Thụy Khuê
Sunday, January 1, 2012
LTS. Xe Lên Xe Xuống là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Bình Phương vừa được Diễn Đàn Thế Kỷ xuất bản tháng 12, 2011 tại California, Hoa Kỳ. Mời bạn đọc theo dõi sau đây bài giới thiệu tác phẩm này của nhà phê bình văn học Thụy Khuê.
*
Trong tiểu thuyết Người đi vắng, Nguyễn Bình Phương kể chuyện một đứa nhỏ mỗi lần nghe thấy tiếng rao của ông thiến lợn là nó hoảng sợ, hai chân chụm lại giấu chim, nhắm mắt tự hỏi: ai là người đẻ ra những ông thiến lợn? Một giọng ôn tồn bảo: khi người ta tìm ra mẹ của kẻ thù thì kẻ thù mất sức mạnh. Câu nói bí ẩn, dĩ nhiên thằng nhỏ chẳng hiểu gì, bởi đó là bí quyết tồn tại của nhà văn trong một xã hội niêm phong: muốn yên thân thì chớ có loay hoay điều tra ai là mẹ của những ông thiến lợn. Tìm đến cội rễ của ung thư, đào mả các đại vi trùng hiển nhiên là hiểm nguy có thể kề tính mệnh.
Xe lên xe xuống dẫn ta vào cái xã hội niêm phong đó, đường đi hiểm trở như đường vào hang Văn Dú, nhưng Thế Lữ có hai người Thổ dẫn đường. Lối vào tác phẩm mới nhất của Bình Phương cũng kỳ quặc huyễn hoặc trong trận đồ bát quái, là một thử thách cho những kẻ mạo hiểm, mà dù có lọt vào vẫn có khả năng bị tẩu hoả nhập ma bởi những phù phép yểm trong chữ nghĩa để ám kẻ nào tìm ra rường mối của chiến tranh, rường mối của bạo lực, rường mối của một xã hội mà con người đã bị thiến tư tưởng.
Xe lên xe xuống là một cạm bẫy kiểu Vàng và Máu như thế trên mạn ngược, ở Việt Bắc, biên giới Việt-Hoa.
Chìa khoá mở vào không gian niêm phong này nằm trong mấy trang đầu, nếu tìm thấy mã số của chữ nghiã, bạn có thể đi suốt tác phẩm, bởi Bình Phương là một đạo diễn rất hiện đại (hoặc nói theo thời thượng: rất hậu hiện đại), cho máy quay hai kịch bản song song rồi chiếu cùng một lúc lên màn ảnh. Nội dung hai kịch bản này cũng lại bị cắt thành từng khúc, những mẩu đời đứt đoạn, những suy tư chặt đôi, đảo lộn trật tự, chắp lại thành một chuỗi liên tục những sự kiện không liên tục, hệt như con đường mòn nổi tiếng ở miền Trung đã bị bom đạn phá tan nát, được đắp lại bằng những mảnh xác không tên, và nó tồn tại như một lịch sử vĩ đại anh hùng. Bình Phương dẫn ta vào những trang sử anh hùng ấy, nhưng không đi xe ca máy lạnh trên đại lộ như du khách ngoại quốc, Việt kiều, mà đi chân đất xuống địa đạo, xuyên vào lớp xi măng và các chất liệu đã được nghiền nát trộn trạo để làm đường, xem trong có gì. Sau một chuyến đi như vậy, không ai có thể toàn vẹn.
Sự thực là hai chuyến đi, kể bằng hai thoại của hai anh em đã chết. Thoại một, của người em, chia làm hai trường đoạn: phần in nghiêng, xẩy ra sau khi chết. Phần in đứng, xẩy ra trước khi chết. Thoại hai, của người anh, sau trận Tám Tư bị điên và chết; thuật lại cho em các trận đánh trong nhật ký. Hai thoại cũng là hai chuyến đi: một về tương lai và một về quá khứ, cùng phát xuất ở đỉnh Tà Vần, mồ chôn hai anh em và cũng là mộ phần của tất cả những đỉnh cao loài người, bởi đỉnh đi cùng với vực như Mai Thảo đã kinh qua trong bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời.
Tiểu thuyết bắt đầu bằng những dòng in nghiêng, trên một chiếc xe gồm: một phụ nữ tên Trang, một người lái xe và "đám người mặt lạnh đanh". Đám mặt lạnh đanh chính xác có ba: một người cầm bộ đàm, một người cao lớn và một người thấp bé; lái xe chính xác là phó công an tỉnh. Đó là những kẻ thực thụ hiện diện.
Trong xe còn một kẻ xưng mình, "ngồi" cạnh Trang. Và có giọng một người anh dặn mình: "đừng bao giờ để bị bắt". Người anh dứt khoát vắng mặt, bởi vì mình chỉ nhớ lại: anh đã ghi câu ấy bằng nét bút dằn đặm, chứ mình không nghe anh nói.
Còn mình ? Mình ngồi cạnh Trang nhưng thực sự mình có trong xe không? Có và không. Nhờ mật mã: "tất cả đều chậm lại sau cú bay thảng thốt của mình" "qua nhiều ngọn cây và đá" mà ta biết cái thực thể xưng mình ở đây, đang ngồi cạnh Trang đây, chỉ là linh hồn mình sau khi đã "bay qua nhiều ngọn cây và đá". Vậy, hoặc mình vừa chết, còn tươi, linh hồn nóng hổi kể lại chuyện mình. Hoặc mình đang trong tình trạng hôn mê (coma), linh hồn đã nhanh chân chạy thoát khỏi xác đến ngồi bên Trang.
Sau cùng là nó. Ở trang đầu mình đợi nó và đến trang cuối mình gặp nó. Vậy nó không phải là một thực thể hữu hình, nó là một trạng thái, nó là cái chết. Cả quyển tiểu thuyết tóm gọn trong vài giây: hồn vừa lìa khỏi xác, mình bước từ cõi dương sang cõi âm.
Chiếc xe xuống chuyên chở cả âm lẫn dương: Trang một mình với đám người mặt lạnh đanh, (sẽ đoán được là ba công an, cộng lái xe là bốn) thuộc cõi dương. Hai anh em xưng mình và anh, thuộc cõi âm. Đó là toàn bộ các thành viên trong chuyến xe đi xuống, từ đỉnh Tà Vần.
Phần in thẳng dành cho chuyến xe lên, lúc mình còn sống. Trong xe có mình, có Trang, có hắn và tài xế; mục đích chuyến lên: hắn đưa mình và Trang lên biên giới, tới đỉnh Tà Vần, hoặc để trốn sang Tàu, hoặc chỉ là một cuộc hành hương về chiến trường, chỗ anh đã bị bắt, trong trận đánh với khựa (Tàu) tháng hai năm Bẩy Chín.
Từ đây, truyện tiếp tục chia hai ngả song song: một, in nghiêng, về những gì xẩy ra sau khi mình chết và một, in thẳng, viết về thực tại trước khi mình chết.
Nguyễn Bình Phương nén các dữ kiện trong một số chữ tối thiểu giống như cái máy ép rác: nếu ta bỏ vào đó lổn nhổn tất cả rác rưởi cuộc đời thải ra hàng ngày, nó chỉ ép một phút là dẹp cứng thành vài mi-li-mét. Vậy chỉ cần đọc vài dòng Xe lên xe xuống thì mọi sự sẽ được bình phương lên thành vài chục trang tiểu thuyết.
Lời kể của mình nhân vật chính trong truyện, đi cùng với lời kể của anh, anh ruột mình và lời nhiều nhân vật khác: như lời cậu, cậu ruột của mình; lời hắn, bạn học cũ và guide dẫn mình đến Tà Vần, lãnh địa bí mật, cạm bẫy cuộc chiến Bẩy Chín của ta với khựa và cũng là hãm địa con người trong thời điểm cú vọ hôm nay... Lối viết này, thuật ngữ phê bình gọi là đa âm.
Lời của những kẻ không tên cất lên về những nhân vật thần kỳ của các đội ngũ anh hùng, thổ phỉ; về những cuộc săn (người) đêm trên đỉnh Lũng Tẩu; về những vụ bán cao bành trướng ăn vào người phình lên như quả bóng; về vụ bà phó chủ tịch huyện anh hùng Tám Tư ăn thịt người chết để mong trẻ mãi; về hai cuộc chiến giữa hai nước anh em hữu nghị -nuốt chửng không biết bao nhiêu nhân mạng- Bẩy Chín, Tám Tư đã bị chôn sống, không ma chay, không bát âm, không điếu văn, không giỗ chạp.
Những kẻ không tên được chỉ định bằng những: mình, anh, cậu, chú, hắn... (riêng mình, nếu để ý lắm thì sẽ nghe thấy có người gọi là Hiếu) bên cạnh mấy người có tên như Trang, Thu, Hằng, Vân Ly, ...tạo ra một thế giới mà người nữ hình như có chút ưu đãi, nghiã là có tên; họ có chút địa vị cá nhân hơn người nam chăng? Chưa chắc, bởi những người có tên như bọn thằng Quých, thằng Hiệp, thằng Thuỷ... chỉ là bọn tép riu, tòng phạm, hoặc chết lãng nhách như thằng Quých, hoặc chết oan như Vân Ly. Tóm lại đàn bà trong cái xã hội này cũng chỉ là cây kiểng, tên để trưng, thực sự nữ cũng như nam, không ai có một địa vị cá nhân nào.
Sự các nhân vật không có tên, có phải là do trường phái tiểu thuyết mới của Alain Robbe-Grillet chăng? Tôi đồ rằng không. Ở đây không hề có cái lo lắng cách tân cách điệu, trường môn, trường phái gì cả, mà chỉ là để thể hiện một xã hội tập thể, con người đã mất hết danh vị cá nhân, đã thuần thục trong đời sống đội ngũ như: đội ngũ nhà văn, đội ngũ giáo sư, đội ngũ thổ phỉ, đội ngũ bác sĩ, đội ngũ công an, đội ngũ ma tuý, đội ngũ buôn lậu,... tất cả đều đã được phân loại rõ ràng. Tính chất binh bị thấm vào ngôn ngữ, phản ánh toàn bộ tổ chức xã hội, mà cá nhân con người đã trở thành phi danh tánh, như con giun con dế, một mặt nó giúp cho những anh, những mình, những hắn kia, khó bị lộ diện trong những trận phục kích hay buôn lậu; một mặt, nó giúp cho đám người có phận sự rượt bắt họ không bị lộ danh tánh hình tích. Xã hội, trở thành nặc danh, thả dàn cho những tội ác, ở cả bên này và bên kia công lý.
Với bút pháp trinh thám đầy mật mã, tác giả thám hiểm nhiều cuộc đời, nhiều lớp thời gian, trùng lấp, chồng chất lên nhau, vẽ nên nhiều chân dung độc đáo trong cảnh kháng chiến đánh phỉ, cảnh chiến tranh Bẩy Chín-Tám Tư, cảnh làm tình, cảnh thanh toán, buôn lậu, ma tuý, cảnh lùng bắt, cú vọ... Nhiều mặt trận, nhiều thực tại được giấu sâu trong lòng đất, ở những địa đạo, dưới những nấm mồ, không ai dám nhắc đến trong "sử sách" vì tính chất "tiêu cực" của nó. Qua những mật mã, chúng đội mồ hiện lên như những bóng ma người người lớp lớp lũ lượt chồng chéo lên nhau như một định mệnh, một nhân quả về tội ác, không phân biệt ranh giới âm dương.
Tác phẩm là thiên điều tra về tội ác và trừng phạt, tìm đến mẹ của bạo lực để giải mã tại sao dân tộc ta đạt "kết quả" như ngày nay: Bạo lực cổ đại từ thời Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu (tháng 1/1075), sắp đầu người thành đống, mỗi đống 100 đầu, cả thảy 580 đống[1]. Bạo lực trung đại với Tây Sơn-Nguyễn Ánh. Bạo lực kháng chiến với Thổ Phỉ-Cách Mạng. Bạo lực hiện đại với Bẩy Chín-Tám Tư. Bạo lực hậu hiện đại với Ma Tuý-Buôn lậu-Sex, trong một xã hội tập thể, mà mỗi người đều có ám vọng muốn nhìn xem bên trong của kẻ khác chứa những gì.
Bạo lực nguyên thuỷ được trình bầy qua động tác chặt; dụng cụ thớt; sản phẩm đầu người.
"Phỉ nó chặt...
Mình nghĩ nếu xét thuần về mặt hành động thì phỉ là loại chạm tới cái cốt lõi nhất, tiêu biểu nhất của con người. Vì phỉ hay dùng hình thức chặt, thứ hình thức mang lại khoái cảm và uy quyền. Phỉ chặt đầu, chặt tay, chặt chân, chặt ngang người. Các loài khác không biết chặt, chỉ cắn, xé, móc. Giết một con gà mà không vang lên tiếng chặt nào thì chỉ là giết một con giun. Vào quán thịt chó mà không nghe tiếng chặt côm cốp thì dứt khoát chỉ có cảm giác ăn đậu phụ. Tiếng chặt tạo ra sự hưng phấn ghê gớm. Dọc theo lịch sử dằng dặc của đường biên này luôn luôn là những tiếng băm chặt nhau chí chát. Khi triệt hạ thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt đã cho chặt đầu tất cả những kẻ trong thành rồi xếp thành năm trăm tám mươi đống, mỗi đống một trăm cái đầu. Tiếng chặt đầu côm cốp của Thái uý vẫn còn làm cho họ run rẩy, đau đớn đến tận bây giờ. Năm một tám tám sáu, khi phái đoàn phân định biên giới Hoa-Pháp bắt tay vào việc, toàn bộ gia quyến của viên quan được triều đình Nguyễn bổ nhiệm để cai quản và thu thuế vùng Bạch Long đã bị phỉ giết chết, hàng chục sinh mạng, không phân biệt trẻ con, người già, đều bị chặt nhỏ (...) Phỉ đặt người ta lên phiến đá và nhẩn nha chặt như chặt thịt lợn. Có người bị chặt đứt phăng hai tay, hai chân mà vẫn còn sống, mồm miệng loe máu kêu gào. Mình nhớ không nhầm thì chùa Trăm tháp ở Bình Định còn giữ lại tảng đá lớn mà Nguyễn Ánh dùng làm thớt chặt hàng nghìn người thuộc phe Tây Sơn thất trận. Tất nhiên, Nguyễn Ánh làm thế vì trước đó ông ta đã chứng kiến tận mắt cảnh bố mình bị anh em nhà Tậy Sơn chặt đôi người".
Có lần Trùm phỉ Chu Chồ Sền bảo Chu Văn Tấn: "Chúng mày vì nghèo khổ mà đi làm cách mạng. Chúng tao vì nghèo khổ mà đi ăn cướp. Thế là giống nhau".
Ông ngoại của mình cũng là trùm phỉ. Vậy Phỉ là người Việt nguyên thủy nhất, thành thật nhất, có gì nói thẳng, chưa hề biết giữ mồm giữ miệng, chưa hề biết các sự nhạy cảm, chưa hề biết phân biệt tiêu cực và tích cực.
Văn hoá chặt nằm trong văn hoá ẩm thực của ta từ thời nào, những nhà nghiên cứu nên chú ý khai quật, có điều chắc chắn đó là văn hoá phỉ, là cỗi rễ Việt được phỉ giữ lại và bảo tồn đến chết. Đó cũng là yếu tố đặc thù của dân Việt (ta học được của Tàu rồi Việt hoá đi như tất cả những thứ khác) bởi vì cơm Tây, cơm Mỹ chẳng có món nào chặt như món gà luộc hay thịt chó của người mình.
Khi Lỗ Tấn nói người Trung Hoa ăn thịt người, thiên hạ đã rần rần phản đối, có thể vì cái vụ đó mà Lỗ Tấn một dạo cũng bị đem vào tủ lạnh, may nhờ lý lịch A.Q xuất thân bần cố, đã cứu và đưa Lỗ trở lại văn đàn như một chiến sĩ vô sản trăm phần trăm.
Nguyễn sinh sau đẻ muộn mà lại có mòi thâm thúy hơn Lỗ: không ăn nói hồ đồ, vô bằng chứng, mà lấy ngón trỏ chỉ thẳng vào mâm cơm bảo đấy cái dân tộc tính của mình đấy: rặt các món chém chặt. Đố ai chối được.
Từ nguồn văn hóa chém chặt, sinh ra bọn trẻ ngày nay, không chặt mà đốt như Trang, Quých, Hiệp ... Và mình bề ngoài có vẻ hiền lành, bên trong hồn nhiên là trùm phỉ hậu hiện đại.
Nếu bạo lực cổ điển có danh nghiã tốt đẹp bảo vệ xứ sở, thống nhất đất nước, những chân lý tuyệt đối không ai cãi được, thì bây giờ bọn trẻ không thèm đếm xỉa đến những khẩu hiệu lẩm cẩm quá đát ấy nữa, bạo lực hậu hiện đại coi việc đốt người như chuyện vặt, như uống coca, như làm tình, và dường như họ cũng không ý thức được tay mình có máu, bởi có chém chặt gì đâu, chỉ cần bình xăng và một que diêm là xong trong nháy mắt, tay không bẩn, quần áo vẫn lượt là láng coóng.
Hai chuyến đi song song diễn ra trước mắt người đọc, như hai cuộc vận chuyển thời gian ngược chiều, như hai thời đại gặp nhau ở đỉnh Tà Vần, trong cùng một huyệt tại vùng địa đầu biên giới có cái tên huyền thoại Việt Bắc.
Bọn trẻ đã hiểu: làm gì có lý tưởng, làm gì có tình hữu nghị anh em, cậu ơi, làm chó gì có sự tử tế giữa hai quốc gia, toàn thổ phỉ cả, mà trần trụi chỉ là chém và chặt, là ác giả ác báo, là hận thù xuyên nòi giống, là sự rình rập, giam hãm, giăng bẫy, báo thù. Từ một quá khứ hiển vinh như thế làm gì chúng không can trường phóng xe vào ma tuý, sex và tội ác. Từ đời cha đến đời con, tất cả đều đã nhập tiệc thịt người, bà phó chủ tịch xã nói: nếu ăn thịt người chết thì sẽ trẻ mãi mãi. Bà là vị nữ anh hùng trong cuộc chiến với khựa.
Những đám mây ngũ sắc giống chiếc nơm úp thẳng xuống bí mật phong toả, càng làm nặng ký chính sách niêm phong, cấm địa, chôn vùi lịch sử, dìm tội ác xuống vùng sâu, để tạo một huyền thoại anh hùng không bao giờ hiện hữu.
Trong suốt cuộc hành hương của mình Hiếu luôn luôn tìm cách chụp hình những đám mây với ảo giác chụp được nội dung và hình thức sự phong toả con người.
Trong suốt hành trình ngược chiều quá khứ và phóng về tương lai, Hiếu gặp toàn một loạt cỏ cây, đồi núi, con người, đã bị các vết chém chặt bằm nát.
Núi Bạc tốn máu như núi Đất. Pháo của họ đã nã nát nhừ ngọn núi không lấy gì làm cao ấy, đào xới tung nó lên đến cả nửa ngày trời, sau đó mới cho bộ binh dùng súng phun lửa và hơi cay lao lên. Núi bạc không có những trận giáp lá cà kinh hoàng đến mức những ai còn sống sót sau trận ấy, dù ta hay họ đều hoá điên như ở Núi Đất, nhưng lại đầy rẫy những huyền thoại về các linh hồn.
Sông ngòi cũng một mầu: Sông Nho Quế lại đỏ, sông Bằng đỏ máu... Từ anh hùng đến thổ phỉ, từ ta đến tàu, ở hai bờ sông chia ranh, cùng một tiếng gọi đòi thủ cấp.
Cách đây hơn 20 năm, Bảo Ninh mô tả chiến tranh như một bộ máy nghiền nát tất cả, trừ tình yêu.
Nguyễn Bình Phương tiến thêm một bậc: chiến tranh nghiền nát cả tình yêu chỉ để lại tội ác, không cho con người một hy vọng nào. Bình Phương chiếu ống kính vào tội ác của một dân tộc được giáo huấn thường trực trong các bài học chiến thắng và anh hùng, mà bản chất sâu xa chỉ là thổ phỉ. Chiếu vào hậu quả của các chiến thắng từ thời Lý, thời Tây Sơn-Gia Long, đến thời Cách Mạng-Thổ Phỉ, cuộc chiến Việt-Trung... Văn hoá chặt đã thấm vào máu, nằm trong mâm cơm: dân ta mải chặt mà quên sống. Vùng đất biên giới anh hùng nằm trên những xác ngưòi, chỉ tạo nên những hệ gia đình thui chột như gia đình Hiếu: Ông ngoại trùm phỉ bị chặt đầu; mẹ buôn lậu vào tù; chú ngớ ngẩn; anh chiến sĩ đánh Tàu, chết vì điên, bị chuột gặm mắt và hai cánh mũi; em trùm phỉ hiện đại, bị phục kích chết ở đỉnh Tà Vần...
Sự giáo dục chiến thắng chỉ tạo nên những thánh, nhưng "không một bà mẹ nào muốn con là thánh". Nền tảng đầu tiên của con người là gia đình đã bị hủy diệt. Hệ thống mây ngũ sắc chụp lên toàn lãnh thổ, khiến con người không thoát ra được vòng phong toả để tìm đến một chân trời mới. Thế hệ thanh niên, ngụp lặn trong vùng đất thánh, gây tội ác, bị rình rập, chạy lên đỉnh, bị sập lưới, đẩy xuống vực sâu. Họ chưa từng ý thức được thế nào là tội ác, trước khi lìa đời.
Thụy Khuê
Paris 20/10/2011
[1] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Sông Nhị, Hà Nội, 1949, trang 171.
.
.
.
No comments:
Post a Comment