Saturday, March 19, 2011

NASA CHUYỂN HƯỚNG LÊN MẶT TRĂNG TÌM TÀI NGUYÊN (Thanh Phong/Viễn Đông)

Phỏng vấn TS. Trịnh Hữu Phước và TS. Võ Thị Diệp
Thanh Phong/Viễn Đông (thực hiện)
Cập nhật lúc 8:34:00 PM - 15/03/2011

WESTMINSTER - Trưa Thứ Hai, ngày 14-3-2011, phái đoàn Hội Đồng Hương Bạc Liêu gồm Kỹ Sư Địa Chất Lâm Quang Hải (Hội Trưởng), hai vợ chồng khoa học gia Trịnh Hữu Phước và Võ Thị Diệp, hiện đang làm việc cho cơ quan Hàng Không Không Gian Hoa Kỳ (NASA), chị Quách Thị Hưng (Thủ Quỹ Hội Bạc Liêu), ký giả Trọng Minh, vợ chồng soạn giả Yên Lang và cháu Trịnh Tố Phi (ái nữ của ông bà Trịnh Hữu Phước), đã đến thăm nhật báo Viễn Đông. Nhân cơ hội này, chúng tôi đã phỏng vấn hai nhà khoa học về một số vấn đề liên quan đến chương trình không gian.

Nữ Khoa Học Gia, Tiến Sĩ Hóa Học Võ Thị Diệp sinh năm 1962 tại làng Giòng Me, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, trong một gia đình nông dân nghèo gồm 9 người con. Từ nhỏ cô vốn rất ham học nhưng không được may mắn đến trường. Mãi sau này mới được học đến lớp 11 nhưng dở dang thì vượt biên sang Nam Dương, và từ đây, qua định cư tại thành phố Alton, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, ngày 15-12-1979. Đặt chân đến Mỹ, dù cố gắng hết sức, hai lần cô bị đuổi ra khỏi lớp Anh ngữ 102, vì thầy giáo cho rằng cô không đủ trình độ học lớp này. Với ý chí và quyết tâm của mình, cô Diệp đã tốt nghiệp Cử Nhân Hóa Học hạng Danh Dự. Hai năm sau, cô tốt nghiệp bằng Cao Học Hóa Học tại đại học University of Missouri-Rolla. Sau 5 năm làm việc cho cơ quan NASA tại Huntsville, Alabama, cô tiếp tục vừa đi học,vừa đi làm, và năm 1997 tốt nghiệp Tiến Sĩ Hóa Học tại đại học University of Missouri-Rolla.

Trải qua nhiều công việc quan trọng được giao phó, hiện nay Tiến Sĩ Võ Thị Diệp là Trưởng Nhóm Nghiên Cứu Vật Liệu Nhẹ và Bền, để có thể thay thế cho kim loại trong các động cơ máy móc, hầu giảm thiểu tối đa trọng lượng của các phi thuyền thám hiểm không gian. TS. Diệp cũng là Khoa Học Gia Trưởng, trong nhóm nghiên cứu dùng vật liệu cách ly nhiệt cho phần hỏa tiễn Ares-I, sẽ thay thế phi thuyền con thoi vào năm 2012.

Khoa học gia Trịnh Hữu Phước sanh năm 1962 tại làng Trưởng Tòa, xã Long Thạnh, Huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Là người con thứ bảy trong gia đình 11 người con, cha mẹ làm nghề buôn bán nhỏ và anh được cha mẹ cho đi học đến lớp 11. Năm 1979, gia đình sắp xếp cho anh vượt biên thành công, và anh may mắn gặïp lại người bạn học cùng lớp 11 tại Bạc Liêu, cô Võ Thị Diệp, và hai người kết hôn với nhau sau khi anh được bảo trợ đến thành phố Alton, tiểu bang Illinois. Vượt qua mọi gian nan, thử thách, anh đã thành công trên con đường học vấn, văn bằng Cử Nhân Kỹ Sư Không Gian, rồi sau đó tốt nghiệp Cao Học và cuối cùng đạt được bằng Tiến Sĩ Cơ Khí. Hai vợ chồng cùng làm việc chung trong cơ quan không gian NASA tại Huntsville, Alabama, và có với nhau 3 người con gái, vẫn còn đang đi học. Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước hiện là Trưởng Nhóm Chuyên Viên Kỹ Thuật, chịu trách nhiệm chế tạo động cơ hỏa tiễn dùng nhiên liệu lỏng. Ngoài ra, TS. Phước còn đảm nhiệm nhiều phần hành quan trọng khác và có một số phát minh quan trọng được cơ quan NASA đánh giá cao.
                             
Sau đây là cuộc phỏng vấn của Viễn Đông với hai khoa học gia Trịnh Hữu Phước và Võ Thị Diệp.

Viễn Đông: Trước hết xin TS. Trịnh Hữu Phước cho biết, thời gian gần đây ông có phát minh mới nào liên quan đến lãnh vực không gian mà ông đang theo đuổi?
TS. Trịnh Hữu Phước: Hồi tháng 9-2010, trong cuộc họp báo tại Nam Cali, tôi có nói là tôi đang thử chương trình hỏa tiễn cho cuộc thám hiểm mặt trăng, và dùng cái phi thuyền người máy, và chúng tôi đã thực hiện đúng như lời tuyên bố, là đã thử xong bộ phận hỏa tiễn, và những bộ phận này sẽ được dùng đưa phi thuyền lên mặt trăng sau này.
Việc thử nghiệm này thực hiện tại tiểu bang New Mexico thành công tốt đẹp. Ông Trưởng Ban Điều Hành Không Gian Hoa Kỳ ở tại chỗ tôi làm, ông rất là mừng khi biết chúng tôi tới đây với cộng đồng Việt Nam, ông gửi lời cám ơn sự ủng hộ và thiện cảm của người Việt ở vùng Nam California.

Viễn Đông: Gần đây Tổng Thống Obama quyết định cắt giảm ngân khoản về chương trình không gian của Hoa Kỳ. Việc này ảnh hưởng ra sao đối với các chương trình mà cơ quan NASA đã hoạch định?
TS. Phước: Vấn đề này tôi chỉ trả lời theo quan điểm cá nhân, chứ tôi không đại diện cho cơ quan NASA, vì vấn đề này rất tế nhị. Theo cá nhân tôi thấy, thật sự ra cái kinh phí cho chương trình NASA lại cao hơn những năm về trước nữa. Cao hơn đến một tỷ Mỹ kim, nhưng khuynh hướng của chính phủ bây giờ hơi khác hơn hồi xưa. Thứ nhứt là bây giờ họ muốn đưa những phi hành gia vào không gian bằng những hỏa tiễn tư nhân, chứ không phải của
NASA nữa, tại vì chính phủ muốn chương trình NASA của Mỹ tập trung vào thám hiểm mặt trăng và các hành tinh khác. Thành thử chính phủ muốn NASA phải tập trung nghiên cứu những chương trình mới, vì đưa những phi hành gia lên không gian như NASA đã làm từ mấy chục năm nay, tư nhân có thể đảm nhiệm nổi. Theo tôi nhớ không lầm, năm 2010 kinh phí của NASA khoảng 17 tỷ Mỹ kim, năm 2012 lên đến 18 tỷ Mỹ kim.

Viễn Đông: Với một kinh phí hết sức lớn lao như thế, qua những lần lên không gian, cơ quan NASA đã mang lại lợi ích gì cho đất nước Hoa Kỳ nói riêng và cho nhân loại trên thế giới nói chung?
TS. Phước: Những chương trình đầu tư của NASA vào không gian không thể mang lại kết quả trong vòng một, hai năm, mà nó là một thời gian lâu dài. Chương trình không gian của NASA hiện đang làm như anh biết, là có trạm không gian của Mỹ vẫn đang bay từ nhiều năm trước, và bây giờ họ vẫn đang nghiên cứu kỹ thuật để muốn đi đến các hành tinh khác, để khám phá những vật liệu mặt trăng, để dùng những vâït liệu này ứng dụng cho các cuộc bay lên các hành tinh khác.
                             
TS. Võ Thị Diệp: Tôi xin bổ túc một phần nữa, là lý do họ muốn trở lại cung trăng là tại vì trong tương lai, họ nghĩ quả đất này sẽ bị khai thác hết tài nguyên, lúc đó con người chúng ta có thể cần một tài nguyên từ một vệ tinh, một hành tinh nào khác. Thành ra bây giờ họ muốn trở lại mặt trăng, để tìm xem có tài nguyên gì để đem về trái đất hay không. Đó là một chương trình dài hạn, mà NASA họ đã xem xét. Còn phần nữa là những phát minh, những kỹ thuật ứng dụng trong chương trình không gian, có thể sử dụng để giúp con người về nhiều mặt, chẳng hạn về y học, hầu làm cho đời sống con người có thể chống đỡ được các căn bệnh hiểm nghèo, v.v.. Chương trình NASA cũng để giúp người trẻ khám phá ra những khả năng về khoa học kỹ thuật của mình, để cống hiến cho nhân loại. Do đó khi chúng tôi tới đây, họ có cho một số đồ để tặng cho mấy trẻ em biết và thích thú về NASA. Bây giờ họ đang cố gắng để khuyến khích thế hệ trẻ ham thích học về khoa học kỹ thuật.

Viễn Đông: Theo tôi được biết, để một phi hành gia có thể bay lên không gian, cơ quan NASA đã phải tuyển lựa và huấn luyện trong nhiều năm. Vậy trong số các phi hành gia hiện nay, có ai là người Việt Nam?
TS. Phước: Có một phi hành gia người Việt tên là ông Trịnh, ông cũng đã bay lên trạm không gian Hoa Kỳ, hình như ông đang ở miền Nam California. Nói về khoa học kỹ thuật thì theo tôi biết, người Á Châu, nhất là người Việt Nam mình rất giỏi về khoa học kỹ thuật. Tôi thường đọc báo và thấy người Á Châu, người Tàu, người Việt mình luôn luôn đứng hạng nhứt, nhì trong các trường Trung Học, thành ra tôi rất lấy làm hãnh diện và tin tưởng vào   tương lai sẽ có thêm các phi hành gia gốc Việt.

(Đón đọc ngày mai: Hai nhà khoa học thảo luận về nguồn tin gây hoang mang về năm 2012 “tận thế”)

© ViễnĐôngDailynews
.
.
.

No comments: