Michael Voss
BBC News, Havana
Cập nhật: 12:01 GMT - thứ năm, 24 tháng 3, 2011
Chính phủ Cuba đã trả tự do cho hai tù nhân chính trị cuối cùng bị giam giữ trong đợt trấn áp lớn các nhân vật đối lập hồi năm 2003.
Đó là Felix Navarro, 57 tuổi, một giáo viên hoạt động chính trị, và Jose Ferrer, 40 tuổi, ngư dân và là thành viên của phong trào đối lập.
Họ chịu án 25 năm tù và bị tổ chức Ân xá Quốc tế coi là tù nhân lương tâm.
Cả hai đã trở về nhà vào sáng sớm thứ Tư.
Con gái ông Navarro nói: “Tinh thần cha tôi rất tốt, rất vui vẻ và phấn khởi và đã sẵn sàng tiếp tục những gì mà ông bỏ lại kể từ năm 2003”.
Việc trả tự do có nghĩa là tất cả 75 trí thức, nhân vật đối lập và các nhà hoạt động hàng đầu bị bắt trong cái gọi là “Mùa Xuân Đen” của Cuba giờ đây đã được ra tù.
Khi đó, cộng đồng quốc tế rộng rãi lên án các vụ bắt giữ tràn lan cũng như án tù dài. Liên hiệp châu Âu lúc đó đã ngưng toàn bộ các chương trình hợp tác với Cuba.
Một số tù nhân sau đó được thả vì lý do sức khỏe.
Tuy nhiên, bước đột phá thực sự diễn ra vào tháng Bảy năm ngoái, với một thỏa thuận chưa từng có do Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã đứng ra làm trung gian. Chủ tịch Cuba, Raul Castro, đã đồng ý thả 52 tù nhân còn lại.
Chỉ trong vài tháng, đa số tù nhân đã cùng gia đình rời bỏ Cuba sang Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, tiến trình này bị trì hoãn khi 12 người từ chối đi sống lưu vong, và yêu cầu được phép quay về quê nhà tại Cuba.
Giờ đây, cuối cùng cả 12 người này đã được trở về gia đình.
Một số người, như Felix Navarro, ra chỉ dấu cho biết sẽ vẫn giữ vai trò là những người chỉ trích chính phủ.
Angel Moya là một nhà bất đồng chính kiến khác chọn ở lại Cuba.
Vợ ông, là Berta Soler, là một trong các lãnh đạo của phong trào ‘Các Quý bà mặc đồ trắng’. Đây là những người vợ và mẹ của 75 tù nhân; họ vận động chiến dịch trả tự do cho người thân, cứ mỗi Chủ Nhật lại tuần hành hòa bình với hi vọng công chúng tiếp tục quan tâm đến vấn đề này.
“Tôi rất hài lòng, nhưng đồng thời cũng hồi hộp” - bà Berta Soler nói sau khi chồng bà được thả, nói thêm rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục cho dù tất cả người thân của họ nay đã được ra tù.
Bà nói: “Điều rất quan trọng là chúng tôi phải tranh đấu, không phải cho sự tự do của 75 người vừa rồi, mà còn cho các tù nhân khác”.
Tại sao thay đổi?
Hiện khó mà biết được còn bao nhiêu tù nhân chính trị khác tại Cuba.
Chính phủ Cuba còn đi xa hơn cam kết ban đầu và đã cho phép ít nhất 60 tù nhân khác được tới Tây Ban Nha. 11 người nữa cũng sớm rời đi, trong đó có người cuối cùng được Ân xá Quốc tế coi là tù nhân lương tâm.
Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền cho biết đa phần họ bị bỏ tù vì các tội bị mô tả là bạo lực có động cơ chính trị, chẳng hạn như âm mưu bắt cóc tàu để bỏ trốn sang Mỹ.
Elizardo Sanchez, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền Cuba - là tổ chức bất hợp pháp nhưng vẫn được chấp nhận - ước tính rằng có khoảng 50 tù nhân chính trị vẫn còn bị giam giữ. Tuy nhiên, danh sách này bao gồm cả những người bị bỏ tù vì tội giết người, đánh bom và các tội trọng khác, vốn không bị coi là tù nhân chính trị.
Vậy tại sao chính phủ Cuba lại thay đổi quan điểm như vậy?
Vấn đề tù nhân chính trị đã trở thành điều gây rối trí cho chủ tịch Raul Castro trong lúc ông chuẩn bị thực hiện các cải cách kinh tế mạnh mẽ, trong đó có cắt giảm việc làm và trợ cấp.
Cái chết của tù nhân tuyệt thực trong tù, Orlando Zapata Tamayo, vào năm ngoái đã khiến dư luận lại chú ý tới vấn đề nhân quyền ở Cuba.
Vấn đề này tiếp tục nổi cộm sau khi một nhân vật bất đồng chính kiến khác là Guillermo Farinas bắt đầu cuộc tuyệt thực kéo dài.
Với việc quay qua Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, Chủ tịch Castro đã có thể đưa ra một giải pháp ‘của Cuba’ mà không tỏ ra là phải chịu áp lực từ bên ngoài. Người đứng đầu Giáo hội tại nước này là Hồng y Jaime Ortega, vốn sinh ra ở Cuba.
Đây cũng là chỉ dấu cho thấy sự ảnh hưởng gia tăng của Giáo hội, là tổ chức cấp cơ sở không thuộc nhà nước quan trọng nhất tại quốc đảo Cộng sản này.
Hoa Kỳ hoan nghênh việc trả tự do trong khi vẫn chỉ trích mưu toan của Cuba muốn đẩy đa phần những nhân vật chỉ trích có tiếng đi sống lưu vong.
Liên hiệp châu Âu sẽ cân nhắc trong những tháng tới về chuyện có hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Cuba hay không.
Đối lập tại Cuba
Cuba vẫn là nhà nước độc đảng và cho dù có các vụ thả tù nhân gần đây, giới chức vẫn tiếp tục đàn áp các nhóm đối lập ngay cả khi họ tỏ ra ít có tác động gì đến người dân thường Cuba.
Đầu tháng này là kỷ niệm 8 năm vụ trấn áp 2003. Những người còn lại trong nhóm ‘Phụ nữ áo trắng’ và một số tù nhân được thả đã gặp gỡ tại nhà của một trong những người tổ chức với ý định có cuộc tuần hành ngắn.
Thế nhưng thay vào đó, ngôi nhà bị hàng trăm người ủng hộ chính phủ bao vây và hò hét các khẩu hiệu xúc phạm, buộc họ phải ở trong nhà.
Chính phủ Cuba bác bỏ chuyện họ giam giữ tù nhân chính trị và coi những người bất đồng chính kiến là lính đánh thuê nhận tiền của Mỹ để gây bất ổn cho chính phủ.
Nếu có một nhóm nào đó đang khiến cho nhà cầm quyền cộng sản quan tâm thì đó là một nhóm nhỏ những người viết nhật ký trên mạng (blogger), thường là những người trẻ không có ràng buộc chính trị từ trước.
Những blog như ‘Thế hệ Y’ của Yoani Sanchez đã được quốc tế khen ngợi và nhận nhiều giải thưởng.
Tuy nhiên, cô chưa bao giờ được phép ra nước ngoài để nhận giải thưởng.
Một băng video mới bị tiết lộ gần đây về cuộc họp của bộ Nội vụ cho thấy các quan chức được thông báo về chuyện Hoa Kỳ bị cáo buộc là đang khuyến khích bất đồng thông qua truyền thông xã hội, như các mạng Facebook và Twitter, với mục tiêu lật đổ chính phủ.
Cuba có thể là một trong những nước có mức độ truy cập internet thấp và tỉ lệ sở hữu điện thoại di động rất thấp, nhưng có vẻ như truyền thông xã hội đang bắt đầu có ảnh hưởng tại đây.
.
.
.
No comments:
Post a Comment