Saturday, March 19, 2011

NHẬN ĐỊNH VỀ TIN HF HÌNH KINH TẾ-TÀI CHÁNH của VIỆT NAM HIỆN NAY (Trường Giang)

Trường Giang

Bản nhận dịnh này đuợc viết ra sau khi có các đánh giá của quốc tế về nguy cơ đổ vỡ vì nợ nần và vì giá thực phẩm leo thang tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. (1)

1)
Về vấn đề nợ nần khá cao của VN thì dựa trên các con số chính thức, tỷ số nợ của VN là 48% GIP (2). Con số này thực ra không phải là một con số quá lớn so với các nền kinh tề khác nhưng trong trường hợp của VN thì tỷ số này là một yếu điểm đáng kể vì hơn 80% số nợ này là nợ nước ngoài. Ngoài ra mức độ đáng ngại về sự vỡ nợ đến đâu là còn tùy thuộc vào khả năng hoàn trả các món nợ này dựa trên khả năng thu nhập ngoại hối đến từ các nguồn khác nhau như xuất khẩu, FDI, kiều hối (bao gồm tiền do Việt kiều và lực lượng lao động ở khắp nơi gửi về). Với tình hình bất ổn ở Bắc Phi và Nhật Bản hiện nay vấn đề xuất khẩu lao động đang đi vào ngõ cụt vì hàng trăm ngàn lao động đã và sẽ phải hồi hương kể từ giai đoạn khủng hỏang tài chính 2 năm trước đây cho đến khủng hỏang chính trị Bắc Phi-Trung Đông hiện nay. Do đó sự thiếu hụt về ngoại tệ rất trầm trọng, khối dự trữ ngọai tệ đã giảm hơn một nửa và hiện chỉ còn độ 10 tỷ đô la (là một con số rất thấp) và sự đe dọa vỡ nợ vì không đủ khả năng trả tiền vốn và tiền lãi của các món nợ là một sự kiện có thực.

Sự đe dọa này ở mức độ nào và khẩn trương đến đâu là điều rất khó tiên đoán, nhất là điều đó còn tùy thuộc vào khả năng quản lý của nhà cầm quyền và đường hướng và chính sách quản lý kinh tế của họ (3). Trong một nền kinh tế tư bản bình thường thì với một khả năng quản lý hợp lý và khả năng “tự điều tiết” của nền kinh tế, tình trạng mất quân bình như thế này thường sẽ được giải quyết trong một thời gian dài ngắn tùy theo sức mạnh của nền kinh tế đó. Tuy nhiên trong một nền kinh tế “khập khiễng”, với sự can thiệp trực tiếp và quá đáng của nhà nước vào việc vận hành kinh tế, để thể hiện “định hướng xhcn” như ở Việt Nam, vấn đề trở thành phức tạp và nan giải hơn nhiều. Thực vậy, nhà nước luôn khăng khăng bảo vệ chính sách can thiệp của họ, binh vực và ưu đãi triệt để các đại công ty quốc doanh, là những bộ máy “làm tiền” cho Đảng và các đảng viên, là xương sống của bộ máy kinh tài và bòn tiền của nhân dân. Các đại công ty này (EVN, PetroVN, Tổng công ty than, Vinashin…) là nơi để các lãnh đạo bầy đặt ra hàng trăm đại kế hoạch và dự án vĩ đại cho phép họ tha hồ tiêu tiền và thu tiền hối lộ vì dự án càng to và càng nhiều tiền thì hối lộ càng nhiều hơn nữa.

Đây là điểm mấu chốt cần chú ý: bẻ gẫy logic “Đảng-Công ty-Hối lộ” là tạo điều kiện để họ tự “bắn vào chân mình”, vì đây là nguồn lợi lớn nhất của họ song song với các nguồn tiền đến từ các dự án, công việc buôn bán, đầu cơ đất đai… Vì vậy đừng ngạc nhiên khi thấy là trong vòng có mấy tháng mà gần đây tỉnh Phú Yên đã phải rút giấy phép đầu tư của một dự án 250 tỷ đô la (một con số quá lớn để có thể nghĩ là con số thật), và một dự án khác khoảng trên 3 tỷ đô la. Sự thực là các lãnh đạo chỉ cần cấp giấy phép là đã được thu tiền hối lộ rồi, chưa biết dự án đó có thực hiện thật hay không. Thậm chí họ còn khoán trắng cả 60% diện tích đất đai của tỉnh Phú Yên cho các dự án này. Và cũng vì vậy mà họ đặt vấn đề đầu tư làm đường xe lửa cao tốc 60 tỷ đô la, trong khi thu nhập của đa số người dân chưa đủ ăn no.

Tóm lại sự chuyên chính của đảng CS giúp họ có khả năng thu rất nhiều tiền cho bè phái của họ trong khi để giải quyết tình trạng yếu kém và bế tắc của kinh tế hiện nay thì việc đầu tiên cần làm là tư hữu hóa các công ty quốc doanh để tạo sức sống thực sự cho nền kinh tế thì họ lại không muốn làm, vì làm như thế họ tự đập vỡ “nồi cơm” của họ.

Với thực tế chính trị-tài chánh như vậy vấn đề giải quyết bế tắc kinh tế vĩ mô như hiện nay không đơn giản. Do đó chúng ta có thể kết luận là vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay đã đặt người CS trước một vấn nạn rất lớn. Nếu muốn thực sự giải quyết sự khó khăn kinh tế này thì họ cần phải thay đổi cấu trúc và cơ chế vận hành của nền kinh tế, nếu không viễn tượng khủng hỏang kinh tế sẽ không tránh khỏi. Thay đổi cơ chế quản trị kinh tế vĩ mô thì cần thay đổi định hướng chính trị. Đó là một vấn đề vô cùng nhức nhối mà đảng CS đang phải đối mặt. Họ có muốn giải quyết vấn đề này hay không? Và nếu muốn có giải quyết được hay không khi đụng đến quyền lợi hàng chục tỷ đô la của các cấp lãnh đạo trong đảng?


2/
Về khó khăn mà người thu nhập thấp (đại đa số nhân dân Việt Nam) phải gánh chịu truớc áp lực của giá cả thực phẩm gia tăng, vấn đề này có thể sẽ là một vấn đề lớn, “tưởng là bé hóa ra to”. Hiện nay giá cả thực phẩm khắp thế giới đang trải qua một giai đọan bất ổn vì rất nhiều lý do liên quan đến kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, thiên tai v.v… Việt Nam đương nhiên cũng phải chịu ảnh hưởng. Nhưng ở Việt Nam vấn đề này trở nên trầm trọng hơn một bực vì cùng với hiện tượng lạm phát rất mạnh (khỏang 12-15%), và sự phá giá của đồng tiền, lại còn hiện tượng nông dân bỏ ruộng vườn để ra thành thị quá nhiều, và diện tích đất đai canh tác ngày càng giảm. Vấn đề khan hiếm lương thực và giá cả hàng hóa, nhất là lương thực, chắc chắn sẽ càng ngày càng trở nên nghẹt thở hơn cho đại đa số người dân. Hiện nay trung bình người dân Việt Nam bình thường phải dùng đến 48% thu nhập cho chi phí ăn uống hàng ngày.

Cũng nên bàn qua về vấn đề ruộng đất và đất đai. Nói chung ruộng đất và đất đai đã được nhà nước tạo cơ hội cho các “tư bản đỏ” cưỡng đọat của dân nghèo (và dân di tản ra nước ngoài) qua các phương pháp đầu tư đất đai dựa trên các chính sách “qui hoạch” và “hóa giá”, mà mục đích phần lớn là để tạo cơ hội cho các cán bộ, đảng viên sở hữu những mảnh đất có giá trị tài chính rất cao nhưng đã được “nhà nước” và cả đảng viên mua lại từ nông dân với giá rất rẻ, hay hợp thức hóa các đất đai nhà cửa đã chiếm đoạt… Các nông dân mất ruộng đất này, với khả năng chuyên môn và tri thức rất thấp, khi lên thành thị đương nhiên bị thua thiệt, và chỉ có thể làm những công việc có thu nhập rất thấp và rất bấp bênh. Tình trạng mâu thuẫn xã hội này ngày càng gia tăng.

Dựa trên những phân tích trên chúng ta có thể kết luận là nhận xét của tổ chức quốc tế khi đánh giá về vấn đề này tuy chỉ thuần túy dựa trên con số (tỷ lệ phần trăm lợi tức dành cho chi phí ăn uống) để so sánh nhưng cũng đã nêu lên được một yếu tố đáng quan ngại của thực trạng xã hội ở Việt Nam. Đấy là họ chưa kể đến yếu tố “đô thị hóa” như nói ở trên, còn là một yếu tố có tác động tiêu cực nữa trong trung hạn. Đây cũng sẽ là một bài toán lớn mà đảng CS phải giải quyết trong thời gian sắp đến. Tất cả những khó khăn đó liệu có phải là nguyên nhân tạo ra “ngòi nổ” hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cách giải quyết cơ bản và các biện pháp cụ thể mà nhà cầm quyền sẽ áp dụng (3), vì cơ bản của cả hai vấn đề (nợ và giá thực phẩm) đều nằm ở cùng một nguyên nhân: chế độ hiện nay quản lý nước Việt Nam với tác phong của một băng đảng mà mục tiêu lớn nhất là bảo vệ tối đa quyền lợi của bè đảng mình, bất chấp quyền lợi của người dân và của đất nước.

Trường Giang
(15.3.2011)
————————————————————

Ghi chú:

(1) Việt Nam đứng thứ 9 trên 18 nước có nguy cơ bị vỡ nợ:

Và đứng thứ 24 trên 25 chính phủ có thể bị sụp đổ vì giá lương thực bị lạm phát:

(2) GIP = Gross Internal Product

(3) Sự bất lực của chính quyền trong việc điều hành quốc gia là một trong 5 yếu tố dẫn đến cách mạng, theo Crane Brinton trong cuốn sách kinh điển về cách mạng của ông: The Anatomy of Revolution (revised edition 1965 by Prentice-Hall, Inc.), p. 251.



D.Nhật Lệ says:
Trường Giang viết bài này khá thuyết phục. Cũng bàn về kinh tế, Hiệu Minh trên blog của mình lại viết
theo kiểu TRẤN AN người dân trong nước đang đối mặt với vô số khó khăn do sự điều hành kinh tế yếu kém của nhà nước VC. Chẳng hạn HM. bảo rằng Mỹ và nhiều nước khác cũng nợ đầm đìa ra nhưng bị ảnh hưởng cũng ít thôi, chứ có gì đâu !
Thật ra, phải hiểu rằng Mỹ nợ là vì không những các nước đồng minh mà cả nước cạnh tranh kiểu “thù địch” như Tàu đều NHỜ dân chúng Mỹ tiêu thụ hàng hóa của họ, chẳng khác gì người ta mua nhà mua xe thì mắc nợ ngân hàng vậy, vì ngân hàng cũng đã điều tra và tin tưởng khả năng trả được nợ của họ. Vâng, khả năng trả được nợ tức là niềm tin của ngân hàng đối với con nợ của mình. Còn đối với nước khác đều là kinh tế thị trường thì chủ nợ biết những định chế kinh tế tài chánh ở đó sẽ bảo đảm sự trả được nợ của con nợ mình cho vay. Ngược lại,những nước mà nền kinh tế nửa dơi nửa chuột thì khả năng trả được nợ là rất đáng ngờ. Trong kinh tế, niềm tin quan trọng đến nổi mất đi niềm tin là mất tất cả.
Ngoài lý do dành ưu tiên cho công ty quốc doanh, tình hình kinh tế VN. còn rối rắm ngay trong nhận định của chuyên gia kinh tế trong nước, chẳng hạn 3 cán bộ ở vị trí đầu ngành phát biểu mỗi người 1 phách lộn tùng phèo : trong khi ông Đinh Thế Hiển (có bà con với Đinh Thế Huynh không nhỉ ?) phán rằng giữ tiền đồng VN. bây giờ thì có lợi hơn đô la Mỹ thì ông Nguyễn Minh Phong lại khẳng định ngược lại và ông Nguyễn Đức Thành nói trung thực hơn là không nên đầu tư gì vào tình hình hỗn loạn như thế này ! Thế thì người dân phải lãnh đủ vì không biết đâu mà mò !
.
.
.

No comments: