Saturday, March 26, 2011

BƯU THIẾP TỪ NHẬT BẢN : MÙA HOA ANH ĐÀO và NHỮNG CƠN ĐỘNG ĐẤT

25.03.2011

(Nguyên bản Anh ngữ “Postcards from Japan: Cherry Blossoms and Earthquakes,” tạp chí The New Yorker, March 16, 2011)

Hoa anh đào biểu lộ wabi sabi – khái niệm buồn lâng lâng
về nét đẹp không tồn tại của thiên nhiên và cuộc đời

Đêm trước khi cơn động đất bắt đầu tấn công, tôi đang đi bộ dọc theo con đường chính trong khu phố của tôi, ở trung tâm của Tokyo, với một người bạn khi một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: “Bạn biết không, đã khá lâu chúng ta không có cơn động đất nào, có lẽ cũng đã hai hay ba tháng. Ở Nhật bản, đây không phải là dấu hiệu tốt. Cơn im lặng của quả đất càng kéo dài, thì cơn chấn động nó gửi đến sau đó càng mạnh. Tôi sắp sửa đi nghỉ mát vài ngày và chúng tôi đang cùng đi mua sắm quà cho gia đình tôi. Buổi tối ấm áp hơn thường lệ trong tháng Ba, tôi sung sướng vì sắp được về thăm gia đình, và mùi hương Anh đào có mặt trong không khí. Chúng tôi ghé ngang Starbuck để mua một thức uống mới – Frappucino có vị hoa Anh đào – và nói về cái cảm giác buồn lâng lâng người ta thường cảm thấy khi ngày hội hoa Anh đào sắp đến. Người Nhật gọi đó là wabi-sabi, một thứ cảm giác trộn lẫn giữa niềm vui và nỗi buồn trước sự khiếm khuyết của cuộc đời và thiên nhiên. “Cuộc đời trôi qua nhanh chóng quá,” bạn tôi nói. Rồi với một cử chỉ mỉa mai, cô ấy nói, “Đừng lo buồn, tôi tin chắc là động đất chỉ đến sau khi máy bay bạn đã cất cánh.” Cũng gần đúng, tuy nhiên tôi đã không đến kịp giờ máy bay cất cánh.
Âm thanh là điều làm tôi chú ý trước nhất: âm thanh trầm sâu từ trong lòng đất như một tiếng sấm đi lạc đường trở nên lo lắng và bực bội. Rồi tất cả những khung cửa sổ bắt đầu rung rinh chậm chạp và nhẹ nhàng, và đó là khi mà tôi thường trở nên bất động, chú ý, và chờ xem đó có phải chỉ là một cơn gió hay là một cơn động đất. Đôi khi ta chỉ cần vài giây là biết rõ, nhưng khi một trong những cơn tiền chấn động đến – chúng tôi không biết, lúc ấy, chính là nó – cái đêm trước cơn động đất làm đảo lộn tất cả, chẳng có gì phải nghi ngờ. Tôi nằm trên giường đọc sách trong căn hộ nhỏ bé của tôi, và nó bắt đầu bằng cơn rung chuyển chậm của nền nhà và rồi trong vòng hai hay ba giây, cả căn phòng bị tràn ngập bởi những tiếng la hét và tiếng loảng xoảng của đồ vật rơi và thủy tinh vỡ. Tôi không có thì giờ để hoảng hốt; tôi bị hất qua cạnh bên kia của cái giường và suýt tí nữa rớt ra khỏi giường. Tôi có cảm giác như bị người nào xô đẩy tôi. Cái đèn ngã vỡ trên thảm và tôi bị bỏ một mình trong bóng tối với cơn sấm hoàn toàn mất định hướng. Tôi biết tôi phải tìm lối đến cửa ra vào, nhưng cái cửa đâu rồi? Tôi chờ cho nó chấm dứt, nhưng lần này dường như nó không bao giờ ngừng. Cái cửa ra vào đâu rồi? Cái áo khoác của tôi đâu – bên ngoài rất lạnh, tôi không thể chạy như thế này. Còn cái bọc chứa đồ chẩun bị cho động đất đâu? Trời ơi, tôi quên bẵng chuyện này; tất cả mọi thứ trong bọc có lẽ đã bị quá hạn định. Chạy, chạy! Tôi bị như thế này là đáng lắm. Tôi đã biết là nó sẽ xảy ra mà. Nhưng sao lại là lúc này?
Tập dượt đã nhiều lần, thực tập và chuẩn bị – thế mà tôi vẫn rơi vào tình trạng không chuẩn bị. Tôi đã học những điều căn bản, thế mà lại quên tất cả mọi thứ chỉ muốn chực chạy ra khỏi cửa. Và bây giờ tôi có cảm giác bị mắc bẫy. Có quá nhiều bậc thang tôi cần phải chạy xuống, thang máy đã ngừng, và ngay cả đứng thẳng trên nền nhà đang rung chuyển tôi cũng không làm được.
Cơn tiền chấn động, có cường độ 7, là cơn động đất dài nhất mà tôi trải qua, tuy thế vẫn không phải là cơn động đất chính. Những người láng giềng người Nhật cũng bảo với tôi là họ chưa hề trải qua cơn động đất lớn như thế này bao giờ; đây phải là cái đầu tiên trong chuỗi động đất. Đêm ấy, chúng tôi có thêm vài cơn rung chuyển, cái này tiếp nối cái kia, và trên Tivi người ta nói rất có thể sẽ có một cơn động đất rất lớn sắp đến.
Cơn động đất lớn đến lầm chỗ; tuy thế – Tất cả chúng tôi đều chờ nó đến, khá xa về phía Nam – và nó gây ra cơn sóng thần. Một người bạn ở Sendai, người ở ngay trung tâm của cơn động đất, bảo tôi rằng, với tất cả những chuẩn bị, anh ấy vẫn không sẵn sàng. Nhưng ai có thể chuẩn bị sẵn sàng cho một cơn động đất có cường độ 9?
Tôi đang ở trên chuyến xe lửa Yamanote khi nó đến – trên đường về, tôi đang ngủ. Xe lửa ngừng, và chúng tôi bị kẹt trong xe lửa hai tiếng rưỡi. Không người nào có thể mở cửa để thoát ra, nhưng mọi người đều có vẻ bình tĩnh và tự chủ, nói chung là không ai than phiền gì cả. Một vài người trẻ tuổi bắt đầu nói chuyện với nhau, người khác chỉ im lặng liếc nhìn đồng hồ, cố dấu cơn sợ hãi nếu có. Khi tất cả các cánh cửa mở được, rõ ràng là một cơn ác mộng đang chờ bên ngoài.
Tokyo đang đối diện với thời Trung cổ. Điện thoại không sử dụng được, xe lửa không hoạt động, người ta không thể liên lạc được với bất cứ ai. Nhiều người phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ để về nhà nhưng không có cách nào khác. chúng tôi đều biết là xe lửa sẽ không thể hoạt động một thời gian rất lâu. Ngay cả với những điều kiện như thế, chúng tôi những người ở Tokyo đã không nhận ra ngay tức khắc rằng cái này không phải chỉ là một cơn động đất lớn hơn cơn động đất bình thường, nhưng là một cái nằm trong thể loại khác. Giá mà không phải là mùa đông, tôi không ngừng suy nghĩ: một cơn động đất đến vào mùa đông và tất cả chúng tôi bị phơi bày trong trời lạnh và gió luôn luôn là nỗi sợ hãi đặc biệt của tôi.
Đi bộ về nhà, tôi nghĩ phải tìm cách báo cho người thân của tôi biết là tôi an toàn – chắc là họ lo lắng lắm – và sẽ khủng hoảng lắm nếu tôi không có cách nào liên lạc với họ. Rất nhiều người bạn Nhật của tôi chấp nhận điều này với sự hiểu biết wabi-sabi: Cuộc đời là thế. Ngày hôm nay bạn có mặt nơi đây, ngày mai thì không còn.
.
.

24.03.2011

(Nguyên bản Anh ngữ, “Bullet Train to Nagoya,” trên tạp chí The New Yorker, March 17, 2011)

Điều đáng sợ về cơn động đất là nó bắt đầu động mạnh hơn vào lúc hầu hết những chấn động ở Tokyo, khu vực thường xuyên bị động đất, đã dần dần yên lắng. Tôi đang làm việc ở một tiệm cà phê chừng mười phút đi bộ từ căn hộ của tôi, nơi tôi ở với vợ tôi và đứa con trai mười tám tháng. Khi cơn chấn động trở nên dữ dội, những người khách hàng chung quanh tôi bắt đầu nói to giọng, thậm chí la hét, và chỉ trong nháy mắt, chúng tôi đã chạy ra đường, cùng với hằng trăm người khác đang đổ ra khỏi những tòa nhà kêu răng rắc một cách kỳ dị. Lề đường trông giống như một đoàn xe lửa đông nghịt người vào giờ cao điểm. Tôi phải cố giữ thăng bằng để có thể đứng vững. Tôi thử gọi điện thoại cho vợ tôi. Không có tín hiệu.
Khi tôi vội vã đi bộ về nhà, tôi không thể phân biệt là mặt đất vẫn còn rung chuyển hay chỉ tại tôi run rẩy. Không khí trên đường phố hầu như trở nên nhộn nhịp, vì mọi người tụ tập thành những nhóm đông nói chuyện rất khích động. Tôi trao đổi vài câu với người bán trái cây bên ngoài căn hộ của tôi, và chúng tôi cùng cười vì tất cả những trái cây đã rơi tứ tán vì cơn động đất. Có lẽ lúc ấy cũng là lúc cơn sóng thần đã hủy diệt toàn thể nhiều thành phố cùng với hằng chục ngàn mạng người, nơi chỉ cách chúng tôi vài giờ về hướng Bắc.
Vợ tôi đang ở nhà, cô ấy đã chui xuống dưới bàn và gọi tên thằng con cho đến khi cơn chấn động chấm dứt. Sách và các hộp ngũ cốc đã ngã nhào trên mặt đất nhưng ngoài ra không có gì hư hao. Ở trung tâm giữ trẻ chỗ tôi gửi con tôi, cách nhà chừng năm phút, ban chăm nuôi đang bình thản cho các cháu ăn dặm buổi chiều. “Thật là rúng động, phải không?” họ hỏi, rõ ràng họ quan tâm đến cơn sốt của trẻ nít hơn là cơn động đất. Thằng con tôi dường như chẳng sợ hãi gì cả. Chỉ sau khi chúng tôi về nhà, đi bộ ngang qua những chiếc xe lửa im lặng, không di chuyển một cách rợn người, chúng tôi mới nhìn thấy những đoạn phim không thể hiểu thấu được về cơn sóng thần và bắt đầu nhận ra mức độ trọng đại của điều vừa xảy ra. Tokyo vẫn đứng im lìm đêm ấy; sau đó chúng tôi biết rằng cô chú của vợ tôi, cả hai đều ở lứa tuổi bảy mươi, đã đi bộ suốt sáu tiếng đồng hồ từ trung tâm Tokyo về đến nhà của họ ở Yokohama.
Những cơn hậu chấn mạnh mẽ tiếp tục rung chuyển suốt đêm. Ngày hôm sau thịt trên những ngăn kệ của siêu thị biến mất, trứng cũng không còn, và cả mì sợi, bánh mì, nước uống. “ Xem này,” vợ tôi bảo, “ngay cả bột làm pancake họ cũng không còn.” Thành phố tiếp tục rung chuyển hằng giờ, đôi khi nhồi thật mạnh, đủ làm cho nước văng ra, đầy nguy hiểm, khỏi cái lọc nước của chúng tôi. Chúng tôi quyết định làm giảm mối căng thẳng thần kinh bằng cách đi viếng Shinjuku Gyoen, một công viên rất rộng nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Một anh bạn người Đức gọi điện thoại cho tôi trước khi chúng tôi rời căn hộ. “Anh có theo dõi tin tức về chuyện nhà máy nguyên tử không?” anh hỏi. Tôi đã lảng tránh không muốn nghĩ về chuyện nhà máy nguyên tử bởi vì tôi quá lo ngại chuyện động đất tiếp theo. “Bố tôi khuyên tôi nên về Đức,” anh nói, “và một người bạn khác của tôi đã đi hôm qua. Thế chúng ta nên báo cho nhau biết những dự tính sắp đến nhé.”
Công viên đông người hơn tôi tưởng. Nhiều cặp nằm dài dưới những cây mơ, đang nở rộ lúc đầu xuân, và con tôi liên tục vẫy tay với đám trẻ chạy ngang. “Mọi người đều cố gắng thư giãn,” vợ tôi nói. Thật ra hình như toàn thành phố đang nín thở. Tokyo dường như đang rón rén bước qua một biên giới vô hình, rún vai trong nháy mắt đã gạt bỏ cái không khí dễ chịu và yên ổn được nuôi dưỡng hằng bao nhiêu năm. Điện thoại reo um sùm trên chuyến xe lửa đi về, một thứ âm thanh lạ lẫm trong một thành phố nơi mà điện thoại di động luôn được giữ im lặng trong “trạng thái lịch sự.”
Anh bạn người Đức của tôi gọi thêm lần nữa báo cho tôi biết anh sẽ rời thành phố ngày thứ Hai. “Có thể tôi hơi kỳ cục,” anh nói. “Tôi không muốn đi cho lắm, nhưng phải làm cho bố tôi yên lòng.” Có thể anh ta hơi kỳ cục. Nhưng tôi bắt đầu lo lắng hơn.
Chúng tôi nhận ra là chúng tôi may mắn: Khu vực chúng tôi ở không nằm trong danh sách bị thay phiên cúp điện, và những cơn mất điện này làm cho những người đi làm xa phải ở nhà. Những bản báo cáo về lò nguyên tử Fukushima Daiichi càng lúc càng nguy hại hơn, và tôi trở nên bẳn gắt hơn với sự mù mờ về nỗi nguy hại này. “Nó sẽ không trở thành một thứ Chernobyl,” các chuyên gia cố trấn an chúng tôi, nhưng không giải thích nó đã tệ hại đến mức nào, các bản tường thuật của báo chí báo động rằng trường hợp nguy hiểm nhất có thể là “tai họa” khi chất phóng xạ thoát ra, nhưng chẳng buồn định nghĩa mức độ nghiêm trọng của một tai họa ở mức độ này. Rõ ràng là những khu vực lân cận đang bị nguy hiểm, nhưng còn nguyên miền Đông của Nhật? Thế còn Tokyo ? Tối hôm ấy vợ tôi đã lo lắng đủ đến mức phải gọi điện thoại về mẹ của nàng, ở gần Nagoya và ở xa chỗ nguy hiểm hơn, để thử xem bố mẹ nàng nghĩ thế nào về chuyện gia đình cô con gái đến thăm bất thình lình. “ Tokyo an toàn là chắc hẳn rồi!” Mẹ nàng nói và cười to khi bà nghe kể là những người ngoại quốc đã bay ra khỏi Nhật.
Thứ Ba, trời ban mai xám xịt và xám xịt suốt ngày, và tin tức càng trở nên tệ hại hơn. Một đám cháy ở lò nguyên tử đã làm mức độ lượng phóng xạ trong khu vực lân cận cao hơn, tôi cố gắng hiểu bài diễn văn của Thủ tướng đọc trên Tivi khi ông khuyên mọi người giữ bình tĩnh và những người ở cách lò nguyên tử từ hai mươi đến ba mươi cây số nên trú ẩn bên trong nhà. Cứ một vài tiếng đồng hồ chúng tôi tiếp tục cảm thấy căn hộ của chúng tôi ngả nghiêng. Tin tức xảy ra sau cơn sóng thần tiếp tục làm cho chúng tôi thật là buồn bã.
Vào giữa trưa, tin tức từ lò nguyên tử trở nên tệ hại đến độ vợ tôi bắt đầu xem thời khóa biểu của xe lửa. Phần lớn các chuyến xe chạy theo thời khóa biểu giới hạn, hay hoàn toàn không chạy, để tiết kiệm điện lực, nhưng xe lửa siêu tốc ở Nagoya không bị ảnh hưởng.
Trước khi khởi hành, tôi ghé ngang trường đại học. Phân nửa số người đi trên đường đã mang mặt nạ thường được dùng để tránh cảm. Đường phố khá vắng vẻ, một số cửa hàng đóng cửa, ngoài những chuyện này ra, tất cả đều có vẻ của một ngày bình thường và nhiều mây ở Tokyo . Những đôi lứa tươi cười đi dọc theo con đường, xe buýt chạy xập xình ngang qua. Khi tôi và gia đình tiến vào trạm xe lửa Tokyo trên tuyến đường Yamanote khoảng chừng một giờ đồng hồ sau, đeo trên vai những túi xách chuẩn bị hấp tấp, mọi việc bắt đầu có vẻ khác lạ hơn. Những con đường chúng tôi nhìn thấy qua cửa sổ trở nên vắng vẻ hơn, số lượng mặt nạ được đeo nhiều hơn. Phần lớn đèn trong nhà ga bị tắt đi. Vợ tôi và tôi ngồi lên ghế của chuyến xe lửa đầy người ngoại quốc và và các gia đình có con nhỏ.
Chúng tôi đến nhà của gia đình nàng gần mười một giờ đêm, chỉ để biết là một cơn động đất có cường độ 6.4 vừa xảy ra ở Shizuoka, dọc theo tuyến đường xe lửa chúng tôi đi, làm ngừng hẳn chuyến xe lửa siêu tốc chỉ vài giờ đồng hồ sau khi chúng tôi đã đi qua. Trận động đất này, hoàn toàn, không phải là cơn hậu chấn mà là một cơn động đất khác dọc theo một đường phay khác của quả địa cầu. Thình lình tôi có cảm thấy cơn thúc giục cần phải bỏ chạy, rời thật xa nơi đây, trở về xứ sở của tôi. Rồi thì tôi nhìn vào những đôi mắt niềm nở chào đón của gia đình bên vợ, và nhớ rằng có đến một trăm hai mươi sáu triệu người với họ Nhật bản là quê hương, và tôi cảm thấy xấu hổ.

.
.
.

No comments: