China's (Mostly) Soft Imperialism
Người dịch: Minh Hạo
Đăng bởi anhbasam on 09/03/2011
.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục trấn an các dân tộc khác rằng họ không việc gì phải sợ “sự nổi dậy một cách hòa bình” của Trung Quốc khi quốc gia này vươn lên trở thành một ông lớn về ngoại giao và kinh tế trên đấu trường thế giới. Tuy nhiên, vẫn có những chỉ dấu cho thấy sức mạnh kinh tế ngày một tăng của Trung Quốc đang chuyển dần thành những biểu hiện thức tế về ảnh hưởng và quyền lực không được ôn hòa như những gì Bắc Kinh muốn thế giới nghĩ. Tại thời điểm này, nó thường tạo thành chủ nghĩa đế quốc dạng mềm mỏng hơn là dạng cứng nhắc, nhưng dù sao nó vẫn là chủ nghĩa đế quốc.
Có những dấu hiệu ngày một gia tăng cho thấy các dân tộc khác trong hệ thống quốc tế, đặc biệt các nước láng giềng của Trung Quốc, không hoàn toàn tin vào cam kết hòa bình của Bắc Kinh. Các quốc gia này đang chuẩn bị những bước nhất định trong trường hợp sự vươn lên hòa bình của Trung Quốc không thực sự hòa bình.
Những biểu hiện sức mạnh đang lên của Bắc Kinh có thể thấy ở gần như khắp mọi nơi, nhưng rõ ràng nhất là ở Đông và Nam Á. Tổng thống Obama nhận thấy rằng liên kết kinh tế mở rộng liên tục giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Úc và Hàn Quốc có những ngụ ý quan trọng, mặc dù không được chào đón, đối với Mỹ. Trong chuyến công du đến các nước trong khu vực hồi tháng 11, Tổng thống nhận ra rằng ngay cả đồng minh lâu dài của Mỹ như Hàn Quốc cũng khá lạnh nhạt với bất kỳ đề xuất chính sách nào có thể khiến Bắc Kinh phật ý. Sự thận trọng này là hết sức đáng chú ý mặc dù Seoul vẫn bực tức khi Trung Quốc từ chối những biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên sau vụ chìm tàu hải quân của Hàn Quốc và vụ bắn phá tiếp đó trên một hòn đảo của Hàn Quốc.
Obama gặp phải những biểu hiện thận trọng tương tự tại Indonesia và Ấn Độ. Dường như có một thái độ lan tỏa giữa các nhà cầm quyền ở các nước này cho rằng sức mạnh của Trung Quốc đang tăng còn sức mạnh của Mỹ thì lại giảm, và tránh đối đầu với Bắc Kinh trở thành một điều bắt buộc trong chính sách đối ngoại.
Đôi khi, sự thể hiện sức mạnh của Trung Quốc khá khôn khéo, như trong những hiệp định thương mại và đầu tư với các nước Đông Nam Á. Những hiệp định như thế có lợi cho cả hai bên, nhưng những điều khoản thường nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn. Như thỏa thuận chấm dứt tranh chấp về biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Tajikistan – một cuộc tranh chấp từ những ngày còn Liên Xô cũ – không hoàn toàn là thỏa thuận đơn phương, nhưng nó cho Bắc Kinh chủ quyền trên 1000 km vuông đất vốn là một phần của Liên bang Xô viết và Tajikistan cai quản từ khi độc lập năm 1991. Đây là một lãnh địa rất có thể có nguồn dự trữ dầu và khí đốt tự nhiên quan trọng. Các nhà chức trách Tajikistan nhận rõ rằng mở rộng (và có lẽ là cả duy trì) quan hệ kinh tế với Trung Quốc phụ thuộc vào nhượng bộ về lãnh thổ này.
Cách Trung Quốc giải quyết tranh chấp biên giới với Tajikistan được coi là mô hình ngoại giao trầm lặng so với cách nước này giải quyết cũng vấn đề đó với Ấn Độ và Nhật Bản. Bắc Kinh kiên quyết không khoan nhượng trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ dẫn đến xung đột vũ trang tệ hại năm 1962. Một tai nạn nhỏ, nhưng chứa nhiều ẩn ý, xảy ra hồi tháng một khi chính quyền Ấn Độ phản đối việc Trung Quốc cấp thị thực riêng cho người Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh, Đông Bắc Ấn Độ, một lãnh thổ mà Trung Quốc nhận là của của mình. Bắc Kinh sống sượng bác bỏ những phản đối với hành vi trơ tráo của mình và lập lại khẳng định của mình với vùng đất tranh chấp.
Thái độ kiên quyết của Trung Quốc với những tranh chấp lãnh thổ càng rõ rệt hơn vào mùa thu năm 2010 đặc biệt với Nhật Bản. Một xô xát xảy ra hồi tháng chín khi một tàu đánh cá Trung Quốc rõ ràng đâm vào hai tàu canh gác bờ biển của Nhật Bản ở ngoài khơi gần một số đảo nhỏ không người ở (được gọi là Senkakus ở Nhật Bản và Diaoyus ở Trung Quốc).
Người Nhật phản hồi bằng cách bắt giữ thuyền trưởng và đoàn thủy thủ, cùng với tàu.
Một chuyện đáng lẽ chỉ là một vấn đề ngoại giao nhỏ đột ngột trở nên nghiêm trọng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đáp trả với những phản đối kịch liệt và khuyến khích những cuộc biểu tình đầy bạo lực chống Nhật Bản ở vài thành phố. Tokyo tìm cách xoa dịu căng thẳng bằng cách thả đoàn thủy thủ, nhưng Bắc Kinh vẫn còn “chịu khó” tìm cách làm xấu mặt chính phủ Nhật Bản, yêu cầu một lời xin lỗi chính thức và bồi thường.
Cái lối muốn xỉ nhục người khác như vậy không chỉ là điều duy nhất trong hành vi của Trung Quốc ở giai đoạn này khiến Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Nam Á lo lắng. Tệ không kém chính là tư thế không thỏa hiệp của Bắc Kinh đối với vùng biển tranh chấp. Quan chức Trung Quốc hành xử như thể không có gì phải bàn luận về giá trị pháp lý của ngay cả những yêu cầu quá đáng nhất của họ. Thái độ này cũng hết sức rõ ràng trong khẳng định lãnh thổ đã có từ lâu của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Nếu như nó thực sự xảy ra, thì vị thế của Bắc Kinh sẽ cho Trung Quốc quyền kiểm soát đối với một khu vực rộng lớn đang được coi là vùng biển quốc tế.
Phạm vi các khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đã gây lo lắng cho không chỉ Việt Nam, Philippines và các nước khác trong khu vực cũng có những yêu sách chủ quyền, mặc dù hạn chế hơn, mà còn khiến Mỹ – quốc gia với lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới – tỏ ra lo ngại. Washington coi việc bảo vệ đường biển qua những khu vực đó là lợi ích an ninh quốc gia và kinh tế quan trọng của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ ra rất rõ điều đó trong một bài diễn văn tại một hội nghị các nước Đông Nam Á hồi tháng bảy.
Việc Trung Quốc sẵn lòng khoe cơ bắp quân sự và ngoại giao không qua mắt được các nước láng giềng hay Mỹ. Rất có thể không phải ngẫu nhiên mà Tokyo và Seoul quyết định chôn vùi tình trạng thù địch đã có từ khi đế quốc Nhật Bản cai trị bán đảo đầu thế kỷ 20 và phê chuẩn một hợp tác an ninh song phương ở mức độ chưa từng có trước đây. Quyết định đó được đưa ra một vài tuần sau hành vi bắt nạt của Bắc Kinh với Tokyo. Việc tái lập quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Hàn Quốc phản ánh mối lo ngại của cả hai nước xung quanh Bắc Triều Tiên. Nhân tố này rõ ràng có một vai trò, thậm chí có thể là vai trò chính, nhưng mối lo ngại chung về sức mạnh của Trung Quốc cũng là một mối quan tâm thích đáng.
Một chỉ dấu khác cho thấy sự bất an của các nước láng giềng Bắc Kinh về sự nổi lên của Trung Quốc chính là những bước mà các nước này đang chuẩn bị cho tư thế quân sự của chính họ. Ngay cả Đài Loan, hiện đang nằm dưới quyền chi phối của Đảng Sinophilic Kuomintang của Chủ tịch Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou), đã đề nghị mua thêm vũ khí từ Mỹ. Ông Mã nhấn mạnh rằng trong khi Đài Loan muốn có mối liên hệ rộng lớn với lục địa, Đài Bắc phải “đàm phán trong tư thế mạnh.”
Các nước Đông Á khác cũng đang xây dựng lực lượng quân sự, ít nhất là để cân bằng với sức mạnh Trung Quốc. Rõ ràng nhất là họ đang tập trung vào mua vũ khí cho hải quân và không quân – chính là những lực lượng thích hợp nhất để đối phó với bất cứ đe dọa nào có thể nổi lên từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc hành xử theo cách mà hầu hết các thế lực lớn đang lên trong lịch sử đã hành xử – khẳng định ảnh hưởng lớn hơn trên khắp khu vực và ép buộc các nước yếu hơn phải nhân nhượng. Không có gì đáng ngạc nhiên về điều này. Và các nước láng giềng cũng theo lối mòn lịch sử, cố gắng dàn xếp với thế lực đang lên đó, nhưng cũng đón đầu và nỗ lực củng cố khả năng của mình để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt yếu. Câu hỏi chính là Trung Quốc sẽ đáp trả những kháng cự đối với chủ nghĩa đế quốc mềm mỏng của nó như thế nào.
Người dịch: Minh Hạo
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment