Wednesday, January 25, 2012

CÁI BÁNH VẼ (Ngô Quang Hưng)



Ngô Quang Hưng

Năm 2009, Salman Khan bỏ không làm nhà phân tích tài chính ở một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Wall Street. Anh về nhà xuống hầm giảng bài, thu băng, và upload lên Youtube. Các bài giảng của anh đều về các đề tài sơ cấp: lượng giác, lịch sử, đại số, … Vài nghìn clips (và chục nghìn giờ lao động) sau đó, và Khan Academy hiện nay đã có tài trợ từ nhiều tổ chức: Google, quỹ Gates, vân vân. Các video clips của tổ chức phi lợi nhuận này đang len lỏi hàng đêm vào tầng hầm của nhiều triệu trẻ em các nước — phát triển hay thế giới thứ ba.

Sebastian Thrun là một giáo sư Khoa Học Máy Tính cực kỳ nổi tiếng của đại học Stanford, chuyên về Robotics. Năm 2005, cái xe không người lái của nhóm nghiên cứu của anh thắng giải “Thách thức lớn của DARPA“. Năm 2010, anh dẫn đầu nhóm của Google cho xe không người lái chạy trong thành phố. Năm ngoái Sebastian đồng giảng dạy lớp Trí Tuệ Nhân Tạo mở của Stanford (với Peter Norvig, giám đốc nghiên cứu của Google), hoàn toàn miễn phí trên mạng cho … 160 nghìn học viên trên toàn thế giới. Ai muốn đăng ký cũng được. Trải nghiệm này đã thay đổi Sebastian. Số học viên từ Lithuania nhiều hơn số sinh viên Stanford lấy lớp này. Có những học viên từ Afganistan, phải đi qua vùng đạn lửa để có vài giờ kết nối Internet để làm và nộp bài tập. Khi hoàn tất, có 248 học viên được điểm tuyệt đối. Không có bất kỳ ai trong 248 học viên này là … sinh viên Stanford, trường đại học số 1 thế giới! Sebastian vừa bỏ tenure ở Stanford, thành lập Udacity, một trường đại học miễn phí trên mạng. Mục tiêu của anh là lớp đầu tiên sẽ có nửa triệu học viên. Tôi không biết nên mô tả cho bạn đọc việc lấy tenure ngành Khoa Học Máy Tính ở Stanford khó như thế nào. Khoa máy tính ở đó là một phần khối óc của thung lũng Silicon.

Bill Gates là một cái tên không cần giới thiệu. Từ năm 2007 đến nay ông đã hiến ít nhất 25 tỉ đô la làm từ thiện, theo một nguồn thống kê đã cứu được gần 6 triệu mạng người khỏi viêm gan siêu vi B, sốt xuất huyết, SIDA, v.v.

Vài trăm ngàn học viên của Salman và Sebastian, và vài triệu sinh linh mà Bill giúp cứu mạng chắc hẳn là hoàn toàn đếch quan tâm xem Salman, Sebastian, và Bill có phải là trí thức chính hiệu hay không. Ngược lại, Salman, Sebastian, Bill cũng tuyệt đối không có thì giờ tranh luận xem chữ trí thức nên viết hoa hay viết thường, là phải trung thành hay đối lập. Họ còn bận nướng cái bánh thật, cho những người đói thật.

Con đường đi đến cái bánh thật không cần đi qua tranh luận về cái bánh vẽ.

Tôi rất ngưỡng mộ và biết ơn Talawas thời kỳ đầu mà chị Phạm Thị Hoài và các cộng sự mất bao công gầy dựng. Talawas thời kỳ đầu, như Khan Academy với tôi là một thằng bé trong tầng hầm của mình. Đến giai đoạn Talawas chuyển thành blog thời kỳ 2 thì tôi có cảm giác toàn bộ năng lượng được chuyển thành năng lượng “âm”. Vẫn còn ở trong tầng hầm, nhưng cá nhân tôi thấy không còn học được gì ở đó nữa. Nêu ví dụ này để nói rằng, vấn đề không nằm ở chỗ “đối lập” hay không “đối lập”.

Nếu đã không xắn tay áo làm bánh, thì tầm ảnh hưởng của một tiếng nói đến cái bánh thật chỉ còn phụ thuộc vào hàm lượng tri thức nằm trong tiếng nói. Chém gió trong một cái võ đài rỗng về hàm lượng tri thức là một sự phí phạm cuộc sống đáng tiếc.

“Trí Thức” — bất kể viết hoa hay viết thường — đều là Cái Bánh Vẽ — viết hoa.

.
.
.

No comments: