực và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, minh bạch để cùng nhau xây dựng đất nước tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn," ông Diện nói.
'Còn phải chờ đợi'
Từ Sài Gòn, Giáo sư Vũ Cao Đàm, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Khoa học, nhìn nhận năm 2011 từ góc độ phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục:
"Trong năm qua, những cố gắng của các cơ quan chức năng đang hướng rất mạnh vào việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học và cải cách hệ thống giáo dục," Giáo sư Vũ Cao Đàm nhận xét.
"Hiện nay đang thảo luận chiến lược khoa học công nghệ, cuộc thảo luận đang thúc đẩy rất nhiều những tư duy để làm sao đưa ra được một phương án phát triển tốt đẹp, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội,"
"Còn về giáo dục, trong năm vừa qua, xuất hiện rất nhiều hiện tượng tiêu cực đã nêu ở trên báo chí. Tôi thấy các nhà lãnh đạo đang đặt rất nhiều quyết tâm để cải cách hệ thống giáo dục.
"Năm qua, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã dành được giải thưởng Fields về toán học và Thủ tướng Chính phủ cũng đã dành nhiều ưu ái với Giáo sư Châu. Và tôi thấy là hiện nay các vị ấy cũng đang triển khai các công việc của Viện Cao Cấp về Toán. Năm qua Việt Nam đã ghi nhận được những sự kiện đáng mừng như thế."
Về dự đoán năm mới, Giáo sư Đàm nói: "Năm tới có khá hơn không thì tôi cho rằng vẫn chưa có đủ thông tin để mà nói được. Bởi vì ở Việt Nam trong năm qua có rất nhiều thảo luận để phát triển kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước, mọi cố gắng lôi cuốn vào trong đó rất nhiều, nên mối quan tâm đối với khoa học trong chừng mực nào đó chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với các cố gắng về tái cơ cấu hệ thống kinh tế."
Về điều được gọi là "quan trí" ở trong Quốc Hội Việt Nam hiện nay, so với các khóa Quốc hội gần đây, đặc biệt qua bình diện "các phát biểu" trên nghị trường của các nghị sỹ, ông Vũ Cao Đàm bình luận:
"Chưa muốn so sánh các cuộc họp lần này với các cuộc họp lần trước. Vì mỗi cuộc họp có những bối cảnh khác nhau. Ví dụ những lần trước có những chuyện nóng, gây ra bức xúc, còn hiện nay cũng đang nổi lên một số vấn đề, nhưng mức độ bức xúc chưa chắc đã cao bằng thời điểm nổ ra các cuộc tranh cãi rất mạnh ở trong Quốc hội."
Nói về triển vọng năm mới, đặc biệt về đối thoại bang giao Trung - Việt sau chuyến thăm của Phó Chủ tịch Nước của Trung Quốc, Tập Cận Bình, Giáo sư Đàm, người từng tu nghiệp ở Trung Quốc nhận xét:
"Quan hệ với các nước, cũng có lúc khá lên, có lúc kém đi. Còn hiện nay, tôi nghĩ có thể dùng cái chữ "dịu đi một chút," nhưng còn biến động và bản chất như thế nào, tôi nghĩ chúng ta còn phải có thời gian."
'Đất nước bỏ ngỏ'
Từ Hà Nội, nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng năm 2011 là một năm "hết sức đáng buồn" đối với người Việt Nam, bà nói:
"Tôi cảm giác như là đất nước bị bỏ ngỏ. Sự tham nhũng lên đến tột đỉnh. Quyền lực nhóm đã cấu kết với những thế lực có quyền lực lớn ở trong bộ máy, hệ thống nhà nước, cho tới các tỉnh thành. Người ta đều thấy là không có ai thực sự muốn ngăn chặn nó. Tôi nghĩ rằng ngăn chặn tham nhũng, không phải là không thể ngăn chặn được," nhà văn bình luận.
"Tất cả quyền lực nằm ở những người lãnh đạo đứng đầu đất nước, nhưng tôi cảm thấy chưa ai thực sự muốn ngăn chặn tham nhũng. Qua sự phá sản của hơn 50.000 doanh nghiệp trong năm 2011, có thể thấy những quyết định điều hành kinh tế hết sức bất thường làm tổn thương cho nền kinh tế rất lớn.
"Về mặt văn hóa, báo chí bị chặn, không cho nói đến những vấn đề cốt tử của người dân. Và cuối cùng báo chí vượt qua khó khăn bằng việc đưa tin những vụ 'cướp, giết, hiếp' rất nhiều.
"Đúng là một năm không có gì vui, nhưng có vui chăng thì chỉ có điều là năm 2011 là năm mà người dân Việt Nam bắt đầu bộc lộ, bày tỏ thái độ của mình. Họ dám xuống đường biểu tình, bày tỏ thái độ ôn hòa, rất lịch sự và nhã nhặn về việc bảo vệ chủ quyền đất nước, trước nguy cơ ngoại xâm.
"Tôi thấy một số người Việt Nam đã bắt đầu biết thể hiện mình. Biết bày tỏ quyền tối thiểu của con người. Nhưng họ lại bị đàn áp. Đó là sự đàn áp từ phía những người lãnh đạo. Tôi thấy dù là ai thì đó vẫn là sự tác trách và không được phép làm như vậy."
Về cảm nhận cho năm mới, nhà báo kiêm họa sỹ này chia sẻ: "Năm mới, tôi nghĩ tới những người ở trong tù bị tù một cách oan uổng. Họ bảo vệ đất nước, họ bày tỏ thái độ và Hiến pháp cho phép điều đó. Tôi nghĩ tới những người còn bị ở trong tù một cách oan uổng.
"Và nếu muốn nói có một mong muốn gì đó cho năm mới, thì tôi mong rằng năm mới đến và những người đồng bào của tôi, kể cả tôi nữa, phải có một nghị lực, phải nhớ lại, nghĩ lại rằng mình vốn là con người. Chúng ta có còn bình thường không và còn là con người nữa không khi thấy những người cướp bóc của công, cũng như những kẻ cướp ngang nhiên đi lại trên đường và tước đoạt quyền sống, quyền mưu sinh của người khác," nhà văn Võ Thị Hảo đặt câu hỏi.
'Khía cạnh đáng mừng'
Một tiếng nói nữ giới khác, từ Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Thạc sỹ Phạm Quỳnh Hương, cho BBC biết cảm nhận của mình:
"Tôi cảm thấy đáng lo là thực sự điều kiện kinh tế, giáo dục... nói chung hiện trạng của đất nước nói chung rất là thấp, so với khu vực và các nước khác trên thế giới.
"Tôi cảm thấy chưa ổn ở chỗ chính người dân Việt Nam và kể cả những người lãnh đạo nữa chưa nhìn thấy rằng mình 'ở thế thấp', nhiều người vẫn hoang tưởng về địa vị của mình, cứ tưởng mình ở thế cao, trong khi các nước ở chung quanh họ tiến rất nhanh. Cho nên không chú tâm vào sự phát triển," chuyên gia về các vấn đề đô thị và y tế của Viện Xã hội học nói.
Tuy nhiên, bà Phạm Quỳnh Hương, người có tham gia các cuộc biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa mùa Hè 2011 cũng cho rằng năm qua có một khía cạnh đáng mừng:
"Đáng mừng nhất tôi cảm thấy trong năm nay, có thể nói là có một cái gì đó cởi mở hơn trong cuộc sống của người dân, mặc dù hoàn cảnh của đất nước hiện nay cùng với xu thế suy thoái, về mặt kinh tế khó khăn, nhưng bù lại mọi người cũng nghĩ đến nhau nhiều hơn, cưu mang những người khó khăn hơn mình và cũng nghĩ về cái chung nhiều hơn.
"Trong thời gian qua, nhiều người mải miết làm ăn kiếm tiền thật nhiều cho mình, gia đình mình, nhưng bây giờ khi việc kiếm ăn khó khăn hơn, người ta chững lại và người ta bình tĩnh nhìn lại và cho rằng mình có thể thể dừng lại để duy trì một mối quan hệ nào đấy, để cho xã hội được bình ổn hơn.
"Và khi người dân quan tâm đến các khía cạnh xã hội nhiều hơn, chứ không chỉ chú tâm vào làm kinh tế cho chính mình hay gia đình mình, thì cũng là một cách tốt hơn, điều kiện tốt hơn để xã hội tiến lên trong thời gian tới," nhà nghiên cứu nói với BBC.
.
.
.
No comments:
Post a Comment