Friday, October 14, 2011

SINH VIÊN - HỌC SINH VIỆT NAM DƯỚI THỜI BAO CẤP (Lê Anh Tuấn, GV Đại Học Cần Thơ)



Lê Anh Tuấn
Giảng viên Đại học Cần Thơ
Cập nhật ngày 16 tháng 9, 2006


“Thời bao cấp” ở Việt Nam là một thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử hiện đại, có lẽ từ năm 1954 đến 1986 ở miền Bắc Việt Nam, nhưng ở miền Nam Việt Nam thì phải kể từ năm 1975 - 1986.

Năm 1986 chưa hẳn là đã chấm dứt thời kỳ này, thực sự dư âm của dấu vết của chính sách “bao cấp” còn kéo dài đến đầu thập niên 1990, nhưng nhiều người và báo chí cho con số 1986 là mốc thời gian quan trọng khi Đảng Cộng sản Việt Nam, trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI vào cuối năm 1986, tuyên bố chủ trương đổi mới, từng bước xóa bỏ “bao cấp” trong kinh tế.

Thật ra, đến bây tôi vẫn chưa hiểu ai là người đã tạo ra chữ “bao cấp” - tạm dịch ra tiếng Anh là “subsidy”- và nghĩa của nó có thật sự đúng như vậy không? Để dễ nói chuyện, tôi cũng dùng danh từ này mà không dùng dấu “ ” nữa. Trước đó, xem lại trong các sách báo xuất bản trong giai đoạn này, chữ bao cấp rất ít xuất hiện. Nhiều cán bộ kinh tế cao cấp, giảng viên kinh tế và cả báo giới ở Việt Nam đều cắt nghĩa, ngắn gọn là, kinh tế bao cấp -tạm dịch the subsidy economic (?) - là một nền kinh tế tập trung, mọi nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu đều nằm trong tay Nhà nước Trung ương. Đảng Cộng sản và Chính phủ điều phối mọi kế hoạch sản xuất, thu gom, lưu thông, phân phối đến từng tay người dân theo một tiêu chuẩn phân phối cứng nhắc, gần như nhất định, theo từng cấp bậc, chức vụ trong xã hội. Giá cả hàng hóa đều do Ủy ban Vật giá Nhà nước quyết định, bất kể quy luật cung - cầu của thị trường, của xã hội.

Thời bao cấp thật sự là một giai đoạn bi thảm cho cuộc sống cho người dân nói chung, ngoại trừ một số rất ít cán bộ lãnh đạo cao cấp. Hầu hết, người dân Việt Nam khi nhắc đến những năm tháng này đều ngán ngẩm, cay đắng. Theo tôi, có ai phát biểu rằng, thời kỳ này “tuy nghèo nhưng mà vui” (?!) thì tôi cho đó là lời nói sai sự thật! Chẳng qua, khi người ta vượt qua một trở ngại, gian khó hoặc hiểm nguy, người ta có khuynh hướng xem thường hoặc bông đùa những khó khăn lúc ấy. Không ai muốn quay lại thời đó bao giờ. Tôi lớn lên và trưởng thành từ tuổi thiếu niên cho đến hết giai đoạn thanh niên hoàn toàn nằm trong giai đoạn này, gia đình tôi lúc đó chỉ là một gia đình nhà giáo nghèo, nên thấm thía rất rõ các khó khăn và bất công của thời bao cấp này. Xin kể lại, theo lối “nhớ gì nói nấy”, một số hình ảnh cuộc sống của học sinh và sinh viên (HSSV) trong giai đoạn bao cấp này như một dịp “ôn cố tri tân”, dù là kể để cười ra… nước mắt.

*
* *

Những tháng sau ngày 30-4-1975, khi cả miền Nam còn trong chế độ quân quản, HSSV và cả các thầy cô giáo ở các trường gần như không học hành, dạy dỗ chuyên môn gì cả. Thời gian này chủ yếu là tập hợp lại lao động, nghe giảng chính trị, tố cáo tội ác của “Mỹ - ngụy”, tập ca hát nhảy múa ca ngợi chiến thắng vĩ đại, tham gia phong trào cách mạng,… Mấy tháng đó, giáo viên làm việc không lương, hoặc lương bấp bênh tháng có tháng không hoặc lãnh lương theo kiểu cấp phát tùy tiện, lúc thì bằng tiền, lúc bằng lương thực. Sau những đợt “đổi tiền”, đánh “tư sản mại bản”, chống “bành trướng Bắc Kinh”, chiến dịch “cải tạo công thương nghiệp”, rồi ép nông dân vào “hợp tác hóa”, lập các trạm “thuế vụ”, “kiểm soát thị trường” dày đặc ở tất cả tuyến đường các tỉnh, thành. Khi triển khai các chủ trương này, một số HSSV được huy động tham gia, sau khi vượt qua một kỳ sát hạch và sàng lọc thành phần. Một số người trong nhóm HSSV đã may mắn tìm cơ hội, dựa vào một tí lý lịch đỏ, ngoi lên tìm thế đứng chính trị trong giới thanh niên, hành động mang ít nhiều hình ảnh các “hồng vệ binh” của Trung Quốc, kể cả một số thủ đoạn tiểu nhân và đê hèn để sát phạt anh em. Một số vụ án kinh tế chính trị sau này, xem lại tiểu sử những kẻ chức quyền, quan chức phải ra tòa, chúng ta dễ thấy hầu hết chúng là những người từng là cán bộ phong trào thời bao cấp ấy trong giới thanh niên - HSSV.

Trong thời kỳ bao cấp này, việc kiểm soát tư tưởng, hành vi cá nhân được chú trọng đặc biệt. Làm bất kỳ chuyện gì cũng phải viết “sơ yếu lý lịch”, “bản tự kiểm”. Vào đại học thì thật gian nan cho những ai có vấn đề về lý lịch gia đình. Năm tôi thi Đại học (1978), lý lịch cá nhân của thí sinh được chia làm 13 “đối tượng”. Mỗi đối tượng có một điểm “chuẩn” khác nhau mà “đầu vào” của những nhóm trên cách biệt với nhóm dưới khoảng 10-14 điểm!!! Tôi biết có lớp Đại học mà người đậu vào với 25/30 điểm học chung với người chỉ có 6/30 điểm. Nhóm đối tượng thứ 1 thì ưu tiên vào Đại học, khỏi cần thi cử. Nhóm đối tượng thứ 13 thì gần như không có hy vọng lách vào khung của hẹp của cổng trường Đại học. Thật may mắn cho tôi, một người thuộc nhóm “đối tượng thứ 11”, đậu vào Đại học. Sự cách biệt kiến thức trong lớp rất rõ, tôi có nhận định là người giỏi nhất trong lớp “dư sức” làm thầy người kém trong lớp. Tôi biết rất rõ một trường hợp đau lòng, một em sau này là sinh viên của tôi, đã nhiều năm dạy “luyện thi Đại học” và chính bản thân em ấy cũng kiên trì đi thi Đại học. Kết quả suốt nhiều năm liên tiếp, đi thi và dạy luyện thi cùng lúc, em ấy luôn luôn bị đánh rớt vì cha em còn đang bị đi “học tập cải tạo” ngoài Bắc, còn đám học trò của em thì đậu vào Đại học!. Làn sóng người vượt biên ồ ạt, đặc biệt trong giới công chức chính quyền cũ, nhà buôn, các trí thức làm số lượng học sinh sinh viên trong lớp giảm dần. Lớp học của tôi, năm đầu vào gần 60 người, đến năm cuối lúc ra trường chỉ còn gần 40. Khoảng 2/3 số bỏ học nửa chừng là do vượt biên, số đi được có, số bị bắt giam rổi bị đuổi học có và số bị chết trên biển đều có.

Các chủ trương kiểm soát sản xuất hàng hóa trái với qui luật phát triển của xã hội đó làm nền kinh tế của cả nước xuống dốc một cách thê thảm. HSSV, những người ở tuổi đang lớn, chịu một hậu quả nặng nề. Lương thực thiếu thốn trầm trọng, HSSV đi học, muốn mang một ít gạo, thịt từ quê nhà lên đều bị cản trở, vây bắt. Ở trường học, lãnh đạo giáo dục qua tổ chức “Công đoàn” và “Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh” đã tổ chức nhiều đợt đi “lao động sản xuất tập thể” hoàn toàn phi kinh tế, thiếu hiệu quả. Cả trường - thầy và trò - bị buộc phải cày cuốc trồng rau, cấy lúa, đào ao thả cá, nuôi heo, làm “tăng gia, tự túc”. Kết quả là một sự lãng phí to lớn, không thể tính được về thời gian, sức lực, tài nguyên,… cho những ý tưởng không tưởng. HSSV chúng tôi lúc đó suy dinh dưỡng trầm trọng, nhìn lại những bức ảnh cũ, mặt mày ai nấy đều có vẻ hốc hác, ốm o. Thế hệ thanh thiếu niên sinh ra trong thời kỳ này đều ít nhiều mang di chứng của việc thiếu dinh dưỡng mà dễ minh chứng nhất là suốt thập niên 1990 - 2000, thanh niên Việt Nam ít có một thành tích thể thao nào đáng kể trên đấu trường khu vực và quốc tế. Các cầu thủ bóng đá chỉ có khả năng thi đấu cật lực dưới 90 phút, nếu có thêm hiệp phụ thì chạy vật vờ, hay vọp bẻ, chấn thương, hễ có chút va chạm thì dễ ngã lăn quay.

Trong tất cả các trường học ở Việt Nam lúc đó đều có một chức vụ không kém quan trọng so với Ban Giám hiệu, Đảng Ủy là ông hoặc bà Trưởng ban Đời sống (từ này, thú thật, tôi cũng không biết dịch ra tiếng Anh như thế nào cho sát nghĩa?). Trong lớp học bậc Đại học và Cao đẳng thì có chức vụ Lớp phó Đời sống. Mọi sinh hoạt thường nhật trong học đường đều ít nhiều bị ảnh hưởng liên quan đến chữ “Đời sống” này. Một đợt phân phối vải, dầu lửa, thịt heo, phụ tùng xe đạp,… sắp đến? Ông bà “Đời sống” lúc đó thật là oai vệ và quyền uy. Lớp chuẩn bị đi thực tập thực tế ở nông thôn, phải quay qua hỏi Lớp phó Đời sống đã có gạo khoai gì chưa? Trong trường, bộ tứ : Ban Giám hiệu, Đảng Ủy, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên thường phải làm nhiệm vụ phân xử khi có tranh cãi việc phân chia nhu yếu phẩm khi mà 5 người chỉ có một cái mền hoặc một cái chiếu, 4 người chia nhau một cặp vỏ ruột xe đạp, cả trường được thương nghiệp bán cho 1-2 con heo mà ai cũng muốn giành phần mỡ, chê phần thịt nạc, đầu giò. Mỡ mua được đem về nhà thắng nước mỡ còn tóp mở thì kho mặn với muối ăn dần. Người Lớp phó Đời sống tại nhiều trường còn đảm nhận luôn công việc bán nhu yếu phẩm cho cả lớp ra chợ trời rồi đem tiền về chia vì nhiều món thật khó phân chia như bột ngọt, bột mì, kim may, phụ tùng xe đạp, … Thời ấy, ai cũng dễ bị nghi ngờ là dân buôn lậu cả. HSSV chúng tôi đi thực tập ở Đại học Bách khoa Saigon, ra xếp hàng mua vé xe đò cũng phải lên nhà trường xin một “giấy giới thiệu” kèm theo một danh sách lớp với cái mộc đỏ chói. Đoạn đường từ Cần Thơ đến Saigon thật gian truân, thức dậy từ mờ sáng, may mắn thì chiều tối đến nơi. Dọc đường, bao nhiêu là trạm gác: Bắc Cần Thơ, Bắc Mỹ Thuận, Trung Lương, Cây Gõ, …, chưa kể những trạm lưu động. Trạm gác nào cũng có thể bắt mình xuống xe, để lại hành lý để lục soát. Có nơi thô bạo, khám xét luôn người, bắt phải vạch áo, xăn quần, ….

Việc phân phối hàng thời đó rất tùy tiện, tiếng là hàng lương thực và nhu yếu phẩm được phân bổ theo kế hoạch (!) nhưng hoàn toàn không có kế hoạch gì cả, “có gì bán nấy”, kiểu ban phát. Những năm đó đi học, lớp tôi có lúc tháng nào cũng được “phân phối” thuốc lá, lúc thì Hoa Mai, khi thì Đà Lạt. Ai cũng mua hết, cả nam lẫn nữ, biết hút thuốc hay không hút thuốc, đều được một bao nylon với khoảng vài chục điếu thuốc, đôi khi không có bao bì. Lương thực, may mắn là gạo, còn lại khi là bo bo, bột sắn, mì vụn, mỗi tháng được 13 - 16 kg chứ đâu có ít, vậy mà nhiều thanh niên ăn vẫn chẳng đủ no, ngoại trừ đám con gái. Mọi thứ đều qui ra cân lúa, cân gạo, như một đơn vị đo lường trong xã hội. A rice-based economic. Có người kể chuyện, ngoài Hà Nội, sinh viên đi tìm gái ngoài công viên cũng được tính giá là một bơ gạo (cỡ lon sữa bò để đong gạo) cho một lần hành lạc (?). Sinh viên làm hư một món đồ thực tập cũng bị bắt bồi thường và quy ra giá trị món đồ tương đương bao nhiêu ký lúa.

Tất cả hàng phân phối đều quí, dù là chất lượng thì quá tệ: gạo mốc, đầy bông cỏ và cát sạn, cá sô ươn sình, giấy tập là loại giấy manh được tái sinh từ giấy vụn đen sì, vỏ xe đạp chỉ có vài cọng thép mong manh niền bên trong, diêm quẹt “an toàn” (loại quẹt hoài không cháy!),… không kể ra hết được. Vậy mà, dù đang học, nghe tin có hàng về, thế là cả lớp bỏ ngang, xúm nhau mang sổ gạo, sổ nhu yếu phẩm xuống Ban Đời sống xếp hàng chờ được mua. Có lần lớp tôi được phân phối sữa bột, có lẽ từ một nguồn viện trợ hiếm hoi nào đó, một số đem bán ngay ở chợ trời, còn dư một ít bột bị ẩm ướt, vón cục, cả lớp hùn lại pha uống. Hậu quả là ngay ngày hôm sau, hơn 2/3 lớp học bị tiêu chảy vì cơ thể đã lâu không biết sữa là gì (?!). Có một dạo, chúng tôi không hiểu tại sao tháng nào sinh viên cũng được phân phối thật nhiều giấy vệ sinh, loại giấy cuộn đen xì. Nhiều người lúc đó cười: “Sinh viên thì chẳng có gì ăn mà Nhà nước cho giấy chùi … đít hoài!”.

Có dạo, một đứa trong nhóm bạn của tôi phát hiện ở Trạm Y tế trường có nhập về xi-rô ho, loại rirop này có trộn mật ong, vị ngọt lịm. Thế là cả nhóm ai nấy cũng giả bộ húng hắng ho để xin về được mỗi đứa một chai, chúng tôi gom lại, tối cử hai thằng gan nhất bò ra ngoài đồng ăn cắp khoai mì, đem về nấu chè chung với loại thuốc ho này. Bữa đó đứa nào cũng hỉ hả một bữa ăn đầy chất ngọt.

Chuyện học tập thời bao cấp cũng lắm chuyện để kế. Học hành dĩ nhiên là kém chất rồi, ăn chưa đủ no, còn phải chạy vạy kiếm sống, sách vở thiếu trầm trọng, dụng cụ thí nghiệm lạc hậu, cũ kỹ, học chay nhiều hơn thực hành, thầy cũng không nhiệt tâm lắm. Vậy mà, số người bị loại rất ít, nếu không do hoàn cảnh gia đình. Bệnh “thành tích” từ thuở bao cấp đã trở thành bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam. Ngoại ngữ, HSSV lúc đó thì yếu vô cùng, trong những năm đầu vào Đại học, chúng tôi bị ép phải học Nga văn, dù trước đó đã qua 7 năm học Anh văn thời Trung học. Vào lớp trình độ không đồng đều, cuối cùng tiếng Nga cũng kém mà tiếng Anh thì quên trước quên sau. Sau những năm 1990, hầu hết sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài học, ai cũng vất vả vì vốn Anh ngữ yếu kém của mình. Những đứa khá Anh ngữ hơn thường là do ý thức vượt khó hoặc có dự kiến ra sống hoặc làm việc cho nước ngoài.

Thời bao cấp có cái thích là sách rẻ vô cùng, dù sách hay khá ít, một cuốn sách dày khoảng 100-120 trang chỉ có giá khoảng 1-2 đồng. Tôi nhớ khoảng năm 1980 - 1981, Nhà sách Nhân dân Tổng hợp (tên nhà sách nghe buồn cười hỉ?) có về bộ “Lênin toàn tập” 55 quyển do Nhà xuất bản Tiến bộ Maxcơva in trên giấy trắng tốt, dày cộp, nặng chừng nửa tạ, đóng bìa cứng hẳn hoi mà giá bán chỉ 25 đồng (giá này tôi nhớ chưa chính xác lắm nhưng khoảng non 2 tháng học bổng sinh viên gì đó, lúc ấy 17 đồng/tháng cho nam và 17 đồng 50 xu/tháng cho nữ, 50 xu để phụ nữ dùng vệ sinh mỗi tháng, chuyện này Nhà nước thật đúng là… bao cấp). Nhiều người xúm lại mua sách Lênin, không phải là để đem về đọc mà để bán… cho lái sách giấy cũ vụn, mua về làm pháo!!! Sau Nhà nước cấm, chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu, mua về để cất trong tủ sách là chính.

Nghiên cứu khoa học thời bao cấp thì gần như không có gì cả. Nhiều đề tài gọi là “nghiên cứu khoa học” đăng trên các báo thật buồn cười. Có người ráng chứng minh rằng ăn đậu nành bổ hơn ăn thịt bò, ba hột mít tương đương một quả trứng gà, xuyên tâm liên trị được tất cả các chứng bệnh viêm loét, cải tiến xe chạy bằng xăng thành xe chạy bằng than (hay … cải lùi ???), chiếc xe cút kít đẩy tay của công nhân thì gọi là xe cải tiến (?), còn những đề tài về kinh tế, xã hội, chính trị thì thật chán, gần như ráng để chứng minh một cách chủ quan rằng nền kinh tế hợp tác xã, quốc doanh là số 1. Nhiều giảng viên kinh tế còn đưa ra đơn vị tiền tệ “đôla-rúp” vì chẳng biết lần đâu là giá trị thực hoặc giá trị ảo của đồng dollar Mỹ và đồng Rúp của Liên Xô. Tuy nhiên, toàn xã hội mãi lo cho miếng ăn, cái mặc thì những chuyện nghiên cứu trở nên thứ cấp và chỉ còn mang tính hình thức. Chuyện kể, có ông Giáo sư nuôi heo, mùi hôi gây khó chịu cho hàng xóm, họ than phiền lên cấp trên thì ông Giáo sư này lắc đầu: “Tui đâu có nuôi heo, heo nuôi tui mà …”.
----------------

Đôi lần, tôi có kể cho con tôi và một số sinh viên của tôi những chuyện cực khổ thời bao cấp. Chúng có vẻ không tin, cho rằng tôi cường điệu. Nghe tin hiện Bảo tàng Dân tộc học với sự tài trợ của UNDP, SIDA, Ford Foundation có mở một triển lãm về thời bao cấp 1975 - 1986 tại Hà Nội, tôi rất muốn đưa con tôi đến xem tận mắt các hiện vật để nó cảm nhận được các khó khăn thời ấy nhưng không thực hiện được. Người dân Việt Nam đang sống trong thời kỳ gọi là Đổi mới, đặc biệt sau sự kiện Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Cuộc sống có dễ dàng hơn trước nhưng tham nhũng, tệ nạn xã hội, thiếu dân chủ và khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng vẫn là những bức xúc của người dân.
Xã hội vẫn còn nhiều chuyện để bàn. Biết đâu,… 10, 15 năm nữa, chúng ta lại có một triển lãm khác: triển lãm “Thời Đổi Mới” hoặc thời “Hậu Đổi Mới” gì gì đó. Sao không nhỉ? Ai mà nói trước được đây?
Lê Anh Tuấn (6/2006)

Xem thêm:

.
.
.

No comments: