Wednesday, March 9, 2011

NGƯỜI TRUNG QUỐC ĐANG BẮT ĐẦU BÀNH TRƯỚNG TẠI MÔNG CỔ (TTX Mông Cổ)

Theo Thông tấn xã Mông Cổ (Montsame)

Thúy Bình, cộng tác viên tại Nga
Thứ ba, 08 Tháng 3 2011 10:40

Với diện tích gần bằng 1/2 diện tích châu Âu, dân cư chỉ vỏn vẹn 2,7 triệu người nhưng Mông Cổ lại sở hữu trữ lượng tài nguyên phong phú. Điều này có thể sẽ biến Mông Cổ thành miếng mồi béo bở cho những quốc gia thèm khát tài nguyên, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy, chắc chắn Ulan Bato luôn đề phòng con Rồng Trung Quốc sẽ nuốt chửng Mông Cổ vào một ngày đẹp trời nào đó. Điều này không phải không có cơ sở để phòng ngừa.

Theo báo Financial Times, quốc gia không có biển Mông Cổ đã quyết định xây dựng đường sắt để sử dụng một trong những phương tiện địa chính trị quan trọng của mình đã được sử dụng trong thế kỷ XIX. Nguồn tài nguyên khổng lồ trong lòng đất Mông Cổ là nguồn nguyên liệu quan trọng mà nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ phát triển nhanh luôn đòi hỏi. Nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ đó của Trung Quốc đang làm cho người Mông Cổ lo ngại. Theo BBC, 20 năm trước, Mông Cổ đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của Liên Xô, và hiện đang cảnh giác trước vị thế ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Sau khi có thông tin như vậy, Bình luận viên báo “Pravda” của Nga, ông Sergei Balmasov cho biết, các nhà phân tích của Mỹ và Anh cũng có tâm lý lo ngại tương tự. Quốc gia không có biển Mông Cổ có thể sẽ bị lệ thuộc Nga và Trung Quốc nhiều hơn so với trước đây. Vì vậy, báo Financial Times cũng quan tâm đến vấn đề này nên đã đưa tin việc Mông Cổ quyết định xây dựng đường sắt chạy về phía Nga. Người phương Tây cũng đang hy vọng việc hợp tác vận chuyển bằng đường sắt với Nga sẽ có lợi cho người Mông Cổ và giảm được sự lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng hiện có tới 70% hàng xuất khẩu của Mông Cổ đang xuất cho Trung Quốc. Trên thực tế, người Trung Quốc đã đuổi kịp và vượt Nga trong lĩnh vực này. Trong khi người Nga không để ý đến vùng Viễn Đông của mình thì Bắc Kinh lại tích cực xây dựng các thành phố của mình tại các vùng biên giáp Mông Cổ. Cho dù trong tay người Nga có tới 50% cổ phần trong hợp tác liên doanh đường sắt với Mông Cổ, nhưng không thể khẳng định việc Trung Quốc sẽ không gây sức ép Nga. Khi phê phán kế hoạch của Mông Cổ, Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc vận chuyển hàng xuất khẩu của Mông Cổ thông qua các cảng biển xa xôi của nước Nga sẽ có giá thành đắt gấp 3 lần so với việc xuất khẩu trực tiếp cho Trung Quốc.

Tình thế đó buộc Mông Cổ phải xem xét lại mình với tư cách là một trong những đối tượng địa chính trị quan trọng. Về phần vị trí địa lý, suốt quãng thời gian dài, Mông Cổ luôn lệ thuộc Nga và Trung Quốc. Để xuất khẩu nguồn tài nguyên khai thác được của mình, Mông Cổ phải thỏa thuận với Moscow và Bắc Kinh. Mông Cổ có lãnh thổ rộng gần bằng 1/2 diện tích châu Âu nhưng với dân cư ít ỏi khoảng 2,7 triệu người. Nói cách khác, hiện 01 người Mông Cổ gánh 520 người Trung Quốc. Vì vậy, Ulan Bato luôn đề phòng con Rồng Trung Quốc sẽ nuốt chửng Mông Cổ vào một ngày đẹp trời nào đó. Điều này không phải không có cơ sở để phòng ngừa. Sách lược xâm lấn đất đai của Nga bằng con đường xuất khẩu lao động dư thừa trước đây nay đang được Bắc Kinh triển khai tại Mông Cổ. Bên cạnh đó, nền kinh tế của Mông Cổ ngày càng bị lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn. Cho tới gần đây, nếu như các nhà máy lớn của Mông Cổ còn được coi là nằm dưới sự kiểm soát của Nga thì hiện nay các xí nghiệp vừa, nhất là các xí nghiệp nhỏ của Mông Cổ hầu như đều nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Thời gian gần đây, người Trung Quốc đã “liếc” đến các nhà máy lớn. Số người Mông Cổ có tâm lý chống Trung Quốc luôn gia tăng không phải là trường hợp ngẫu nhiên. Hành động gây rối, đánh đập do các phần tử dân tộc chủ nghĩa Mông Cổ tiến hành đối với các công nhân Trung Quốc diễn ra ngày càng nhiều. Thực sự, người Trung Quốc luôn coi Mông Cổ là một “vùng lãnh thổ bị mất” và họ luôn có tâm địa như vậy.

Cũng cần nói rõ rằng, năm 1911, Mông Cổ giành được nền độc lập từ Bắc Kinh nhân lúc Nga lợi dụng sự rối ren của Trung Quốc đã ủng hộ Phong trào giải phóng dân tộc Mông Cổ để làm suy yếu nước láng giềng phương Nam của mình (Trung Quốc). Sau đó, Mông Cổ nằm dưới sự bảo hộ của Nga nhưng chẳng được bao lâu. Năm 1917, Trung Quốc lại lợi dụng sự rối ren ban đầu của cuộc cách mạng Nga để khôi phục vị thế của mình tại Mông Cổ. Năm 1921, hàng trăm binh lính Bạch vệ Nga do Tướng Ungern Fon Shternberg chỉ huy đã lật đổ chính quyền Trung Quốc tại Mông Cổ, và những người cộng sản Mông Cổ đã chớp lấy thời cơ để giành chiến thắng bằng cách đánh đuổi Bạch vệ Nga để thiết lập chế độ cộng sản tại Ulan Bato. Về chính thức, Mông Cổ được coi như một quốc gia độc lập, nhưng trên thực tế lại thực hiện các mệnh lệnh từ Moscow, là đồng minh trung thành của Nga cho tới năm 1991. Người Mông Cổ đánh giá giai đoạn này với nhiều cách nhìn nhận khác nhau. Một mặt họ thường phê phán Hồng quân Liên Xô là những kẻ xâm chiếm; mặt khác họ lại cảm ơn những người cộng sản “đã cứu Mông Cổ thoát khỏi sự hủy diệt của người Trung Quốc”. Tấm gương điển hình là Nội Mông láng giềng đã trở thành sở hữu của Bắc Kinh. Đại diện của tầng lớp trí thức nói rằng, dân số Nội Mông Cổ đang bị rơi vào tình trạng hủy diệt, nền văn hóa, lịch sử của họ đang bị thủ tiêu, để ngăn chặn tình trạng ly khai, người Trung Quốc được chuyển đến sinh sống tại Nội Mông. Sau khi Liên Xô tan rã, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mông Cổ đã diễn ra hết sức mạnh mẽ. Trong những năm 1990, hàng nghìn hàng nghìn người Trung Quốc đã mang vốn đến Mông Cổ để đầu tư. Hiện người Mông Cổ đã hiểu được nguy cơ bị Trung Quốc nuốt chửng, lo ngại số phận của Mông Cổ lặp lại giống như Nội Mông Trung Quốc nên Mông Cổ mới quay sang Nga. Người Mông Cổ đang cố giữ sự cân bằng trong quan hệ với hai quốc gia láng giềng hùng mạnh trong việc ký kết các hiệp định, hợp đồng quan trọng về hợp tác năng lượng và chế biến khoáng sản cũng như đổi mới hệ thống đường sắt quốc tế của mình. Hiện có nhiều nước trên thế giới đang cạnh tranh khốc liệt vì nguồn tài nguyên của Mông Cổ.

Trong suốt quãng thời gian dài, Mông Cổ chẳng có cái gì khác ngoài phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và vẫn bị coi là quốc gia nông nghiệp nghèo đói. Nhưng các nhà địa chất đã phát hiện các mỏ quý như đồng, vàng, sắt, kẽm, molipden, nhôm, khí đốt tự nhiên, dầu mỏ… Mông Cổ có trữ lượng uranium khoảng 1,3 triệu tấn. Tất cả các loại nguyên liệu của Mông Cổ đang thu hút sự quan tâm của Nga, nhất là Trung Quốc đang có nền phát triển. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc do ngành luyện kim đen đang phát triển và mở rộng với tốc độ lớn nên Bắc Kinh luôn có nhu cầu rất lớn đến trữ lượng than cốc khổng lồ của Mông Cổ. Vì vậy, Mông Cổ đang lo ngại và cố để không bị lặp lại “sai lầm trước đây của mình” và không bị lệ thuộc vào Trung Quốc và Nga. Hiện Mông Cổ rất mong chờ sự giúp đỡ của các nước phương Tây và Nhật Bản. Phương Tây hiểu được ý nghĩa chiến lược của Mông Cổ với tư cách là một trong những nước quan trọng có trữ lượng uranium trên thế giới và đang cố cạnh tranh với các nước khác. Điều tra xã hội học cho thấy, Mông Cổ coi Nga là người bạn láng giềng tốt nhất của mình, sau đó là Mỹ (nhưng chỉ số dành cho Mỹ chỉ bằng 1/2 dành cho Nga), Trung Quốc xếp sau Nhật Bản đứng vị trí thứ 4. Thế nhưng Trung Quốc đã từ từ thâu tóm và đạt được những gì mình muốn tại Mông Cổ. Tình trạng của người Mông Cổ và bản tính dè dặt của lãnh đạo họ đã dẫn đến thực trạng này. Các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các công ty Nga luôn phàn nàn rằng quyền lợi của họ không có sự bảo vệ nào cả. Không ít trường hợp người Mông Cổ đã nhận tiền của người này nhưng lại giao mỏ của mình cho người khác. Công việc kinh doanh tại Mông Cổ thực sự khó khăn. Nhưng đối với Trung Quốc không phải như vậy, người Mông Cổ luôn cố để lợi ích toàn cầu của Đất nước Trung nguyên (Trung Quốc) sẽ không bị hao phí tại đây. Hiện Trung Quốc đã có vị thế chắc chắn hơn nhiều tại Mông Cổ. Bất cứ ở đâu có khai thác mỏ kim loại màu hoặc dầu mỏ thì ở đó người Trung Quốc đã làm đường bộ đến tận nơi. Mặt khác, có một nguyên nhân nữa là Mông Cổ ngày càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc vì được vay khoản tín dụng ưu đãi lớn của Trung Quốc. Hơn nữa, Đất nước Trung nguyên đã trở thành bạn hàng quan trọng của Mông Cổ.

Theo xác nhận của ông J. Piter Morroi, TGĐ Ngân hàng Nông nghiệp tư nhân Mông Cổ: “Người Trung Quốc đang tấn công trên mọi mặt trận, ở khắp mọi nơi họ tham gia xây dựng cầu, đường và cả việc khai khoáng”. Rõ ràng, nếu Canada đã trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho Mỹ, thì Mông Cổ cũng giống Canada đã trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc. Hiện có 1.100 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại đây, trong khi đó các công ty của Nga chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tất cả các nhà hàng ăn uống tại Mông Cổ hầu hết nằm trong tay người Trung Quốc. Một nửa số nhà máy dệt, kéo sợi và sản xuất lông dê mịn thuộc sở hữu của người Trung Quốc; trong lĩnh vực ngành công nghiệp thuộc da người Trung Quốc cũng chiếm ưu thế. Theo cách nói của Cục trưởng Cục Dự trữ nguồn tài nguyên Mông Cổ thì “tại Mông Cổ mỗi ngày có thêm một công ty mới của Trung Quốc đi vào hoạt động”. Công việc khảo sát, thăm dò khoáng sản của Mông Cổ ngày càng nằm dưới sự kiểm soát của người Trung Quốc. Theo Cục trưởng này, “Thị trường đồng, vàng, kẽm của Trung Quốc giống như một hố đen nuốt chửng mọi thứ”. Một bằng chứng nữa cho thấy hiện Mông Cổ đang hướng về Trung Quốc; cụ thể là trong những năm gần đây tại Mông Cổ đã thành lập trên 30 trường để đẩy mạnh công việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Hoa. Trong lúc đó, việc học tiếng Nga tại Mông Cổ đang bị teo dần. Hiện Bắc Kinh đang làm mọi thứ có thể để cải thiện hình ảnh của mình, như đầu tư để quảng bá nền văn hóa của mình cũng như đổi mới bộ mặt của thủ đô Ulan Bato. Người Trung Quốc cũng đang tích cực xây dựng các trung tâm kinh doanh và các công trình kiến trúc mới. Ngoài ra, Trung Quốc đang thực hiện chủ trương lôi kéo dần đội ngũ sinh viên, trí thức của Mông Cổ bằng cách cấp học bổng cho các thanh niên Mông Cổ sang học tại Trung Quốc để đào tạo đội ngũ tinh hoa của Mông Cổ mai sau. Đất nước Trung nguyên có thể sẽ quản lý Mông Cổ thông qua những người được đào tạo tại Trung Quốc.

Bằng chứng khác cũng cho thấy rằng người Nga đang mất vị thế của mình tại Mông Cổ; bởi vì phần đông người Mông Cổ đổ xô sang nước láng giềng phương Nam chứ không sang Nga vì “thủ tục xin visa vào Nga quá khó khăn”. Một nhà báo Mông Cổ cho rằng, “tệ quan liêu và tư duy lỗi thời trước đây đang gây khó khăn cho việc khôi phục quan hệ kinh tế với Nga”. Vì vậy, hiện người ta đã đánh cuộc rằng khi nào thì Mông Cổ sẽ trở thành 1 tỉnh của Trung Quốc. Đấy là công việc của các nhà chính trị. Cho dù thực trạng này ngày càng thích nghi với Trung Quốc nhưng Mông Cổ không bao giờ muốn bị lệ thuộc bên ngoài./.

Theo Thông tấn xã Mông Cổ (Montsame)
Thúy Bình, cộng tác viên tại Nga
.
.
.

No comments: