Saturday, March 19, 2011

YÊU CẦU HỦY BỎ DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN Ở VIỆT NAM (Lê Quốc Trinh)


Khi mới nghe tin nhà máy ĐNH (Điện Hạt Nhân) Fukushima ở Nhật bắt đầu gặp sự cố nghiêm trọng sau cơn động đất và sóng thần (12/03/2011) và báo chí Canada đã có bài viết khoa học trả lời những câu hỏi về nguy cơ “nổ lò nguyên tử” tôi đã trích dẫn bài báo này gửi ngay về Việt Nam cho tờ báo Sài Gòn Giải Phóng online xem như là một ý kiến đóng góp của một độc giả từ Canada. Thế nhưng qua 5 ngày tôi vẫn không thấy động tĩnh chi cả, vào SGGP vẫn thấy chính quyền Hà Nội ra thông báo về ĐHN, xin trích dẫn cho bà con cô bác biết:

4 lý do để xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Thứ bảy, 12/03/2011, 02:02 (GMT+7)
(SGGP). – Ngày 11-3, Trung tâm Nghiên cứu phát triển truyền thông (thuộc Bộ KH-CN) đã tổ chức giao lưu trực tuyến “Hướng tới nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam”. Đến thời điểm này, Việt Nam đang trên lộ trình tiến đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến khẳng định, tại thời điểm này Việt Nam có 4 lý do để có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm: các nguồn năng lượng hóa thạch cũng như thủy điện trong nước cũng như trên thế giới đang cạn kiệt; nhu cầu năng lượng của Việt Nam hiện tại và tương lai ở tình trạng thiếu; năng lượng hạt nhân hiện nay đã đảm bảo tính an toàn cao và hiệu quả kinh tế cũng cao; điện hạt nhân giảm được khí thải nhà kính.
PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, cho rằng lợi ích trước tiên của việc phát triển điện hạt nhân là góp phần đảm bảo về an ninh cung cấp điện năng cho đất nước, phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo ông Tấn, vẫn tồn tại những khó khăn đối với Việt Nam. “Điện hạt nhân là một công nghệ mới đối với chúng ta. Chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt những nhân lực có trình độ cao về điện hạt nhân. Chúng ta còn thiếu những khuôn khổ pháp lý cần thiết mà hiện nay vẫn đang phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện. Ngoài ra, năng lực tài chính của chúng ta cũng hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư dự án điện hạt nhân rất lớn” – PGS-TS Vương Hữu Tấn khẳng định.
TS Hoàng Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN) cho biết, diện tích cho mỗi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân khoảng 500ha. Theo kế hoạch, số hộ dân cần di dời để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là 156 hộ (khoảng 650 người) và dự án Ninh Thuận 2 là 611 hộ (trên 2.000 người).
Công tác tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông cho dự án đang được tích cực chuẩn bị để đảm bảo tiến độ. Theo kế hoạch, năm 2014 Việt Nam sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và sau năm 2020 tổ máy đầu tiên có thể phát điện.
TRẦN LƯU (SGGP – 12-03-2011)
(www.sggp.org.vn/khoahoc_congnghe/2011/3/252705/ )
__________________________________________________

Hôm nay vào Mạng VN đọc thêm hai tin nữa khiến nỗi quan ngại của tôi tăng thêm:

1)- Vì sao đất tại Ninh Thuận đột nhiên đùn lên (www.sgtt.vn/Thoi-su/141796/Vi-sao-dat-tai-Ninh-Thuan-dot-nhien-dun-len.html) : một hiện tượng địa chất bất thường xảy ra ở vùng núi lửa, theo lời chuyên gia địa chất của VN. Có thể là những dấu hiệu báo trước về những cơn địa chấn bất thường trong thời gian tới ở địa hạt Ninh Thuận, nơi mà Nhà nước đã quyết định xây lên hai nhà máy ĐNH vĩ đại;

2)- Nhật chỉ còn 48 giờ để tránh thảm hoạ Chernobyl (nổ lò nguyên tử): Thảm họa nhân loại gần kề, trong khi báo chí Nhật vạch trần sự thật của nhà máy Fukushima khiến cho một kỹ sư lương tâm phải từ chức cách đây 35 năm;

Vì vậy tôi đề nghị các Trang Mang hải ngoại cho đăng bài này lên như một lời cảnh báo khẩn thiết về một thảm hoạ vô cùng nguy hiểm cho hàng triệu người dân miền Trung nói riêng và cho toàn thể nhân dân VN nói chung.

Theo dõi sát sao những gì đang xảy ra trong các lò nguyên tử của Nhật Bản sau cơn động đất và sóng thần, chúng ta đều thấy hiểm hoạ “bom nguyên tử” đang lơ lửng trên đầu người dân Nhật, toàn thế giới đang nín thở theo dõi và hạm đội Mỹ đã phải rời xa bờ biển Nhật sau khi tham gia cứu trợ vì bị nhiễm phóng xạ, trong khi đó nhà cầm quyền VN vẫn tiếp tục làm ngơ, giả câm giả điếc, vẫn tiếp tục giữ quyết định xây hai nhà máy ĐNH tại Ninh Thuận (thiết kế Nga và nhà thầu Nhật). Tin này lại được Nhà Nước tái xác nhận với lý do là Quốc Hội đã bỏ phiếu chấp thuận từ năm ngoái.

Hành động chây lỳ ngoan cố này cho thấy rõ rằng Nhà Nước VN dưới quyền lãnh đạo của ĐCS đã và đang cố tình đưa đất nước vào con đường chính trị phiêu lưu mạo hiểm. Họ muốn tạo sự hiện diện của Nga tại VN (xây lò nguyên tử, cung cấp vũ khí, bảo trì hải cảng Cam Ranh) để làm đối trọng với áp lực của TQ ngoài Biển Đông, trong tương lai (10-20 năm) họ hy vọng sẽ chế tạo được bom nguyên tử để thương thuyết với ngoại bang phương Bắc. Đường lối chính trị này, thêm một lần nữa, chứng tỏ ĐCS VN chỉ biết nghĩ đến quyền lợi đảng phái mà bỏ quên sự an toàn của người dân, luôn tìm cách dựa vào thế lực ngoại bang để giữ quyền thống trị độc tài, độc đảng trong nước. Từ đó nguy cơ VN lại biến thành bãi chiến trường cho các cường quốc lợi dụng, như thời trước 1975. Nguy hiểm bậc nhất là trong tình trạng xã hội suy đồi, mê tín tràn lan, tham nhũng hối lộ đục khoét bộ máy quản lý như hiện nay, VN không hề có một nền giáo dục khoa học kỹ thuật căn bản để đào tạo những chuyên gia kinh nghiệm, kiến thức có khả năng điều hành và bảo trì nhà máy ĐNH. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ thôi là toàn bộ nhà máy mất kiểm soát gây nên nhiều sự cố dây chuyền cuối cùng dẫn đến thảm hoạ khôn lường, Nhà nước VN hãy nhớ đến Chernobyl (Liên Xô 26-04-1986), Three Mile Island (Mỹ 28-03-1979) và Fukushima ngày hôm nay để làm bài học để đời.

Giải pháp đề nghị:
Đứng trước nhu cầu điện năng mà VN cần phải tiêu thụ trong thời đại công nghiệp hoá để bắt kịp đà tiến hoá nhân loại, tôi nhận thấy rằng giải pháp nhiệt điện (nhà máy chạy bằng than đá) vẫn luôn là phương hướng đơn giản và an toàn nhất cho VN trong hoàn cảnh thiếu nhân lực và thiết bị hiện đại. Việt Nam đang là nơi xuất cảng than đá hàng đầu sang TQ với các mỏ than hiện thời (Quảng Ninh), tuy rằng phương pháp khai thác còn thô sơ, hiệu quả thấp và than lậu bị tuồn sang biên giới khá nhiều gây thất thoát cho đất nước. Ngoài ra VN còn có bể than sông Hồng mà hồi năm ngoái nhà nước đã lên tiếng, với trữ lượng khổng lồ 120 triệu tấn, dư sức cung ứng cho nhiều nhà máy nhiệt điện ít nhất trong 50 năm tới. Nói thế để thấy rõ rằng tài nguyên VN không thiếu cho nhu cầu năng lượng, chỉ thiếu chăng là nhân lực có kinh nghiệm và kiến thức cộng với một chính sách quản lý minh bạch, trung thục ngõ hầu mọi chuyên gia trí thức có cơ hội đóng góp chất xám. Giữa nhà máy nhiệt điện (than đá) và nhà máy ĐNH, sụ khác biệt nằm ở “trung tâm lò nguyên tử”, mầm mống của mọi hiểm hoạ nghiêm trọng khi mất kiểm soát, và cũng là con bài chính trị trói buộc VN chịu ảnh hưởng ngoại bang sâu đậm và lâu dài. Đến nay nhiều nước Âu Châu (Đức) ngay cả TQ cũng bắt đầu quyết định huỷ bỏ hẳn chương trình khai thác ĐNH. Một khi thế giới nhận chân hiểm hoạ ĐNH thì chắc chắn bài toán “ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính” của nhà máy nhiệt điện (than đá) sẽ được đem ra mổ xẻ để tìm phương án giải quyết, không còn lựa chọn nào khác.

Kết luận:
Do đó, tôi trân trọng yêu cầu Nhà nước VN hãy suy nghĩ lại và lấy quyết định huỷ bỏ dự án xây hai nhà máy Điện Hạt Nhân tại Ninh Thuận càng sớm càng tốt. Sau đó đề nghị khơi mào lại cuộc tranh luận toàn quốc, trong và ngoài nước, về vấn đề năng lượng để cùng nhau tìm ra giải pháp chung.

© Lê Quốc Trinh
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: