Đức Tâm - RFI
Thứ tư 09 Tháng Ba 2011
Chính quyền Bắc Kinh đang xây dựng bộ máy quân sự với tốc độ nhanh chóng, tuy vậy, Trung Quốc cho đến nay vẫn chỉ là một cường quốc khu vực, với các mối lo khu vực. Trên đây là nhận định của giới phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - IISS - có trụ sở tại Luân Đôn.
Trong bản báo cáo hàng năm được công bố ngày hôm qua, 08/03/2011, tổ chức tư vấn có uy tín lớn trên thế giới này nhấn mạnh, vào lúc có khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc vẫn duy trì tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng cao nhất so với các nước, 7,5% trong năm 2010.
Tại phần đề cập đến « cán cân quân sự 2011 », IISS cho rằng tỷ lệ chi phí quốc phòng cao « gây ra nhiều lo ngại », song mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc vẫn chỉ giới hạn trong khu vực, ví dụ vấn đề Đài Loan – mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ, nếu cần thì có thể dùng vũ lực để chiếm lại, hoặc các tranh chấp về chủ quyền tại vùng Biển Đông. Các cuộc tập trận của Trung Quốc trong năm 2010, các dự án xây dựng, việc mua bán các thiết bị quân sự minh chứng cho điều này.
Thế nhưng, theo IISS, các cường quốc quân sự trên thế giới đang thận trọng theo dõi Trung Quốc vì nước này bắt đầu « thăm dò khả năng tác chiến ở xa lãnh thổ ».
Mối lo ngại này càng có cơ sở khi Trung Quốc, ngày 04/03 vừa qua, thông báo tăng 12,7% chi phí quốc phòng cho năm 2011. Tổng giá trị của ngân sách này lên tới 91,5 tỷ đô la. Như vậy, Trung Quốc quay trở lại nhịp độ tăng chi phí quốc phòng hàng năm như trước đây, luôn luôn ở mức hai con số, ngoại trừ năm 2010 chỉ có 7,5%.
Theo giới chuyên gia, hiện giờ, các nhà máy chế tạo vũ khí, thiết bị quân sự của Trung Quốc nằm rải rác ở nhiều nơi trên lãnh thổ, có công nghệ sản xuất và cơ sở nghiên cứu lạc hậu. Do đó, mục đích chính Bắc Kinh trong việc tăng ngân sách quốc phòng là nhằm giảm bớt khoảng cách về công nghệ với phương Tây, vì đó là những yếu kém nghiêm trọng, mang tính cơ cấu của quân đội Trung Quốc.
Trong phạm vi khu vực, tốc độ hiện đại hóa bộ máy quân sự đi kèm với những quyết đoán đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc tại những nơi đang có tranh chấp, như Biển Đông hay vùng biên giới chung với Ấn Độ, gây lo ngại cho các nước láng giềng và có nguy cơ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang.
Báo cáo của IISS cho biết là các quan chức an ninh Ấn Độ nghi ngờ sự hiện diện quân sự ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Tây Tạng, cũng như việc Trung Quốc tham gia vào các dự án hạ tầng cơ sở dân sự, có thể được sử dụng vào mục đích quân sự khi cần, tại một số nước Nam Á.
Chính quyền New Delhi nhận định rằng về mặt chiến lược, những hoạt động này là nhằm kiềm chế và bao vây Ấn Độ, vào lúc Trung Quốc, lần đầu tiên, thiết lập được lối thông thương ra Ấn Độ Dương, với dự án xây cảng Gwadar trong vùng duyên hải Baluchistan của Pakistan.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng quan ngại là các dự án đường sắt, đường bộ và sân bay mà Bắc Kinh cho xây dựng dọc theo đường biên giới chung giữa hai nước dài gần 4000 km sẽ tạo thuận lợi cho quân đội Trung Quốc tiếp cận với khu vực nhậy cảm này một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kêu gọi Hoa Kỳ và Úc cần tăng cường hợp tác để kiềm chế Trung Quốc. Ngày hôm qua, tại Washington, trong cuộc gặp với các nhà báo cùng thủ tướng Úc Julia Gillard, ông McCain, chủ tịch Tiểu ban Quân sự Thượng viện Mỹ nói rằng Trung Quốc là một cường quốc quân sự đã hành động một cách rất quyết đoán trong khu vực, tại những nơi đang có tranh chấp về chủ quyền. Ông nêu rõ tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa tại Biển Đông.
Do vậy, theo Thượng nghị sĩ McCain, thì sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc không nhất thiết để gây ra xung đột, nhưng cách tốt nhất để ngăn ngừa xung đột là Mỹ và Úc phải hợp tác với nhau để khẳng định những nguyên tắc cơ bản về cách ứng xử mà tất cả các quốc gia cần chấp nhận. Hoa Kỳ và Úc cần phải bảo đảm là những nguyên tắc cơ bản ví dụ quyền tự do lưu thông trên biển phải được Trung Quốc tôn trọng.
.
.
.
No comments:
Post a Comment