Saturday, January 7, 2012

BẮC HÀN SAU KIM CHÍNH NHẬT (Lê Duy Nhân)



Lê Duy Nhân
Thứ bảy, 07 Tháng 1 2012 00:15

Cái chết đột ngột của siêu độc tài Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) ngày 17/12 đã tạo ra một bầu không khí khẩn trương đối với các nước lân bang nói riêng và thế giới nói chung.

Bắc Hàn là nước cô lập nhất thế giới. Do chính sách bưng bít từ thời Kim Nhật Thành, được kế truyền và tiếp nối bởi Kim Chính Nhật, thế giới hòantoànkhông biết được những gì xảy ra trong quốc gia được cai trị bởi chế độ độc tài toàn trị sắt máu khủng khiếp cha truyền con nối này. Hầu hết tài nguyên và ngân sách đều được dành để nuôi 1,2 triệu binh lính và chế tạo vũ khí nguyên tử trong khi mỗi năm hàng trăm ngàn trẻ con thiếu ăn và hàng chục ngàn dân chết đói mặc dầu chính quyền đã phải muối mặt ngửa tay xin viện trợ thực phẩm từ các quốc gia khác, kể cả các nước thù địch là Nam Hàn và Hoa Kỳ.

Kim Chính Nhật luôn luôn dùng vũ khí hạt nhân, đe nạt các nuớc liên bang để tống tiền, kể cả các cường quốc như Hoa Kỳ , Nhật Bản và Nam Hàn. Được yểm trợ bới hai đồng minh Trung Quốc và Nga nên mặc dầu kinh tế kiệt quệ, Bắc Hàn vẫn còn khả năng tiếp tục chính sách “chính trị trên nòng súng”.

Kim Chính Nhật tuy dùng quả đấm nguyên tử để uy hiếp và làm tiền thế giới nhưng tỏ ra khôn ngoan và biết lùi khi cần thiết. Ngày nay lãnh tụ “nhóc con” Kim Chính Ân (Kim Jong Un) chưa tới 30, không có một xu kinh nghiệm lãnh đạo chính trị và quân sự lên nắm chính quyền thì không ai biết được Bắc Hàn sẽ đi về đâu. Mặc dầu được phong hàm đại tướng bốn sao và khoác áo phó chủ tịch đảng Lao Động Triều Tiên (tức đảng Cộng Sản Bắc Hàn) nhưng chỉ mới được bố huấn luyện trong vòng ba năm nay, trong khi Kim Chính Nhật được ông bố Kim Nhật Thành tập huấn tới 20 năm truớc khi kế vị, nên khả năng lãnh đạo của Kim Chính Ân là một dấu hỏi lớn. Để giữ vững ngôi báu cho thế tử, Kim Chính Nhật đã dần dần dồn quyền lực vào người em gái Kim Kính Cơ (Kim Kyong Hui) và chồng Trương Thành Trạch (Jang Song Thack) để dùng họ như những nhiếp chính vương cho con mình. Tháng 9 năm nay Kim Kyong Hui đuợc phong quân hàm đại tướng bốn sao để nắm quân đội và chồng được đưa lên vị trí cao nhất chỉ sau Kim Chính Nhật trong đảng Lao Động.

Tranh chấp quyền lực và âm mưu đảo chính bởi hàng ngũ tướng lãnh cao cấp là mối đe dọa hàng đầu cho sự ổn định chính trị Bắc Hàn. Hỗn lọan chính trị sẽ đưa tới phiêu lưu quân sự nên đó cũng là nỗi lo ngại của các nước trong vùng.

Nam Hàn đặt quân đôi trong tình trạng báo động cao. Nhật Bản họp hội đồng nội các khẩn cấp để đánh giá tình hình và thảo luận biện pháp ứng phó. Các nước khác cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình lù mù ở Bắc Hàn. Trung quốc sợ rối lọan chính trị ở Bắc Hàn sẽ tạo ra làn sóng tỵ nạn vào lãnh thổ mình nên lập tức kêu gọi đảng Lao Động Triều Tiên ủng hộ Kim Chính Ân để giữ ổn định chính trị.

Việc Bắc Hàn đợi hai ngày sau mới loan báo cái chết của Kim Chính Nhật và bắn thử hỏa tiễn ngay sau khi Chính Nhật qua đời là dấu hiệu xấu về tình hình chính trị của Bắc Hàn.

Tuy nhiên những biến cố mới nhất đã xoa dịu phần nào nỗi lo ngại của thế giới. Kim Chính Ân được chính thức đề cử trưởng ban tang lễ cố lãnh tụ Chính Nhật như dấu hiệu “cậu” đã được đảng Lao Động chính thức công nhận vị trí lãnh đạo của mình. Ngày 20/12 , Kim Chính Ân ra lệnh quân đội chấm dứt chương trình tập huấn, cũng là dấu hiệu Chính Ân đã nắm được quân đội. Trong khi đó, bộ máy tuyên truyền Bắc Hàn dùng hết công suất vào nỗ lực thần thánh hóa Chính Nhật để xác quyết vị trí lãnh đạo không thể tranh chấp được của Chính Ân. Báo Đảng ca ngợi Chính Ân là lãnh tụ từ trên Trời gửi xuống, là “ngọn hải đăng của hy vọng, cột trụ tinh thần của nhân dân Triều Tiên” và là “người kế nhiệm vĩ đại và kính yêu của toàn đảng, toàn quân, toàn dân Triều Tiên”.

Những cuộc gào khóc của dân chúng ngoài đường phố tuy có thể là giả tạo nhưng vẫn có tác dụng làm “nhụt chí” những âm mưu tạo phản Kim triều.

Thế giới quan tâm tới sự ổn định chính trị của Bắc Hàn phát xuất từ lo ngại ổn định kinh tế và ngọai giao. Ngay khi tin Kim Chính Nhật qua đời các thị trường chứng khoán trên hầu hết quốc gia đều sụt giảm, nhất là tại Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Thế giới ngày nay mang tính toàn cầu nên sự sáo trộn kinh tế hay chính trị tại bất cứ nơi nào cũng tạo ra ảnh hưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên cái chết của Kim Chính Nhật không có ảnh hưởng bao nhiêu đối với Việt Nam vì Bắc Hàn luôn luôn sát cánh với Trung Quốc nên rất lạnh nhạt với Việt Nam, đôi khi còn theo chân Bắc Kinh chống Việt Nam, như trong cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Cam-bốt. Báo chí trong nước là thước đo quan hệ ngọai giao của Đảng. Cái chết của Kim Chính Nhật không được báo chí trong nước khóc thương như đã khóc “cụ Xít” và “ông Mao”.
Kim Chính Nhật ra đi có tạo ra một hy vọng nào về đổi mới kinh tế và chính trị ở Bắc Hàn không? Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào phe quân sự. Bọn quân phiệt có hy sinh các quyền lợi to lớn của chúng vì hạnh phúc của nhân dân không? Một dấu hỏi lớn cho cả nhân dân Bắc Hàn lẫn thế giới.

Lê Duy Nhân

.
.
.

No comments: