Jason Pack
Thủy Nguyệt dịch
Tháng Ba 24, 2011
Jason Pack là một nhà nghiên cứu của Libya tại trường Cao đẳng St Antony thuộc Đại học Oxford. Ông đã làm việc trong cả hai phía Tripoli và Washington, DC
Dù những người chỉ trích nghị quyết ra ngày 17/3 của Hội đồng Bảo an LHQ về việc cho phép thành lập vùng cấm bay và sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ thường dân khỏi nguy hiểm có nói gì đi chăng nữa, thì Libi vẫn chưa thể bị loại ra khỏi hệ thống thế giới. Quốc gia này vẫn nằm ở tâm điểm của thế giới. Libi sở hữu 1.800 km đường bờ biển Địa Trung Hải, chiếm 2% sản lượng dầu thế giới, trong đó có tới 85% là xuất khẩu sang châu Âu. Nhiều người dân Libi từng là những chiến binh Hồi giáo hàng đầu tại Iraq. Từ khi cuộc Đại Suy thoái bắt đầu và nhu cầu dầu trên toàn cầu giảm đi từ năm 2008, Libi đã dành ra 200 tỉ USD để chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Tuy nhiên, trong một bài xã luận đăng trên tạp chí Wall Street Journal tuần trước, Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế, lại cho rằng các lợi ích Mỹ ở Libi là “dưới mức thiết yếu”. Ông cảnh báo rằng việc Mỹ tham gia vào khu vực cấm bay đa phương, dù chỉ ở mức khiêm tốn, sẽ là quá nhiều so với những lợi ích chiến lược hạn chế mà Mỹ nhận được. Giáo sư trường Đại học Harvard Stephen Walt cũng cùng chung quan điểm trên. Walt nói: “Trước tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng kết quả cuộc chiến tại Libi không đe dọa gì tới các lợi ích chiến lược quan trọng của Mỹ”.
Nhưng nếu tìm hiểu sơ qua đôi chút về lịch sử Libi, chúng ta sẽ thấy rằng cả Anh, Pháp, Italia, Nga, Liên Hợp Quốc, và Mỹ từ lâu đều đã đặt một canh bạc lớn vào Libi, thậm chí là trước cả khi nước này phát hiện ra dầu lửa vào năm 1959. Ngày nay, Mỹ sẽ đạt được một trong những lợi ích chính của mình nếu Libi không quay trở lại làm một nhà nước lừa đảo hay lâm vào một cuộc nội chiến. Nếu lãnh đạo Libi, tướng Muammar al-Qaddafi, tái thiết lập quyền kiểm soát ở miền đông hay thậm chí nếu ông ta thất bại và quốc gia này bị chia làm hai, thì các lợi ích của Mỹ tại khu vực này sẽ gặp một cản trở rất lớn.
Vậy điều gì khiến Libi có vai trò quan trọng như thế? Bất kỳ đại lý bất động sản nào cũng có thể trả lời câu hỏi này; đó là: vị trí, vị trí, vị trí. Việc kiểm soát quốc gia này đã, đang, và sẽ là một con đường đặc biệt hữu hiệu để phóng tầm sức mạnh sang Ai Cập, Địa Trung Hải, và xa hơn nữa. Tương tự, một sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối chính sách của Mỹ kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới II cho tới nay chính là ngăn không cho các thế lực thù địch (Xô viết, Muammar al-Qaddafi, hay khủng bố) làm suy yếu các nước lân cận từ lãnh thổ Libi.
70 năm trước, các nước thuộc phe phát xít dùng Libi làm nơi tổ chức các đợt tấn công táo bạo bằng xe tăng vào Kênh đào Suez. Cùng với chiến thắng của Anh tại El Alamein cuối năm 1942 và đợt xâm chiếm miền bắc Libi tiếp sau đó, các nhà hoạch định chiến lược Anh đã nhất trí rằng Cyrenaica (đông Libi) là phần duy nhất trong lãnh thổ thuộc địa Italia có vai trò thiết yếu cho vị trí chiến lược của Anh tại Trung Đông. Năm 1945, bộ trưởng ngoại giao Xô Viết, Vyacheslav Molotov, tìm mọi cách để Xô Viết được trao quyền kiểm soát Tripolitania (tây bắc Libi).
Nhưng đề xuất trên của Xô Viết đã quay đầu phản chủ. Trước đề xuất này, các chính khách Mỹ buộc phải tạm gác những bận tâm của họ về sự bành trướng của Đế quốc Anh vì họ nhận ra rằng ngăn không cho Xô Viết xây dựng một căn cứ hải quân ở Địa Trung Hải là một lợi ích trọng tâm của mình. Pháp và Italia – hai quốc gia cùng muốn leo lên vị trí cường quốc thế giới và đều có lợi ích tại Bắc Phi – cũng muốn có ảnh hưởng ở Libi. Do “vấn đề Libi” bị tất cả các bên tranh cãi, giằng co một cách quyết liệt và dai dẳng như vậy nên xét theo đường lối ngoại giao truyền thống của các nước lớn, đây được coi là một vấn đề nan giải. Năm 1948, vấn đề này được trao lại cho Liên hợp quốc, khi đó mới thành lập, xử lý.
Cuối thập niên 1940, Tổng thống Mỹ Harry Truman và Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin thống nhất với nhau rằng các trường bay ở Libi có vai trò thiết yếu đối với việc phòng thủ trong cuộc Chiến tranh lạnh. Sau khi Libi giành được độc lập năm 1951, những khoản thanh toán của Mỹ và Anh cho thời gian sử dụng quốc gia này làm căn cứ chiếm phần lớn nhất trong GDP của Libi cho tới tận năm 1961, thời điểm Libi bắt đầu xuất khẩu dầu. Tuy tầm quan trọng của máy bay ném bom trong vai trò là phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân đã suy giảm, kéo theo đó là nhu cầu dùng căn cứ cũng vì thế mà giảm đi, nhưng tầm quan trọng chiến lược của Libi vẫn không hề thay đổi. Vì vậy mà khi Tướng Qaddafi lên cầm quyền vào năm 1969, các nhà ngoại giao Anh và Mỹ thi nhau lấy lòng ông ta. Họ chấp thuận làm theo yêu cầu của Qaddafi về việc từ bỏ các căn cứ không quân của mình – họ cho rằng thái độ phục tùng dễ dãi như vậy sẽ khiến lãnh đạo mới của Libi không chạy theo phe chống phương Tây. Nhưng họ đã sai.
Trong suốt thập niên 1970, khi Libi tăng cường ủng hộ cho các cuộc cách mạng quân sự – từ Quân đội Cộng hòa Ai-len cho tới nhà tộc tài Idi Amin của Uganda cho tới vô số các nhóm khủng bố tàn ác khác – các nhà hoạch định chính sách phương tây đã tránh những hành động trả đũa chống lại các lợi ích của Libi. Có một thực tế khá ngạc nhiên là từ năm 1972 tới năm 1977, lượng dầu Mỹ nhập khẩu từ Libi tăng lên tới 10 lần, và lượng hàng hóa của Mỹ xuất sang Libi cũng tăng 3 lần. Qaddafi ung dung sử dụng dòng tiền đô la ào ạt đổ về để làm suy yếu các lợi ích của Mỹ tại châu Phi và Trung Đông.
Trong suốt thập niên 1970, khi Libi tăng cường ủng hộ cho các cuộc cách mạng quân sự – từ Quân đội Cộng hòa Ai-len cho tới nhà tộc tài Idi Amin của Uganda cho tới vô số các nhóm khủng bố tàn ác khác – các nhà hoạch định chính sách phương tây đã tránh những hành động trả đũa chống lại các lợi ích của Libi. Có một thực tế khá ngạc nhiên là từ năm 1972 tới năm 1977, lượng dầu Mỹ nhập khẩu từ Libi tăng lên tới 10 lần, và lượng hàng hóa của Mỹ xuất sang Libi cũng tăng 3 lần. Qaddafi ung dung sử dụng dòng tiền đô la ào ạt đổ về để làm suy yếu các lợi ích của Mỹ tại châu Phi và Trung Đông.
Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, chính sách mặc cả với kẻ thù mà Mỹ áp dụng trong thập niên 1970 bị loại bỏ. Cho rằng với xu hướng chống phương tây và vị trí địa chính trị chiến lược của Libi, việc thay đổi chính quyền ở đây sẽ đem lại một lợi ích lớn cho Mỹ, Reagan đã tuyên bố một câu nổi tiếng rằng Qaddafi là “con chó điên của Trung Đông”. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ năm 1982 và sau đó là các đợt không kích năm 1986 (hành động đáp trả cuộc ném bom một hộp đêm ở Berlin) đã không đem lại kết quả mong muốn. Tới thập niên 1990, việc Mỹ không thể một mình lật đổ Qaddafi đã trở nên rõ ràng. Mối đe dọa mang tên Libi đối với một trật tự thế giới ổn định hậu Chiến tranh lạnh được coi là nghiêm trọng tới nỗi các nhà hoạch định chính sách Mỹ buộc phải lên kế hoạch kêu gọi châu Âu cùng hỗ trợ đẩy Libi ra khỏi hệ thống quốc tế. Với những bằng chứng mờ nhạt, Libi bị quy kết trách nhiệm cho cuộc đánh bom kinh hoàng năm 1988 vào chiếc máy bay số 103 của hãng Pan Am khi chiếc máy bay này đang bay qua vùng Lockerbie, Scotland. Cuối cùng, châu Âu cũng “lên thuyền” tham gia vào các đợt trừng phạt toàn diện của Liên hợp quốc dành cho Libi kéo dài từ năm 1992 cho tới năm 1999.
Năm 1999, nhận thấy những khó khăn do cơ sở hạ tầng dầu mỏ xuống cấp và tình hình doanh thu suy giảm gây ra, Qaddafi giao nộp hai nghi phạm đánh bom ở Lockerbie để xét xử tại Hà Lan (về sau chỉ có một tên, Abdelbasset Ali al-Megrahi, bị kết án). Hành động này khiến Liên hợp quốc phải hoãn lại các lệnh trừng phạt. Vì ngày càng có nhiều quốc gia mở cửa giao thương với Libi nên chính sách chủ động kiểm soát Qaddafi và trông chờ cái ngày ngai vương của ông ta bị lật đổ được áp dụng từ thời tổng thống Reagan lúc này đã mất tính khả thi.
Năm 1999, nhận thấy những khó khăn do cơ sở hạ tầng dầu mỏ xuống cấp và tình hình doanh thu suy giảm gây ra, Qaddafi giao nộp hai nghi phạm đánh bom ở Lockerbie để xét xử tại Hà Lan (về sau chỉ có một tên, Abdelbasset Ali al-Megrahi, bị kết án). Hành động này khiến Liên hợp quốc phải hoãn lại các lệnh trừng phạt. Vì ngày càng có nhiều quốc gia mở cửa giao thương với Libi nên chính sách chủ động kiểm soát Qaddafi và trông chờ cái ngày ngai vương của ông ta bị lật đổ được áp dụng từ thời tổng thống Reagan lúc này đã mất tính khả thi.
Bước vào thiên niên kỷ mới, các nhà đàm phán Mỹ và Anh tăng cường các giao dịch bí mật với giới ngoại giao Libi, và vào năm 2003, Qaddafi thực hiện các khoản bồi thường đầu tiên cho gia đình các nạn nhân vụ Lockerbie. Cùng lúc, Qaddafi cũng lên tiếng thể hiện nguyện vọng từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình. Có vẻ như nhà lãnh đạo lừa đảo này đã cải tà quy chính và hành động đa phương của ông ta cuối cùng cũng tỏ ra có hiệu quả. Libi từng bước được phép tham gia trở lại vào cộng đồng thế giới.
Từ năm 2004 tới 2010, các nhà ngoại giao và doanh nghiệp Mỹ bắt đầu con đường bình thường hóa quan hệ lâu dài và đầy gian nan với Libi. Lối hành xử thất thường của Libi và những màn “trình diễn” lấy lòng với động cơ là giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử của các nghị sĩ Mỹ – thường là về những vấn đề phụ như ý định dựng lều tại Central Park của Qaddafi hay việc thả Megrahi khỏi một nhà tù ở Scotland vì lý do sức khỏe – thường gây cản trở cho quá trình này.
Năm 2008, tôi chuyển từ nghiên cứu về Si-ri sang nghiên cứu về các nỗ lực của Mỹ và châu Âu trong việc lôi kéo Qaddafi trở lại đồng thời xúc tiến lịch trình cải tổ kinh tế theo định hướng thị trường và mở rộng đầu tư của phương tây vào Libi. Quan điểm của tôi khi đó và cho đến bây giờ vẫn giữ nguyên: Libi có vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống thế giới, vì thế mà không thể không thực hiện các ưu tiên chiến lược của phương tây ở đây cũng như không thể để các doanh nghiệp Mỹ đứng ngoài cuộc chơi. Quan điểm này có cơ sở lịch sử vững chắc và nó cũng phù hợp với mong muốn của người dân Libi. Trong suốt 6 thập niên qua, các chính quyền nối tiếp nhau của Mỹ và Anh đều thống nhất một kết luận rằng: “vấn đề Libi” xứng đáng với những hy sinh lớn về kinh tế và ngoại giao. Kết luận này vẫn còn đúng tới bây giờ.
Ngày hôm nay chúng ta lại đứng trước một nan đề quen thuộc. Libi nằm ở giao điểm chiến lược của Địa Trung Hải, châu Phi, và thế giới Ả-rập; và Libi có khả năng – và thực tế cho thấy họ đã nhiều lần áp dụng khả năng này – gây bất ổn cho ba khu vực trên. Có một điều đáng quý là cộng đồng quốc tế đã khéo léo kết hợp cả các lý do nhân đạo và lý do địa chính trị chiến lược để tập hợp nhau lại dưới lá cờ can thiệp đa phương bằng không lực. Sự can thiệp này phải cân bằng được cả hai mục tiêu có tầm quan trọng ngang nhau: lật đổ Qaddafi và bảo đảm rằng nhân dân Libi có quyền kiểm soát cuộc sống cũng như hệ thống chính trị của họ. Hy vọng phương tây sẽ đóng một vai trò hỗ trợ nhưng mang tính quyết định trong cuộc xung đột này. Nếu Qaddafi duy trì được quyền lực và trở lại những ngày tháng cầm quyền bạo ngược huy hoàng trước kia, thì dù Liên hợp quốc có tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt cũng khó lòng mà làm suy yếu được sức mạnh của Qaddafi. Thế giới cần Libi, nhưng Qaddafi từ lâu đã quen với việc phớt lờ những ý kiến của thế giới.
Dù chúng ta có viện dẫn bất kỳ nguyên nhân nào khác, thì dầu lửa cũng vẫn là một phần không thể tranh cãi trong vấn đề này. Theo lời Armand Hammer, cố sáng lập viên công ty dầu lửa Occidental Petroleum, thì nguồn dầu của Libi là “nguồn dầu duy nhất trên thế giới không thể thay thế được”. Lý do khiến mỏ dầu của Libi có vai trò quan trọng đến như vậy là nó gần gũi về mặt địa lý với châu Âu, dễ khai thác, và có hàm lượng sulfur thấp. Vì nhiều nhà máy lọc dầu ở Italia và nhiều nước khác được thiết kế để xử lý nguồn dầu thô ngọt (tức dầu thô chứa ít hơn 0,5% sulfur – Thủy Nguyệt) của Libi, nên sẽ rất khó khăn khi dùng các nhà máy này để xử lý nguồn dầu thô nặng hơn của Ả-rập Xê-út – nguồn dầu thay thế khi sản lượng dầu của Libi bị thiếu.
Kể từ khi mối quan hệ với Libi được nới lỏng từ năm 2003, các công ty phương tây với những tên tuổi như Repsol, Wintershall, Total, Eni, OMV, Shell, the Oasis Group, Chevron, Marathon, ExxonMobil, và BP đều đổ xô tới đây hoặc tăng cường những hoạt động đã có từ trước. Những công ty có mối quan hệ chính trị với chính quyền Libi từ trước giai đoạn Liên hợp quốc áp dụng các lệnh trừng phạt thường được hưởng nhiều ưu đãi hơn các công ty khác. Tất cả sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu để mất những khoản đầu tư khổng lồ của mình tại đây và bị thế chân bởi các công ty của Trung Quốc, Ấn Độ, và Nga một khi Libi trở thành một nhà nước sống “ngoài vòng pháp luật”. Nhưng điều quan trọng nhất là: tuy châu Âu sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất nếu sản lượng dầu của Libi sụt giảm mạnh do tình hình bất ổn tiếp diễn hoặc hoạt động sản xuất dầu bị đình trệ vì thiếu các khoản đầu tư trong tương lai, nhưng tình hình này cũng đem lại những tác động tiêu cực lâu dài đối với cả nền kinh tế thế giới vốn đang bấp bênh và nhân dân Libi.
Đối với các quốc gia châu Âu, tình trạng nhập cư trái phép cũng là một mối bận tâm lớn khác. Bắt đầu từ thập niên 1990, nhằm đối phó lại với sự cô lập của quốc tế, Qaddafi cho phép miễn thị thực nhập cảnh đối với tất cả người châu Phi. Nhưng sau khi người dân Libi nổi giận chống lại dòng người mới đến này, và bản thân họ cũng không tìm được công ăn việc làm tại đây, nhiều người trong số đó đã tìm cách nhập cư trái phép sang châu Âu. “Hiệp định thân thiện” giữa Italia và Libi năm 2008 đã làm hạn chế phần lớn dòng người di cư trái phép này. Song nếu những thiệt hại cho con người ở đây gia tăng, đặc biệt là khi kết hợp với việc đóng cửa biên giới với Tunisia, thì sẽ lại xuất hiện một dòng thác di cư mới. Trước đây, để đạt được những sự nhượng bộ về chính trị từ phía Italia, Qaddafi thường xuyên tìm cách gia tăng dòng người di cư. Nếu Libi trở thành một nhà nước tồi tệ/bị cô lập, thì chắc chắn rằng Qaddafi hay bất kỳ ai kế nhiệm ông ta cũng có thể sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật này để gây sức ép lên châu Âu.
Tương ứng với lượng dầu mà họ sở hữu, Libi là một đất nước vô cùng kém phát triển – đây là hệ quả của những đợt thí nghiệm về kinh tế của Qaddafi trong thập niên 1980 và các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc trong thập niên 1990. Tuy có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Phi, song trình độ học vấn và điều kiện sống của người dân bên ngoài các thành phố lớn của Libi cũng không khác gì so với một số nước châu Phi láng giềng vùng tiểu Saharan. Gia đình Qaddafi mới chỉ thực lòng thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng trong vòng 10 năm trở lại đây. Hai năm qua, tuy nền kinh tế toàn cầu suy thoái, chính phủ Libi vẫn chi tới 60 tỉ USD và còn cam kết chi thêm 160 tỉ USD nữa trong 5 năm tiếp theo. Trong khi tổng nhu cầu trên thế giới (đặc biệt trong khu vực xây dựng) giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với mức năm 2007, thì việc nhu cầu xây dựng của Libi tăng lên sau năm 2007 đã đem lại nhiều hứa hẹn cho các công ty Mỹ và Anh, nhất là các công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý xây dựng và thiết kế kiến trúc, vốn đang lâm vào cảnh lao đao. Nếu Libi trở thành một nhà nước tồi tệ, thì các công ty phương tây chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong tương lai. Nếu tình huống này xảy ra, thì chỉ có những quốc gia như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ – vốn đã quen sống với tình trạng tham nhũng và xâm phạm nhân quyền – mới được lợi từ đống tiền tỉ của Libi.
Khủng bố cũng là một nỗi lo hiện hữu. Có thể chúng ta phải bật cười trước lối nói màu mè hoa lá của Qaddafi rằng những kẻ nổi dậy là “các chiến binh thánh chiến phê thuốc”, song thực tế là Cyrenaica từ lâu đã trở thành nơi chiêu mộ binh lính hiệu quả cho các cuộc thánh chiến của người Hồi giáo trên toàn cầu. Nếu phương tây bỏ qua những kẻ nổi dậy ở Cyrenaica, thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều chiến binh Cyrenaica quay trở lại Iraq vào năm 2012 sắp tới. Thực ra, ở Libi đã hình thành đạo quân chiến đấu lớn thứ ba tại Iraq trước khi bắt đầu bị chặn lại vào năm 2006, khi Mỹ bắt tay với Qaddafi để thực hiện chiến dịch chống khủng bố tại đây. Tương tự, trong giai đoạn hợp tác với phương tây từ năm 2003 tới năm 2010, Qaddafi đã chứng tỏ rằng mình là một đồng minh đáng tin cậy trong việc đối phó với các mạng lưới xuyên Saharan của al Qaeda tại khu vực Hồi giáo Maghreb. Dù cho Qaddafi sẽ tiếp tục duy trì quyền lực sau năm 2011 hay Libi sẽ trở thành một nhà nước tồi tệ, yếu kém, trong đó những người dân vô chính phủ có thể dễ dàng kiếm tiền và tích trữ vô số của cải, thì các hậu quả nghiêm trọng của hai tình huống này cũng sẽ đem lại những ảnh hưởng to lớn cho nhiều khu vực, từ Bắc Phi cho tới khu vực Sahel của châu Phi và thế giới Hồi giáo.
Mỹ, và đặc biệt là châu Âu, không thể chấp nhận được một cuộc nội chiến kéo dài ở Libi, một đất nước Libi dưới bàn tay cai trị của Qaddafi xấu xa, hay sự quay trở lại của những năm 1990, khi mà các hành động trừng phạt đa phương đã gần như loại bỏ Libi khỏi nền kinh tế thế giới và biến đất nước này thành nơi dung dưỡng cho một chính phủ bất bình thường và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Đơn giản, Libi là một canh bạc quá lớn để thua.
Thủy Nguyệt dịch
.
.
.
No comments:
Post a Comment