Saturday, March 26, 2011

VÀI NÉT về TÁC PHẨM "THI CA LÃNG MẠN PHÁP" của NHÀ THƠ ĐÔNG YÊN (Lê Hoàng)

* Lê Hoàng
Thursday, March 17, 2011 4:26:45 PM
Như một tình cờ, không bất ngờ nhưng khá thú vị bằng cuộc gặp gỡ giữa tôi và hai người bạn cũ – Có thể gọi là nối khố và cố tri dưới bầu trời mùa Xuân Cali khá thú vị, chẳng khác nào Đà Lạt năm nào!

Thế mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua - Những năm đầu của thập niên 60, cũng không khí mát lạnh và êm đềm như hôm nay, nhưng không gian và thời gian thì khác hẳn. Thuở đó,cuộc sống và con người khác nhau, chúng tôi là những sinh viên thật trẻ đã tìm đến môi trường Thụ Nhân của cái xứ quanh năm lành lạnh để học làm người: Bạn tôi anh Lương Tấn Lực, bút hiệu Đông Yên – con người mà sau này vẫn cố gắng ôm chặt mảnh đất mát lạnh đó qua sự cộng tác với ngôi trường nổi tiếng của miền Nam nước Việt, trường Võ Bị Đà Lạt, cho đến ngày cuối cùng, sau hết là chấp nhận rời xa quê hương ! Còn tôi thì đã thật sự mãi mãi nhận nơi đó làm nơi chôn nhau cắt rún thứ hai - Thứ nhất là của chính tôi và thứ hai là của người vợ thân yêu của tôi.Và bây giờ, Đông Yên vừa mới đưa cho tôi đứa con tinh thần đầu tay của anh, đó là tác phẩm Thi ca Lãng Mạn Pháp ( Le Romantisme Français ).

Tôi sẽ giới thiệu tác phẩm này trong một ngày gần đây. Còn người bạn kia cũng lại là bạn đồng môn ngày xưa nhưng còn cộng thêm tình đồng nghiệp: đó là Phạm Quốc Bảo - Một người lúc nào cũng hiền hòa, dễ thương và mến bạn. Một chút bất ngờ làm tôi thích thú khi biết được hai bạn tôi, mỗi người đều có hồn thơ trong lòng, nhưng mỗi người một hướng, một bên là dịch giả của những dòng thơ Tây phương và một người Đông phương.

Riêng về tác phẩm Thi ca Lãng Mạn Pháp, trước mắt, tôi muốn mượn lời của các anh Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Mạnh Cường, Trần Huy Bích và Nguyễn Phan Anh để giúp độc giả có một khái niệm tổng quát về công trình văn học nầy.

“…Nhà thơ Đông Yên đã tổng hợp tất cả những khả năng mang tính cách khoa bảng của ông với một kiến thức vững vàng và phong phú về văn chương Pháp cũng như triết học Tây Phương. Do đó ông đã chuyển dịch những kiệt tác của các đại thi hào trong trào lưu lãng man Pháp nói riêng và thi ca lãng mạn Pháp nói chung qua ngôn ngữ Việt Nam một cách nhuần nhuyển lưu loát tuyệt vời, mang phong thái rất hàn lâm và quí phái.Thực ra có rất nhiều dịch giả Việt Nam đã chuyển dịch thi ca Pháp,nhưng do những hạn chế về tư duy, cảm hứng, thời đại v.v., những dịch bản đó chỉ đạt được một mức độ nghệ thuật nào đó.Ở nhà thơ Đông Yên, tác giả đã thẩm thấu được tất cả những rung động, cũng như đã nhìn ra những tinh tế trong thi từ của các thi hào, và với một tâm hồn đầy mẫn cảm của một thi nhân ông đã thể hiện được trọn vẹn những tinh hoa của các tuyệt tác đó...” (
Nguyễn Đình Cường)

“Sống trong một thời đại Internet kỹ thuật số và nhiều biến động chính trị gần đây, thế kỷ chúng ta cần có những tác phẩm giá trị nghệ thuật cao về nhân bản. Chúng ta gần như mất đi dần những cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, khả năng cảm nhận giữa con người với con người vì điều kiện sống ngày càng trở nên vội vã khắc nghiệt hơn.Do đó theo thiển nghĩ của tôi, những bài thơ đầy tính cách lãng mạn của các đại thi hào Pháp sẽ là một luồng gió mới thổi vào tâm hồn khô cằn của chúng ta và làm bừng dậy những nỗi niềm và nhiều vùng trời kỷ niệm. Ngạn ngữ Pháp có câu “Pháp Văn là ngôn ngữ của tình yêu”.Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng cảm nhận được sự phong phú và thi vị của những bài thơ nầy, vì nó đòi hỏi một sự hiểu biết về cấu trúc và ngôn ngữ của văn chương Pháp. Học giả kiêm nhà thơ Đông Yên Lương Tấn Lực đã chuyển dịch những bài thơ nầy từ ngôn ngữ Pháp sang ngôn ngữ Việt một cách rất tài tình. Sự cảm nhận tuôn tràn của tác giả đã làm những bài thơ trở nên phong phú với tiết điệu và cấu trúc tuyệt vời của ngôn ngữ Việt
.”( Nguyễn Mạnh Cường)

“…Thành thật chúc mừng anh đã hoàn tất một công việc rất quan trọng. Thơ Hán, thơ Đường, thơ Tống ... đã được rất nhiều người dịch sang tiếng Việt. Thơ Anh, thơ Mỹ ... cũng đã có nhiều bản dịch xuất hiện. Gần đây có người dịch cả thơ vùng Trung Đông. Nhưng thi ca lãng mạn Pháp, một thành phần phong phú và trọng yếu của văn học thế giới, thì chưa thấy ai dịch một cách nghiêm túc, thành hệ thống. Có lẽ các cụ xưa, kể cả thế hệ Thầy và chú bác chúng mình, đọc và hiểu thẳng từ tiếng Pháp, cho rằng việc dịch không quan trọng chăng? Nhưng từ thế hệ chúng mình về sau, số người Việt hiểu đúng và thấy được cái hay trong thơ Pháp có được bao nhiêu đâu. Việc anh làm là một việc rất đáng, rất nên, đồng thời cũng không dễ làm một chút nào.

Công bình mà nói thì các cụ trước cũng đã dịch từ văn học Pháp khá nhiều. Nhưng cụ NV Vĩnh chỉ dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine, một số hài kịch của Molière, cùng một số truyện bằng văn xuôi. Và cụ chú trọng tới dịch ý, coi quá nhẹ việc dịch lời ("Nhưng mà cá đã cắn cu..."). Cụ Phạm Quỳnh, vô cùng uyên bác, cũng chỉ dịch Corneille (
Le Cid, Horace), một số truyện ngắn và tiểu thuyết bằng văn xuôi, cùng viết bài biên khảo về Voltaire, Rousseau, Montesquieu ... Các cụ chú trọng nhiều tới thế kỷ 17, 18 của văn học Pháp. Thế kỷ 19 chưa được đối xử đúng mức. Anh đã làm được, và làm đúng, điều các cụ chưa làm.

Thành thật mừng anh, và cám ơn anh đã chia sẻ thành quả của việc làm này với anh em, trong đó có tôi. Với thời gian, tôi tin rằng công việc anh làm sẽ được ghi nhận đúng mức. Thiết nghĩ tập thơ anh dịch sẽ có một địa vị rất xứng đáng trong văn học.”(
Trần Huy Bích)

“…Tôi vừa nhận được tập Thi Ca Lãng Mạn Pháp của anh qua Lê Hoàng. Đọc vội trong thời gian ở nhà Hoàng, tôi rất thích bản dịch “Dĩ Vãng” của anh. Lời thơ trau chuốt, tình tứ, tự nhiên và rất có hồn. Nếu không biết trước, không ai có thể ngờ được đó là bài thơ dịch.

Cám ơn anh đã cho tôi được sống với những giây phút thư thái lãng mạn tình tứ thuở đầu đời. Cám ơn và cám ơn anh, Nhà Thơ & Học Giả Đông Yên.”(
Phan Anh)

Cuối cùng, tôi đồng ý rằng một người dịch thành công phải có "một kiến thức vững và phong phú về ngôn ngữ, văn chương Pháp cũng như triết học Tây Phương" và "không phải ai cũng có khả năng cảm nhận được sự phong phú và thi vị của những bài thơ này, vì nó đòi hỏi một sự hiểu biết vững chắc về cấu trúc và ngôn ngữ của văn chương Pháp."

* Lê Hoàng
(1)

(1)Lê Hòang: là bút hiệu của Hoàng Quốc Trứ, cựu sinh viên viện đại học ĐàLạt & SàiGòn. Trước 1975, Lê Hòang đã là ký giả cho các nhật báo Thời Luận, Dân Chủ Mới, Chính Luận và các hãng Thông Tấn Tin Việt & Tin Điển, chủ bút nguyệt san Tuyên-Đà( Tuyên Đức-ĐàLạt). Sau 1975, Lê Hòang định cư ở Nam Cali, chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Doanh Thương Thời Báo (Vietnamese Business Magazine), Saigon Nails (trích bản tóm tắt tiểu sử).
.
.
.

No comments: