Friday, March 11, 2011

TÂM TÌNH CỦA CỰ TÙ CỘNG SẢN 17 NĂM TRONG TRẠI NAM HÀ - HÀM TÂN (Thanh Phong)

Thanh Phong/Viễn Đông
Cập nhật lúc 8:21:46 PM - 10/03/2011

Ban tổ chức buổi họp mặt, từ trái qua phải: Phạm Gia Đại, Trần Vệ, Dương Chiến, Lê Hữu Minh, Phan Tấn Ngưu, Nguyễn Tuấn Linh, Hoàng Lãm, Trần Quang Lựu, Tạ Quang Hoàng, Trần Tiễn San (và hai anh nữa không có mặt trên sân khấu là Phan Kỷ Niệm và Nguyễn Minh Quân) – ảnh BTC cung cấp.

SANTA ANA - Buổi trưa Chủ Nhật, ngày 6-3-2011 vừa qua, hơn 150 cựu tù nhân chính trị thuộc hai trại tù cộng sản Nam Hà (ngoài Bắc) và Hàm Tân Z. 30 D (trong Nam) đã tổ chức buổi họp mặt tại Regent West Restaurant thuộc thành phố Santa Ana. Theo cựu tù nhân Tạ Quang Hoàng cho biết, “đây là lần đầu tiên các cựu tù thuộc hai trại trên đã có một cuộc họp mặït đông đảo như vậy tại Nam Cali, kể từ khi có chương trình HO vào năm 1990”.

Ông Tạ Quang Hoàng giải thích vì sao có sự kết nối 2 trại Nam Hà và Hàm Tân Z. 30 D: “Buổi hội ngộ được Ban Tổ chức lấy danh xưng nối kết 2 trại ‘Nam Hà và Hàm Tân Z. 30D’ có một ý nghĩa đặc biệt như
sau:
“Nam Hà là biểu tượng hệ thống lao tù của cộng sản. Là một ‘sản phẩm’ của thời Pháp thuộc, và đượ cộng sản Hà Nội tiếp tục sử dụng để giam giữ những người chống đối với chế độ ngay sau khi chúng cai trị miền Bắc năm 1954. Sau 1975, chúng dùng để giam giữ Quân, Cán, Chính VNCH cao cấp, khi chuyển họ ra Bắc vào năm 1976. Khi cộng sản bắt đầu cho chuyển tù từ Bắc trở về Nam, vào cuối năm 1979, Nam Hà là trại cuối cùng ở miền Bắc đóng cửa (tháng 5-1988).

Hàm Tân Z. 30D là trại tù ở miền Nam đóng cửa sau khi 20 người Quân, Cán, Chính VNCH cuối cùng được thả vào cuối tháng 4-1992 (trong ban tổ chức họp mặt có 6 người).
Nam Hà là Đầu và Hàm Tân Z. 30D là Cuối. Nhắc đến Nam Hà - Hàm Tân Z. 30 D là nhắc đến toàn bộ những gì mà cộng sản Hà Nội đã dành cho Quân, Cán, Chính VNCH, sau ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam ngày 30-4-1975”.

Phóng viên Viễn Đông đã tiếp xúc với cựu tù Phạm Gia Đại, trưởng ban tổ chức ngày họp mặt. Ông Phạm
Gia Đại trước 1975 làm việc cho Đệ Thất Không Đoàn Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhất, sau đó làm cho Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, rồi được biệt phái qua yểm trợ cho một cơ quan của Phủ Tổng Thống, là một trong những người sau cùng ra khỏi trại tù Hàm Tân Z. 30 D sau 17 năm.

Ông Đại chia sẻ tâm tình của mình:
“Ban tổ chức Đại Hội chúng tôi gồm có 12 người, đều là tù nhân đã ở cả hai trại Nam Hà và Hàm Tân, trong đó 6 anh ở khoảng thời gian cuối cùng. Nam Hà và Hàm Tân là hai cái mốc quan trọng trong chặng đường lao tù của chúng tôi, bởi vì Nam Hà là cái trại cuối cùng ở miền Bắc còn giam giữ tù nhân chính trị cho tới tháng 5-1988; chúng tôi gồm 90 người còn lại ở toàn miền Bắc được chuyển vào trại Hàm Tân. Vô Hàm Tân, chúng tôi 90 người cộng với khoảng hơn 60 anh trong đó, thành ra con số lên đến khoảng 160 anh, đều là những người tù cuối cùng của toàn thể Việt Nam, trong số hàng triệu người miền Nam phải vào tù cộng sản, đầu tháng 5-1992 thì mới thả hết số đó. Thành ra trại Hàm Tân trở thành trại cuối cùng còn giam giữ tù chính trị, và đó là hai mốc thời gian quan trọng.
Trong số những người về sau cùng có các ông Tướng Đảo, Thân, Di và Tướng Giai, cùng 16 anh em, trong đó có tôi, anh Phan Tấn Ngưu và anh Minh, tất cả bị 17 năm tù. Năm 1976 chúng chuyển chúng tôi ra ngoài Bắc, một số chúng đưa về Nam Hà, một số về trại Hà Tây và nhiều trại khác. Trước đó, khi còn ở trong Nam, chúng giam chúng tôi ở Long Thành, gọi là trại Cô Nhi một năm, ra Bắc tù 12 năm rồi vô Hàm Tân thêm 4 năm nữa, cuối cùng mới được thả.
Về những kỷ niệm thì nhiều lắm. Tháng 12 vừa rồi tôi có lên San Jose thăm con, thì đài truyền hình trên đó của anh Nam cũng phỏng vấn và hỏi tôi câu hỏi này, kỷ niệm thì nhiều lắm bởi vì tôi đang viết Hồi Ký Những Người Tù Cuối Cùng, và có đưa cho bạn bè xem, thì được rất nhiều anh em, bạn bè khuyến khích; tôi đang viết đoạn kết. Trong đó tôi có kể một số kỷ niệm tôi đã nhìn thấy và trải qua, và tôi nghĩ viết lại để cho những người chưa trải qua cũng như người ở ngoài đời chưa bước chân vào tù cộng sản có thể hiểu được, thì trong đó có một khía cạnh về tôn giáo.
Tôi có thời gian ở chung với các vị thuộc Nha Tuyên Úy Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành... Tôi ở chung với các Thầy bên Phật Giáo nhiều hơn, nên tôi có viết một bài ‘Huyền Thoại Về Một Nhà Sư’, tôi muốn nói về Thượng Tọa Thích Thanh Long, quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo trước 1975. Tôi ở tù với Thầy và tôi thấy đó là tấm gương rất sáng chói của một vị tu hành, đã giúp đỡ rất nhiều anh em trong trại giam. Ngoài ra cũng có những kinh nghiệm mà chúng tôi trải qua, có lẽ không có bút mực nào tả hết được. Đã rất nhiều người viết hồi ký trong trại giam rồi.
Đây tôi chỉ nêu một cái tôi nhớ nhất, là khoảng cuối năm 1987. Trước Tết năm 1988 có hai đợt thả gọi là to nhất, lớn nhất ở trại Nam Hà. Sau hai đợt thả đó rồi, trại chúng tôi còn 90 người, mà mùa Đông năm đó mưa phùn, gió bấc nó lạnh lắm, lạnh cắt da mà chúng tôi ở trong buồng giam trống rỗng hết, vì bạn tù được thả về gần hết rồi. Chúng tôi lúc đó tâm trạng rất hoang mang, tinh thần xuống rất nhiều, vì mình còn quá ít, không biết họ đối xử với mình thế nào, tương lai mình về đâu!
Bởi vì lúc đó họ tuyên bố: ‘Những người nào còn ở lại trong trại giam là những thành phần không thể cải tạo được, thành phần có nợ máu nhiều đối với nhân dân’, v.v., nên chúng tôi không biết họ đối xử với mình như thế nào? Đó là cái Tết buồn thảm nhất của chúng tôi. Một mặt các bạn tù về hết rồi, các Thầy, các Cha, các Mục sư cũng đã về hết, cái buồng giam lớn như thế mà chỉ còn có mười mấy người với nhau thôi! Tôi nghĩ đó là khoảnh khắc thử thách lớn nhất trong cuộc đời của những người tù, và đó là cũng nhờ anh em chúng tôi đều có đức tin. Tin vào Ơn Trên, tin vào Trời, vào Phật, nên đã giữ được tinh thần để mà đứng vững qua mùa Đông năm đó, cho đến mùa Hè 1988, họ mới quyết định chuyển chúng tôi về trại Hàm Tân Z. 30D ở miền Nam”.

Ông Đại kể tiếp về một cuộc biểu tình ở trại Hàm Tân: “Khi tôi về Hàm Tân năm 1990, lúc đó chúng tôi đã ở tù trên 15 năm, nhưng họ vẫn bắt chúng tôi lao động khổ sai giống như các tù hình sự, nên có một hôm chúng tôi đi lao động qua một cái trảng lớn, chỗ đó trống và hôm đó lại gặp mưa bão nữa, trong khi anh em chúng tôi già yếu, họ bắt vác cày vác cuốc, nên khi đi, gió muốn thổi mình bay đi. Nhưng khi qua cái trảng đó rồi, chúng tôi nghĩ tức quá, đến giờ phút này mà nó còn bắt mình lao động, nên anh em bảo nhau vất hết cuốc, cày xuống đất, không lao động nữa. Tên quản giáo lại hỏi: ‘Tạisao các anh lại ngồi ở đây?’. Mấy anh em trả lời: ‘Ông vô trong trại, báo cho trại biết, chúng tôi không có lao động nữa, mấy ông muốn làm gì thì làm’. Chúng tôi nhất định ngồi lì biểu tình. Mấy tên cán bộ quản giáo quanh đó xúm lại, không biết làm sao! Chúng tôi nói, ‘chúng tôi không có đủ sức khỏe để mà vác cuốc, vác cày đi lao động, mỗi ngày bao nhiêu cây số như thế này nữa, 15 năm tù rồi’.

Tên quản giáo chạy vô trại báo, và bảo chúng tôi vô căn nhà hoang ở gần đó ngồi chờ quyết định. Anh em bảo nhau kỳ này nhất định không có lùi, bởi vì một sống một chết, chứ đến nước này mà nó còn đày ải mình ngang với tù hình sự như thế là không được. Ngồi chờ hai tiếng đồng hồ sau mới có tên đại úy ra kêu tập họp để nói chuyện. Trong khi nói chuyện họ hỏi tại sao các anh chống đối lao động?

Mấy anh em mới nói, chúng tôi không còn sức khỏe nữa, và chúng tôi thấy bất công, bên hình sự họ còn trẻ, còn chúng tôi năm, sáu chục tuổi cả rồi. Nói qua nói lại một hồi, thì tên đại úy ra lệnh chúng tôi trở về trại và sau đó họ cho chúng tôi lao động tương đối nhẹ quanh trại và không phải đi xa nữa. Đó là cái kết quả của cuộc tranh đấu, nhưng tôi nghĩ một phần cũng do quốc tế lúc đó đã chú ý tới những người tù cuối cùng, và đã có cam kết giữa phía Mỹ và cộng sản, phải thả hết tù chính trị, nên lần đầu tiên nó đã nhượng bộ chúng tôi”.

Chúng tôi hỏi ông, trong vai trò trưởng ban tổ chức, nhận xét ra sao về cuộc họp mặt kỳ này tại Nam California, ông Đại cho biết: “Tôi thấy sự thành công Đại Hội lần đầu tiên này là một cảm xúc mãnh liệt. Chúng tôi trong ban tổ chức đều có một sự xúc động, bởi có nhiều người bạn tù không ngờ còn được gặp nhau hôm nay. Chúng tôi đã mừng mừng, tủi tủi chia sẻ cho nhau những mẩu chuyện chia cơm, sẻ áo cho nhau trong tù, và hôm đó không khí rất đặc biệt, không giống không khí bất cứ đại hội nào trước đây, vì nó rất đặc biệt cả với những người đang tham dự tại đây. Họ đã từ khắp phương trời về đây. Họ không chỉ là tình bạn, tình chiến hữu, mà là tình cảm vô cùng quý báu giữa con người với con người; như anh Ưng Du năm nay đã trên 90 tuổi rồi, mà vẫn cố gắng nhờ người chở tới, và cũng như anh nhỏ tuổi nhất, anh Long chưa tới 60, tất cả đều có chung một cảm xúc, xúc động không nói lên lời”.

© ViễnĐôngDailynews
.
.
.

No comments: