Friday, January 13, 2012

HOA KỲ CHUYỂN HƯỚNG SANG CHÂU Á, CHÂU ÂU PHẢI GIA TĂNG NỖ LỰC QUỐC PHÒNG (Đức Tâm, RFI)



Đc Tâm   -   RFI
Th sáu 13 Tháng Giêng 2012

Hôm qua 12/01/2012, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thông báo Hoa Kỳ sẽ rút khoảng 7000 binh sĩ, tương đương hai binh đoàn chiến đấu, ra khỏi châu Âu. Biện pháp này nằm trong kế hoạch cắt giảm 487 tỷ đô la ngân sách quốc phòng trong 10 năm, đã được tổng thống Obama trình bày ngày 05/01/2012.

Ưu tiên hiện nay của Hoa Kỳ là châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với chiến lược mới này. Bà Claude-France Arnould, giám đốc Cơ quan Quốc phòng châu Âu – AED, nói với AFP rằng châu Âu không ngạc nhiên, bài diễn văn của tổng thống Obama « tái khẳng định ưu tiên dành cho châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không có nghĩa là sẽ từ bỏ cam kết đối với châu Âu mà theo ông Obama, vẫn là những đối tác hàng đầu ».

Giới phân tích cho rằng thông điệp của Washington rất rõ ràng : Hoa Kỳ không còn phương tiện cũng như mong muốn để tiếp tục đảm trách một phần lớn vấn đề an ninh cho châu Âu. Do đó, Mỹ yêu cầu các nước châu Âu tăng cường hợp tác với nhau hơn để phát triển mạnh mẽ khả năng quân sự của mình.

Tổng thống Obama nêu ví dụ về hợp tác quân sự tại Libya: Các lực lượng quân sự của châu Âu đã ở tuyến đầu, dưới sự chỉ huy của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, – NATO.

Trong thời gian chiến trạnh lạnh Đông – Tây, có khoảng 300 000 lính Mỹ đóng tại châu Âu. Theo số liệu của Lầu Năm góc, tính đến cuối tháng 09/2011, con số này đã giảm xuống còn 81 000 binh sĩ, trong số này, có 41 000 lính bộ binh. Đức, Anh Quốc và Ý là ba nước có đông binh lính Mỹ nhất.

Ông David Reeths, thuộc viện IHS Jane’s, chuyên nghiên cứu về an ninh và quốc phòng, nhận định là các biện pháp tiết kiệm của Mỹ cũng sẽ tác động đến NATO, bởi vì cho đến nay, Washington gánh chịu tới 75% ngân sách hoạt động của khối này. Hiệu quả hoạt động của NATO sẽ bị ảnh hưởng.

Để trấn an châu Âu, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đã nhấn mạnh là Hoa Kỳ vẫn cam kết thực hiện điều 5 Hiến chương NATO ghi rằng một cuộc tấn công quân sự nhắm vào một thành viên NATO sẽ được coi là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của khối.

Thế nhưng, đồng thời Mỹ cũng kêu gọi châu Âu tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của NATO hoặc chương trình mang tên « Smart Defense – Phòng thủ thông minh » do ông Anders Fogh Rasmussen, tổng thư ký NATO đưa ra, nhằm bổ sung, hỗ trợ các phương tiện quân sự giữa các thành viên.

Nhiều nước trong NATO không nhiệt tình với chương trình này. Nhắc đến trường hợp Libya và Afghanistan, bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond tỏ ý lấy làm tiếc là trong hoạt động phòng thủ chung châu Âu, một số nước đóng góp quá thấp.

Theo AED, ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu đã giảm 7% trong 5 năm qua, và chỉ đạt 194 tỷ euro vào năm 2010, mà một nửa số tiền này được dùng để trả lương.

Cuộc khủng hoảng nợ công và các biện pháp thắt lưng buộc bụng càng gây khó khăn cho việc hợp tác quốc phòng giữa các nước châu Âu, bất chấp những tuyên bố thiện chí và bày tỏ quyết tâm.

Giới chuyên gia cho biết là trong năm 2010, chỉ có 22% tổng khối lượng các thiết bị quân sự được mua trong khuôn khổ hợp tác và phối hợp giữa các nước châu Âu, trong khi đó, mục tiêu đề ra là 35%.

« Cần thì phải làm ». Việc Hoa Kỳ giảm bớt trách nhiệm bảo đảm an ninh cho châu Âu buộc các nước trên lục địa này phải thực hiện những dự án hợp tác chung trong lĩnh vực quốc phòng như chế tạo đạn dược, vệ tinh, đào tạo phi công…
.
.
.

No comments: