Tuesday, March 29, 2011

SỰ NỔI LÊN CỦA TRUNG QUỐC KHÔNG LÀM SUY CHUYỂN QUYỀN LỰC MỸ (Charles Glaser)

Charles Glaser
29-3-2011
Dù sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra một số nguy hiểm, nhưng sự phân bố quyền lực đang thay đổi không làm cho các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trở nên không tương thích.


Còn các liên minh?
Tất nhiên các phân tích trên đây còn bỏ sót một đặc điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ – các liên minh quân sự quan trọng mà Mỹ đang duy trì với Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các thỏa thuận về an ninh giữa Mỹ với Đông Bắc Á. Nhưng dù thêm các quan hệ đồng minh này làm cho bức tranh toàn cảnh thêm phức tạp, chúng cũng không làm người ta mất lạc quan khi nói về sự nổi lên của Trung Quốc. Vậy các liên minh khu vực này quan trọng đến mức nào đối với an ninh của Mỹ.
Đúng là các thỏa thuận liên minh của Mỹ vẫn ổn định từ thời kỳ đầu chiến tranh Lạnh, nhưng sự nổi lên của Trung Quốc đang làm dấy lên các cuộc tranh luận về cái giá phải trả và những lợi ích có thể đạt được của chúng. Lập luận tương tự như trên – rằng Mỹ có thể đơn giản được an toàn khi có lợi thế về sức mạnh, địa lý và kho vũ khí hạt nhân – những người theo chủ nghĩa biệt lập kiểu mới này kết luận rằng Mỹ nên chấm dứt các quan hệ đồng minh ở châu Âu và châu Á vì không cần thiết và khá rủi ro.
Theo họ, nếu Mỹ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào nước mình, thì tại sao phải dựa vào các liên minh sẽ đẩy Mỹ vào các cuộc chiến lớn hơn ở những lục địa xa xôi? Việc bảo vệ các đồng minh của Mỹ ở châu Á có thể buộc Mỹ lao vào các cuộc xung đột chính trị và cạnh tranh về quân sự có thể làm căng thẳng những quan hệ chính trị giữa họ với Trung Quốc. Nói tóm lại, theo những người biệt lập kiểu mới này, sự nổi lên của Trung Quốc sẽ không gây nguy hiểm cho an ninh của Mỹ, mà chính việc duy trì các quan hệ đồng minh hiện nay của Mỹ mới gây ra nguy cơ này.
Ngược lại, những người ủng hộ can dự có chọn lọc – cách tiếp cận giống với chính sách của Mỹ hiện nay – cho rằng chiến lược mà họ chọn cũng giống với những nét chính chủ nghĩa hiện thực cấu trúc. Trong khi những người theo chủ nghĩa biệt lập kiểu mới muốn Mỹ rút khỏi vị trí tiền đạo nhằm tránh bị đẩy vào một cuộc xung đột khu vực, những người ủng hộ can dự có chọn lọc cho rằng duy trì các cam kết đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á là cách tốt nhất để tránh bùng phát một cuộc xung đột ngay từ khi còn trong trứng nước.
Vì vậy, nghiên cứu cách các cam kết đồng minh của Mỹ tương tác với sự nổi lên của Trung Quốc là một vấn đề quan trọng, cả về chính sách khu vực lẫn chiến lược lớn hơn của Mỹ nói chung. Nếu Mỹ duy trì các cam kết đồng minh quan trọng trong khu vực, Mỹ sẽ cần tăng cường khả năng răn đe của mình tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đối phó với các lực lượng quân sự thông thường đang ngày càng lớn mạnh và đa năng của Trung Quốc. Nói theo cách nào cũng vậy, thách thức này sẽ giống như thách thức mà Mỹ từng phải đối mặt khi tăng cường tính răn đe ở Tây Âu trong thời chiến tranh Lạnh. Hai siêu cường đều sở hữu những khả năng trả đũa hạt nhân hùng mạnh, nhưng Liên Xô được cho là có các lực lượng thông thường ưu việt có khả năng xâm lược toàn châu Âu.
Trở lại câu chuyện xưa, giới chuyên gia tranh luận liệu các khả năng của Mỹ có đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô chống lại châu Âu hay không. Họ bất đồng trước câu hỏi liệu học thuyết đáp trả mềm của NATO – theo đó kết hợp các lực lượng thông thường quy mô lớn với một lực lượng hạt nhân – có thể giúp Mỹ tạo ra sự răn đe hạt nhân đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô hay không. Nghi ngờ về việc Mỹ sự sẵn lòng chạy đua phản ánh mối nguy hiểm rõ ràng là sẽ gặp phải cuộc trả đũa hạt nhân của Liên Xô. Tuy nhiên, lập luận thuyết phục hơn trong cuộc tranh luận này là chiến lược của Mỹ đã ngăn chặn được một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô vì ngay cả một khả năng nhỏ Mỹ leo thang hạt nhân cũng tạo ra những nguy cơ lớn đối với Nga. Cùng logic này có thể áp dụng được với một siêu cường Trung Quốc trong tương lai. Sự kết hợp của các cam kết đồng minh rõ ràng, hướng tới các lực lượng thông thường được huy động, và các lực lượng hạt nhân có thể giúp Mỹ ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc tại Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Niềm tin vào khả năng răn đe của Mỹ sẽ được củng cố bởi các quan hệ tương đối tốt giữa Mỹ và Trung Quốc. Những ai từng lo ngại Mỹ có thể không tăng cường khả năng răn đe ở Tây Âu đã nghi rằng Liên Xô là một nước theo chủ nghĩa xét lại hướng tới sự lật độ nguyên trạng và muốn gây nguy hiểm lớn. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có những mục tiêu tham vọng đến vậy, vì thế tăng cường khả năng răn đe của Mỹ giờ sẽ trở nên dễ dàng hơn trong thời chiến tranh Lạnh. Và ngay cả khi sự kiện ít khả năng xảy ra đó trở thành hiện thực, tức là Trung Quốc trở thành một nước nguy hiểm như vậy, thì sự răn đe cũng vẫn có tác dụng dù sẽ khó khăn hơn.
Một số người theo chủ nghĩa hiện thực bi quan cho rằng nhằm được đảm bảo an ninh cao hơn, Trung Quốc sẽ thấy bị buộc phải theo đuổi mục tiêu bá chủ khu vực, gây ra xung đột trên con đường này. Tuy nhiên, quy mô, sức mạnh và vị trí cũng như kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ khiến họ rất khó tiến hành một cuộc tấn công thành công. Trung Quốc sẽ không cần đẩy Mỹ ra khỏi khu vực của mình để được đảm bảo an ninh, vì sự hiện diện của Mỹ sẽ không hủy hoại các khả năng răn đe lớn của Trung Quốc. Hơn nữa, việc Mỹ rút đi sẽ không tự động tạo ra thế bá chủ khu vực cho Trung Quốc, vì khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tăng cường các khả năng quân sự thông thường cũng như khả năng hạt nhân của mình, từ đó làm giảm đáng kể khả năng răn đe của Trung Quốc. Việc Trung Quốc tìm cách bá chủ khu vực, vì vậy, sẽ không cần thiết và không khả thi.
Đúng là sự hiện diện quân sự của Mỹ đang củng cố các khả năng quân sự của nước này, đe dọa khả năng Trung Quốc bảo vệ các vùng hải đảo cũng như đảo Đài Loan của mình. Nhưng liên minh Mỹ với Nhật cũng có lợi đối với Trung Quốc vì khiến Nhật chi tiêu ít hơn cho quốc phòng. Dù sức mạnh của Mỹ vượt xa của Nhật Bản, nhưng Trung Quốc vẫn coi liên minh này góp phần cho sự ổn định của khu vực, vì họ sợ Nhật Bản hơn Mỹ. Khi Trung Quốc lớn mạnh hơn, nước này có thể ngày càng khó chịu với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Đông Bắc Á. Nhưng nếu không có nó, quan hệ Mỹ – Trung sẽ trở nên cực kỳ căng thẳng, vì vậy Trung Quốc sẽ chấp nhận Mỹ tiếp tục hiện diện trong khu vực.

Điều chỉnh trong vấn đề Đài Loan?
Có thể tránh được cạnh tranh về quân sự và chiến tranh, nhưng sự gia tăng sức mạnh Trung Quốc có thể đòi hỏi một số thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ mà Washingon sẽ không hề thấy dễ chịu, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan. Trung Quốc đã tỏ rõ rằng họ sẽ sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, và đa phần hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự thông thường của Trung Quốc là nhằm tăng khả năng đối phó với Đài Loan và giảm khả năng can thiệp của Mỹ vào hòn đảo này. Vì Trung Quốc đặt vị trí ưu tiên đối với Đài Loan, và vì Mỹ và Trung Quốc có những quan điểm khác nhau trong tính hợp pháp của sự nguyên trạng, vấn đề này đặt ra nhiều mối nguy hiểm đặc biệt và thách thức đối với quan hệ Mỹ – Trung, khiến quan hệ này khác với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan hoàn toàn có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Chính sách hiện nay của Mỹ nhằm giảm khả năng Đài Loan tuyên bố độc lập và tỏ rõ rằng Mỹ sẽ không ủng hộ Đài Loan làm như vậy. Tuy nhiên, Mỹ cũng chịu sức ép phải bảo vệ hòn đảo này trước mọi nguy cơ bị tấn công dù xuất phát từ đâu. Nhìn vào các lợi ích và cách nhận thức hoàn toàn khác nhau của các bên và sự kiểm soát bị hạn chế của Washington đối với hành động của Đài Bắc, một cuộc khủng hoảng có thể nảy sinh, trong đó Mỹ bị lôi kéo vào các sự kiện hơn là gây ra chúng.
Những mối nguy hiểm ấy đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, nhưng việc Trung Quốc tăng cường các khả năng quân sự có thể khiến Bắc Kinh sẵn sàng hơn trong việc gây ra một cuộc khủng hoảng Đài Loan. Bên cạnh việc cải thiện các khả năng thông thường, Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân nhằm gia tăng khả năng tự vệ và trả đũa sau một cuộc tấn công quy mô lớn của Mỹ. Lý thuyết răn đe thông thường cho rằng khả năng Washington phá hủy hầu hết hoặc tất cả sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc sẽ càng củng cố vị thế của họ trong thương lượng. Sự hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc có thể khiến nước này không bị cản trở trong hành động, khiến họ hành xử liều lĩnh hơn trong các cuộc khủng hoảng tương lai so với trước. Trong khi đó việc Mỹ có ý định duy trì khả năng bảo vệ Đài Loan sẽ đổ thêm dầu vào ngọn lửa chạy đua vũ trang hạt nhân và thông thường. Việc Mỹ tăng cường các khả năng tấn công mục tiêu và phòng thủ bằng tên lửa đạn đạo chiến lược có thể được Trung Quốc hiểu như một dấu hiệu cho thấy các động cơ xấu của Mỹ, khiến Trung Quốc càng tăng cường quân sự và từ đó hủy hoại quan hệ Mỹ – Trung.
Trước những nguy cơ trên, Mỹ sẽ cân nhắc xem lại cam kết của mình tại Đài Loan. Điều này sẽ loại bỏ một điểm nóng bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời mở đường cho các quan hệ tốt hơn giữa hai nước này trong những thập kỷ tới. Nhưng những người chỉ trích động thái này lập luận rằng điều đó sẽ đặt ra không chỉ những cái giá trực tiếp đối với Mỹ và Đài Loan mà cả những cái giá gián tiếp: Bắc Kinh sẽ không hài lòng với sự nhượng bộ đó, họ sẽ đòi hỏi nhiều hơn – điều này càng được thúc đẩy bởi sự mất uy tín của Washington trong vai trò một người bảo vệ các đồng minh. Tuy nhiên, những chỉ trích như vậy là sai vì các nhượng bộ lãnh thổ không phải lúc nào cũng là yếu thế. Không phải mọi đối thủ đều là Hitler, và khi họ không phải là như vậy, thì việc điều chỉnh có thể là một công cụ chính sách hiệu quả. Khi một đối thủ có các mục tiêu lãnh thổ giới hạn, việc trao chúng cho họ có thể sẽ không dẫn tới những đòi hỏi xa hơn mà sẽ là sự hài lòng với nguyên trạng mới và giảm căng thẳng.
Khi đó, vấn đề cốt yếu là liệu Trung Quốc có các mục đích giới hạn hay không giới hạn. Đúng là Trung Quốc có bất đồng với một số nước láng giềng, nhưng có ít lý do để tin rằng họ đã hoặc sẽ phát triển các tham vọng lãnh thổ lớn trong khu vực của mình hoặc vượt ra xa hơn. Những nhượng bộ về Đài Loan sẽ có nguy cơ thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi các chính sách đòi hỏi nhiều hơn trong những vấn đề mà sự nguyên trạng của nó đang gây tranh cãi, trong đó có quy chế các hải đảo và đường ranh giới biển trên biển Hoa Đông và biển Đông. Nhưng nguy cơ uy tín của Mỹ bị suy giảm trong việc bảo vệ đồng minh khi nguyên trạng này trở nên rõ ràng – như trường hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc – sẽ là rất nhỏ, đặc biệt nếu bất cứ thay đổi nào trong chính sách với Đài Loan đi kèm với các biện pháp bù trừ (như một tuyên bố mới về cam kết đồng minh khác của Mỹ, tăng cường quân đội Mỹ ở nước ngoài, và gia tăng các cuộc tập trận chung cũng như tăng cường hợp tác công nghệ với các đồng minh của Mỹ).
Mỹ có giảm các cam kết của mình với Đài Loan hay không và sẽ giảm thế nào là một vấn đề phức tạp. Nếu Mỹ quyết định thay đổi chính sách này, thì tốt nhất là nên nới lỏng dần dần các cam kết, thay vì ngừng đột ngột và công khai. Và vì các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đang được cải thiện trong những năm gần đây, nên Washington sẽ có thể vừa có thời gian và có lý do để đánh giá lại và điều chỉnh chính sách này trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới thay đổi.
Hơn nữa, dù sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra một số nguy hiểm, nhưng sự phân bố quyền lực đang thay đổi không làm cho các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc trở nên không tương thích. Các nguy cơ tiềm ẩn không góp phần gây ra xung đột lợi ích kéo theo một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc. Đúng hơn là, những khó khăn ngày càng nhiều trong việc bảo vệ một số lợi ích thứ yếu, dù không phải là tầm thường, của Mỹ đòi hỏi nước này phải đánh giá lại các cam kết chính sách đối ngoại của mình.

Quốc Thái dịch theo Foreign Affairs
.
.
.

No comments: