Lê Anh Hùng
04/01/2012
Sau khi SEA Games 26 tại Indonesia khép lại với thành tích nghèo nàn đáng thất vọng của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam mà tuy trách nhiệm trực tiếp là của HLV Falko Goetz nhưng gốc rễ sâu xa của nó lại nằm ở tầm nhìn cũng như năng lực lãnh đạo và điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), dư luận đã phê phán mạnh mẽ ban lãnh đạo VFF, và không chỉ công luận nói chung mà ngay cả các quan chức của Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch cũng lên tiếng đòi VFF phải thay đổi.[1] Sức ép ngày càng tăng từ nhiều phía khiến Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn buộc phải đệ đơn xin từ chức lên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Tuy nhiên, trong cuộc họp bất thường chiều ngày 22/12/2011, toàn bộ ủy viên BCH VFF khóa VI đã biểu quyết không thông qua lá đơn xin từ chức của TTK Trần Quốc Tuấn.
Dư luận lại một phen nổi sóng và đến chiều 26/12/2011, VFF tổ chức cuộc họp báo để công bố trước báo giới về việc chấp nhận lá đơn từ chức của ông Trần Quốc Tuấn, một quyết định được cho là do không cưỡng được sức ép từ nhiều phía. Tuy vị cựu TTK phát biểu tại cuộc họp báo “Tôi từ chức không phải do sức ép từ dư luận, tôi từ chức vì thấy rằng đây là thời điểm bóng đá Việt Nam cần thay đổi”, song người ta vẫn có thể đặt câu hỏi: Nếu đúng như thế thì tại sao sau khi kết thúc SEA Games 26 ông không từ chức ngay đi?!
Việc ông Trần Quốc Tuấn cho rằng “đây là thời điểm bóng đá Việt Nam cần thay đổi”, lặp lại lời kêu gọi của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, cũng có nghĩa là áp lực lại dồn lên các thành viên chủ chốt khác của ban lãnh đạo VFF hiện nay, mà hai gương mặt phải hứng chịu nhiều chỉ trích nhất chính là Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ[2] và Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Lân Trung.[3] Ở đây khoan hãy nói tới ông Nguyễn Trọng Hỷ, người rõ ràng là phải chịu trách nhiệm cao nhất ở VFF, mà chúng ta hãy lưu ý nhiều hơn tới trường hợp ông Nguyễn Lân Trung. Với những gì đã diễn ra ở VFF suốt mấy năm qua kể từ khi ông đảm trách vai trò Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF, người ta thấy ông thường tỏ ra ba phải và lắm khi còn làm trò cười cho thiên hạ. Quả thực, ông tạo ra ấn tượng của một cậu học trò hay tẩy xoá và chối lỗi, chứ không phải là một quan chức uy tín, khả dĩ đem đến cho người ta sự tin tưởng, điều vốn rất cần ở một quan chức, nhất là khi người đó lại phụ trách mảng “PR” của một tổ chức xã hội luôn trong cảnh “quan trên trông xuống, người ta trông vào” như VFF.
Xem ra, cái bã quyền lực và danh lợi không chừa một ai cả, bất kể đó là một quan chức kỳ cựu như ông Nguyễn Trọng Hỷ, một quan chức trẻ tuổi với vẻ ngoài trí thức và vẫn còn nhiều cơ hội như ông Trần Quốc Tuấn, hay một trí thức như ông Nguyễn Lân Trung, người mà dù có thể đã có một sự nghiệp học thuật nhất định nhưng vẫn sẵn sàng để cho chút quyền lực và danh lợi kia huỷ hoại tiếng tăm của mình. Đơn giản, vì đó là bản chất của con người.
Những nhân vật vốn luôn bị công chúng và báo chí “săm soi” kỹ càng và công khai như ban lãnh đạo VFF mà còn vậy, nên thiết tưởng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi “từ chức” vẫn là một khái niệm còn hết sức xa lạ đối với giới quan chức cao cấp ở Việt Nam, những người mà báo chí “lề phải” hầu như không bao giờ dám đụng tới. Thế nên mới có chuyện là Thủ tướng tuy đã ban hành quyết định giao cho mình chỉ đạo trực tiếp các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty 91[4] nhưng rồi đến khi Vinashin đổ vỡ với món nợ lên đến hàng tỷ USD thì ông lại thản nhiên: “Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”; hay “Nói là Thủ tướng thông qua nhưng đều là quyết định chung của Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Thủ tướng chưa hề quyết định một trường hợp cán bộ nào.” Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, mà nghe thế thì không biết là có thấy “hối hận” gì không nhỉ? Và xin hỏi Quyết định về việc phát hành 3.000 tỷ VNĐ trái phiếu trong nước được Chính phủ bảo lãnh của Vinashin ngày 13/11/2009 (thời điểm đã xuất hiện rất nhiều lời cảnh báo về Vinashin), chẳng hạn, là do Thủ tướng hay Ban Cán sự Đảng Chính phủ ký vậy?
Nhà kinh tế học vĩ đại người Mỹ Milton Friedman (1912-2006) từng viết trong lời giới thiệu cho tác phẩm kinh điển Chủ nghĩa tư bản và tự do (Capitalism and Freedom – 1962) của mình: “Chính phủ là phương tiện cần thiết để bảo vệ quyền tự do của chúng ta, nó là một công cụ mà thông qua đó chúng ta có thể thực hành quyền tự do của mình; song với việc tập trung quyền lực vào trong tay các quan chức chính trị, chính phủ cũng trở thành mối đe doạ đối với tự do. Ngay cả khi những người sử dụng quyền lực ấy có thiện ý từ đầu và cả khi họ chưa bị tha hoá bởi thứ quyền lực trong tay mình, quyền lực cũng sẽ vừa cuốn hút vừa nhào nặn họ thành những con người mang bản chất khác.”
Bill Clinton, vị cựu tổng thống Mỹ được nhiều người mến mộ, đã phát biểu tại Istanbul ngày 2/11/2009 rằng ông từng muốn rời khỏi Nhà Trắng trong cỗ quan tài bởi ông thích làm một vị tổng tư lệnh.[5] Từ một lãnh tụ cách mạng được nhân dân trong nước và thế giới ngưỡng mộ, Gaddafi đã bắt đầu tiến trình trượt dài xuống đáy của tham vọng ích kỷ, để đến mức bị chính người dân Libya lật đổ và tiêu diệt sau 42 năm trị vì Libia.[6] Rồi bao nhiêu nhà cách mạng khác nữa, những kẻ mà người dân của đất nước họ đã từng gửi gắm biết bao niềm tin và hy vọng khi họ mới lên cầm quyền, rốt cuộc cũng đã bị quyền lực “nhào nặn thành những con người mang bản chất khác” như Mao Trạch Đông (Trung Quốc), Fidel Castro (Cuba), Robert Mugabe (Zimbabwe), v.v. Thế nên mới có chuyện có người chợt băn khoăn tự vấn là “chẳng lẽ lại có hai anh Hai Đua”, hay chuyện một thanh niên từng hăm hở xuống đường chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm ngày nào để rồi hơn 40 năm sau mới “nghiệm” ra rằng “bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát”, v.v.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 mở đầu bằng một câu trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Kế đó, ông lại trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.” Nghĩa là, ông thừa nhận quyền con người là những quyền phổ quát của nhân loại, không phân biệt “hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển…” như Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn hay vin vào để biện hộ cho “thành tích nhân quyền” của mình hiện nay. Ngay sau bản Tuyên Ngôn Độc Lập là Sắc lệnh số 31 ngày 13/9/1945, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh thừa nhận “tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ Cộng hoà”.
Tuy nhiên, đến Hiến pháp 1946 mà Quốc hội khoá I thông qua ngày 9/11/1946 và ghi đậm dấu ấn của ông thì đã xuất hiện những dấu hiệu của sự tập trung quyền lực, mà nổi bật là Điều 50: “Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc.”
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị TW 4 khoá XI ngày 26/12/2011 vừa qua, sau khi nên lên “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi: “Phải chăng nguyên nhân khách quan của mặt yếu kém là do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá, kích động chia rẽ, phân hoá nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân?”[7]
Lời biện hộ trên thật khó mà thuyết phục được ai, bởi lẽ kinh tế thị trường chính là hình thái kinh tế phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, ngoại trừ hai “thiên đường cộng sản” cuối cùng là Cuba và Triều Tiên, mà ngay cả hai nước này cũng đang có những động thái để chuyển nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường;[8] trong khi đó, toàn cầu hoá là xu thế tất yếu của thời đại, và nếu Đảng thực sự “trong sạch, vững mạnh” thì chắc chắn không một “thế lực thù địch” nào có thể chống phá nổi. Cây ngay thì hà cớ gì phải sợ chết đứng? Và dĩ nhiên, không bắt đúng bệnh thì làm sao có thể đề ra phương thuốc hữu hiệu được. Trên đời này chẳng mấy ai lại tự lấy tay tát vào mặt mình, chẳng mấy ai ưa người khác tát vào mặt mình, mà cũng chẳng mấy ai tài thánh đến mức có thể cưỡng lại được thứ ma tuý của quyền lực, cho dù đó có là “danh nhân” này hay “anh hùng” nọ, thế nên cái gọi là “phê bình và tự phê bình” mà ngài Tổng Bí thư nêu trong bài diễn văn hùng hồn kia trước sau đều chỉ là một vở tuồng dị hợm không hơn không kém. Chính cơ chế hiện hành đã góp phần quyết định để “nhào nặn” phần lớn những người nằm trong bộ máy quyền lực “thành những con người mang bản chất khác”.
Triết gia người Anh John Dalberg-Acton (1834-1902) từng nói: “Quyền lực dẫn tới sự tha hoá, quyền lực tuyệt đối dẫn tới sự tha hoá tuyệt đối.” Còn Friedrich Hayek (1899-1992), triết gia xã hội vĩ đại nhất thế kỷ 20, lại viết trong tác phẩm kinh điển The Road to Serfdom của mình: “Không phải nguồn gốc của quyền lực mà chính sự hạn chế quyền lực mới ngăn nó khỏi trở nên độc đoán.”[9] Rõ ràng là cho dù nhân dân Việt Nam có trao quyền lãnh đạo cho Đảng CSVN thông qua một cuộc trưng cầu dân ý thì để cho quyền lực lãnh đạo đó khỏi bị tha hoá hay trở nên độc đoán, nó cũng cần phải được thể chế hoá thành luật và chịu sự giám sát chặt chẽ, ít nhất là bởi một Quốc hội dân chủ, một bộ máy tư pháp độc lập, phi đảng phái và một nền báo chí tự do./.
Quảng Trị, 1/1/2012
L. A. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
[1] Báo Thanh Niên ngày 9/12/2011: Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể Thao – Du lịch Hoàng Tuấn Anh: “VFF cần có những thay đổi” (http://thethao.thanhnien.com.vn/pages/20111209/bo-truong-bo-van-hoa-the-thao-du-lich-hoang-tuan-anh-vff-can-co-nhung-thay-doi.aspx); Báo Tiền Phong ngày 27/12/2011: Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch: VFF phải thay đổi quyết liệt (http://www.tienphong.vn/The-Thao/562398/VFF-phai-cai-to-quyet-liet-tpp.html).
[2] Báo Giáo Dục Việt Nam ngày 28/12/2011: “Từ chức sớm ngày nào, tốt cho ông Hỷ ngày đó” (http://giaoduc.net.vn/The-thao/Bong-da-VN/Tu-chuc-som-ngay-nao-tot-cho-ong-Hy-ngay-do/90600.gd).
[3] Báo Vietnamnet ngày 28/12/2011: PCT Nguyễn Lân Trung: Đến lúc rồi, thưa thầy! (http://thethao.vietnamnet.vn/vn/doi-tuyen-viet-nam/10553/pct-nguyen-lan-trung--den-luc-roi--thua-thay-.html).
của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30340&cn_id=102358).
[5] Reuters ngày 3/11/2009: Clinton wishes he had left White House “in a coffin” (http://www.reuters.com/article/2009/11/03/us-turkey-clinton-president-idUSTRE5A14N820091103).
[6] Báo Vietnamnet ngày 12/12/2011: Muama’r Gaddafi đã từng như thế (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-09-muama-r-gadafi-da-tung-nhu-the-).
[7] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26/12/2011: Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30257&cn_id=498416).
[9] Bauxite Việt Nam ngày 16/12/2011: Hiến pháp và một sự ngộ nhận về dân chủ (http://www.boxitvn.net/bai/31707).
.
.
.
No comments:
Post a Comment