Thursday, March 24, 2011

KHI NGƯỜI NHẬT XIN LỖI (Nguyễn Quang Lập)

Nguyễn Quang Lập
 25.03.2011

Trong khi nước Nhật đang tìm kiếm nguyên nhân sự cố cháy nổ ở nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, chưa có ai quả quyết một nguyên nhân nào, thì lãnh đạo công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã đứng ra nhận lỗi và xin lỗi. Lãnh đạo TEPCO đã gập mình cúi đầu xin lỗi trong một cuộc họp báo, thừa nhận họ đã đánh giá quá thấp trận động đất và sóng thần vừa qua. Sự xin lỗi quả cảm đáng khâm phục. Cùng với những giọt nước mắt ân hận của Giám đốc điện lực Tokyo, ông Akio Komiri, sau buổi họp báo, buộc ta phải suy nghĩ nghiêm túc về sự xin lỗi chân thành và đúng lúc của người Nhật.

Hình ảnh người Nhật gập mình cúi đầu xin lỗi luôn gây ấn tượng tốt đẹp đối với thế giới. Không chỉ là thói quen văn hoá ứng xử tuyệt vời, hình ảnh ấy còn cho thấy một phẩm cách rất đáng trọng: sự cao thượng. Không phải sự gập mình cúi đầu xin lỗi nào cũng chứng tỏ ở sự cao thượng, trong nhiều trường hợp đó là sự khiếp nhược và hèn hạ, nhưng với người Nhật, một khi họ gập mình cúi đầu xin lỗi thường vẫn cho thấy hình ảnh của họ được tôn cao lên, sự cao thượng được toả sáng.

Trong vụ bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển Senkaku, Bắc Kinh lên tiếng đòi Tokyo phải xin lỗi và đền bù. Thủ tướng Naoto Kan đã đáp trả: “ Các đảo Senkaku thuộc lãnh thổ của Nhật Bản. Do vậy, không thể tính tới việc đền bù và chúng tôi không thể chấp nhận điều này”. Nhưng cũng chính thủ tướng Naoto Kan đã thay mặt nước Nhật lên tiếng xin lỗi các nạn nhân của Nhật trong Đại chiến II: ““Chúng tôi vô cùng hối hận và xin được gửi đến sự chia buồn chân thành nhất đến tất cả những nạn nhân và gia đình họ”. Những đau thương quá vãng, thế giới tuồng như muốn quên đi, người Nhật vẫn luôn nhớ và sẵn sàng xin lỗi, dù biết sau lời xin lỗi sẽ là tổn hại to lớn về kinh tế do phải đền bù chiến tranh.

Không chỉ thủ tướng Naoto Kan, thủ tướng Yukio Hatoyama đã lên tiếng xin lỗi người dân đảo Okinawa vì không giữ cam kết khi tranh cử : đưa một căn cứ quân sự Hoa Kỳ ra khỏi hòn đảo này. Thủ tướng Taro Aso thậm chí đã xin lỗi vì một việc người ta vẫn cho là nhỏ nhặt, ông đã xin lỗi vì bộ trưởng tài chính của chính phủ ông “đã gà gật như say rượu trong cuộc họp báo ở hội nghị G7.” Vì một hành vi xấu của một ông bộ trưởng mà Thủ tướng đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm và xin lỗi trước bàn dân thiên hạ, cho thấy tinh thần trách nhiệm của Thủ tướng rất cao, không một việc gì cấp dưới thuộc quyền làm sai mà Thủ tướng không nhận lãnh trách nhiệm thuộc về mình.

Trở lại việc công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã nhanh chóng nhận lỗi và xin lỗi trước dân chúng về một sai lầm mà họ dễ dàng ém nhẹm hoặc đổ lỗi cho kẻ khác. Ở nước Nhật không ai ngạc nhiên chuyện này khi mà thủ tướng và các bộ trưởng luôn sẵn sàng nhận lỗi và xin lỗi những sai lầm của họ, kể cả một lời nói hớ hênh trước dân chúng. Chỉ vì các quan chức Nhật biết rằng khi họ nhận lỗi và xin lỗi, nhất thời họ có thể bị mang tiếng xấu và thiệt hại quyền lợi riêng tư. Nhưng về lâu dài, và đây là vấn đề cốt lõi, chính họ và chính quyền của họ sẽ luôn được dân chúng yêu mến và tin tưởng, quyền lợi quốc gia cũng như quyền lợi cá nhân họ sẽ nhanh chóng được phục hồi và phát triển.

Bài học thật giản đơn nhưng vô cùng đắt giá, tiếc thay không phải ai cũng thấm nhuần.

.
.
.

No comments: