Friday, March 11, 2011

LÊ XUYÊN NÓI VỀ "CHÚ TƯ CẦU" (Viên Linh)

Viên Linh
Wednesday, March 09, 2011

Ðược bạn ra đề tài viết về “đồng quê miền Nam,” Lê Xuyên viết truyện đầu tiên trong đời: Chú Tư Cầu.

Nhà văn Lê Xuyên (1927-2004)

Nhà văn Lê Xuyên mất khoảng 21 giờ 30 ngày 2 tháng 3 năm 2004 tại Sài Gòn, hai ngày sau một cuộc họp mặt tưởng niệm đã được diễn ra trọng thể tại hội trường báo Người Việt, với di ảnh người quá cố và một bình hoa bày trên diễn đàn, cùng rất đông văn nghệ sĩ trí thức, bạn đồng chí năm xưa, và thân hữu độc giả hâm mộ, đã tới nhắc nhở về anh, kể chuyện về anh, trong không khí trang nghiêm mà ấm áp. Diễn giả Võ Long Triều, nguyên chủ nhiệm nhật báo Ðại Dân Tộc mà Lê Xuyên là tổng thư ký Tòa soạn, vừa cất tiếng đọc bài tưởng niệm “Lê Xuyên ơi!...” thì nghẹn ngào, không đọc được nữa, khiến nhà thơ Ðỗ Quí Toàn phải đọc thay. Lần lượt lên phát biểu có tác giả Viên Linh, từng viết 3 truyện dài cho tờ nhật báo Quật Cường khi Lê Xuyên làm tổng thư ký, và các nhà văn Thảo Trường, ông Hoài Sơn của Ðảng Ðại Việt, ký giả Vũ Ánh...

Người viết bài này những năm trước 1975 đã bốn lần phỏng vấn Lê Xuyên, mỗi lần phỏng vấn theo một đề tài riêng, không kể những cuộc trò chuyện vô đề, lúc này lúc khác, khi ở tờ báo này, lúc ở tòa soạn khác, hay nơi quán xá, hội trường câu lạc bộ báo chí, v.v... Trong những lần đó, đề tài “Tác phẩm đầu tay” là thú vị nhất.

Trong nghiệp văn, cho dù nổi tiếng đến đâu, hậu vận ra sao mặc lòng, đứa con đầu đời của một nhà văn - tức là tác phẩm đầu tay của nhà văn đó - hầu như chiếm một chỗ lớn nhất, đẹp nhất, trong trí tưởng của người sáng tạo ra nó. Trường hợp vào nghề của Lê Xuyên rất đẹp. Mà tác phầm đầu tay của ông, có thể nói là hiếm hoi, lại là tác phẩm nổi tiếng nhất, quan trọng nhất của ông. Câu hỏi được đưa cho ông là một lá thư đánh máy gửi đi. Và câu trả lời của Lê Xuyên là một hai tờ giấy viết tay, gửi lại.

Nhà văn Lê Xuyên:
“Chú Tư Cầu, một chuyện tình kể trong bốn bức tường nhà giam, hễ nghe ai đá động tới là tôi không được mấy yên bụng.
“Ý kiến, cảm tưởng của tôi về tác phẩm đầu tay? Thật là khó nói. Vì việc tôi vào nghề báo cũng như viết truyện dài đầu tiên đăng trên nhựt báo, bất quá cũng chỉ là một vấn đề số mạng.
“Ðành rằng hồi còn nhỏ, hồi còn đi học tôi cũng thích làm văn, làm thơ, nhưng quả tình tôi không ngờ có ngày mình lọt được vô nghề này. Truyện dài đầu tay của tôi là ‘Chú Tư Cầu’ đăng trên nhựt báo ‘Sài Gòn Mai.’ Ðang thất nghiệp, tôi được anh Vương Hữu Ðức (lúc bấy giờ là tổng thư ký tòa soạn nhựt báo Sài Gòn Mai) gọi tới để làm phụ với anh, và cũng chính anh Ðức đã bảo tôi viết cho tờ S.M. một truyện dài ‘đồng quê miền Nam.’ Có lẽ vì tin tưởng phần nào ở tôi, và chắc do khiếu ‘đánh hơi’ nhà nghề nên anh Ðức chỉ ‘hạ lịnh’ vỏn vẹn cho tôi như thế. Và tôi bắt đầu viết ‘Chú Tư Cầu.’
“Cũng may là hồi còn kẹt trong tù, tôi được mấy anh em ở miệt quê kể cho nghe rất nhiều câu chuyện sống với đầy đủ tình tiết (mà Chú Tư Cầu là một) và trước khi bị kẹt, có một thời gian tôi về ẩn náu tại miền Tây, nên chụp vô chuyện Chú Tư Cầu là tôi viết phăng tới liền, chớ nếu không, thì ‘tang gia bối rối’ biết bao nhiêu!
“Giả sử lúc bấy giờ anh Ðức bảo tôi viết truyện gián điệp hay truyện ma gì đó, tôi cũng viết như thường. Như vậy chẳng do ‘phần số,’ chẳng do ‘thiên định’ là gì?
“Chưa hết. Sau nay, khi tôi viết truyện thứ ba hay thứ tư gì đó, trong một lúc ‘tâm tình cởi mở’ với tôi, ông chủ nhiệm S.M. có tiết lộ rằng hồi tôi mới bắt đầu viết truyện ‘Chú Tư Cầu,’ có người mấy lần khuyên ông nên ‘cúp’ truyện này để thay thế vào một truyện khác, nhưng ông không nghe. (nhưng chắc có lúc ông gần xiêu lòng!) Lời tiết lộ nầy (tuy rất ‘vô hại’) cũng đủ làm cho tôi muốn đổ mồ hôi hột. Giả sử ông chủ nhiệm chịu nghe lời khuyến cáo ấy? - thì làm gì có trọn truyện ‘Chú Tư Cầu’ - cái được gọi là ‘tác phẩm đầu tay’ của tôi! Và làm gì còn có Lê Xuyên trên cõi đời này!
“Tất cả chỉ là một thứ hên xui khá toát mồ hôi lạnh đối với một kẻ sống về nghề văn, nghề báo. Bởi vậy, ngày nay, hễ nghe ai đá động đến chuyện ‘tác phẩm đầu tay’ là tôi không được mấy ‘yên trong bụng.’ Ðời tôi, tôi còn phải đương đầu rất nhiều với sự hên xui kia mà! Và bộ hên hoài được sao?”

Trong phần trả lời, nhà văn Lê Xuyên có nhắc tới mấy chữ “hồi còn kẹt trong tù.” Ðộc giả có thể không rõ lắm, nếu không tìm hiểu thêm về ông. Lê Xuyên tên thật Lê Bình Tăng, sinh năm 1927 tại Cần Thơ, hoạt động cầm súng chống Pháp từ trước năm 20 tuổi.

Ở tuổi có ý thức chính trị, ông tham gia Ðảng Ðại Việt, cùng hoạt động chung, ở chung phòng với một đảng viên khác rất nổi tiếng là Phạm Thái. Người sau này từng xuất bản tờ báo tranh đấu có tên Tự Quyết ở Sài Gòn. Một nhà cách mạng lão thành khác của Ðại Việt, là ông Hoài Sơn, có lên Diễn Ðàn hôm 5 tháng 3, 2004 tại báo Người Việt, kể rằng Lê Xuyên người thì gầy gò nhỏ bé, nặng có hơn bốn mươi mấy ký lô, nhưng “nhận định thời cuộc rất sắc bén.” Tuy vậy ông ít nói. “Nếu Phạm Thái nói không ngừng, anh em trong phòng gọi là ‘máy nói,’ thì Lê Xuyên bị gọi là ‘máy câm.’”

Lê Xuyên, vì hoạt động đảng phái, nên còn ở tù quốc gia, gia đình trị. Mãi 1960 mới được thả. Một nhà văn nói nhiều có khi chỉ viết được những cuốn sách mỏng; còn Lê Xuyên đã sản xuất những cuốn sách khoảng bảy, tám trăm trang. Không có cuốn truyện nào của ông mỏng hơn bốn trăm trang cả. Chú Tư Cầu: 907 trang. Ðêm Không Cùng: 639 trang. Rặng Trâm Bầu: 419 trang. Vợ Thầy Hương: 496 trang. Vùng Bão Lửa: 543 trang.
.
.
.

No comments: