Monday, January 9, 2012

2012 : NĂM CỦA BẤT AN & BẤT ỔN (Nguyễn Hưng Quốc)



Nguyễn Hưng Quốc
Chủ nhật, 08 tháng 1 2012
 
Năm 2011 là năm của những khó khăn nhưng đồng thời cũng là năm của những thắng lợi. Khó khăn về kinh tế với cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn nặng nề ở Mỹ và nghiêm trọng ở châu Âu. Thắng lợi về chính trị cho phe dân chủ với sự sụp đổ của hàng loạt các chế độ độc tài ở Tunisia, Ai Cập, Yemen và Libya cùng với sự lung lay của một số chế độ chuyên chế khác.


Khó khăn thì người ta đã ít nhiều biết trước. Bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đã xuất hiện từ năm 2008 và trong ngần ấy năm chưa hề có dấu hiệu phục hồi, hoặc nếu có, chỉ có một cách yếu ớt, chưa đủ cho một hy vọng. Nhưng thắng lợi thì hoàn toàn bất ngờ. Trước tháng 1 năm 2011, không ai, kể cả giới lãnh đạo và các chuyên gia tình báo cao cấp nhất của Mỹ và châu Âu, có thể tưởng tượng được là cách mạng sẽ bùng nổ ở Bắc Phi và Trung Đông. Không những bùng nổ mà còn thành công một cách vang dội.

Tuy nhiên, sau khi thành công bước đầu, hiện nay người ta lại hoang mang trước các diễn tiến phức tạp của thời kỳ hậu-cách mạng ở các nước ấy. Dấu hiệu lạc quan cũng nhiều mà mầm mống bất trắc cũng lắm. Ai Cập đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ chế độ độc tài sang chế độ đại biểu. Họ đã tổ chức tổng tuyển cử.
Nhưng phần lớn quyền lực lại lọt vào tay của các đảng phái Hồi giáo, trong đó có những thành phần khá cực đoan và nằm ngoài tầm ảnh hưởng của phương Tây. Tunisia cũng đã có bầu cử và chính quyền cũng lại lọt vào tay Hồi giáo, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hamadi Jebeli, người được xem là khá ôn hòa, tuy nhiên, một số phát biểu của ông đã gây hoài nghi về một âm mưu muốn biến Tunisia thành một quốc gia Hồi giáo hơn là một nhà nước thế quyền dân chủ. Chính vì thế, giới quan sát không thể không phập phồng lo lắng. Tình hình Libya cũng vậy. Sau cái chết của Gaddafi, các lực lượng nổi dậy, vốn thuộc nhiều phe phái khác nhau, trong đó có nhiều phe theo Hồi giáo cực đoan, còn rất phân tán và không ngừng xung đột với nhau.

Nói một cách tóm tắt, con đường dân chủ hóa của các nước vừa hoàn tất cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài còn rất gay go và đối diện với vô số nguy cơ. Hai nguy cơ lớn nhất là: một, các thành phần cực đoan sẽ giành hết quyền lực và dần dần biến nước họ thành một nhà nước độc tài mới, dựa trên thần luật chứ không phải pháp luật; và hai, họ sẽ xa dần các nước dân chủ Tây phương để hoặc theo hẳn hoặc chịu ảnh hưởng của một số quốc gia Hồi giáo cực đoan, trong đó đáng kể nhất dĩ nhiên là Iran. Trước hai nguy cơ ấy, khả năng đối phó của Tây phương không nhiều. Thứ nhất, mọi sự chọn lựa đều tùy thuộc vào dân chúng địa phương; mà phần lớn dân chúng lại là Hồi giáo (Ví dụ, ở Ai Cập là 94%; ở Tunisia là 99%; ở Libya là 97%; ở Yemen là 99%). Thứ hai, khả năng thâm nhập và gây ảnh hưởng của các chính phủ Tây phương vào các đảng phái chính trị mới nổi lên sau thời cách mạng chỉ mới manh nha và còn rất yếu. Do đó, người ta không thể chi phối họ, thậm chí, cũng không biết rõ các toan tính chiến lược của họ.

Ngoài các nước vừa kể, tình hình chính trị của nhiều nước khác vẫn chứa đầy bất an và bất trắc. Ở Afghanistan, mặc dù Osama bin Ladin đã bị giết chết, lực lượng Taliban vẫn ngày càng lớn mạnh và để có thể rút quân, có rất nhiều khả năng Mỹ phải thỏa hiệp với họ. Ở Pakistan, quan hệ với Mỹ ngày càng căng thẳng, các lực lượng phản dân chủ và chống Tây phương càng lúc càng mạnh. Ở Triều Tiên, sau cái chết của Kim Chính Nhật, chế độ mới của con trai ông, Kim Chính Vân, chưa tới 30 tuổi, không biết sẽ đi về đâu. Ở Nga, Putin đang mưu toan giành lại chiếc ghế tổng thống lần thứ ba và có lẽ ông sẽ được toại nguyện. Nhưng chắc chắn là sẽ gây nên những làn sóng bất mãn và chống đối rộng lớn trong cả nước. Chỉ có điều người ta không biết là mức độ rộng lớn ấy sẽ như thế nào và cuối cùng, sẽ dẫn đến hậu quả gì.

Ở Iraq, chiến tranh, đối với Mỹ, đã chấm dứt; nhưng với người dân Iraq, vẫn còn tiếp tục. Máu vẫn đổ. Và rủi ro vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, hai điểm nóng nhất của thế giới trong năm 2012 có lẽ là Syria và Iran.

Ở Syria, dân chúng vẫn tiếp tục xuống đường và chính phủ vẫn tiếp tục xả súng vào đám đông. Theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc, từ tháng 3 năm 2011 cho đến nay, đã có ít nhất 5000 người dân bị giết chết. Hầu như cả thế giới đều lên án, kể cả Liên hiệp các nước Ả Rập, nhưng chính phủ Bashar al- Assad vẫn khăng khăng bám víu quyền lực và thẳng tay đàn áp dân chúng. Người ta tin là sắp tới Liên hiệp các nước Ả Rập sẽ đưa vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, ngoài các biện pháp cấm vận thông thường, chúng ta không biết Liên Hiệp Quốc sẽ đi xa đến mức độ nào trong việc trừng phạt Assad. Có lẽ khả năng can thiệp quân sự như đối với Libya sẽ không xảy ra. Trừ phi mọi người có thái độ cương quyết hơn đối với Iran. Xin lưu ý: hiện nay Syria hầu như là đồng minh thân cận duy nhất của Iran. Chắc chắn Iran sẽ bảo vệ Syria đến cùng nếu không muốn bị cô lập và khống chế.

Nhưng Iran, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào nhượng bộ Tây phương. Họ vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân. Vẫn tiến hành các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn. Và hiện đang đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, nơi có khoảng 20% số lượng dầu xuất cảng từ Trung Đông ra thị trường thế giới. Nếu kế hoạch này được thực hiện, Tây phương sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn. Nga và Trung Quốc cũng sẽ bị buộc phải có thái độ dứt khoát thay vì chỉ ậm ờ làm vui lòng Iran để thỏa mãn một số ý đồ kinh tế và chính trị riêng của họ.
Tuy nhiên, ngay cả khi Iran không đóng cửa eo biển Hormuz thì nơi đây vẫn cứ là một lò lửa của thế giới. Trừ Nga và Trung Quốc, hầu như không có quốc gia nào có thể chấp nhận một Iran có vũ khí hạt nhân, đặc biệt Mỹ, Israel và các quốc gia Ả Rập thân Tây phương ở Trung Đông. Với mọi người, đó là một sự đe dọa trực tiếp và cực kỳ nghiêm trọng. Trong suốt năm 2011, Israel nhiều lần lên tiếng sẽ mở cuộc tấn công vào các cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran. Không ai chắc kết quả của một cuộc tấn công như thế sẽ ra sao. Nhưng mọi người đều biết những hậu quả và ảnh hưởng dây chuyền của nó thì sẽ không thể lường được.

Cuối cùng, những bất trắc và bất an còn được thấy từ sự lớn mạnh của Trung Quốc và cách hành xử của họ ở vùng biển trong quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.

Tất cả những yếu tố vừa kể làm cho năm 2012 khó có thể là một năm bình yên được.

Đó là chúng ta chưa kể đến tình hình kinh tế. Vẫn mù mù mịt mịt.

Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

------------------------
.
.
.

No comments: