Tuesday, March 29, 2011

SỰ NỔI LÊN CỦA TRUNG QUỐ C CÓ DẪN TỚI CHIẾN TRANH ? (Charles Glaser)

Charles Glaser
28/03/2011 05:00 GMT+7

Các nhà lý luận về quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa hiện thực thông thường sẽ cho rằng những sức ép cơ bản của hệ thống quốc tế sẽ đẩy Mỹ và Trung Quốc vào xung đột. Những nói đúng hơn, chủ nghĩa hiện thực cũng có thể lạc quan trong trường hợp này, nếu Washington có thể tránh cường điệu hóa nguy cơ đặt ra bởi sức mạnh đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Sự nổi lên của Trung Quốc sẽ có thể là câu chuyện lớn nhất về quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI, nhưng vẫn chưa rõ liệu câu chuyện này có một kết cục có hậu hay không. Liệu sự nổi lên của Trung Quốc có làm gia tăng khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc? Liệu một kỷ nguyên căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung có nguy hiểm như chiến tranh Lạnh? Hay sẽ tệ hơn, vì Trung Quốc không giống như Liên Xô, sẽ chứng tỏ là một đối thủ cạnh tranh thực sự về kinh tế cũng như về địa chính trị?
Các vấn đề này đã được một loạt các chuyên gia đề cập đến, từ những nhà sử học đến nhà kinh tế học và khu vực học. Nhưng những đặc điểm của riêng Trung Quốc, cách hành xử trước đây cũng như hành trình kinh tế của họ sau này có thể sẽ dẫn tới những sự kiện tương lai không nghiêm trọng như người ta tưởng, vì việc một quốc gia sẽ hành xử như thế nào trong vai trò là một siêu cường và liệu các hành động của họ và những người khác sẽ kết thúc trong chiến tranh hay không được quyết định bởi các mô hình chung của chính trị quốc tế chứ không chỉ bởi các nhân tố thuộc đặc tính riêng. Những câu hỏi lớn hơn về các điều kiện trong đó việc chuyển đổi quyền lực dẫn tới xung đột chính là cái mà các nhà lý luận về quan hệ quốc tế đang nghiên cứu.
Cuộc tranh luận về Trung Quốc chia các nhà lý luận về quan hệ quốc tế thành hai phe: tự do lạc quan và hiện thực bi quan. Những người lạc quan cho rằng vì trật tự thế giới hiện nay được quyết định bởi sự cởi mở về kinh tế và chính trị, nên nó phù hợp với sự nổi lên hòa bình của Trung Quốc. Theo đó, Mỹ và các nước lớn khác có thể và sẽ tỏ rõ rằng Trung Quốc được hoan nghênh gia nhập trật tự hiện nay và cùng thịnh vượng, và Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ làm điều tương tự thay vì phát động một cuộc chiến nguy hiểm và tốn kém để lật đổ hệ thống này và xây dựng một trật tự mới đúng với ý mình hơn.
Ngược lại, quan điểm hiện thực thông thường dự báo sẽ có cuộc cạnh tranh gay gắt. Hầu hết những người theo trường phái này đều cho rằng sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc sẽ khiến nước này theo đuổi những lợi ích của mình một cách quyết đoán hơn, từ đó sẽ khiến Mỹ và các nước khác cân nhắc biện pháp nhằm tạo thế cân bằng. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ ít nhất sẽ phát triển thành một cái tương tự như sự không cởi mở trong thời chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, và thậm chí có thể trở thành một cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ. Thái độ cứng rắn gần đây của Trung Quốc khi đòi chủ quyền trên biển Hoa Đông và biển Đông, và quan hệ xích lại gần nhau hơn giữa Mỹ và Ấn Độ là những dấu hiệu cho thấy cái vòng luẩn quẩn ấy và các biện pháp tạo đối trọng đã bắt đầu.
Tuy nhiên trên thực tế, có một cách nghĩ khác cũng hiện thực nhưng vẫn lạc quan. Sự nổi lên của Trung Quốc không nhất thiết dẫn tới cạnh tranh và nguy hiểm như các lập luận hiện thực thông thường, vì các lực lượng cấu trúc đẩy các cường quốc chính vào xung đột tương đối yếu. Hơn nữa, những nguy cơ không được báo trước trong các học thuyết về hệ thống quốc tế nói chung, mà xuất phát từ các cuộc tranh cãi quy mô nhỏ, đặc biệt ở Đông Bắc Á. Và bối cảnh an ninh trong hệ thống quốc tế rộng hơn sẽ khiến các cuộc tranh cãi này trở nên dễ giải quyết hơn với Mỹ và Trung Quốc. Bởi vậy cuối cùng, kết quả của sự nổi lên của Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc vào các sức ép của hệ thống quốc tế, mà phụ thuộc vào việc các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc xử lý tình hình như thế nào. Các cuộc xung đột không được quyết định từ trước, và nếu Mỹ có thể thay đổi cho phù hợp với các điều kiện quốc tế mới, đưa ra một số nhượng bộ dù không thoải mái, và không thổi phồng các nguy cơ, thì hoàn toàn có thể tránh được một cuộc xung đột lớn.

Thế "tiến thoái lưỡng nan" có lợi về an ninh
Chủ nghĩa hiện thực cấu trúc giải thích các hành động của quốc gia dưới dạng sức ép và cơ hội tạo ra bởi hệ thống quốc tế. Theo quan điểm này, không cần nhìn vào các nhân tố bên trong để giải thích các cuộc xung đột quốc tế vì các hành động hàng ngày của từng quốc gia độc lập, nhằm nỗ lực đảm bảo an ninh của mình trong một thế giới hỗn loạn, có thể dẫn tới chiến tranh. Tất nhiên điều này không phải lúc nào cũng xảy ra và tại sao các nước tìm cách đảm bảo an ninh cho mình lại tự dấn thân vào chiến tranh thực sự là một câu hỏi khó, vì họ hoàn toàn có thể chọn cách hợp tác và các lợi ích của hòa bình thay vì chiến tranh. Câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở khái niệm thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh - một tình huống trong đó các nỗ lực của một quốc gia nhằm tăng cường an ninh cho mình sẽ làm giảm an ninh của các nước khác.
Một mặt, cường độ của thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh phụ thuộc vào mức độ dễ dàng tấn công và gây sức ép. Khi tấn công là điều dễ dàng thực hiện, thậm chí những gia tăng nhỏ về sức mạnh quân sự của một quốc gia cũng sẽ làm suy giảm đáng kể an ninh của các nước khác, càng gây thêm nỗi sợ hãi và dẫn tới tăng cường vũ trang. Ngược lại, khi việc phòng ngự và răn đe dễ dàng hơn thì các thay đổi về sức mạnh quân đội của một nước sẽ không hẳn là mối đe dọa với nước khác, và khả năng duy trì các quan hệ chính trị tốt giữa những người chơi trong hệ thống này sẽ được tăng cường.
Mặt khác, cường độ của thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh cũng phụ thuộc vào niềm tin của các nước vào các động cơ và mục đích của một nước. Ví dụ nếu một quốc gia tin rằng đối thủ của họ chỉ muốn đảm bảo an ninh - chứ không phải là ham vọng chế ngự cả hệ thống - thì khi đó họ sẽ thấy việc gia tăng sức mạnh quân sự của đối thủ không đáng lo lắng và không cảm thấy cần phải đáp trả, do đó tránh lao vào vòng luẩn quẩn leo thang quân sự và chính trị.
Khi thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh trở nên nghiêm trọng, chạy đua sẽ gia tăng và nhiều khả năng dẫn tới chiến tranh. Nhưng khi thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh dịu bớt, một người theo thuyết hiện thực cấu trúc sẽ thấy rằng hệ thống quốc tế tạo cơ hội cho kiềm chế và hòa bình. Hơn nữa nếu hiểu đúng, thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh cho thấy một quốc gia sẽ được an toàn hơn khi đối thủ của họ được đảm bảo an ninh hơn - vì tâm trạng bất an có thể buộc một đối thủ có các chính sách cạnh tranh và đe dọa. Động lực này khuyến khích kiềm chế và hợp tác. Nếu một đối thủ có thể thuyết phục được rằng tất cả những gì họ muốn là an ninh (chứ không phải bá chủ), thì đối thủ có thể được giải tỏa.
Tất cả những phân tích trên cho thấy điều gì trong sự nổi lên của Trung Quốc? Xét ở góc độ rộng nhất, đây là một tin tốt lành. Các điều kiện quốc tế hiện nay sẽ thúc đẩy cả Mỹ và Trung Quốc bảo vệ các lợi ích sống còn của mình mà không đặt ra mối đe dọa lớn cho nước kia. Vũ khí hạt nhân khiến các cường quốc có thể duy trì sức mạnh răn đe ở mức cao. Ngay cả khi sức mạnh của Trung Quốc vượt qua Mỹ, Mỹ vẫn hoàn toàn có thể duy trì sức mạnh hạt nhân để có thể chiến thắng mọi cuộc tấn công của Trung Quốc và đe dọa gây thiệt hại lớn trong một cuộc tấn công trả đũa. Trong khi đó, các cuộc tấn công thông thường quy mô lớn của Trung Quốc nhằm vào nước Mỹ thường là không thể vì Mỹ và Trung Quốc cách nhau cả một đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương. Sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc sẽ không đủ vượt qua lợi thế kép trong phòng thủ của Mỹ. Và chính đây cũng là lợi thế của Trung Quốc. Dù hiện yếu hơn Mỹ về quân sự, nhưng Trung Quốc sẽ sớm xây dựng một sức mạnh hạt nhân đủ để răn đe. Và Trung Quốc sẽ không thấy các sức mạnh thông thường của Mỹ là mối đe dọa đặc biệt, vì phần lớn các lực lượng, hậu cần và hỗ trợ của Mỹ đều nằm bên kia bờ Thái Bình Dương.
Tác động toàn diện của các điều kiện này là sẽ làm trung hòa thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể duy trì mức độ an ninh cao hiện nay và dù Trung Quốc có khả năng nổi lên thành một siêu cường. Điều này sẽ giúp Washington và Bắc Kinh tránh những quan hệ địa chính trị căng thẳng, đồng thời giúp đảm bảo thế tiến thoái lưỡng nan này duy trì ở mức tiết chế, từ đó tạo điều kiện cho hợp tác.
Ví dụ, Mỹ sẽ lựa chọn cách không đáp trả việc Trung Quốc hiện đại hóa sức mạnh hạt nhân của mình. Sự kiềm chế này sẽ giúp trấn an Trung Quốc rằng Mỹ không muốn đe dọa đến an ninh của Trung Quốc, từ đó giúp cắt đứt một vòng xoáy chính trị có thể dẫn tới chạy đua hạt nhân.
Còn tiếp...
Quốc Thái dịch theo Foreign Affairs

-----------------------------

Lê Phước  -  RFI
Chủ nhật 27 Tháng Ba 2011

Đăng bởi anhbasam on 28/03/2011





No comments: