Sunday, January 8, 2012

HỌC SINH ƯU TÚ Á CHÂU GIAN LẬN NHƯ ĐIÊN ĐỂ XIN VÀO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HOA KỲ (Patrick Winn, Global Post)



Patrick Winn
Global Post   04.01.2012

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Từ giấc ngủ cho đến cuộc sống ngoài đời, chẳng việc gì mà những học sinh vô cùng năng động ở châu Á không hi sinh vì việc học. Mặc dù họ nằm trong thời đại gọi là “Thế kỷ châu Á”, những đại học Mỹ vẫn là địa điểm lý tưởng cho giới học sinh tiên tiến từ Thượng Hải đến Singapore hoặc Seoul.

Tuy nhiên, con đường được nhận vào đại học Mỹ ngày càng thúc hối những học sinh này hi sinh nhân cách của mình. Với đúng giá, những công ty dịch vụ vào đại học vô lương tâm sẽ cung cấp những bài văn viết hộ bằng một thứ tiếng Anh nhuần nhuyễn, bằng khen giả, sửa học bạ và thậm chí những thần đồng chuyên thi mướn trong những kỳ sát hạch SAT.

“Trời ơi, họ có thể làm hộ cho bạn bất cứ việc gì,” Nok, 17 tuổi, một học sinh lớp 12 tại một trường trung học tư ở Bangkok nói. (Cô đã yêu cầu Global Post thay đổi tên của mình trong bài báo.) “Họ có thể thi hộ SAT cho bạn, không sao cả. Đa số học sinh đều cho rằng chẳng có gì sai trái cả.”

Trong xã hội thượng lưu ở châu Á, và đặc biệt tại Trung Quốc, việc cha mẹ một mực gửi con cái theo học các trường đại học Mỹ đã giúp tăng cao dịch vụ giao dịch hồ sơ. Tuỳ theo mức độ trợ giúp, các gia đình phải trả từ 5 nghìn đến 15 nghìn Mỹ kim.

“Các bậc cha mẹ nói ‘Con tôi cần mức điểm trung bình này nhưng nói thẳng điểm của nó không tốt lắm.’ Rồi kẻ môi giới vô lương tâm nói ‘Đừng lo. Chúng tôi sẽ có cách,” Topm Melcher, giám đốc của Zinch China và tác giả của cuốn sách viết bằng tiếng Trung về cách lựa chọn các trường đại học Mỹ.

Một cuộc thăm dò với 250 học sinh được tiến hành bởi Zinch China, một chi nhánh ở Bắc Kinh của cơ quan tư vấn giáo dục Zinch ở California cho thấy hồ sơ giả mạo xin vào đại học của học sinh Trung Quốc thì cực kỳ phổ biến. Theo cuộc thăm dò, có khoảng 90% những thư giới thiệu đến các trường đại học nước ngoài là giả, 70% bài văn xin nhập học là được viết hộ và 50% học bạ trung học đã được giả mạo.

“Với đúng giá,” Melcher nói, “người môi giới sẽ giả mạo hoặc làm việc với nhà trường để có một học bạ khác.” Việc nhận vào một trường top 10 hoặc top 30, theo như định nghĩa của tờ US News & World Report, có thể đem đến món tiền thưởng từ 3 nghìn đến 5 nghìn Mỹ kim cho người môi giới, ông nói. Melcher nói các quan chức chính quyền ở Trung Quốc thường xuyên nhầm lẫn tờ báo này với một báo cáo chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Nhu cầu về những người môi giới này ngày càng cao. Việc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trên khắp Trung Quốc và những nơi khác ở châu Á đã tạo ra một sự bùng nổ về việc học sinh nước ngoài hi vọng được thăng tiến với một bằng đại học từ phương Tây.

Công dân Trung Quốc hiện nay chiếm hơn một trong năm học sinh nước ngoài đang theo học tại các đại học Mỹ. Gần 158 nghìn sinh viên Trung Quốc đang theo học vào bất kỳ thời điểm nào, tăng đến 300% so với con số vào giữa những năm 1990, theo Học viện Giáo dục Quốc tế.

Sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Hàn chiếm gần phân nửa dân số sinh viên ngoại quốc. Việt Nam đã gửi hơn 13% du học sinh đến Hoa Kỳ chỉ trong năm ngoái, và Malaysia đã đưa thêm 8%, học viện này cho biết.

Nhưng nhiều viên chức của các trường đại học Hoa Kỳ lại không hề biết đến những kẻ chuyên giúp giả mạo hồ sơ mà các học sinh nước ngoài này đã phải trả tiền ở quê nhà. Tồi tệ hơn, việc nhắm mắt làm ngơ trước những gian dối này thường đem lại lợi nhuận.

Sự suy giảm kinh tế của Hoa Kỳ đã làm cạn kiệt ngân quỹ của các tiểu bang, vốn chuyên cung cấp nguồn lực tài chính cho nhiều đại học Mỹ. Nhiều trường phải dùng đến việc tăng giá học phí vốn không được ai ưa thích. Nhưng nhiều trường khác cũng đã ve vãn những sinh viên nước ngoài giàu có mà gia đình sẵn lòng chu cấp tiền cho việc ăn ở và học phí cùng với tỉ giá của học sinh ngoài tiểu bang hoặc thậm chí ngoài nước.

“Du học sinh quốc tế được xem là nguồn thu nhập... và xu hướng này đã bùng nổ trong hai năm nay,” Dale Gough, giám đốc giáo dục quốc tế của AACRAO, Hiệp hội các Nhân viên Quản lý Nhập Đại học Hoa Kỳ.

Học sinh nước ngoài, với học phí và chi phí ăn ở, đóng góp 2,1 tỉ Mỹ kim cho nền kinh tế Hoa Kỳ, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ. “Nói tóm lại,” ông Gough nói, “Họ giúp đưa tiền vào.”

Có vô số biện hộ cho việc tảng lờ hồ sơ giả mạo, ông Gough nói. Một số cho rằng những học sinh nào gian dối thì cuối cùng cũng sẽ bỏ ngang và chẳng bao giờ kiếm được mảnh bằng. Một số viên chức quản lý nhập học, ông nói, lại chấp nhận rằng “đó là cách làm việc ở nước họ.”

Nhiều trường cũng đã tìm cách chuyển điểm học bạ nước ngoài một cách cẩu thả, tính toán điểm bằng một phương pháp “nội bộ” và lạ lẫm sang hệ thống thang điểm trung bình GPA của Mỹ”, ông Gough nói.

Cơ quan ông đã xuất bản một hướng dẫn để giải mã điểm của học sinh nước ngoài, đây là tài liệu duy nhất về việc này, nhưng có ít hơn 500 trong 3,500 trường đại học mà AACRAO đại diện chịu đoái hoài để mua một bản.

“Chuyển điểm nước ngoài sang hệ thống điểm GPA là vô nghĩa,” ông Gough nói. “Nhưng rốt cuộc họ cũng thực hiện.”

Gough lo ngại rằng việc thiếu vắng tiêu chuẩn của các trường đại học và việc chú trọng vào số tiền học phí to lớn của học sinh nước ngoài cuối cùng sẽ làm giá trị truyền thống của tấm bằng đại học Hoa Kỳ. Ông nói hệ quả sẽ hầu như không thể sửa chữa được.

“Kịch bản này cho thấy một thảm hoạ,” ông Gough nói. “Thậm chí nếu nhiều học sinh gian dối này là thông minh và họ sẽ thành công về sau đi nữa, liệu điều này có công bình cho sinh viên Mỹ không? Hoặc cho các sinh viên nước ngoài khác đang đi đúng luật?”

Trong khi Hoa Kỳ đã nhường sức mạnh sản xuất và ảnh hưởng ngoại giao cho Trung Quốc, một tấm bằng đại học Mỹ vẫn là một tiêu chuẩn vàng của uy tín giáo dục. Nok, hiện đang nạp đơn vào đại học ở nước ngoài, chẳng bao giờ nghĩ đến việc xin vào những đại học tại châu Á.

“Sinh viên theo học ở Mỹ là giới tiên tiến, là thành phần ưu tú,” Nok nói. “Nó cho thấy bạn thông minh hơn những người khác.”

Nhưng cũng như đa số các học sinh châu Á, Nok cảm thấy khó khăn và choáng ngợp trước hệ thống đăng ký đại học của Mỹ.

“Ở đây, bạn dự một cuộc khảo ngạch lớn trong một ngày và lấy điểm. Đấy là cách bạn biết bạn có vào đại học hay không,” cô nói. “Người Mỹ thì khác. Họ muốn biết bức tranh toàn cục. Với những bài văn, toàn bộ những điều về đời của bạn.”

Hệ thống đăng ký đại học nghệ thuật tự do của Hoa Kỳ thì “về căn bản càng thêm khó hiểu,” Joshua Russo, giám đốc của Top Scholars, một cơ sở dạy kèm chuẩn bị vào đại học tại Bangkok nói.

Ông nói các gia đình châu Á không quen thuộc với quá trình này thì có lý khi tìm kiếm một dịch vụ giúp đỡ về chiến lược đăng ký và kèm cặp để tăng cường kỹ năng mà các đại học Hoa Kỳ đòi hỏi. Nhưng Russo cũng cảnh báo với các phụ huynh rằng, đứa trẻ không thể tự viết các bài văn của mình chắc chắn sẽ không chịu nổi khi theo học ở Mỹ.

“Một số nhà tư vấn sẽ hứa hẹn mọi điều... và căn bản là học đang chuẩn bị cho đứa trẻ bị thất bại,” Russo nói. “Ngoài việc giả mạo những bài văn, họ còn giả mạo cả câu chuyện đời. Những học sinh sẽ bắt đầu tin vào những lời nói dối. Điều này thật sai trái.”

Sức quyến rũ của các trường đại học Hoa Kỳ và động cơ thúc đẩy thành công đầy áp lực trong giới trung lưu ngày càng lớn của châu Á, sẽ tiếp tục đẩy học sinh châu Á vào các trường đại học Hoa Kỳ. Nhiều thiếu niên Trung Quốc đăng ký đi học nước ngoài, Melcher nói, chẳng có tính cầu tiến mà các trường đại học mong muốn.

“Học sinh Trung Quốc nhìn chung thì tốt,” Melcher nói. “Chúng không chơi bời nhậu nhẹt. Chúng làm việc cật lực. Thất bại không là một lựa chọn.”

Nhưng hồ sơ giả mạo vào đại học vẫn tiếp tục, ông nói, một khi rủi ro thì thấp và phần thưởng thì quá cao. Cơ quan tư vấn của ông đề xuất việc phỏng vấn toàn bộ các học sinh Trung Quốc qua trao đổi bằng video trực tuyến, thực hiện việc kiểm tra tiếng Anh ngẫu nhiên và mướn nhân viên từ Trung Quốc vào những văn phòng chính của đại học.

“Nói thẳng, tôi cảm thấy tội cho những gia đình Trung Quốc nào đang muốn trung thực,” ông nói. “Họ đang lái xe với tốc độ 55 dặm một giờ trong khi mọi người đều phóng qua mặt. Sau một thời gian, họ phải buông tay mà nói ‘Tốt thôi, tôi cũng sẽ tăng tốc.’”

.
.
.

No comments: