Thứ ba 08 Tháng Ba 2011
.
Trung Quốc có tham vọng lớn trở thành nước có mạng đường sắt cao tốc rộng lớn nhất thế giới. Chỉ trong vòng có vài năm nước này đã xây dựng được một mạng lưới đường tàu cao tốc có chiều dài lên tới 8.358 km. Các dự án tàu cao tốc ở Trung Quốc đồng thời còn là mảnh đất màu mỡ cho các vụ tham nhũng khổng lồ.
Trên trang kinh tế, thông tín viên của báo Libération tại Bắc Kinh, hôm nay có bài viết về vụ tham nhũng lớn, đang phủ một bóng đen trên các dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng của Trung Quốc.
Tác giả bài báo cho biết, vụ tham nhũng lớn vừa bị phát giác khiến cho hai quan chức, được coi những công trình sư của hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc, bị mất ghế. Đó là ông Lưu Chí Quân, bộ trưởng bộ Đường sắt Trung Quốc và ông Trương Thự Quang, kỹ sư trưởng dự án tàu cao tốc. Hai nhân vật này bị cách chức, vì đã « vi phạm nghiêm trọng quy định » quản lý kinh tế, mà theo tác giả, đó chỉ là cách nói hoa mỹ để chỉ việc tham nhũng hối lộ trong các quan chức lãnh đạo mà thôi.
Làm bộ trưởng và là bí thư đảng bộ ngành đường sắt từ năm 2003, tuần qua, theo báo chí chính thức của Trung Quốc, ông Lưu đang bị điều tra, vì nghi vấn đã biển thủ một khoản tiền lên tới 88 triệu euros. Báo chí còn cho biết ông này có tới mười người tình. Còn ông Trương Thự Quang, đầu tuần trước cũng đã bị triệu tập điều tra. Theo tờ Minh Báo tại Hồng Kông, ông Trương sở hữu ba biệt thự hạng sang tại Los Angeles và tiền gửi trong các tài khoản tại Thụy Sĩ và Mỹ lên tới 250 triệu euros.
Theo tác giả bài báo, trong vòng 5 năm, chính phủ Trung Quốc đã bỏ ra 200 tỷ euros để hiện đại hóa hệ thống đường sắt. Ông bộ trưởng Lưu và vây cánh có lẽ đã rút ruột 3% khoản đầu tư này. 80% các hợp đồng tàu cao tốc được giao cho hai tập đoàn của nhà nước là China Railway Group và China Construction Corp, sau đó, được phân chia cho các nhà thầu phụ và để có được các hợp đồng đó, các nhà thầu phải chịu chi một khoản tiền hối lộ không nhỏ.
Theo tác giả thì những vụ ăn chia như vậy không thiếu ở Trung Quốc, nơi tham nhũng đã trở thành một quốc nạn. Theo con số của chính quyền Bắc Kinh, mỗi ngày ở Trung Quốc có không dưới 400 quan chức. Phần lớn các khoản tiền hối lộ cho các quan chức cao cấp đều bắt nguồn từ những nhà thầu phụ, mà hiện nay trình độ kỹ thuật của họ đang bị nghi ngờ. Ngoài ra, tốc độ xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc ở Trung Quốc nhanh đến mức kỷ lục. Một tờ báo ở Trung Quốc viết « trong lúc các công nhân đặt đường ray, thì các kỹ sư còn chưa hoàn tất các chuẩn kỹ thuật cho nó ». Vì thế mà chất lượng của các tuyến đường tất yếu sẽ rất tồi.
Libération nhận thấy vụ tham nhũng ở bộ Đường sắt đã làm đội giá thành lên rất cao. Chi phí xây dựng tuyến đường Bắc Kinh- Thượng Hải đã tăng gấp đôi so với dự tính ban đầu. Ngoài ra, từ vụ việc bị phát giác này, người ta bắt đầu đặt nghi ngờ vào tính an toàn của đường sắt cao tốc Trung Quốc.
Có thể nói quy mô hoành tráng của hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc tỷ lệ thuận với mức độ tham nhũng, nhưng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng công trình.
Nỗi lo lớn của Nhật trước sự lấn tới của kinh tế Trung Quốc
Liên quan đến vấn đề kinh tế đối ngoại giữa Nhật Bản và Trung Quốc, tờ Les Echos dành hẳn một trang cho bài điều tra « Tại Tokyo, nỗi lo sợ to lớn về sự xâm nhập của Trung Quốc ». Theo Les Echos, các nhà đầu tư Trung Quốc đang gia tăng sở hữu các thương hiệu và công nghệ của Nhật Bản. Và bản thân các tập đoàn lớn cũng không thể thoát khỏi tình trạng này.
Hiện nay, ngày càng có nhiều du khách giàu có từ Trung Hoa lục địa đến Nhật. Ngoài việc đi du lịch, họ đến đây chỉ để tìm mua một món hàng « Made in Japan », mà theo họ chất lượng hơn hẳn sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước. Họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn chỉ để mua một món đồ tầm thường như nồi cơm điện hiệu Panasonic, một thương hiệu nổi tiếng chẳng hạn với giá 40.000 yên (tương đương với 350 euros). Chỉ riêng năm vừa qua, có đến hơn 1,4 triệu du khách Trung Quốc đến thăm quần đảo Mặt trời mọc.
Nắm bắt được nhu cầu này, các nhà đầu tư Trung Quốc đã không ngần ngại đổ tiền đầu tư vào đây. Ban đầu, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ mua lại một vài khách sạn, một số ngành chuyên về chế biến thực phẩm, thì nay các doanh nghiệp Trung Quốc tự mở rộng ra trên các thương hiệu lớn của địa phương. Con số thống kê của viện Recof Data cho biết, riêng năm vừa qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát 37 công ty Nhật Bản. Nhiều hơn con số đầu tư của Mỹ trên quần đảo này.
Nếu như việc các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp này vượt qua khủng hoảng, thì nó để lại trong lòng người dân nơi đây một cảm giác lẫn lộn. Nhiều tờ báo lớn đã không do dự khi cảnh báo đất nước chống lại sự xâm nhập bằng tiền của Trung Quốc. Cách đây vài ngày, các chuyên gia Nhật Bản phát hiện sự tăng vốn đầu tư của một nhà đầu tư bí ẩn, theo họ có lẽ là Trung Quốc, vào các tập đoàn lớn càng làm tăng thêm mối nghi ngờ của người dân Nhật.
Người dân Nhật còn tin rằng, Trung Quốc đang âm thầm mua lại toàn bộ đất đai ở đây, để bù lại cho sự khan hiếm đất trồng trọt và môi trường bị xuống cấp trầm trọng tại Trung Quốc. Hai bản báo cáo của ông Hideki Hirano, một nhà nghiên cứu của Tokyo Foudation cho biết, có vẻ như các nhà đầu tư châu Á, thường là Trung Quốc, đang kiểm soát toàn bộ khu rừng thuộc đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản.
Báo chí trong nước tố cáo các vụ mua bán khổng lồ các tòa nhà và căn hộ cho những người giàu Trung Quốc mới, tại nhiều thành phố lớn và tại các khu du lịch nổi tiếng. Les Echos trích dẫn lời giải thích của một chuyên gia địa ốc, « Chắc chắn là các nhà đầu tư Trung Quốc mong muốn đầu tư vào thị trường địa ốc Nhật Bản, do họ e ngại hiện tượng bong bóng đầu cơ địa ốc tại nước họ. Do đó, họ tìm cách đầu tư một phần vốn của họ vào thị trường địa ốc tại Nhật Bản, vốn có tiếng là ổn định và chắc chắn ».
Tuy nhiên, các nhà đầu tư của Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn do các quy định của Bắc Kinh về việc đưa vốn ra nước ngoài cho các vụ đầu tư lớn.
Mặc dù vậy, một số nhà kinh tế Nhật Bản nghĩ rằng với thời gian, người dân Nhật sẽ quen dần với hiện tượng này. « Số tiền đầu tư từ Trung Quốc rất cần thiết cho nền kinh tế Nhật Bản, vốn đang trong giai đoạn trì trệ và giảm phát. Hiện nay, có khoảng 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Nhật Bản. Họ cũng rất bảo thủ, nhưng họ cũng nhanh chóng hiểu ra rằng việc Trung Quốc trỗi dậy như một cường quốc là điều không thể tránh khỏi ». Vì vậy, dòng vốn từ Trung Quốc sẽ còn tiếp tục chảy vào Nhật Bản.
.
.
.
No comments:
Post a Comment