Thursday, March 24, 2011

GIÁO DỤC VN-CHUYỆN “BIẾT RỒI, NÓI MÃI” (Song Chi)

Song Chi
Thursday, March 24, 2011

Thời trung học rồi đại học của tôi trôi qua dưới những ngôi trường khác nhau của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi không còn là học sinh nữa thì tôi lại là… phụ huynh học sinh suốt 10 năm trời trước khi rời nước ra đi. Kinh nghiệm về nền giáo dục VN như vậy có lẽ cũng tạm đủ.

Nói về nền giáo dục xã hội chủ nghĩa VN, trong bao nhiêu năm qua, phải nói là không thể nào đếm xuể số lượng bài viết, ý kiến của các tầng lớp khác nhau xung quanh lĩnh vực này, từ chính bản thân các em học sinh -những nạn nhân trực tiếp, phụ huynh, nhà giáo, giới khoa học trí thức, văn nghệ sĩ cho đến người dân bình thường… Càng ngày, khi người VN được tiếp xúc với những thông tin bên ngoài càng nhiều; khi số lượng người có điều kiện học tập, làm việc, thậm chí giảng dạy tại các quốc gia phát triển có nền giáo dục tốt càng cao thì mọi người càng có cơ hội so sánh, đối chiếu để nhận ra những khiếm khuyết, những “căn bệnh” của nền giáo dục VN. Chỉ có điều, bao nhiêu lời nói, ý kiến đóng góp giá trị đã được cất lên, nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Vô số biện pháp cải cách vụn vặt đã được đề ra, rất nhiều lời hô hào như nói KHÔNG với bệnh thành tích trong giáo dục, nói KHÔNG với nạn dạy thêm học thêm, nạn quay cóp trong thi cử v.v… Nhưng thực tế thì ai cũng thấy, càng “cải” càng nát, như một ngôi nhà đã mục ruỗng từ bên trong, phải đập phá đi toàn bộ để xây lại chứ không thể sửa chữa, vá víu được nữa.

PHÁC THẢO BỨC TRANH GIÁO DỤC VN

Đó là một nền giáo dục nặng về thành tích, dạy và học chạy theo điểm số, chứ không coi trọng chất lượng. Ai đã từng là học sinh hoặc… cha mẹ học sinh ở VN thì đều hiểu đi học ở VN “cực khổ” như thế nào. Học ở trường xong lại đua nhau đi học thêm. Có lẽ trên thế giới này chẳng có mấy quốc gia như VN, phần lớn trẻ con phải đi học thêm từ trước khi vào… lớp một, rồi học thêm suốt những năm tiểu học, trung học! Cái tâm lý học thêm ấy do nhiều nguyên nhân: bản thân các thầy cô giáo phải dạy thêm để tăng thu nhập, rồi chính nhà trường cũng mở lớp dạy thêm. Các em thấy bạn bè đi học cũng đòi cha mẹ cho đi học kẻo sợ thua sút bạn bè, chưa kể trong một số trường hợp, nếu em nào không học thêm thì bị cô “đì”, cho điểm thấp… Rồi đến lượt bố mẹ cũng bắt con phải đi học thêm. Cái cảnh học sinh VN vừa học xong ở trường lại được bố mẹ chở qua… nơi khác học, ngồi trên xe ngủ gà gật hoặc nuốt vội miếng bánh để lấy sức… vào học tiếp, là chuyện phổ biến tại các thành phố lớn của VN. Nhiều bậc phụ huynh có tiền, lại muốn con mình phải trở thành thần đồng hoặc thứ gì cũng biết, nên ngoài học chữ lại cho con đi học đàn guitar, piano, trống, hội họa, võ thuật, thể dục thể thao, múa ballet, rồi tin học, photoshop… đủ thứ trên đời. Trẻ em VN phải đi học ngày học đêm, Thứ Bảy Chủ Nhật cũng “kín lịch”, hè cũng học, nhất là những năm chuẩn bị thi hết cấp hoặc thi tốt nghiệp phổ thông, thi vào đại học. Không có ngày nghỉ, không có mùa hè, không có tuổi thơ. Đi học nhiều như vậy, thực tế các em chả có thì giờ để tự học, tự suy nghĩ nên vẫn không thật giỏi được. Các em cũng không còn thì giờ để đọc sách, tìm hiểu thế giới xung quanh hay tình hình xã hội, hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng khác, chính vì vậy sau khi tốt nghiệp trung học, kiến thức về chính trị xã hội văn học nghệ thuật của học sinh VN nói chung rất nghèo nàn.

Đó là một nền giáo dục vừa thừa vừa thiếu, thừa những kiến thức “chết”, vô bổ và thiếu những kiến thức cần thiết trong việc đào tạo một Con Người toàn diện. Nếu so với chương trình trung học của nhiều quốc gia, (ví dụ như Na Uy mà tôi đang sống), học sinh VN phải học khá là nặng về những môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh. Nhưng nặng lý thuyết mà thiếu phần thực hành, nên sau khi học xong, thi xong thì “chữ thầy lại trả lại thầy”. Trong khi đó những môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân… chương trình lại quá chú trọng tính chính trị, tuyên truyền, định hướng… nên khô cứng, không hấp dẫn các em. Như môn văn chẳng hạn, trong khi học sinh thế giới ở bậc trung học thỏa thích được đọc và học những tác phẩm của các văn hào nổi tiếng trên thế giới, từ cổ điển đến hiện đại, từ Shakespear, Lev Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky, Mark Twain, John Steinbeck, George Orwell cho đến Franz Kafka, Gabriel García Márquez, Maya Angelou... thì học sinh VN cứ phải học đi học lại thơ Bác Hồ, Tố Hữu, thơ văn cách mạng… Chương trình Sử thì hết hai phần ba là lịch sử cách mạng đảng cộng sản VN. Hậu quả là học sinh không thấy hứng thú với những môn khoa học xã hội, khi lên cấp ba rất ít em nào chọn theo ban C là ban Văn, Sử, Địa. Triết học thì chỉ học triết học Mác Lênin, những môn như tâm lý học, các phương pháp tư duy, phương pháp lập luận, tranh luận, những kỹ năng sống… hoàn toàn thiếu vắng. Mà khoa học xã hội chứ không phải khoa học tự nhiên mới chính là những môn dạy cho các em những kiến thức nhân văn, hun đúc tâm hồn, tư tưởng cho các em.

Đó là một nền giáo dục còn mang nặng tính chất “đọc và chép”, thầy giảng thế nào thì nghe thế đó, đặc biệt là những môn khoa học xã hội, rồi nạn học theo bài văn mẫu, chấm thi văn thì chấm theo ý, đủ ý là đủ điểm chứ không cần văn hay, không cần sáng tạo! Dần dà tạo nên các thế hệ học sinh VN lười suy nghĩ, không có tư duy độc lập. Bên cạnh đó, VN vẫn là một xã hội châu Á với ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo từ ngàn xưa cộng thêm cơ chế “tự biên tập, tự kiểm duyệt” của một nền giáo dục trong một chế độ độc tài, nên học sinh thường có tâm lý cái gì thầy nói, sách nói là đúng, không thể và cũng không nên nghi ngờ, phản biện, tranh cãi. Mà nếu có học sinh nào nghĩ khác, chất vấn lại thầy cô thì chính thầy cô đó cũng không hài lòng! Đó là lý do tại sao học sinh VN không có thói quen phát biểu hay tranh luận đến cùng một vấn đề gì. Không chỉ trung học mà ngay cả đại học cũng phổ biến tình trạng “đọc và chép”. Sinh viên VN cũng học theo lối trả bài là chính, cái gì có trong chương trình, cho các kỳ thi thì học. Rất ít sinh viên VN tự mình mày mò tìm hiểu nghiên cứu thêm. Chẳng trách gì nhiều công ty, nhất là công ty nước ngoài hoặc có liên doanh với nước ngoài, đã từng than phiền về chất lượng của sinh viên ra trường đến xin việc làm. Phần lớn là phải đào tạo lại, đào tạo thêm, coi như sau mấy năm học lại tốn thêm một khoảng thời gian nữa.

GIÁO DỤC VÀ XÃ HỘI VN

Không ai còn ngây thơ mà tin rằng ở VN hiện nay là xã hội chủ nghĩa nữa. Mọi thứ kể cả giáo dục và y tế, người dân đều phải trả tiền. Khi khoảng cách giàu nghèo trong xã hội càng lớn thì giáo dục cũng có những sự phân cấp khác nhau. Ở VN, chỉ cần nhìn vào hai lĩnh vực giáo dục và y tế, người ta sẽ thấy ngay sự bất bình đẳng, bất công trong xã hội. Trẻ em VN ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn và những thành phố nhỏ, tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa… sẽ được thụ hưởng những điều kiện giáo dục khác nhau một trời một vực từ trường lớp, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, các hoạt động ngoại khóa… Ngay trong một thành phố lớn, cũng có rất nhiều mô hình trường khác nhau - từ trường điểm, trường chuyên, trường công, bán công, trường tư rồi trường quốc tế… Chính vì thế, ngay từ khi mới bước vào lớp một, bố mẹ đã phải tìm mọi cách, kể cả đút lót, để cho con vào được các trường điểm, trường tốt. Hết cấp một lại chạy vào trường chuyên cấp hai, cấp ba… Nhà giàu có tiền thì cho con đi học trường mầm non quốc tế, trung học quốc tế, mỗi năm đóng mười mấy ngàn USD. Những trường đại học lớn với đầy đủ các ngành học thì chỉ nằm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Mà đối với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa thì chuyện thi đậu đại học rồi ra thành phố lớn học là cả một vấn đề: tiền đâu? Như vậy, học sinh, sinh viên VN đã phải chịu cảnh bất bình đẳng và những cơ hội vào đời khác hẳn nhau dù cùng đang sống ngay trên đất nước mình.

Ai cũng thấy xã hội VN ngày càng xuống cấp về mặt đạo đức, cái xấu cái ác sự không tử tế ngày càng nhiều, cái tốt, cái thiện, sự tử tế ngày càng hiếm hoi. Thực tế là các em học sinh đang phải hàng ngày chứng kiến “độ chênh” hay sự trái ngược giữa hiện thực cuộc sống ngoài xã hội và những điều mà các em được học trên lớp. Một ví dụ nhỏ, các em được học xã hội chủ nghĩa là thiên đường, xã hội ta là tốt đẹp, chủ nghĩa tư bản đang giãy chết v.v… nhưng thực tế thì ngược lại, chẳng hạn. Điều đó sẽ khiến các em mất lòng tin vào thầy cô, xã hội, vào con người và trở thành những người sống giả dối ngay từ bé.

Khi phải sống quá lâu trong một môi trường xã hội như vậy, tính tình, nhân cách, tâm hồn mỗi con người cũng bị méo mó, tha hóa đi ít nhiều. Và ngay chính môi trường giáo dục, nơi lẽ ra phải trong sạch, tốt đẹp nhất, cũng bị ảnh hưởng. Nếu như bên ngoài xã hội, nạn chạy bằng chạy chức, “đạo văn” rất phổ biến, thì dưới mái trường nhan nhản nạn quay cóp, chạy điểm, thậm chí “đổi tình lấy điểm”! Không thiếu những thầy cô bạo hành với trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non, chửi mắng xúc phạm học trò bằng đủ mọi ngôn từ phản sư phạm nhất, thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh đánh thầy cô rồi học trò đánh lẫn nhau, nữ sinh đánh nhau, lột áo nhau, quay thành video clip tung lên mạng, hay những vụ giết nhau gây án mạng cũng đã từng xảy ra. Thầy cưỡng dâm trò, Hiệu trưởng và các quan chức mua dâm học sinh… Xã hội đã trở thành bát nháo mà trường lớp cũng không còn là nơi trú ẩn an toàn cho tâm hồn các em thì các em sẽ lớn lên và trở thành những con người như thế nào?

Khi thảm họa động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản vào ngày 11.3 vừa qua, cả thế giới đã được chứng kiến người dân Nhật cư xử một cách điềm tĩnh, lịch sự, tử tế, can đảm, cao thượng, hy sinh vì người khác… như thế nào. Điều đó rõ ràng là kết quả của một nền giáo dục đầy nhân bản, dạy cho con người biết sống có trách nhiệm với chính mình, với người khác và với xã hội; và là kết quả của một chế độ xã hội tự do dân chủ công bằng, tôn trọng luật pháp, tôn trọng con người. Rất nhiều người VN trước thảm họa của Nhật Bản, đã tự đặt ra câu hỏi nếu một thảm họa như vậy xảy ra ở VN thì mọi chuyện sẽ như thế nào, từ quan đến dân sẽ hành xử ra sao, và câu trả lời ra sao chắc chúng ta cũng đều tự đoán biết. Muốn có được những con người VN như con người Nhật Bản ngày hôm nay, chúng ta không phải chỉ thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục VN mà cũng phải thay đổi toàn bộ thể chế chính trị độc tài đảng trị hiện tại.

MỘT VÀI SO SÁNH GIỮA GIÁO DỤC VN VÀ NA UY

Trong khi VN chỉ còn lại trên danh nghĩa là một nước xã hội chủ nghĩa, thì Vương quốc Na Uy, mặc dù là một quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến nhưng lại có rất nhiều đặc điểm của một nước xã hội chủ nghĩa. Giáo dục hoàn toàn được miễn phí suốt những năm trung học. Lên đại học, sinh viên cũng chỉ phải đóng một số tiền nhẹ nhàng và nếu không có tiền thì có thể làm đơn xin trợ cấp hoặc xin vay nợ nhà nước, sau này đi làm trả. Các quốc gia Bắc Âu trong đó có Na Uy vốn đặt nặng yếu tố công bằng trong xã hội hơn là coi trọng tính cá nhân như trong xã hội Mỹ. Do vậy, mọi ngôi trường ở Na Uy kể cả thủ đô hay các thành phố nhỏ đều có cơ sở vật chất, điều kiện học tập, chất lượng giáo viên gần như hoàn toàn giống nhau. Không có khái niệm trường điểm, trường chuyên, trường giỏi hơn hay dở hơn, do vậy chả phải tranh giành nhau vào trường nào cho mệt.

Suốt từ lớp một cho đến lớp bảy, học sinh hoàn toàn không bị xếp hạng, chấm điểm, từ lớp tám trở đi mới tính điểm nhưng điểm của ai người đó biết, thầy cô không bao giờ công khai điểm của từng em trước lớp để tránh cho những em bị điểm kém phải mặc cảm. Tất cả học sinh đều được đối xử như nhau, nếu em nào học kém quá thì thầy cô sẽ thu xếp thì giờ để giảng bài thêm riêng, chứ không buộc em đó phải rời lớp hay chuyển trường vì… ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp hay của trường! Không phải chạy theo điểm, thành tích, chương trình học lại nhẹ nhàng, cũng không hề có chuyện dạy thêm học thêm, thành ra học sinh Na Uy đi học với một tâm trạng hết sức thoải mái. Học xong về nhà, ngoài thì giờ làm bài là giải trí, tham gia các hoạt động thể thao, sinh hoạt cộng đồng, mùa hè, ngày lễ là nghỉ ngơi, du lịch, hoặc đọc sách báo, trau dồi kiến thức cho mình.

Và cũng như mọi xã hội tự do dân chủ tôn trọng nhân quyền khác, từ chương trình học, sách giáo khoa cho đến thầy cô luôn luôn đưa ra mọi vấn đề dưới những góc nhìn khác nhau để học sinh tự suy nghĩ, đánh giá, không có chủ đề nào là “nhạy cảm” hoặc bị cấm đoán, học sinh tha hồ thoải mái tranh luận với nhau và với thầy cô. Na Uy là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về chỉ số tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí…

Sự khác nhau giữa hai nền giáo dục thì vô số kể. Tất nhiên không phải mọi cái trong nền giáo dục ở Na Uy là tốt cả và cái gì ở VN cũng tệ. Chẳng hạn, học sinh VN phần lớn rất siêng năng và có thể học trong những điều kiện sức ép cao vì đã quen chịu nhiều áp lực từ bé, các gia đình VN nói riêng và một số quốc gia ở châu Á nói chung thường rất kỳ vọng ở tương lai con cái, điều đó khiến cho các em buộc phải cố gắng hết sức, nhất là khi đi du học. Trong khi đó, việc đặt nặng yếu tố công bằng, không cổ vũ tính cạnh tranh trong học tập ở Na Uy là một ưu điểm lớn, nhưng mặt khác, cũng dễ tạo ra tình trạng “cào bằng” và sức ỳ một khi các em học sinh giỏi dễ có cảm giác không cần phải cố gắng hơn nữa vì nếu có cố cũng thế (!), ai cũng như ai. Nhìn rộng ra trong xã hội cũng vậy. Điều đó lý giải sức ỳ của các quốc gia Bắc Âu nếu so sánh với một xã hội sống nhanh, sống gấp, có sức cạnh tranh cao buộc con người phải nỗ lực tối đa để tồn tại như xã hội Mỹ. Nhưng vấn đề nào thì cũng có tính hai mặt của nó.

Còn nói về sự tôn trọng học sinh như những con người chứ không phải là những đứa trẻ con, sự tự do dân chủ, việc cho phép các em phát triển tính độc lập trong tư duy hay về một nền giáo dục giàu tính nhân bản, một môi trường giáo dục và xã hội công bằng, an toàn… thì còn nhiều năm lắm, chúng ta mới theo kịp Na Uy và các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới. Chẳng trách tại sao ngày càng nhiều phụ huynh VN cho con em mình đi du học, với độ tuổi càng ngày càng sớm hơn, đó cũng là một hình thức “tị nạn giáo dục”. Bao nhiêu phần trăm trong số đó sẽ quay trở về VN làm việc sau khi tốt nghiệp hay nạn chảy máu chất xám này sẽ còn tiếp tục cho đến khi nào giáo dục và xã hội VN thật sự thay đổi?

SONG CHI

----------------------

Đọc thêm :

Nguyễn Huy Canh  -  Đăng ngày: 11:50 24-03-2011

.
.
.

No comments: