Bài và hình: Duy Uyên/Việt Herald
(03/08/2011)
WESTMINSTER, California (VH): Tây Ninh - miền quê đầy gió nắng, nhiều gian nan khổ ải, nhưng trĩu nặng ân tình. Nơi có con sông Vàm Cỏ Đông, mềm như dải lụa xanh, quanh năm hiền hòa chảy. Có ngọn núi Bà Đen, ngọn núi như cái nón khổng lồ trồi lên giữa những cánh đồng xanh mướt. Tây Ninh là cố hương, là nỗi nhớ khôn nguôi, làm chạnh lòng những người con xa xứ chọn vùng đất tự do Hoa Kỳ làm bến đỗ cuộc đời. Tây Ninh là tình cảm, là niềm vui thôi thúc để họ kiếm tìm nhau nơi đất khách quê người. Tây Ninh Đồng Hương Hội Hoa Kỳ ra đời cách nay hơn 10 năm, để nối kết những người con xa xứ làm một, an ủi, giúp đỡ nhau trong cuộc sống vốn quá nhiều bể dâu này. Mừng xuân Tân Mão 2011, những người con Tây Ninh đồng hương hội đã sum họp bên nhau tại nhà hàng Paracel Seafood, vào trưa chủ nhật, ngày 6 tháng 3 năm 2011 tuần qua.
Trò chuyện với phóng viên Việt Herald, hội trưởng Phạm Ngọc Lân nói:
“Sở dĩ chúng tôi lấy tên Tây Ninh Đồng hương hội, là vì nó đã có từ khi những người Tây Ninh lên Sài Gòn lập nghiệp đã lấy tên này để gắn bó với nhau. Và nay, khi chúng tôi trốn chạy cộng sản, sang đây, đã lấy lại tên này để lập cho hội.
Người hội trưởng đầu tiên là ông Nguyễn Lý Sáng. Sau đó là đại tá Nguyễn Văn Quý. Và tôi làm hội trưởng nay là nhiệm kỳ thứ hai.
“Làm sao để có lớp trẻ kế thừa, là mối lo không chỉ của các hội đồng hương, mà còn là của cộng đồng. Lớp người có kỷ niệm với quê hương, với tỉnh nhà của mình thì dần dần cao niên, còn lớp trẻ được giáo dục ở đây, không có sợi dây liên lạc với bên nhà, sự thân thuộc không có, thành ra chúng tôi luôn ước mong đào tạo cho những em nhỏ trưởng thành tại Mỹ trong tương lai gắn bó với hội, luôn kêu gọi đồng hương đưa con cháu đến tham dự họp mặt tân xuân, picnic hè.”
Ông Phạm Ngọc Lân, vốn là thành viên của Liên Minh Hải Ngoại Phục Quốc Việt Nam, nhân ngày xuân, ông đã chia sẻ những khắc khoải, ước mong:
“Chúng ta là đồng bào tỵ nạn, luôn mong đừng quên căn cước đó, và hãy truyền cho con cháu biết điều này, để tiếp tục giúp đỡ cho quê nhà, giúp quê nhà mình sớm có tự do như chúng ta được hưởng ở đây.”
Ông nói thêm: “Với trào lưu bên Trung Đông, Bắc Phi, hy vọng dấy lên ngọn sóng bên Việt Nam mạnh hơn. Cộng sản Việt Nam từng giết chết anh hùng Trần Văn Bá, họ nghĩ rằng sẽ dập tắt được phong trào chống đối của quần chúng và tại hải ngoại. Nhưng không, ngọn lửa đấu tranh trong nước, nhất là nơi hải ngoại này so với 30 năm về trước còn phát triển mạnh hơn. Bây giờ, chúng ta có liên lạc với chính quyền Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh... có hậu thuẫn của quốc tế.”
Dẫu ngày họp mặt tân xuân lần này đã là lần tao phùng, hạnh ngộ nhiều lần. Nhưng sao trong ánh mắt nụ cười của người cũ đến dự, vẫn tinh khôi như mới đến lần đầu. Còn những người có cơ duyên tham dự đầu tiên như với thầy Võ Công Thành, 3 chị em cựu học sinh Hoàng Nga, Hoàng Anh, Hoàng Lê (ái nữ của giáo sư Nguyễn Văn Giàu) đến từ San Jose, cựu học sinh Lê Việt Mai Yên... Là những người sau gần 50 năm mới được gặp mặt thầy trò, đồng hương, bè bạn, thì ngày họp mặt này là một sự trở về tuyệt đẹp với những ký ức ngọt ngào đã chắt chiu gìn giữ bao năm qua.
Và cả những ray rứt khôn nguôi, khi nhớ lại miền quê Tây Ninh và những mùa xuân năm xưa, như với thầy Lê Hữu Khoan. Thầy Khoan tâm sự:
“Dù là nhà giáo, nhưng tôi cũng có thời gian 3 năm vào quân trường Thủ Đức. Nên biến cố 1975, sau khi ở tù cải tạo 3 năm, tôi và các con may mắn được gia đình người học trò mời tham gia chuyến vượt biển, lúc đó là vào dịp mùa xuân, khi chúng tôi đến Thái Lan, tôi được chứng kiến cảnh vui xuân của người dân Thái Lan trong lễ hội té nước. Nhìn cảnh đó, tôi đã khóc, vì nhớ quê hương, không biết tương lai mình và các con ra sao. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên được.
Khi đến xứ sở này, tôi đã định cư đầu tiên tại Ohio vào tháng 2, tuyết rơi tầm tã, lúc đó cũng nhằm dịp xuân của mình, lúc ấy tôi lang thang ngoài đường, nhìn thấy trong nhà của những người dân tại đó, có những buổi sum họp gia đình, cây thông giáng sinh vẫn còn. Tôi lại càng tủi thân hơn, sao mình có quê hương, mà mình không thể ở lại quê hương, hưởng xuân của quê hương. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, tôi chuyển về California sống, bất cứ giá nào, ngày hôm nay, các đồng hương quy tụ về đây, có những học sinh cũ của tôi, tôi không thể nào vắng mặt được, tôi đến để tìm lại không khí xuân ấm áp xa xưa”
Sau nghi thức khai mạc và giới thiệu các quan khách, các niên trưởng, các nhân sĩ trong cộng đồng, đại diện các hội đoàn... đến tham dự. Hội Trưởng Đồng Hương Hội Tây Ninh - Phạm Ngọc Lân trong trang phục khăn đóng áo dài đã lên ngỏ lời chào mừng, và cám ơn quan khách tham dự.
Hội trưởng Phạm Ngọc Lân nói:
“Là người chịu trách nhiệm về các sinh hoạt của Hội, chúng tôi cũng thành thật cám ơn các anh chị trong Ban Điều Hành đã tận tình làm việc, cũng như nhị vị cố vấn Cựu Hội Trưởng và các vị trong Hội đồng niên trưởng đã giúp đỡ ban điều hành hoàn thành nhiệm vụ trong năm vừa qua...
Chúng tôi ước mong vẫn được sự hợp tác, đóng góp và tham gia của tất cả quý đồng hương và thân hữu, để chúng ta vẫn duy trì được mối liên lạc tương thân, tương ái, và những tình cảm bằng hữu còn lại giữa đồng hương và thân hữu của chúng ta...”
Nhân dịp xuân mới, hội trưởng Phạm Ngọc Lân gởi lời kính chúc đến các quan khách, truyền thông, báo chí, các bậc trưởng thượng, quý vị trong Hội đồng Niên trưởng, các thân hữu và đồng hương một năm Tân Mão được đầy đủ sức khỏe và bình an trong tâm hồn. Còn các cháu thì lúc nào cũng vui vẻ và học hành tấn tới.
Đoàn Lân nhí 5 con của Trung Tâm Việt Ngữ Minh Đức đã theo nhịp giòn giã của chiêng trống, tiến vào hội trường. Sắc màu của năm con lân theo sau ông địa, kết hợp động tác múa uyển chuyển cùng với các nhạc cụ bộ gõ làm nổi bật hình ảnh sống động dễ thương, nhiều đồng hương, quan khách thi nhau cho Lân, địa “ăn” những phong bao lì xì đỏ thắm.
Theo nhịp điệu tiếng trống, lân, địa lắc lư nhịp nhàng, đem lại những tràng cười sảng khoái, đem hân hoan đến cho mọi người. Với điều ước chung của mọi người cầu mong năm hết, Tết đến "nhà nhà vui vẻ đón xuân sang, năm mới mọi chuyện đều tốt lành".
Với giọng đọc hùng hồn, không kém phần dí dỏm, hội trưởng Phạm Ngọc Lân thật xuất sắc trong vai Táo quân, báo cáo Ngọc Hoàng về những việc đã làm và những gì xảy ra của Tây Ninh Đồng Hương Hội trong năm qua, phụ họa là tiếng chập chả vang rền. Buổi chầu Ngọc Hoàng của táo quân Phạm Ngọc Lân, đã đem lại những phút giây hào hứng cho mọi người tham dự.
Đại diện hội đồng niên trưởng - đại tá Trần Cửu Thiên đã lên sân khấu gửi lời chúc tết đến quan khách, đồng hương.
Tân thành viên hội đồng niên trưởng, đại tá Nguyễn Văn Quý được cựu hội trưởng Nguyễn Lý Sáng giới thiệu ra mắt mọi người.
Những đóa hoa tươi thắm được các chị trong ban tổ chức trao tặng cho những vị niên trưởng trong hội, tuổi từ 75 trở lên, lễ mừng thọ đã diễn ra thật trang trọng.
Hầu như năm nào cũng tham dự những lần họp mặt với Tây Ninh Đồng Hương Hội, Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm đã lên ngỏ lời chúc mừng buổi họp mặt của đồng hương Tây Ninh thành công. Ông cũng nhắc lại lịch sử hào hùng của những ngày đầu khai hoang mở đất, và những con người đã gắn liền với tên đất, tên làng làm nên tên gọi Tây Ninh!
Các em trong đoàn múa Lạc Hồng, các em thuộc trung tâm Việt ngữ Minh Đức, cùng với các đồng hương thân hữu Tây Ninh đã đem đến những điệu múa, lời ca góp vui cho ngày hội ngộ thêm đậm đà tình xuân qua những nhạc khúc, điệu vũ rộn ràng.
Sau vài giờ vui xuân bên nhau, đồng hương và quan khách tham dự ra về, đều nhận được món quà xuân đậm đà, quyển “Đặc san Tây Ninh quê tôi 2011” dày hơn 300 trang, trình bày trang nhã, do 32 đồng hương và một thân hữu, bằng những lời thơ, văn chân tình, đã vẽ nên vóc hình của một vùng quê Tây Ninh chân chất, giản dị mà chan chứa tình người, về những kỷ niệm nhớ thương nơi chôn rau cắt rốn, những khắc khỏi hy vọng một Việt Nam tự do, không cộng sản, để những người con xa xứ sớm được trở về thăm lại chốn xưa.
Quí vị muốn có đặc san Tây Ninh quê hương tôi, hoặc tham gia sinh hoạt với hội, xin liên lạc về: Tây Ninh Đồng Hương Hội USA- 14645 Serin Avenue, Irvine, California 92606. Điện thoại: (714) 414-9295; fax: (714) 537-7974 Hoặc Phạm Ngọc Lân (714) 414-9215 Email: DSTNQT@yahoo.com / lanpham9@hotmail.com. (D.U)
.
.
.
No comments:
Post a Comment