Sunday, January 1, 2012

2011 : NĂM CỦA 99% (Nguyễn Hưng Quốc)



Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Bảy, 31 tháng 12 2011

Câu nói được xem là hay nhất và được trích dẫn nhiều nhất ở Mỹ trong năm 2011 là câu khẩu hiệu “Chúng tôi là 99%” (We are the 99%) do những người biểu tình chiếm phố Wall (Occupy Wall Street) giương lên từ tháng 9, thoạt đầu, tại Manhattan, New York, sau, lan đến San Francisco, và sau nữa, sang nhiều thành phố khác tại rất nhiều quốc gia dân chủ và phát triển trên thế giới.

Cuộc tổng kết này do Fred Shapiro, một quản thủ thư viện thuộc Yale Law School, thực hiện. Từ năm 2006, sau khi xuất bản "Yale Book of Quotations", Shapiro bắt đầu sưu tầm và lựa chọn 10 câu trích dẫn tiêu biểu nhất trong năm. Tiêu chuẩn lựa chọn của ông là các câu trích dẫn ấy phải nổi tiếng, được nhiều người nhắc nhở, tiết lộ tinh thần của thời đại dù chúng không nhất thiết là xuất sắc hay được mọi người đồng tình hay ngưỡng mộ.

Trong những câu nói được trích dẫn nhiều nhất, có những câu khá ngô nghê của một số chính trị gia khi bị bắt bí, ví dụ chữ “Oops” của ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa Rick Perry vào ngày 9 tháng 11; hay câu “Ai là tổng thống của nước Ubeki-beki-beki-beki-stan-stan nhỉ? Tôi phải nói thế này: Bạn biết không, tôi không biết. Mà bạn có biết không nhỉ?” của một ứng cử viên tổng thông khác, cũng thuộc đảng Cộng Hòa, ông Herman Cain, trong một cuộc phỏng vấn trên Christian Broadcasting Network ngày 7 tháng 10. Cũng thuộc loại được trích dẫn nhiều nhất có câu nói cuối cùng của Steven Jobs, ngay trước lúc ông qua đời, theo lời kể của Mona Simpson: "Oh wow. Oh wow. Oh wow." (Đọc câu này, tự dưng tôi nhớ đến phút lâm chung của Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Sử sách kể, lúc bị bệnh, ông từ chối uống thuốc, đến lúc sắp mất, ông bảo người nhà rờ xem chân tay ông đã lạnh chưa; người nhà bảo lạnh rồi, ông nói “Được!” rồi tắt thở.)

Mỗi câu nói, khi được trích dẫn nhiều, cực kỳ nhiều, bao giờ cũng có những lý do nhất định. Bản thân câu nói có thể vô nghĩa nhưng sự chú ý của quần chúng lại là một điều có ý nghĩa đặc biệt. Phân tích những ý nghĩa ấy, như điều Shapiro tin tưởng, chúng ta có thể thấy được khí hậu tinh thần của một thời điểm lịch sử nhất định.

Bên cạnh những câu nói được trích dẫn để chế giễu hoặc phê phán, có những câu nói được sự ngưỡng mộ của mọi người. Một trong những câu nói ấy, trong năm 2011, chính là câu khẩu hiệu “Chúng tôi là 99%” được Shapiro xếp vào đầu danh sách.

Nhưng 99% nghĩa là gì?

Trước hết, 99% được dùng để đối lập với 1%. Trong khi 1% là thiểu số trưởng giả giàu có (hiểu, một cách quy ước, là có thu nhập từ 500.000 đô la/năm), 99% còn lại là đại đa số hoặc trung bình hoặc nghèo khó, phải vất vả làm việc để sống và thanh toán nợ nần, từ nợ nhà đến nợ xe. 1% ấy dường như sống ở một thế giới khác, không chịu sự tác động của những biến động kinh tế, kể cả kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài mấy năm nay làm vô số người trong cái khối 99% mênh mông thầm lặng gánh chịu không biết bao nhiêu rủi ro và bất trắc: rất nhiều người thất nghiệp, nhiều người bị phá sản, bị siết nợ, cuộc sống càng lúc càng khó khăn. Trong khi đó, những người thuộc thiểu số 1% trong xã hội thì vẫn tiếp tục giàu lên một cách nhanh chóng. Kinh tế phát triển: họ giàu đã đành. Kinh tế bị suy thoái: họ cũng giàu. Một tiệm buôn nhỏ bị sập tiệm: chủ nhân có khi chịu nợ nần cả đời. Một đại công ty thua lỗ và đối diện với nguy cơ bị phá sản: chính phủ trút tiền vào cứu. Và trong khi nhân viên có thể bị sa thải hoặc giảm lương thì các giám đốc, tổng giám đốc vẫn nhận lương đầy đủ, hơn nữa, vẫn nhận tiền thưởng cả hàng triệu đô la mỗi năm. Ngoài ra, họ còn đóng thuế rất ít. Tỉ phú Warren Buffett thú nhận là ông đóng thuế còn ít hơn viên thư ký của ông.

Nhưng không phải chỉ có sự khác biệt về kinh tế hay xã hội. Giữa thiểu số 1% và đại đa số 99% còn có rất nhiều dị biệt về quan điểm, đặc biệt quan điểm chính trị. Theo một số cuộc thăm dò ý kiến tại Mỹ, một số dị biệt chính được chú ý nhiều nhất là:

Thứ nhất, về kinh tế, trong khi nhóm 99% quan tâm nhất đến vấn đề công ăn việc làm (với việc thất nghiệp là một thực tế đối với nhiều người và là một đe dọa đối với vô số người khác), nhóm 1%, ngược lại, quan tâm chủ yếu đến vấn đề thâm hụt ngân sách quốc gia. Hai mối quan tâm này, như vậy, khác hẳn nhau. Và khó có thể dung hòa được với nhau: Nếu chính phủ muốn giảm thâm hụt ngân sách thì phải cắt giảm, trước hết, các khoản trợ cấp xã hội đối với người nghèo.

Thứ hai, sự khác biệt ở trên dẫn đến một sự khác biệt khác, về vai trò của chính phủ. Trong khi nhóm 99% tin là chính chính phủ phải đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế; nhóm 1% cho đó là công việc của các công ty tư nhân, theo quy luật của thị trường. Nói cách khác, nhóm 1% tin vào thuyết chính-phủ-nhỏ; còn nhóm 99% tin vào thuyết chính-phủ-lớn, theo đó, chính phủ phải có nhiệm vụ giải quyết tất cả mọi chuyện, từ chính trị đến kinh tế và xã hội.

Thứ ba, nhóm 1% thường tham gia tích cực vào các cuộc sinh hoạt và vận động chính trị hơn nhóm 99%. Theo cuộc điều tra mẫu tại Chicago vào năm 2008, 41% những người giàu thuộc nhóm 1% thường xuyên tham dự các cuộc họp chính trị; trong khi ở nhóm trung lưu và nghèo, chỉ có 9% tham dự. Trong bốn năm vừa qua, 68% những người giàu tặng tiền cho các ứng cử viên và đảng phái của họ; trong khi đó, về phía những người nghèo và trung lưu, con số ấy chỉ là 13%.

Cuối cùng, cũng nên biết về điều này nữa: trong khi 57% những người giàu có nghiêng về đảng Cộng Hòa thì chỉ có 44% những người thuộc nhóm 99% thường ủng hộ đảng Cộng Hòa mà thôi.[1]

Nhưng, về phương diện chính trị, điều quan trọng nhất không phải là những khác biệt. Mà là tính hiệu quả. Không ai có thể phủ nhận là cái thiểu số 1% lại có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh hoạt chính trị và chính sách của Mỹ hơn là cái khối đại đa số 99% nghèo nàn và thầm lặng còn lại. Lý do là họ có tiền và có thế lực hơn. Hầu hết các cơ sở truyền thông đại chúng đều nằm trong tay họ. Các tổ chức vận động hành lang chính trị cũng nằm trong tay họ. Một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, họ có thể gây nên những áp lực nặng nề cho chính phủ trong việc quyết định từng chính sách cụ thể. Hậu quả là, tuy trên nguyên tắc, chính phủ dân chủ là chính phủ của đa số, nhưng trên thực tế, phần lớn các chính sách của chính phủ lại chịu sự tác động của một nhóm thiểu số cực ít, chỉ chiếm 1% dân số.
Đó chính là điểm bất toàn của dân chủ.

Dân chủ nào cũng bất toàn. Nói đến dân chủ, người ta hay nghĩ đến một thiết chế với hiến pháp, luật pháp, sự phân lập của các cơ quan quyền lực và sự độc lập của những lực lượng có chức năng bảo vệ và kiểm soát xã hội, từ quân đội đến cảnh sát, tòa án và truyền thông. Gần đây, nói đến dân chủ, người ta cũng hay nghĩ đến văn hóa với các quyền căn bản của con người và sự điều hòa giữa cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác rất dễ bị quên lãng: dân chủ là một quá trình.

Dân chủ không có sẵn. Dân chủ là cái được tạo lập. Dân chủ cũng không có hình mẫu nhất định và cố định. Dân chủ là một chuỗi dài những thí nghiệm và thử nghiệm. Trong những thí nghiệm và thử nghiệm ấy, không phải lúc nào cũng tránh được sai sót và vấp váp. Sai sót hay vấp váp thì tìm cách khắc phục. Rồi lại thí nghiệm và thử nghiệm tiếp. Lịch sử của dân chủ, do đó, là lịch sử của quá trình vận động và phát triển để hoàn thiện dần dần chính các cơ chế và văn hóa dân chủ.

Phong trào 99% tại Mỹ và nhiều quốc gia Tây phương khác trong nửa sau năm 2011 chính là cuộc vận động để hoàn thiện hóa nền dân chủ ở những quốc gia được xem là dân chủ nhất trên thế giới. Chúng mới khởi phát. Có lẽ còn lâu, sớm nhất năm mười năm nữa, chúng ta mới có thể thấy được kết quả của những cuộc vận động như thế. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, điều mà phong trào ấy mang lại là một ý thức tự giác mới của đám đông: Họ là cái khối 99% vừa cực kỳ đông đảo lại vừa bất hạnh (dễ bị tác động của mọi cuộc khủng hoảng lớn nhỏ) và bất lực đối với việc ảnh hưởng lên các chính sách lớn của quốc gia.

Ở các quốc gia độc tài, một ý thức như thế dẫn đến sự ra đời của dân chủ. Ở các quốc gia có truyền thống dân chủ lâu đời và mạnh mẽ, một ý thức như thế chắc chắn cũng sẽ dẫn đến những thay đổi bất ngờ khác.
Chỉ có điều chúng ta chưa biết những thay đổi ấy sẽ ra sao.

Hãy chờ xem.

[1] Các số liệu ở trên lấy từ bài “The Politics of the Top 1 Percent” của John Sides trên The New York Times ngày 14 tháng 12 năm 2011. http://fivethirtyeight.blogs.nytimes.com/2011/12/14/the-politics-of-the-1-percent/

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


Bài liên hệ :


.
.
.

No comments: