Tuesday, October 11, 2011

OBIT (OBITUARIES) - (Lê Phan)


Lê Phan
Tuesday, October 11, 2011

Vì sự qua đời của ông Steve Jobs, đồng sáng lập ra Apple Inc., tự nhiên tôi có dịp được đọc rất nhiều obits, hay đúng hơn obituaries về ông Jobs. Obits là những bài mà báo chí viết về một người nào đó mới qua đời.

Khởi sự chỉ là vài dòng đi theo cáo phó kể lại đôi chút về thân thế sự nghiệp của người đã khuất, báo chí tiếng Anh, nhất là báo chí ở Anh Quốc đã đưa việc viết obits thành một nghệ thuật. Những bài báo như vậy trong chỉ chừng vài cột báo, hay một trang của một tờ tạp chí như tờ The Economist, đã vẽ ra cho chúng ta hình ảnh cuộc đời của một con người.
Trong số những obits về Steve Jobs, nổi bật nhất theo tôi là bài của The Economist. Mở đầu, tờ tạp chí chuyên về kinh tế tài chánh viết về một nhà kinh doanh nhưng lại tài hoa như sau, “Không ai trong kỹ nghệ computer, hay trong bất cứ ngành kỹ nghệ nào khác nữa, có thể có một màn trình diễn như Steve Jobs. Những lần tung ra một sản phẩm mới của ông, khi ông đứng một mình trên một sân khấu tối đen và phù phép lên một sản phẩm điện tử mới ‘thần diệu’ và ‘khó tin’ trước một đám đông thán phục, là những màn trình diễn của một diễn viên thượng thặng. Chính ông đã có lần giải thích, tất cả công việc computer có thể làm là lấy và xếp các con số, nhưng nếu làm việc đó đủ nhanh thì 'kết quả có vẻ như là phù phép'. Ông đã trải suốt đời đóng gói phù phép đó trong những sản phẩm duyên dáng, dễ sử dụng.”

Rõ ràng đây không phải là cái kiểu obits bình thường vốn mở đầu hoặc với loan báo về sự qua đời của ai đó.

Một mở đầu khác cũng không kém kịch tính tuy là ít văn hoa hơn là của tờ Financial Times “Steve Jobs,” tờ báo viết: “đã đặt dấu ấn của ông trên hơn 35 năm của lịch sử vi tính cá nhân, từ Apple thô sơ nhưng khai phá đến sự tuyệt vời của một iPad touch-screen. Trong tiến trình đó, ông đã giúp áp đặt khẩu vị digital cho một thế hệ và đóng vai chủ chốt trong việc vẽ lại các phương tiện truyền thông digital và kỹ nghệ giải trí.”

Báo chí, nhất là báo chí Anh, Mỹ thường soạn sẵn những bài obit cho các nhân vật quan trọng trên thế giới. Nhưng truyền thống viết về người quá cố không phải như là một bài điếu văn hay một bài văn tế có tính cách ca tụng mà là một bài viết tương đối trung thực về cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật cũng đã có tiền lệ. Ở Trung Quốc, từ cả ngàn năm trước, đã có truyền thống viết những bài gọi là bài “minh” thường được khắc trên một bia đá cạnh mộ bia chính của một nhân vật. Nhiều bài minh trở thành những áng văn nổi tiếng, khiến hồi xưa, có nhiều học trò nghèo thường đi vỗ bản những bài minh về rồi chép lại bán kiếm tiền.

Theo một sử gia mà tôi hỏi chuyện, nhiều bài minh rất thẳng thắn và nói lên một cách khá khách quan về nhân vật đó. Việt Nam chúng ta tuy vậy không có truyền thống viết bài minh. Sử gia tôi hỏi giải thích là có lẽ vì quan trường Việt Nam quá nhỏ. Cho đến thời Vua Tự Ðức, số quan lại trên cả nước chỉ có hơn 3,000 người. Trong một khối lãnh đạo nhỏ như vậy, ai cũng biết ai, mà lại còn liên hệ chằng chéo, sui gia họ hàng với nhau nên thật khó viết thẳng về nhau.

Và có lẽ cũng vì thế báo chí Việt Nam không có truyền thống viết obit. Chúng ta có bài truy điệu, có điếu văn, có văn tế, tất cả đều rất hay, rất đẹp, nhưng chỉ có mục đích ca tụng người quá cố. Obit, hiểu theo nghĩa của báo chí Anh Mỹ, không phải chỉ có nhiệm vụ đề cao người quá cố mà còn là một cái nhìn khách quan về sự nghiệp của người đó.

Obits của ông Jobs chẳng hạn có nhắc đến tính tỉ mỉ và nóng nảy của ông cũng như tài “cảm nhận” những gì thiên hạ ưa thích. Nó cũng nói lên việc suốt đời ông vẫn tức tối vì sao cha mẹ đẻ đã bỏ không nuôi mình mà lại cho làm con nuôi. Mãi đến khi gặp lại mẹ đẻ vào cuối đời có lẽ ông mới nguôi ngoai.

Có những người có tài viết obits và có những obits, tuy thường chỉ giới hạn trong cỡ hơn một ngàn chữ, đã nói lên được những gì cần nói một cách thẳng thắn về một nhân vật lịch sử.

Một trong những obit hay nhất mà tôi được đọc về ông Tố Hữu chẳng hạn được viết bằng tiếng Anh bởi bà Judy Stowe, cố trưởng ban Việt ngữ đài BBC trên tờ The Independent.

“Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam có một thi sĩ trưởng (poet laureate) thì người đó hẳn là ông Tố Hữu” bà Judy Stowe viết. “Ông luôn sẵn sàng dùng cây bút để nói hay về lập trường của đảng, dầu nó uốn éo kiểu nào chăng nữa. Nhiều nhà chỉ trích nói việc này đã làm hỏng khả năng thực sự của ông để làm thơ. Ông đã leo lên đến phó thủ tướng, chỉ rồi bị lật đổ năm 1985 vì thực thi những chính sách đưa nền kinh tế quốc gia đến bờ vực thẳm của phá sản. Thơ và chính trị thật thường khó là bạn đồng sàng.”

Sau khi nói có người ví ông là một Andrei Zhdanov (vốn là chính ủy văn hóa của Stalin) cho Hồ Chí Minh, bà Stowe viết: “Sự so sánh đó cũng không đến nỗi không thích hợp. Năm 1953, Tố Hữu đã đặt bút viết bài thơ khóc cái chết của Josef Stalin tệ đến nỗi ông đã bị nhiều người Việt chê bai ngay cả trước khi nhà độc tài Soviet bị Nikita Khrushchev lên án.”

Nhắc đến cái tai hại của chính sách giá, lương tiền của ông cho nền kinh tế, bài báo nói là mặc dầu ngần ngại đổ lỗi cho nhau, đảng Cộng Sản Việt Nam đã cách chức ông Tố Hữu. “Ấy vậy mà ông không hề hối hận. Thay vì vậy ông tiếp tục than khóc cho sự suy thoái của chính thể Cộng Sản chuyên chính ở Việt Nam.”

“Nếu ông tiếp tục là một thi sĩ, có lẽ sự thương tiếc trước cái chết của ông sẽ còn thành tâm hơn,” bài obit kết luận.

Lời kết luận chua chát đó đã tóm tắt thành quả của ông Tố Hữu cũng chính xác không thua gì lời kết luận của tờ The Economist về thành quả của ông Steve Jobs, “Trong những năm đầu của Apple, một kỹ sư đã nói ông Job tỏa ra 'một màn biến hóa thực tại' chỉ vì tài thuyết phục của ông. Nhưng cuối cùng ông đã thay đổi thực tại, chuyển cái phù phép của computer vào những sản phẩm đã thay đổi hình dạng của âm nhạc, truyền tin và truyền thông. Con người mà thời còn thơ ấu nói ông muốn ‘để một vết hằn trong vũ trụ’ đã làm được đúng điều đó.”

Lúc nào mà làng báo Việt Nam có được những bài obits sắc xảo nhưng trau chuốt và tài tình chấm phá nhưng lại cho chúng ta thấy rõ một nhân vật như vậy thì ngày đó có lẽ nền dân chủ Việt Nam không những đã hình thành mà còn đã trưởng thành.

.
.
.

No comments: