Peter Müller và Alexander Neubacher, SPIEGEL, 03/22/2011
Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức
Hiếu Tân dịch
25.3.2011
Thảm họa thiên tai ở Nhật Bản cho ta thấy rõ nền kinh tế thế giới mỏng manh dễ vỡ như thế nào. Các nhà máy trên khắp thế giới đã phải sản xuất chậm lại vì thiếu phụ tùng. Nhưng các vấn đề đó có thể khắc phục được, miễn là thảm họa hạt nhân ở Fukushima không trở nên tồi tệ hơn.
Tokyo cách Mulfingen và Künzelsau (Đức) khoảng 9000 km, nhưng những làn sóng chấn động từ Nhật Bản không mất nhiều thời gian để đến hai thành phố thuộc bang Baden-Württemberg miền tây nam nước Đức này. Địa phương này là đất của nhiều công ty cỡ nhỏ và cỡ trung, bao gồm EBM Papst và Ziehl-Abegg, hai nhà sản xuất quạt và hệ thống thông gió chuyên dụng hàng đầu thế giới.
Bình thường thì hai công ty này là đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên bây giờ chúng cùng chung số phận. Một trong những nhà cung cấp chủ yếu của chúng, một nhà máy sản xuất con chip máy tính vận hành bởi công ty điện tử khổng lồ Toshiba ở miền bắc nước Nhật, đã dừng hoạt động. Mặc dầu rất khó có được những thông tin chi tiết về các điều kiện địa phương, mọi điều mà các nhà điều hành Đức nghe được khiến ta nghĩ rằng trận động đất và sóng thần đã tàn phá nhà máy sản xuất chip.
“Nếu việc cung cấp bị chậm trể, nó có thể làm ngừng toàn bộ quá trình sản xuất,” Peter Fenkl, chủ tịch Ziehl-Abegg nói.
“Chúng tôi chờ đợi các dây chuyền lắp ráp ngưng trong một hoặc hai tuần,” Hans-Jochen Beilke, chủ tịch công ty kinh doanh ở EBM Papst nói.
Mặc dầu quy mô của thảm họa ở Nhật vẫn còn chưa rõ, có lẽ không sai khi nói rằng những thiệt hại về kinh tế là đáng kể. Nhật bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, xuất khẩu sản phẩm của nó đến mọi nơi trên thế giới. Các công ty của Nhật Bản cung cấp cho thị trường thế giới những con chíp bộ nhớ hiện đại, TV màn hình phẳng, máy ảnh và ô tô. Ngân hàng Pháp Crédit Lyonnais ước tính rằng một phần năm sản phẩm công nghệ cao trên toàn thế giới đến từ Nhật Bản.
Trận động đất và sóng thần tàn phá cách đây 12 ngày - gây mất điện trên diện rộng - đã làm sản xuất sút giảm nghiêm trọng. Sự thể có thể còn tồi tệ hơn nữa nếu những cố gắng ngăn ngừa một thảm họa lớn tại các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima thất bại.
“Mùa đông Hạt nhân của Kinh tế”
Những kẻ tích trữ tiền đang kích cho nhu cầu đồng yên tăng vọt vì họ trông chờ những cố gắng tái thiết sẽ tiêu tốn hàng nhiều tỷ. Các nhà đầu tư lo lắng đã làm cho giá cổ phiếu ở New York, Frankfurt và Tokyo tăng lên chóng mặt. Một số chuyên gia kinh tế sợ một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, “một mùa đông hạt nhân đối với nền kinh tế” như một người buôn chứng khoán ở Frankfurt đã nói tuần qua.
Nhật Bản đã từng dạy thế giới một nhà máy hiện đại hoạt động như thế nào. Tuy nhiên, bây giờ chính thảm họa ở Nhật Bản đã đưa dây chuyền cung cấp toàn cầu vào tình trạng ngưng trệ. Bộ chuyển đổi Porsche lắp vào Cayenne SUV của nó được chế tạo bởi nhà sản xuất Nhật Bản Aisin, tại đây sản xuất đã bị trở ngại. Một nhà máy Toshiba chế tạo một con chip bộ nhớ quan trọng sử dụng trong iPad Apple bị hư hỏng. Nhà chế tạo ô tô Opel đã loan báo kế hoạch trong tuần này bỏ một số ca trong nhà máy của nó ở Eisenach, Đức, vì thiếu các bộ phận từ Nhật Bản.
Vận tải đường biển cũng đã sút giảm. Các tàu chở container của hãng Hapag-Lloyd đã không thể vào bến ở cảng Sendai đã bị phá hủy. Lufthansa Cargo không còn cung cấp dịch vụ thường xuyên đến Tokyo được nữa, vì sợ phóng xạ. Trong một thế giới mà các nhà máy không còn dự trữ lớn, thì cung cấp liên tục là bắt buộc. Nếu loại cung cấp ấy bị gián đoạn, thì thường chúng chỉ có thể kéo dài sản xuất thêm ít ngày nữa.
Dây chuyền lắp ráp ở EBM Papst và Ziehl-Abegg bây giờ phụ thuộc vào một nhúm linh kiện điện tử từ Nhật Bản, thường chi phí lớn hơn vài cent. Nhưng linh kiện ấy - những biến thế, trở kháng và chíp bộ nhớ - là những bộ phận quan trọng nhất trong các sản phẩm từ những chiếc quạt cho laptop và động cơ ô tô đến các hệ thống điều hòa nhiệt độ không khí trong những ngôi nhà chọc trời ở New York và các khách sạn ở Mecca.
Mối đe dọa ngấm ngầm
“Sẽ có sự suy giảm” Fenkl, chủ tịch Ziehl-Abegg chủ tịch nói. Sổ đặt hàng của ông đã đầy nhưng kho hàng của ông thì, thật không may, trống rỗng. Và thậm chí dù ông có kiếm được những phụ tùng mới đủ nhanh chóng, thì nguy cơ đối với nền kinh tế vẫn còn. “Cho dù chúng tôi có gửi quạt của chúng tôi cho nhà chế tạo ô tô kịp thời, nhưng nếu nhà cung cấp bơm không làm được thế vì ông ấy thiếu phụ tùng từ Nhật, thì có gì là tốt?” Fenkl hỏi.
Mối nguy cơ tiềm tàng đối với các công ty Đức còn tương đối nhỏ so với những vấn đề mà các nền kinh tế Châu Á và Bắc Mỹ đang phải đối phó. Khối lượng hàng hóa trao đổi giữa Nhật và Đức khoảng 35 tỉ € - một phần nhỏ so với hàng hóa trao đổi giữa Nhật và Trung Quốc.
Các chuyên gia ước tính rằng để dọn dẹp và xây dựng lại những phần đất nước bị tàn phá nhiều nhất cần tốn đến khoảng 200 tỉ $ một năm (142 tỉ €). Tốn kém là chắc chắn rồi, nhưng còn có thể. Để xây dựng lại Kobe sau cuộc động đất tàn phá năm 1995 tốn mất 100 tỉ $ - nhưng cố gắng đó tỏ ra là một kích thích kinh tế giả hiệu đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Nếu tình hình trở nên tồi tệ đến mức nghiêm trọng trong các lo phản ứng bị phá hủy ở Fukushima, thì tương lai sẽ còn thảm đạm hơn. Những khu vực quan trọng trong vùng Fukushima sẽ trở thành vĩnh viễn hoang vu không có người ở. Chấn động đối với nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ rất lớn.
Trường hợp xấu nhất
“Tình hình có thể so sánh với Đức sau Thế Chiến II,” Klaus-Jürgen Gern của Viện Kinh tế Thế giới Kiel. Michael Heise, nhà kinh tế trưởng ở Allianz Insurance, tiên đoán: “Nó sẽ rung động các thị trường tài chính và có thể khiến cho quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu ngừng trệ”
Bank Sarasin, một nhân hàng tư nhân Thụy Sĩ, tính rằng trong trường hợp xấu nhất, Nhật Bản có thể mất vĩnh viễn 10 phần trăm sức mạnh kinh tế của nó nếu những miền rộng lớn của đất nước bị ô nhiễm phóng xạ. Điều này sẽ làm sụt tăng trưởng của toàn thế giới khoảng một phần trăm.
Các thị trường chứng khoán và ngoại tệ phản ánh mức độ không chắc chắn của tình hình. Chỉ số điểm chuẩn của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo ban đầu mất 15 phần trăm vào tuần trước, trước khi đi vào một thời kỳ dao động lên xuống thất thường. Vào thời gian các thj trường đóng cửa Thứ Sáu tuần trước, nhiều công ty đã chịu thua lỗ từ những ngày đầu tuần -- và tuần này tiếp tục hồi phục.
Những người hy vọng rằng đồng yên Nhật chịu áp lực trong một thời gian cần thiết đã thất vọng. Trong thực tế, điều ngược lại đã xảy ra, vì đồng yên ngày càng đắt giá hơn.
Thứ Năm tuần trước, một đô la Mỹ ăn 76 yên, tỉ giá thấp nhất kể từ cuối Thế Chiến II. Vào thời điểm đó, các bộ trưởng tài chính và các chủ tịch ngân hàng trung ương của những nước công nghiệp then chốt đã chán ngán. Trong một hành động hiệp đồng, họ bơm đồng yên vào thị trường, cố gắng ngăn chặn sự nâng giá đồng tiền này, dù chỉ là tạm thời.
Các công ty Nhật dựa vào xuất khẩu thở phào nhẹ nhõm trước chuyển động này. Trong cuộc khủng hoảng lần này, điều sống còn là họ có khả năng bán sản phẩm của họ với giá phải chăng trên thị trường thế giới.
Đấy là nói, nếu như họ còn có thể sản xuất ra được một loại hàng hóa nào.
.
.
.
No comments:
Post a Comment