Saturday, March 12, 2011

SỰ NGUY HIỂM CỦA MỘT TRUNG QUỐC ĐANG TRỖI DẬY (The Economist)

The dangers of rising China  (The Economist)

Lê Hưng (gt)
Thứ sáu, 11 Tháng 3 2011 00:00


Tạp chí The Economist, các số ra gần đây đăng loạt bài phân tích với chủ đề “The dangers of rising China”, nội dung bàn về những ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc và phản ứng của Mỹ cũng như các nước khác đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Bụi gai và mật đắng (Brushwood and gall)
Trung Quốc nhất quyết rằng ảnh hưởng quân sự và ngoại giao đang gia tăng của mình không ẩn chứa bất cứ mối đe dọa nào. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ không chắc chắn về điều đó.

Vào năm 492 trước Công nguyên, vào lúc kết thúc giai đoạn “Xuân Thu” trong lịch sử Trung Quốc, Việt vương Câu Tiễn ở vùng Triết Giang hiện nay đã bị bắt giam sau chiến dịch thảm bại chống lại Ngô vương Phù Sai, thuộc nước láng giềng phía Bắc. Câu Tiễn bị bắt đi phục dịch ở các chuồng ngựa hoàng gia, nơi ông phải chịu cảnh giam cầm nhưng vẫn giữ vững được khí tiết của mình tới mức dần dần ông được Phù Sai hết sức nể trọng. Sau một vài năm, Phù Sai thả ông về quê nhà với tư cách là một chư hầu.
Câu Tiễn không bao giờ quên nỗi nhục của mình. Ông ngủ trên bụi gai và treo một túi mật đắng trong phòng của mình, hàng ngày liếm nó để nhắc nhở chí phục thù. Nước Việt ra vẻ trung thành, nhưng các cống phẩm của nước này là các thợ thủ công và các cây gỗ đã xui khiến Phù Sai xây dựng các cung điện và các tòa tháp cho dù sự xa xỉ này đã đẩy ông ta vào cái bẫy nợ nần. Câu Tiễn đã làm ông phân tán tư tưởng bằng các phụ nữ đẹp nhất của nước Việt, mua chuộc các quan lại và mua hết kho lương thực của Vua Phù Sai. Trong khi đó, khi vương quốc của Phù Sai suy tàn, thì nước Việt trở nên giàu có và xây dựng quân đội mới.
Câu Tiễn đã chờ đợi suốt 8 năm dài. Vào năm 482 trước Công nguyên, tin tưởng vào ưu thế của mình, ông đã bắt đầu tiến lên phía Bắc với gần 50.000 chiến binh. Sau một vài chiến dịch, họ đã đặt Phù Sai và vương quốc của ông dưới lưỡi gươm của họ.
Vị vua ngủ trên bụi gai và nếm mật đắng quen thuộc với người Trung Quốc giống như Vua Alfred và những chiếc bánh của ông đối với người Anh, hay George Washington và cây anh đào đối với người Mỹ. Vào đầu thế kỷ 20, ông đã trở thành biểu tượng của việc chống lại các hải cảng thỏa thuận, những sự nhượng bộ đối với nước ngoài và những năm chịu nỗi nhục thuộc địa.
Theo chiều hướng đó, câu chuyện răn dạy về Câu Tiễn tóm tắt lại những gì mà một số người nhận thấy là đáng báo động về sự nổi lên của Trung Quốc như một siêu cường ngày nay. Ngay từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu tiến hành cải cách nền kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc đã nói về hòa bình. Vẫn còn quá yếu về quân sự và kinh tế để có thể thách thức Mỹ, Trung Quốc tập trung vào việc trở nên giàu có hơn nữa. Ngay cả khi Trung Quốc gia tăng sức mạnh của mình và xây dựng lại các lực lượng vũ trang, thì phương Tây và Nhật Bản vẫn đang tích thêm nợ và bán cho Trung Quốc công nghệ của mình. Trung Quốc đã kiên nhẫn nhưng cái ngày mà họ một lần nữa có thể áp đặt ý chí của họ đang đến rất gần.
Tuy nhiên, câu chuyện về Câu Tiễn cũng có ý nghĩa khác. Paul Cohen, một học giả của Trường Harvard đã viết về vị vua này, giải thích rằng Trung Quốc ngày nay xem ông như là biểu tượng của lòng kiên nhẫn và sự tận tụy. Các sinh viên được dạy rằng nếu họ muốn thành công thì họ phải học theo Vua Câu Tiễn, ngủ trên bụi gai và nếm mật đắng – rằng những thành quả lớn thường chỉ đi cùng với sự hy sinh và mục đích kiên định. Vị vua Câu Tiễn này đại diện cho sự tự cải tiến và tận tụy, chứ không phải là báo thù.

Trung Quốc sẽ tiếp bước theo Câu Tiễn nào trong thế kỷ 21? Phải chăng họ sẽ hòa nhập với thế giới phương Tây, trở thành nơi mà mọi người muốn không gì hơn ngoài một cơ hội để thành công và tận hưởng những thành quả lao động miệt mài của họ? Hay khi sự giàu có và quyền lực của họ bắt đầu che phủ tất cả trừ Mỹ, thì phải chăng Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa – một quốc gia giận dữ kiên quyết trả thù cho những sai lầm trong quá khứ và buộc các nước khác phải theo ý muốn của mình? Jim Steinberg, Thứ trưởng ngoại giao của Mỹ nói rằng sự lựa chọn vai trò của Trung Quốc là “một câu hỏi lớn trong thời đại của chúng ta”. Hòa bình và thịnh vượng của thế giới này phụ thuộc vào việc Trung Quốc đi con đường nào.
Một số người lập luận rằng Trung Quốc hiện nay dính líu đến toàn cầu hóa tới mức không thể đặt nền kinh tế thế giới vào tình trạng nguy hiểm thông qua chiến tranh hay sự ép buộc. Thương mại đem lại sự thịnh vượng. Trung Quốc mua các nguyên liệu thô và các linh kiện từ nước ngoài và bán sản phẩm của mình ra các thị trường nước ngoài. Trung Quốc đang giữ khoản dự trữ ngoại hối trị giá 2,6 nghìn tỷ USD. Vậy thì tại sao họ phải phá bỏ một hệ thống đang rất có ích đối với họ?
Nhưng điều đó là quá lạc quan. Trong quá khứ, sự hội nhập đôi khi biến mất trước xung đột. Châu Âu đã bị thiêu rụi vào năm 1914 cho dù Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Anh và Anh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức. Nhật Bản trở nên giàu có và dính líu đến các nước lớn của châu Âu trước khi họ bắt đầu thực dân hóa châu Á một cách tàn bạo.
Những người khác có quan điểm đối lập cực đoan, tranh luận rằng Trung Quốc và Mỹ buộc phải là các đối thủ của nhau. Họ nói rằng kể từ khi quân Sparta dẫn đầu Liên minh Peloponnesia chống lại người Athen, các cường quốc đang suy sụp đã không kịp nhường bước để thỏa mãn các cường quốc đang nổi lên. Khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc gia tăng, thì tâm lý toàn quyền và tham vọng của họ cũng tăng lên. Cuối cùng thì sự kiên nhẫn sẽ không còn nữa, bởi vì Mỹ sẽ không sẵn sàng từ bỏ sự lãnh đạo của mình.

Những lý do để lạc quan
Nhưng điều đó là quá lạc quan. Trung Quốc vẫn trung thành với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình – về Đài Loan, Biển Đông, một số hòn đảo và với Ấn Độ. Tuy nhiên, không như các nước lớn trước năm 1945, Trung Quốc đang không tìm kiếm các thuộc địa mới. Và không như Liên Xô, Trung Quốc không có một hệ tư tưởng để lan truyền ra bên ngoài. Trên thực tế, chủ nghĩa lý tưởng tự do của Mỹ còn hiệu nghiệm hơn rất nhiều so với Chủ nghĩa Cộng sản mang tính chiếu lệ, hệ tư tưởng Khổng Tử được hâm nóng hay bất cứ hệ tư tưởng nào khác mà Trung Quốc đưa ra. Khi hai nước này có vũ khí hạt nhân, thì có thể chẳng đáng để gây chiến với nhau.
Trong thế giới thực tại, các thỏa thuận giữa các cường quốc đang nổi lên và đang suy tàn là không rõ ràng. Nước Anh đã hai lần lo sợ rằng lục địa châu Âu sẽ bị thống trị bởi nước Đức có tư tưởng bành trướng và đã hai lần họ tham gia chiến tranh. Tuy nhiên, khi Mỹ tiếp quản sự lãnh đạo thế giới từ Anh, hai nước này vẫn là các đồng minh trung thành. Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nhật Bản và Đức nổi lên từ đám tro tàn để trở thành các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của thế giới mà không hề có tin đồn nào về thách thức chính trị đối với Mỹ.
Các nhà lý luận về các mối quan hệ quốc tế đã dành phần lớn sự quan tâm cho sự qua đi của các đế chế. Bản chất của “học thuyết chuyển giao quyền lực” là các cường quốc đã thỏa mãn như Đức và Nhật Bản sau chiến tranh không thách thức trật tự thế giới khi họ nổi lên. Nhưng các cường quốc không thỏa mãn, như Đức và Nhật Bản trước chiến tranh, đã kết luận rằng hệ thống này được định hướng và duy trì bởi các cường quốc đương thời được dựng lên để chống lại họ. Trên vũ đài địa-chính trị hỗn loạn họ tin rằng họ sẽ bị từ chối những gì chính thức thuộc về họ trừ khi họ củng cố yêu sách của họ.
Chính vì thế trong hầu hết thập kỷ qua, hai nước lớn đã đi tới cái mà David Lampton, giáo sư tại Viện nghiên cứu Quốc tế cao cấp Johns Hopkins, gọi là sự cá cược kép. Trung Quốc nhìn chung sẽ tán thành trật tự thời hậu chiến của Mỹ, đánh cược rằng phần còn lại của thế giới, thiết tha với sự giúp đỡ và các thị trường của Trung Quốc, sẽ cho phép Trung Quốc phát triển giàu có hơn và nhiều quyền lực hơn. Mỹ sẽ không tìm cách ngăn chặn sự nổi lên này, đánh cược rằng sự thịnh vượng cuối cùng sẽ biến Trung Quốc thành một trong những người ủng hộ hệ thống này – “một cổ đông có trách nhiệm” theo lời của Robert Zeollick, một thứ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời George Bush và hiện nay là Chủ tịch Ngân hàng thế giới.
Trong phần lớn thập kỷ qua, ngoại trừ thỉnh thoảng có vài sự bất hòa, sự đánh cược này đã có tác dụng. Trước năm 2001, Trung Quốc và Mỹ đã cãi vã về Đài Loan, về việc Mỹ ném bom đại sứ quán của Trung Quốc ở Belgrade và vụ đụng độ chết người trên không giữa một chiếc máy bay thám thính EP3 của Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Nhiều nhà bình luận khi đó đã nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một tiến trình nguy hiểm, nhưng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ đã không theo đuổi nó. Kể từ đó, Mỹ bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố và tìm cách giao thiệp một cách thẳng thắn với Trung Quốc. Các công ty của Mỹ đã được thoải mái tham gia các thị trường của Trung Quốc. Trung Quốc đã cho Chính quyền Mỹ vay những khoản tiền khổng lồ.
Việc này phù hợp với Trung Quốc, mà rất lâu trước đây đã kết luận rằng cách tốt nhất để xây dựng “sức mạnh quốc gia toàn diện” là thông qua sự phát triển kinh tế. Theo phân tích của Trung Quốc, đã được đề cập trong một loạt Sách Trắng và các bài phát biểu vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, đất nước này cần một “Khái niệm an ninh mới”. Sự tăng trưởng đòi hỏi phải có sự ổn định điều đến lượt nó lại đòi hỏi việc các nước láng giềng của Trung Quốc không cảm thấy bị đe dọa.
Để trấn an lại họ, Trung Quốc bắt đầu gia nhập các tổ chức quốc tế mà họ đã từng xa lánh. Cũng như giúp họ có được uy tín là một thành viên tốt, việc này cũng là một cách an toàn để chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Trung Quốc đã dẫn đầu các vòng đàm phán 6 bên được thiết lập nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Chính phủ đã ký Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện và hầu như đã chấm dứt phổ biến các vũ khí (cho dù việc phổ biến của các công ty không lương thiện của Trung Quốc vẫn tiếp diễn). Họ cử người tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cung cấp lực lượng nhiều hơn bất cứ thành viên thường trực nào thuộc Hội đồng bảo an hay bất cứ nước nào thuộc NATO.
Chắc chắn là vẫn có các tranh chấp và những sự khác biệt. Nhưng các nhà ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách và các học giả tự cho phép mình tin rằng trong kỷ nguyên hạt nhân, Trung Quốc chỉ có thể nổi lên một cách hòa bình với tư cách là một siêu cường mới. Tuy nhiên, sự tự tin đó gần đây đã bị suy giảm. Trong một vài tháng qua, Trung Quốc đã tranh cãi với Nhật Bản về một con tàu đánh cá đã va chạm với ít nhất là một nếu không muốn nói là hai chiếc tàu tuần tra bảo vệ bờ biển của Nhật Bản trên khu vực mà Nhật Bản gọi là đảo Senkaku còn phía Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư.
Trước đó, Trung Quốc đã không ủng hộ Hàn Quốc về vụ đắm tàu hải quân Hàn Quốc, làm thiệt mạng 46 người trên đó – cho dù một hội đồng quốc tế đã kết luận rằng tàu Cheonan này đã bị một tàu ngầm của Bắc Triều Tiên tấn công. Khi Mỹ và Hàn Quốc phản ứng lại vụ đắm tàu nói trên bằng việc lên kế hoạch diễn tập chung ở Hoàng Hải, Trung Quốc đã phản đối và đưa một trong những chiếc tàu của họ chuyển hướng sang phía Đông, đến Biển Nhật Bản. Và khi Bắc Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc vào tháng 11/2010, Trung Quốc đã đặc biệt miễn cưỡng lên án hành động này.
Trung Quốc cũng đã bắt đầu đưa các tuyên bố chủ quyền đối với các phần rộng lớn trên Biển Đông vào “sáu quan tâm chính” của mình – một ngôn ngữ mới báo động cho các nhà ngoại giao. Khi các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phàn nàn về việc này trong mội hội nghị ở Hà Nội vào mùa Hè năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nổi nóng: “Tất cả các vị hãy nhớ rằng sự thịnh vượng về kinh tế của các vị phụ thuộc vào chúng tôi nhiều như thế nào”.
Năm 2009, một bài xã luận ác ý trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã công kích Ấn Độ sau khi Thủ tướng nước này Manmohan Singh đến thăm vùng lãnh thổ tranh chấp ở gần Tây Tạng; Barack Obama đã bị đối xử một cách tồi tệ, lần đầu trong một chuyến thăm Bắc Kinh và lần sau tại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu ở Côpenhaghen, nơi một quan chức cấp thấp của Trung Quốc đã vẩy ngón chế giễu nhà lãnh đạo của thế giới tự do này; các tàu của Trung Quốc đã liên tục quấy nhiễu các tàu hải quân của Mỹ và Nhật Bản, kể cả tàu khu trục USS John S.McCain và tàu khảo sát USNS Impeccable.
Những sự việc như vậy có thể bản thân chúng chỉ là những điều nhỏ nhặt nhưng quan trọng do sự đánh cược kép đó. Mỹ liên tục tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang lẩn tránh thỏa thuận này và trở nên gây hấn – và Trung Quốc đang tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh sẽ kết bè phái để ngăn chặn sự nổi lên của mình. Mọi thứ bị bao phủ bởi sự mất tin tưởng chiến lược đó.
Xem xét kỹ lưỡng qua lăng kính này, những người theo dõi Trung Quốc phát hiện ra một sự thay đổi. Richard Armitage, thứ trưởng Bộ ngoại giao dưới thời George Bush nói: “Chính sách ngoại giao mỉm cười đã chấm dứt”. Yukio Okamoto, một chuyên gia về an ninh của Nhật Bản nói: “Tham vọng sức mạnh của Trung Quốc là rất rõ ràng”. Các nhà ngoại giao yêu cầu giấu tên nói về những sự nghi ngờ và lo ngại ẩn dưới sự giao thiệp với Trung Quốc của họ. Mặc dù sự qua lại ngày này qua ngày khác giữa các ban ngành của Mỹ và Trung Quốc diễn ra êm thấm, nhưng Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nói rằng “sự mất tin tưởng chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục sâu sắc thêm”.
Chẳng có gì gọi là không thể tránh khỏi về tình trạng xấu đi này. Hòa bình vẫn có ý nghĩa. Trung Quốc phải đương đầu với các vấn đề to lớn ở trong nước. Nước này hưởng lợi từ các thị trường của Mỹ và các mối quan hệ tốt với các nước láng giềng, như họ đã có vào năm 2001. Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ nhân của Nhà Trắng, dù thuộc bất cứ phe phái chính trị nào, phải đạt được nhiều thành quả từ tăng trưởng kinh tế hơn từ bất cứ lĩnh vực nào khác.
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc hiểu điều đó. Vào tháng 11/2003 và tháng 2/2004, Bộ Chính trị đã tổ chức các phiên họp đặc biệt về sự thăng trầm của các quốc gia kể từ thế kỷ 15. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có ý thức không kém, cho dù sẽ khó đối phó với một Trung Quốc hùng mạnh, rằng một Trung Quốc không thỏa mãn và hùng mạnh sẽ là không thể được.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhân tố trên nhiều phương diện từ công việc chính trị trong nước đến hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính, đang cùng nhau làm cho các mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn. Mối nguy hiểm không phải là chiến tranh – trong lúc này điều đó vẫn hầu như không thể tưởng tượng nổi, nếu chỉ bởi vì nó sẽ gây bất lợi rất lớn cho các bên. Mối nguy hiểm là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ trong thập kỷ tới sẽ thiết lập các nền tảng cho thái độ thù địch sâu đậm hơn. Điều này đã được Henry Kissinger miêu tả rất rõ.

Mặt tối
Dưới thời Richard Nixon, Ông Kisinger đã tạo ra các điều kiện đảm bảo cho 40 năm hòa bình ở châu Á bằng nhìn nhận rằng Mỹ và Trung Quốc có thể gặt hái được nhiều thành quả từ việc hợp tác với nhau hơn là từ việc đối đầu với nhau. Ngày nay, ông Kissinger đang lo lắng. Phát biểu vào tháng 9/2010 tại một hội nghị của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế, ông đã nhận xét rằng việc đưa Trung Quốc vào trật tự toàn cầu thậm chí còn khó khăn hơn việc đưa Đức vào một thế kỷ trước đây.
Ông nói: “Không phải là vấn đề về hội nhập một nhà nước-quốc gia theo kiểu châu Âu, mà là một cường quốc lục địa trưởng thành. ADN của cả Mỹ lẫn Trung Quốc có thể tạo ra một mối quan hệ ngày càng thù địch, chẳng khác gì Đức và Anh đã chuyển hướng từ quan hệ hữu hảo sang sự đối đầu ... Cả Oasinhtơn lẫn Bắc Kinh đều không có nhiều kinh nghiệm trong các mối quan hệ hợp tác bình đẳng. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của họ không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn việc nhìn nhận những sự thật rằng chẳng đất nước nào có thể chế ngự nước khác, và rằng cuộc xung đột giữa họ sẽ làm kiệt quệ xã hội của họ và phá hoại triển vọng hòa bình thế giới”.
Không ở đâu mà sự đối địch vừa mới bắt đầu đã gay gắt hơn như giữa các lực lượng vũ trang của Mỹ và các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng. Trên phương diện toàn cầu, quân đội Mỹ vẫn vượt trội hơn nhiều. Nhưng ở các lãnh hải của Trung Quốc thì họ không còn có được một chiến thắng dễ dàng như vậy.

Theo Economist
Lê Hưng (gt)
.
.
.

No comments: