Sunday, January 1, 2012

CHUYẾN THĂM NUÔI BÙI THỊ MINH HẰNG NGÀY CUỐI NĂM 2011 BỊ THẤT BẠI (Phương Bích)



Mọi nhà nô nức tất niên - xót xa Bùi Hằng tuyệt thực lần 2
Thứ bảy, ngày 31 tháng mười hai năm 2011

Sáng nay bố đi gặp hội các chiến hữu nên không ăn cơm nhà. Thấy tôi lễ mễ xách đồ ra cửa từ sớm, bố hỏi thì tôi trả lời: con đi thăm nuôi Bùi Hằng.

Sở dĩ trước đây tôi vẫn im lặng vì vẫn nuôi một chút hy vọng, rằng có thể đi ké thằng con trai để được gặp Bùi Hằng một lần, cốt tiếp thêm lửa cho cô ấy trong những ngày đông giá rét cuối năm này. Chao ôi, tôi cứ hồi hộp nghĩ giây phút chúng tôi được nắm lấy tay nhau qua ô cửa tò vò, có lẽ sẽ rất nhiều nước mắt...

Lẽ ra tôi phải tỉnh ngộ ngay từ ban đầu, rằng Bùi Hằng là một trại viên đặc biệt được giám sát hết sức chặt chẽ, nên nếu có ai đó muốn “giúp” cũng không dám ra tay “nghĩa hiệp”. Trước khi thằng bé vào gặp mẹ, tôi dặn cháu:
-Con nhớ phải hỏi mẹ thiếu những gì, để lần tới các bác còn mua bổ sung. Sắp Tết âm rồi, hỏi mẹ có ăn bánh chưng không?...Nhớ nói với mẹ, ở ngoài này, các cô chú các bác không ngày nào không nhớ đến mẹ con...
Đến đây tôi bỗng nghẹn lời, không dám nói tiếp vì sợ sẽ khóc trước mặt mọi người.

Trước đó, lúc phải xuống đi bộ để giảm tải cho xe vì đường đang đổ bê tông nên đầy những đống sỏi đá, mọi người đã tranh thủ dặn dò Bùi Nhân, nói các nhân sĩ trí thức và bạn bè của mẹ, trong đó cao tuổi nhất là cụ thiếu tướng 96 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh, đã viết thư gửi Chủ tịch nước yêu cầu trả tự do cho mẹ. Tôi chen vào: đặc biệt là giáo sư Ngô Đức Thọ thương mẹ con lắm đấy.

Trong cái rét chợt trở nên đậm hơn trong làn mưa bụi, tôi và thằng con to xác của Bùi Hằng rùng mình vì lạnh. Hai bác cháu xách đồ tiếp tế đi qua cái trạm gác chẳng có ma nào trong đó. Vào đến nhà thăm nuôi, qua thái độ của hai công an viên ở đó, tôi hiểu chẳng thể năn nỉ họ” rủ lòng bác ái” cho tôi nán lại chút ít nên cứ tự giác quay ra.
Bốn người chúng tôi gồm cựu bộ đội đặc công, kiêm cựu “tù 5 ngày Hỏa Lò” Phan Trọng Khang, Xuân Diện, T30 và tôi chui tất vào ô tô ngồi đợi. Chuyện trò trên giời dưới bể chán, chúng tôi quay ra hát dân ca cho nhau nghe. Xuân Diện hát bài Nhớ bạn, còn tôi thì hát bài Ngồi tựa mạn thuyền. Hát xong thì vỗ tay tự thưởng cho nhau. Bên trong trại, lúc trước thì chẳng thấy ai, giờ lại có hai anh công an đầu trần lững thững dạo qua dạo lại bên trong cổng.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ thì Bùi Nhân ra. Chúng tôi nhao nhao hỏi:
- Mẹ thế nào?
Nó lắc đầu:
- Con không được gặp vì không có sổ thăm nuôi

Cả hội khốn khổ kêu trời. Có trách cứ cũng chẳng để làm gì nữa. Thế là bao nhiêu chờ đợi, hẹn hò nhau mãi mới tổ chức được chuyến đi cuối cùng thành công toi. Chả thế mà mọi người cứ bảo dù gì thì nó vẫn còn là một thằng bé, tuy to xác thế nhưng vốn chưa bao giờ phải lo nghĩ gì. Đùng một cái mẹ bị bắt, tự dưng phải gánh vác mọi chuyện trong nhà nên nó ngơ ngác là phải.

Có vò đầu bứt tai cũng chẳng giải quyết được gì, chúng tôi đành lên xe quay về Hà Nội.

Dọc đường nghe Bùi Nhân kể mẹ nó lại tuyệt thực. Nguyên nhân là vì sau đợt tuyệt thực lần trước, Bùi Hằng không ăn được cơm nên yêu cầu cho ăn cháo nhưng trại vẫn bắt ăn cơm. Lý do nữa là ngay từ lần thăm nuôi trước, Bùi Hằng cho biết cô ấy có viết ba lá thư, một cho Bùi Nhân, một cho Xuân Diện và một cho tôi. Nhưng chỉ có giấy báo phát từ nơi nhận là của Bùi Nhân, còn của Xuân Diện và của tôi cô ấy không nhận được. Cô ấy hiểu như vậy là họ đã không gửi thư đi, và thực tế là chúng tôi không hề nhận được thư của cô ấy. Lần trước Bùi Nhân có kể, khi nghe nó nói có bác Phương Bích đang chờ ở bên ngoài, Bùi Hằng đã bật khóc.

Trong cuộc đời của Bùi Hằng có nhiều bạn bè, nhưng có lẽ tôi là một trong những người bạn thường sát cánh bên cô ấy, xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn trong thời gian qua ở Hà Nội. Cùng là phụ nữ, lại ít nhiều từng đồng cam cộng khổ với nhau, từng nắm tay nhau cùng bước vào Hỏa Lò, cùng nắm tay nhau khi trở về trong vòng tay đồng đội. Nay thì người bên trong kẻ ở ngoài, làm sao không khỏi đau lòng cho được. Đối với chúng tôi thì cái trại này nó chẳng khác gì nhà tù, thậm chí còn tệ hơn nhiều vì họ có thể gia hạn tùy thích, vì nói như công an trả lời Bùi Nhân thì Bùi Hằng chưa cải tạo tốt là vì còn tuyệt thực. Không biết lần này Bùi Hằng sẽ tuyệt thực bao lâu? Thông thường sau một đợt nhịn ăn dài thế, người ta phải ăn đồ loãng mới tiêu hóa được và không bị đau dạ dày. Nay phải ăn cơm, mà cơm trại thì chắc chả khác gì cơm tù. Thế này thì sau khi ra trại, không hỏng tinh thần thì cũng hỏng người mất thôi.

Tất cả chúng tôi đều cảm thấy xót xa. Đến như cựu quân nhân dạn dày như bác Phan Trọng Khang, vốn trước đây có ý cho rằng Bùi Hằng có phần xốc nổi nay cũng cho rằng đây là một sự hy sinh của Bùi Hằng, không xá gì đến cả tính mạng mình cho cuộc đấu tranh chung vì lẽ phải này. Thực sự ngay lúc này, tôi không biết mình có thể làm gì để giúp Bùi Hằng, dù chỉ để trước mắt cho cô ấy được cái quyền ăn cháo. Có lẽ ngay bây giờ, tôi sẽ viết một bức thư gửi Hội chữ thập đỏ các cấp yêu cầu can thiệp ...còn hơn là cứ ngồi tự hỏi phải làm gì bây giờ.

-------------------------------

Quốc Phương, Nguyễn Huệ Chi
BBC Tiếng Việt
Cập nhật: 17:07 GMT - thứ bảy, 31 tháng 12, 2011

Người đồng chủ trì trang mạng phản biện của trí thức Việt Nam, Bauxite Việt Nam, vừa lên tiếng từ trong nước, nói với BBC rằng bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Nước đòi trả tự do cho một người 'biểu tình yêu nước' mới lên mạng hôm 31/12/2011, thực ra là một  đa thông điệp.

Giải thích về động cơ đằng sau bức thư cuối năm gửi Chủ tịch Trương Tấn Sang đòi thả bà Bùi Thị Minh Hằng, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho hay ông và nhóm chủ trương, ký tên bức thư không hy vọng người nhận thư và chính quyền 'trả lời' hay 'giải quyết' đơn thư này, song nói đây là một thông điệp gửi cho tất cả mọi người dân ở trong nước để cảnh báo về một hiện trạng mà ông gọi là "vô pháp luật" ở Việt Nam.


"Nói chung là ít hy vọng lắm. Tôi không có hy vọng đâu," Giáo sư Huệ Chi dự đoán với BBC hôm thứ Bảy về tác động và hiệu quả với lãnh đạo của bức thư ngỏ.

"Nhìn những người ở trên, chúng tôi không đặt vấn đề hy vọng, nhưng chúng tôi đặt vấn đề là những người ấy, dầu sao đi nữa, gửi lá thư cho họ cũng không đến nỗi quá uổng phí. Nhưng mà thực tế là gửi
lá thư cho toàn thể dân tộc," Giáo sư Huệ Chi nói.

"Để cho dân tộc biết rằng chúng ta vẫn có rất nhiều người rất tỉnh táo, lý trí vẫn sáng suốt, chứ không phải biến chúng ta thành bò được. Chúng tôi chỉ có một chút hy vọng ấy thôi," chuyên gia văn học cổ đại Việt Nam giải thích.

Giáo sư Huệ Chi cho hay lý do ông, bên cạnh những người khác gửi bức thư ngỏ, đã chọn Chủ tịch Sang vì Giáo sư có "ấn tượng" về một số động thái gần đây của ông Sang đối với vấn đề chủ quyền đất nước:
"Tôi cũng rất có ấn tượng về ông Trương Tấn Sang trong việc ông đi sang Ấn Độ, rồi Philippines để liên kết với các nước đó tạo một lực lượng mà chắc là để làm cho Việt Nam mạnh lên trong đối trọng với Tàu (TQ)," Giáo sư Huệ Chi nói.

"Đối với ông Trương Tấn Sang, chúng tôi nhìn ông ấy với một cái nhìn cũng tương đối khác với những người khác, bởi vì chúng tôi thấy ông ấy có những hành động tích cực.
"Cũng như gần đây ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố thẳng thắn ở giữa Quốc hội là Hoàng Sa là bị Trung Quốc cướp, bị Trung Quốc xâm lược. Một thái độ thẳng thắn."

Thế nhưng, nhà nghiên cứu văn hóa than phiền rằng ở trong nước các lãnh đạo ở trên rất "coi rẻ" người dân và do đó tái khẳng định ông "không có hy vọng" gì cả:
"Chúng tôi viết để cho thấy rằng 85 triệu dân ở trong nước không phải là những con bò, mà là những con người. Họ biết sống, họ biết suy nghĩ và họ biết quyền của họ. Chứ còn hiện nay, chúng tôi bị đối xử hơn những con bò," Giáo sư Huệ Chi nói.

'Ba yêu cầu'

Bức "Thư gửi Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang" của nhóm chủ trương được thực hiện từ ngày 25 tháng Mười Hai, cáo buộc chính quyền đã vi hiến khi tiến hành bắt giữ công dân Bùi Thị Minh Hằng, người đã tham gia các cuộc biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa và chống Trung Quốc vi phạm biển đảo Việt Nam từ mùa Hè vừa qua.

"Việc cưỡng bức bà Bùi Thị Minh Hằng vào cơ sở giáo dục và việc bắt giữ, bắt giam, hăm dọa công dân bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa là trái với đạo lý, trái với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, vi phạm Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, tham gia," thư ngỏ viết.

Những người chủ trương, ký và gửi bức thư còn cho rằng một nhà nước pháp quyền văn minh thì "không có một công dân nào bị bắt giam, bỏ tù hay đưa đi cải tạo" khi chưa có phán quyết của tòa án.
Bức thức ngỏ đưa ra ba đề nghị với ông Chủ tịch Nước như sau:

Thư ngỏ đòi trả tự do cho công dân Bùi Hằng có chữ ký của nhiều trí thức, nhân sỹ và quần chúng trong nước.

"Xem xét việc trả tự do ngay cho bà Bùi Thị Minh Hằng; Yêu cầu các cơ quan chức năng chấm dứt các hành vi ngăn cản, đe dọa công dân bày tỏ sự quan tâm đối với hiện tình của đất nước;"
"Xem xét việc bãi bỏ tất cả các văn bản của Nhà nước đã vi phạm Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và trái với Hiến pháp; đặc biệt là quy định 'áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục' của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và sửa đổi, bổ sung năm 2008' do ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành.

Bức thư ngỏ có hàng chục chữ ký, trong đó có nhiều trí thức, nhân sỹ được biết đến rộng rãi ở trong nước như các vị Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Đông Yên, Hoàng Xuân Phú...
Ngoài ra còn có chữ ký của các tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Kiên, các nhà văn: Nguyên Ngọc, Vũ Ngọc Tiến, Trần Nhương và những người khác.

-----------------------------------


Một nhóm nhân sĩ – trí thức Việt Nam
31/12/2011

.
.
.

No comments: