Saturday, March 12, 2011

ĐÁNH GIÁ về HỢP TÁC GIỮA PHILIPPINES và VIỆT NAM TRONG CÁC VẤN ĐỀ BIỂN & ĐẠI DƯƠNG

Henry S. Bensurto, Jr.
Thứ sáu, 11 Tháng 3 2011 00:00

Bài viết của Henry S. Bensurto, Jr.[1], Tổng thư ký, Ủy ban các vấn đề Biển và Hải Dương (CMOAS), Bộ Ngoại giao Philippin, mô tả và nêu bật các hoạt động hợp tác giữa Philippin và Việt Nam trên các vấn đề về biển và đại dương, được xem là những biện pháp xây dựng lòng tin của cả hai nước để xử lý sự khác biệt của hai bên tại Biển Đông. Bài viết thảo luận về khuôn khổ hợp tác với những nỗ lực đã được thực hiện, và quan trọng hơn, rút ra bài học từ kinh nghiệm của Philippin và Việt Nam có thể sẽ có lợi cho hợp tác song phương và đa phương trong tương lai tại Biển Đông.

TÓM TẮT
Bài viết mô tả và nêu bật các hoạt động hợp tác giữa Philippin và Việt Nam trên các vấn đề về biển và đại dương, được xem là những biện pháp xây dựng lòng tin của cả hai nước để xử lý sự khác biệt của hai bên tại Biển Đông. Bài viết này sẽ thảo luận về khuôn khổ hợp tác với những nỗ lực đã được thực hiện, và quan trọng hơn, rút ra bài học từ kinh nghiệm của Philippin và Việt Nam có thể sẽ có lợi cho hợp tác song phương và đa phương trong tương lai tại Biển Đông.

GIỚI THIỆU
Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về Biển Đông, phần nhiều thường tập trung vào Biển Đông như là một khu vực xung đột tiềm năng. Nhìn lại lịch sử và quá trình phát triển của Biển Đông, các cuộc thảo luận có thể cung cấp một bức tranh chính xác về khu vực - chính xác, nhưng không nhất thiết là hoàn thiện. Như bất kỳ sự kiện hoặc vấn đề gì đang được thảo luận, luôn luôn có những khía cạnh khác của bức tranh có thể chưa được nhìn thấy. Trong khi Biển Đông, với tất cả sự phức tạp của nó, là một khu vực xung đột tiềm năng, cũng có thể là một khu vực hợp tác với các lợi ích tiềm năng rộng lớn đối với các bên liên quan khác nhau.
Chắc chắn đây là cách Philippin và Việt Nam nhìn nhận Biển Đông. Cả hai nước đều có ý thức thực hiện sự lựa chọn biến khu vực này từ một khu vực xung đột thành một khu vực hợp tác. Trong những năm qua, cả hai nước đã tham gia vào các hoạt động chung để cụ thể hóa sự lựa chọn này. Trong khi một số nhà phân tích hay bình luận có thể sẽ đánh giá các sáng kiến này là khiêm tốn so với những vấn đề phức tạp của Biển Đông, hoặc thậm chí so với những công việc vẫn chưa được thực hiện để xử lý các tranh chấp, Philippin và Việt Nam chắc chắn xem xét các bước này là quan trọng hướng tới các cơ chế hợp tác thậm chí còn lớn và rộng hơn tại Biển Đông.
Bài viết này sẽ mô tả và nêu bật các dự án và hoạt động hợp tác chung của Philippin và Việt Nam, khuôn khổ thực hiện chúng, những bài học mà cả hai quốc gia đã đúc rút được, và quan trọng hơn là làm thế nào để có thể sử dụng những bài học này làm bàn đạp cho hợp tác song phương và đa phương trong tương lai với các nước có yêu sách khác tại Biển Đông.
Hy vọng rằng tại các cuộc thảo luận khiêm tốn về các vấn đề này trong bài viết này sẽ thu hút được sự tham gia và cam kết lớn hơn trong việc biến Biển Đông thành một khu vực hợp tác.

THAY ĐỔI TƯ DUY: Biển Đông là một Biển gắn kết
Như trước đó đã mặc nhiên công nhận, ít nhất từ thời hậu thuộc địa cho đến hiện nay, lịch sử hiện đại của Biển Đông chính là việc Biển Đông được coi là một điểm nóng vì những tuyên bố trái ngược nhau của các quốc gia về một số các đặc trưng địa lý, đặc biệt về Trường Sa hay quần đảo Trường Sa, ẩn trong khu vực biển rộng lớn này. Biển Đông cũng cung cấp các tuyến đường biển quan trọng đối với hàng hải quốc tế cũng như các tuyến đường biển cho các cường quốc biển, và chứa đựng những nguồn thủy sản và nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào.
Biển Đông thường được mô tả là một trong ba điểm nóng (cùng với bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan) ở Đông Á vì các xung đột tiềm ẩn về lợi ích quốc gia và mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh. Do đó, vấn đề an ninh xung quanh nó luôn luôn là một trọng điểm quan tâm của quốc tế. Là một biển nửa kín, Biển Đông bao gồm nhiều đảo đá, đảo san hô nhỏ cũng như các nguồn tài nguyên biển thực vật và động vật phong phú. Nó cũng cung cấp các tuyến đường biển quan trọng cho vận chuyển hàng hải và di chuyển hải quân. Do vị trí chiến lược quan trọng và nguồn tài nguyên phong phú, nó trở thành một mục tiêu tranh chấp giữa/trong số các nước có chung biên giới.[2]
Nói cách khác, Biển Đông được xem như là một biển chia rẽ lợi ích giữa các quốc gia khác nhau, đặc biệt đối với hầu hết các quốc gia duyên hải xung quanh nó. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng lịch sử lâu đời hơn nhiều của Biển Đông cho thấy một bối cảnh khác của biển này. Biển Đông có ý nghĩa trong việc kết nối các vùng đất rộng lớn và các quốc gia. Trước khi châu Âu thực dân hóa các vùng đất ở Đông Nam Á, người Trung Quốc và những người đi biển khác của châu Á đã sử dụng Biển Đông như là một tuyến đường vận chuyển và thương mại chính giữa đại lục châu Á và Đông Nam Á.
Các tuyến đường Biển Đông cũng là một tuyến liên kết quan trọng giữa Nam Á và Tây Á. Dọc theo cái gọi là "con đường tơ lụa trên biển" bắt đầu từ Quảng Châu, vượt qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, vịnh Ba Tư, đến các vùng đất ở Tây Á.
Vai trò này mở rộng khi sự thuộc địa hóa của châu Âu xuất hiện. Trong thời kỳ này, các cường quốc châu Âu đã sử dụng Biển Đông làm con đường chính đến và đi từ các cảng của Thượng Hải và Hồng Kông, kết nối với eo biển Malacca, để trao đổi hàng hóa châu Âu với các sản phẩm Trung Quốc và các mặt hàng khác từ châu Á đại lục.
Thật vậy, Biển Đông quan trọng cả đối với các hoạt động kinh doanh rất năng động nội trong khu vực châu Á lẫn sự chuyển đổi của châu Á như là một trong những "điểm tựa của kinh doanh toàn cầu thực sự tại thời điểm đó."[3] Tất nhiên, đối với các hoạt động thương mại, Biển Đông ngẫu nhiên cũng tạo thuận lợi cho giao lưu kinh tế-văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực châu Á và xa hơn nữa.
Nói cách khác, đó là một biển gắn kết.
Từ quan điểm hay tư tưởng này mà ta có thể tiếp cận các thách thức hiện tại trên vấn đề Biển Đông. Tất nhiên, vô cùng ngây thơ nếu cho rằng chúng ta có thể đặt qua một bên lịch sử trước đây vì:
Tuy nhiên, các sự kiện chính trị trong lịch sử sau này đã phá vỡ sự phát triển tiếp theo và sự củng cố các quan hệ kinh tế-xã hội giữa các nước trong khu vực của chúng ta. Rõ ràng rằng thế giới cũ, sau này bị ganh đua bởi thế giới mới, sẽ không bằng lòng với việc chia sẻ các sản phẩm và các nguồn lực thông qua thương mại. Các cường quốc ngoài khu vực theo đuổi chiến lược địa chính trị nhắm tới việc thâu tóm, kiểm soát và xâm chiếm các nguồn hàng hoá và tài nguyên thiên nhiên. Và khi những kẻ xâm phạm cuối cùng đã bị đuổi đi sau nhiều thế kỷ thống trị đã áp đặt các cấu trúc kinh tế-chính trị và định hướng quản trị khác nhau giữa các nước trong khu vực, chúng ta nhận thấy mình hoàn toàn xa lạ với nhau.[4]
Nhưng chúng ta có thể không (và không nên) bị làm cho tê liệt bởi những biến chuyển của các sự kiện đó. Các bối cảnh kề cận nhau của Biển Đông trong hai bối cảnh lịch sử này hiển nhiên dạy chúng ta một bài học quan trọng: Biển là những gì mà chúng ta làm nên nó. Nó là sự lựa chọn của chúng ta.
Chắc chắn rằng khó có thể gạt qua một bên những tuyên bố của các quốc gia khi mà những tuyên bố này dựa trên nhiều suy tính về mặt chính trị, xã hội, quốc gia, và đôi khi tình cảm. Nhưng chúng ta đã nhận thấy chính mình trong tình huống mà như trước đó đã chứng minh, rõ ràng là chúng ta có một sự lựa chọn.
Philippin và Việt Nam có thời gian và một lần nữa đã lựa chọn nhìn vào Biển Đông như một biển gắn kết hơn là chia rẽ chúng ta bằng cách cố gắng thúc đẩy hợp tác vì các lợi ích chung. Chúng ta đã không bằng bất kỳ biện pháp nào từ bỏ bất kỳ tuyên bố nào của mình, nhưng chúng ta chắc chắn đã hướng tới những điểm chung hơn là sự khác biệt. Vì vậy, chúng ta đã có thể hợp tác theo lối tư duy này. Chúng ta có thể cho rằng hai nước chúng ta bằng cách nào đó đã thay đổi cách nhìn về Biển Đông. Không phải lúc nào chúng ta cũng chấp nhận được quan điểm này, thực sự vẫn còn có những thời điểm chúng ta bị chia rẽ, nhưng đó cũng là lúc chúng ta chấp nhận quan điểm cho rằng biển là một yếu tố gắn kết trong quan hệ của chúng ta, nó đã mang kết quả.
Cũng từ quan điểm này mà nhiều nỗ lực hợp tác lâu dài hơn có thể đạt được, và có lẽ một kiến trúc hợp tác khu vực bao trùm có thể được thành lập phù hợp với khuôn khổ song phương hiện có và khuôn khổ đa phương đang phát triển, bao gồm cả luật quốc tế và Luật Biển.
Bây giờ, cho phép tôi chuyển tới những gì mà Philippin và Việt Nam đã tham gia và đạt được hướng tới cái đích cuối cùng này.


JOMRSRE: Thúc đẩy Hợp tác Philippin - Việt Nam tại Biển Đông

Tổng quan về JOMSRE[5]
Chương trình Khảo sát Nghiên cứu Khoa học Biển chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS) là một hoạt động hợp tác song phương nghiên cứu khoa học biển giữa hai nước theo sáng kiến của Philippin và Việt Nam vào năm 1994. JOMSRE-SCS giữa Philippin-Việt Nam được dự trù là một biện pháp xây dựng lòng tin song phương ở Biển Đông theo thoả thuận giữa Tổng thống Philippin Fidel V. Ramos và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh. Từ năm 1994 đến năm 2007, bốn hoạt động JOMSRE (JOMSRE I đến IV) đã hoàn thành. Bốn JOMSREs bao phủ phần phía nam của Biển Đông.
Năm 2003, hai nước nhất trí thể chế hóa JOMSRE-SCS Philippin-Việt Nam. Sau đó, Philippin và Việt Nam đồng ý mở rộng JOMSRE bao gồm các nhà khoa học từ các nước khác, chủ yếu các quốc gia ven biển từ ASEAN, và Trung Quốc. Năm 2007, trong cuộc họp lần thứ 4 của Nhóm công tác thường trực chung về các mối quan tâm hàng hải và đại dương giữa Philippin-Việt Nam (JPWG-MOC), Philippin và Việt Nam đồng ý kết thúc và đặt tên cho giai đoạn I của JOMSRE-SCS Philippin-Việt Nam (JOMSRE I-IV). Hai bên cũng nhất trí rằng một JOMSRE-SCS giai đoạn II sẽ bao gồm phần phía bắc của Biển Đông và tiếp tục ở mức hợp tác hàng hải cao hơn và tăng cường ở Biển Đông. Giai đoạn này bao gồm sự tham gia của các nước thành viên khối ASEAN và Trung Quốc và các tổ chức quốc tế trong việc duy trì và hướng tới thực hiện UNCLOS Phần IX về Biển kín và Biển nửa kín.

Tại sao nghiên cứu khoa học biển và đại dương tại Biển Đông?
Ngay cả trước khi căng thẳng leo thang ở Biển Đông năm 1997 khi sự cố Panganiban Reef (Mischief Rief/Đảo Vành Khăn) xảy ra, Philippin và Việt Nam đã nhìn thấy lợi ích chung ở Biển Đông và đã sẵn sàng gạt sang một bên những khác biệt giữa họ để bắt đầu thực hiện các hoạt động hợp tác tại Biển Đông.
Nhận thức được sự đa dạng sinh học quan trọng của Biển Đông và nhu cầu bảo vệ nó, cả hai quốc gia đã nhìn thấy sự cần thiết phải tiến hành các cuộc điều tra khoa học về khu vực. Vào thời điểm đó, có rất ít các cuộc điều tra vì sự cô lập và những căng thẳng chính trị liên tục xảy ra ở đó.
Ý nghĩa quan trọng nhất của JOMSRE-SCS đối với khoa học biển và các nhà khoa học tham gia, cũng như các quốc gia mà họ đại diện, đó là trong vùng biển được nghiên cứu, một vùng phủ rộng Biển Đông, chưa hề có một cuộc điều tra khoa học có hệ thống nào đã từng được thực hiện trước đó. Do đó, nó là một lãnh thổ chưa khai phá, một giới tuyến khoa học biển thực sự.[6]
Cả hai chính phủ tin rằng khoa học là một lý do rất thuyết phục để tham gia hợp tác chung, và khoa học vượt lên trên chính trị. Cả hai nước đều ý thức được rằng các dữ liệu khoa học được tạo ra từ các cuộc điều tra như vậy sẽ có giá trị không chỉ đối với cả hai nước mà còn cho phần còn lại của cộng đồng khoa học và trong các nỗ lực chung của các bên liên quan khác nhau để bảo vệ và bảo tồn môi trường.
... sự thật là vẫn có một sự thiếu hụt dữ liệu nghiêm trọng về môi trường biển của Biển Đông cần thiết đối với yêu cầu quản lý đại dương chặt chẽ, toàn diện và đáng tin cậy, hoặc là để thành lập một cơ chế quản lý, xây dựng chính sách, hoặc là các chương trình thiết thực để bảo tồn và quản lý tài nguyên, đặc biệt bao gồm thủy sản và đa dạng sinh học. Một đề tài nghiên cứu phụ trợ mới đó là về biến đổi khí hậu, tác động của nó đối với môi trường biển và năng suất của Biển Đông, và làm thế nào có thể giải quyết hoặc giảm thiểu những tác động bất lợi có thể xảy ra.[7]
Trong quá trình bốn cuộc thám hiểm, một số lượng lớn thông tin khoa học đã được tạo ra, theo Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Khoa Sơn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam, dữ liệu này đã cải thiện "sự hiểu biết và cơ sở dữ liệu của chúng ta về các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông."
Nhiều người trong chúng ta không phải là nhà khoa học có thể bị choáng váng nếu chúng ta nhìn sâu vào những phát hiện khoa học của cuộc khảo sát, nhưng theo một cách có thể chấp nhận được và tổng quát, các tác động của các JOMSRE-SCS đã được Tiến sĩ Nguyễn Tác An và Tiến sĩ Bùi Hồng Long của Viện Hải dương học Nha Trang làm sáng tỏ; tóm tắt của họ về những phát hiện chắc chắn khiến cho những người thậm chí không phải nhà khoa học (giống như hầu hết chúng ta) đánh giá cao giá trị của toàn bộ cuộc khảo sát:[8]
Số liệu thu thập và phân tích trong bốn JOMSREs đã góp phần vào sự hiểu biết hơn nữa về những đặc tính địa chất, sinh học và hải dương học của Biển Đông và sự đa dạng sinh học của nó (các hệ sinh thái, thành phần các loài). Biển Đông là một hệ sinh thái biển lớn bao gồm nhiều tiểu hệ sinh thái và có một vai trò sinh thái quan trọng trong sự phát triển của các quốc gia lân cận, châu Á và thế giới. Biển Đông thực hiện các chức năng quan trọng như giảm thiểu các tác động của thiên tai, hỗ trợ và phục vụ các hoạt động kinh tế biển khác nhau.
Các kết quả của JOMSRE ... có thể được coi là cơ sở khoa học cơ bản cho sự hiểu biết hơn nữa về Biển Đông và cho các chương trình hợp tác (như) ... (1) phòng chống và giảm thiểu tác động của thiên tai, (2) giảm nhẹ tác động của, và thích ứng với biến đổi khí hậu ... (3) bảo vệ sự lành mạnh của đại dương và hệ sinh thái, và (4) xây dựng quy trình quản lý và chính sách dẫn đến sự bền vững của môi trường ven biển và đại dương và các nguồn lực. (Nhấn mạnh của tôi)
Sự mô tả này cho thấy rõ ràng rằng JOMSRE-SCS thực sự là một nỗ lực đáng giá. Mười bốn năm nghiên cứu khoa học bền vững là một thành tựu mang tính bước ngoặt cả về khoa học lẫn các hoạt động xây dựng lòng tin song phương được hình dung tại Biển Đông:
Việc tiến hành thành công các JOMSREs trong 14 năm qua phản ánh sự thiện chí giữa Việt Nam và Philippin trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác hai bên cùng có lợi. Ý nghĩa chính trị và ngoại giao của JOMSREs đã được ghi nhận và khẳng định thông qua các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Philippin trong các cuộc họp cấp cao liên quan đến các nhà khoa học và các phương tiện truyền thông.
Thành công của JOMSRE về mặt giá trị khoa học và thực tế là bằng chứng của sự hợp tác thân thiện giữa hai nước vì lợi ích chung và an ninh khu vực, và có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh sinh thái tại Biển Đông và trên thế giới.[9]
Điều quan trọng cần lưu ý là hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển (MSR) cũng được hỗ trợ đầy đủ thông qua Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Phillippin là các Bên tham gia. Phần IX của UNCLOS quy định rằng các Quốc gia có chung biên giới biển kín hoặc nửa kín, như Biển Đông, cần hợp tác với nhau trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Trong số các lĩnh vực hợp tác cụ thể cần "thực hiện,,trong điều kiện phù hợp, các chương trình nghiên cứu khoa học trong khu vực" (UNCLOS Điều 123 (c)).

Tương lai của JOMSRE-SCS
Philippin và Việt Nam vẫn duy trì cam kết tiếp tục thực hiện JOMSRE-SCS. Như đã đề cập, năm 2007, Philippin và Việt Nam đã đồng ý mở rộng phạm vi thám hiểm này, cả về đối tượng và khu vực. Hai bên cũng đã đồng ý với sự tham gia của Trung Quốc trong các JOMSREs tương lai.
Sự tham gia của Trung Quốc chắc chắn được hoan nghênh. Điều này sẽ khẳng định giá trị của JOMSRE như là một cơ chế hợp tác khả thi, thiết thực và quan trọng ở Biển Đông. Hy vọng rằng các Quốc gia ven biển khác ở Biển Đông cũng sẽ góp phần vào nỗ lực này. Điều này sẽ tiếp tục tạo đà cho một kiến trúc hợp tác rộng lớn hơn ở Biển Đông.


XÂY DỰNG KHỐI: Các nỗ lực xây dựng niềm tin khác giữa Philippin-Việt Nam

Thăm dò Địa chấn biển chung (JMSU)
JMSU là một thỏa thuận ba bên giữa các công ty dầu quốc gia của Trung Quốc, Philippin và Việt Nam.[10] JMSU là một Hiệp định có thời hạn ba năm cho một nghiên cứu gồm ba giai đoạn bao gồm việc thu thập dữ liệu, hợp nhất và giải thích các dữ liệu địa chấn của khoảng 142.880 km2 trong nhóm đảo Kalayaan (Trường Sa).
Cũng giống như JOMSRE-SCS, JMSU là một cuộc thăm dò chung có bản chất khoa học. Khảo sát địa chấn chủ yếu là một công cụ khoa học về địa chất biển để tìm hiểu về các khía cạnh nhất định của đáy đại dương; nó là một hình thức tinh vi của cuộc khảo sát địa vật lý để thu thập thông tin về địa hình dưới biển.[11] Các khảo sát địa chấn này đặc biệt hữu ích cho việc tìm dầu và khí đốt thường được tìm thấy trong các đá trầm tích ở biển sâu. Tuy nhiên, chủ yếu các khảo sát địa chấn trên hết vẫn là một công cụ khoa học, mặc dù nó có thể có giá trị thương mại đối với các công ty dầu.[12]
JMSU đã hết hiệu lực vào ngày 30/06/2008. Mặc dù gặp phải một số rắc rối và tranh cãi sau này về JMSU, khái niệm của nó đã trở thành khả thi chủ yếu là nhờ vào giá trị khoa học của nó. Do vậy, khái niệm về các cuộc khảo sát địa chấn biển vẫn còn khả thi trên thực tế. Điều này cho thấy, như Giáo sư Buszynski của Đại học Quốc tế Nhật Bản khẳng định tại Hội thảo năm ngoái tại Hà Nội, giá trị của JMSU là ở chỗ "nó chỉ ra các khả năng có thể được khám phá trong tương lai ...”[13]
JMSU chắc chắn đã đem lại nhiều bài học cho tất cả các bên liên quan và các bài học đó sẽ được Philippin, Trung Quốc và Việt Nam lưu tâm tới trong các thăm dò chung trong tương lai. Điều quan trọng là đã thực hiện được một nỗ lực của ba trong số các chủ thể quan trọng nhất ở Biển Đông để tạo ra sự hợp tác như vậy và làm cho nó có hiệu quả và khả thi cho tất cả các bên.

MOAs đối với mối quan tâm hàng hải và đại dương
Chỉ riêng năm nay (2010), trong một khoảng thời gian ít hơn sáu tháng, Philippin và Việt Nam đã ký ba Biên bản thỏa thuận ghi nhớ quan trọng (MOA) về nhiều vấn đề hàng hải và đại dương, trong đó, ngoài giá trị cụ thể cho vấn đề của hai bên, cũng có các hình thức về các biện pháp xây dựng lòng tin. Ba MOAs là: MOA về Hợp tác về Thủy sản, MOA về Chuẩn bị và Ứng phó sự cố tràn dầu, và MOA về Tìm kiếm và Cứu hộ trên biển.
Các MOA về Hợp tác Nghề cá đã được ký kết vào ngày 28/06/2010 tại Hà Nội. Đây là một hiệp định khung tổng thể mở đường cho hợp tác cụ thể trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm trao đổi thông tin và số liệu về thủy sản, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, hoạt động nghiên cứu, sau thu hoạch, và phát triển an toàn thực phẩm và hợp tác tương tự. Nó cũng cam kết cả hai nước hợp tác về phòng chống và đánh bắt cá (IUU) bất hợp pháp, không được báo cáo, và không được kiểm soát. Điểm cuối cùng đặc biệt cần thiết về đánh bắt cá IUU đó là thấy rằng Philippin và Việt Nam chia sẻ nguồn cá thương mại tương tự trong Biển Đông - như cá nục, cá thu, cá ngừ và nguồn cá di cư cao khác - có nguy cơ tuyệt chủng bởi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.
MOA về Hợp tác trong Chuẩn bị và Ứng phó sự cố tràn dầu và MOA về Tìm kiếm và Cứu hộ trên biển đã được cả hai ký kết gần đây trong Chuyến thăm Nhà nước của Tổng thống Philippin Benigno S. Aquino III đến Việt Nam cuối 26-27 tháng 10 năm 2010. MOA về Chuẩn bị và Ứng phó sự cố tràn dầu có mục tiêu tăng cường năng lực của cả hai nước để ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu và bảo vệ môi trường biển chống ô nhiễm do tràn dầu.
Điều này đặc biệt quan trọng trong tương quan của sự cố tràn dầu gần đây trên thế giới, đặc biệt là ở Vịnh Mexico. Philippin và Việt Nam có nguồn sinh học biển đa dạng và một phần lớn dân số của họ phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển. Cả hai nước cùng xác nhận rằng sự cố phá hoại môi trường, đặc biệt là sự cố tràn dầu và các chất độc hại khác, có thể gây tác động tiêu cực về xã hội và kinh tế đối với người dân của họ.
MOA về Hợp tác Tìm kiếm và Cứu hộ sẽ tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau giữa Philippin và Việt Nam để thực hiện các hoạt động cứu nạn và tìm kiếm nâng cao có hiệu quả, nhanh chóng cho người, phương tiện và máy bay bị nạn trên biển. Sự hợp tác như vậy có ý nghĩa đối với hai nước trong bối cảnh đặc trưng địa vật lý của họ. Philippin là một quốc gia cả về hàng hải lẫn quần đảo trong khi Việt Nam có bờ biển dài. Tai nạn trên biển xuất hiện định kỳ ở cả hai quốc gia, cần có sự ứng cứu đầy đủ để cứu người và tài sản trong các sự cố như vậy.
Mặc dù việc áp dụng các MOAs này là không riêng biệt đối với Biển Đông, rõ ràng là các thoả thuận này là kết quả của sức mạnh và sự trưởng thành liên tục trong quan hệ Philippin-Việt Nam, đặc biệt là trong các vấn đề hàng hải và đại dương, cho dù vấn đề Biển Đông còn kéo dài.
Trọng tâm của các Hiệp định cũng chỉ ra rằng Philippin và Việt Nam đã quyết định gạt sang một bên những khác biệt ở Biển Đông nhằm tăng cường hợp tác về các vấn đề rất quan trọng cho lợi ích của cả hai bên. Sự hội tụ của những lợi ích này và sự sẵn sàng thừa nhận và hành động vì sự hội tụ này là một bước đi đúng hướng khi các hoạt động hợp tác song phương và đa phương cuối cùng sẽ được xem xét trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Nhóm công tác thường trực chung về các mối quan tâm hàng hải và đại dương (JPWG-MOC)
Lưu ý rằng các MOAs đề cập ở trên và các JOMRSE-SCS cũng như các thảo luận triển vọng khác về hợp tác trong tương lai là sản phẩm của JPWG-MOC giữa Philippin-Việt Nam. Các JPWG-MOC được thành lập vào năm 2003 thông qua Ủy ban cùng Hợp tác song phương Philippin-Việt Nam (JCBC) để làm nơi hội họp thảo luận về hợp tác hàng hải giữa hai nước. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức vào tháng 2 năm 2004 tại Manila.
JCPWG thảo luận sự theo đuổi hợp tác trong các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khí hậu và thời tiết, hợp tác nghề cá, an toàn và an ninh hàng hải, và quản trị đại dương. Nó góp phần cải thiện quan hệ song phương tổng thể của Philippin và Việt Nam. JPWG-MOC gần đây nhất (số 5) được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2009.

Quan hệ Đối tác trong ASEAN và các Diễn đàn Đa phương khác
Philippin và Việt Nam cũng liên kết các lợi ích và nỗ lực của họ trong khuôn khổ đa phương khác nhau, đặc biệt là trong ASEAN để quản lý các xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông và để tìm hiểu chủ trương hiệu quả có thể dẫn tới hợp tác.
Cả hai quốc gia đã cho thấy sự đoàn kết của họ với ASEAN và sự chân thành của họ trong cố gắng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề trong quan hệ đối tác với Trung Quốc khi cả hai tích cực tham gia đề ra Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC-SCS), cuối cùng được ASEAN và Trung Quốc ký kết vào tháng 11 năm 2002.
Trong những năm qua, cả hai nước đã tôn trọng các quy định của DOC và tham khảo ý kiến với nhau để tìm cơ sở chung cho việc thực hiện triển khai. Trong thời gian Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2010, Philippin thể hiện sự hỗ trợ nhất quán đối với Việt Nam trong vai trò lãnh đạo, triển khai hướng dẫn thực hiện trên lĩnh vực hợp tác như đã vạch ra trong DOC-SCS.
Giống như trong hoạt động hoàn toàn song phương, Philippin và Việt Nam đã cùng làm việc và tham vấn với nhau về các vấn đề hàng hải và đại dương khác, các vấn đề không chỉ được thảo luận trong ASEAN mà còn trong các tổ chức đa phương khác, như IMO, Liên Hợp Quốc và những tổ chức khác. Thiện chí được tạo ra thông qua việc tìm kiếm các quan điểm chung trong các diễn đàn đa phương đã đóng góp hơn nữa cho thái độ của cả hai nước trong việc gạt sang một bên những khác biệt giữa họ để tạo thuận lợi cho những theo đuổi hữu ích và có lợi.

QUAN ĐIỂM VỀ HỢP TÁC VÀ TƯƠNG LAI CỦA HỢP TÁC Ở BIỂN ĐÔNG GIỮA PHILIPPIN-VIỆT NAM
Từ những thảo luận ở trên, rõ ràng là Philippin và Việt Nam cũng đạt được tiến bộ trong nỗ lực tìm cơ sở chung để giải quyết vấn đề Biển Đông, cả về song phương lẫn đa phương. Từ kinh nghiệm của hai nước có thể học được một số bài học:
Trước tiên, phải khẳng định dứt khoát rằng chỉ có một con đường duy nhất để đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông, và đó là thông qua hợp tác. Phải thừa nhận rằng trong khi Biển Đông là một nguồn gây hiểu lầm giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, nó cũng có thể là một biển "gắn kết" có thể tạo ra những lợi ích chung cho họ. Cùng với ý tưởng này, Philippin đã thảo luận không chính thức với các nước khác về đề nghị của mình trong việc tuyên bố Biển Đông thành một Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZPFFC) dẫn đến một kiến trúc an ninh và quản lý mới ở Biển Đông. Còn chưa có phương thức cụ thể nào để có thể thực hiện được việc này, nhưng ý tưởng là rõ ràng - biến Biển Đông từ một khu vực căng thẳng và xung đột thành một khu vực hòa bình và hợp tác.
Thứ hai, phải nỗ lực xây dựng dựa trên những lợi ích tích cực từ những gì đã đạt được. Đó là những gì mà Philippin và Việt Nam bây giờ đang thực hiện, ví dụ trong JOMSRE-SCS. Cả hai nước đã mở rộng hoạt động với Trung Quốc để phát triển phạm vi của nó. Trong tương lai, các Quốc gia ven biển khác cũng có thể là một phần của Cuộc thám hiểm này. Thái độ bao hàm đối với hoạt động hợp tác ở Biển Đông cuối cùng sẽ góp nhiều thành công và lợi ích hơn cho tất cả các bên liên quan.
Xây dựng trên sự thành công của DOC cũng nên là một ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc. Điều này có thể thực hiện được thông qua xây dựng các hướng dẫn thực hiện các dự án hợp tác ở Biển Đông hoặc thậm chí có thể đưa ra một Bộ Quy tắc ứng xử Khu vực.
Thứ ba, có ý thức gạt qua sự khác biệt để tập trung nhiều hơn vào lợi ích chung quan trọng sẽ dẫn tới nhiều kết quả tích cực. Các vấn đề như nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khí hậu và thời tiết, hợp tác nghề cá, an toàn và an ninh hàng hải, và quản trị đại dương có thể được ưu tiên hơn các vấn đề lãnh thổ. Điều này đã được chứng minh một cách hiệu quả trong trường hợp của JOMSRE-SCS. Có những sự theo đuổi thực tế khác phù hợp với những vấn đề được đề cập mà Việt Nam và Philippin đang cố gắng thúc đẩy. Ví dụ, Việt Nam đã đề xuất ý tưởng thành lập Khu Bảo tồn Biển (MPAs) ở Biển Đông, trong khi Philippin đã đề xuất một Khu vực Hòa bình Biển xuyên Biên giới (TMPP) ở Biển Đông.
Những đề xuất được đặt ra cho những lợi ích chung quan trọng vượt lên trên những tuyên bố về biên giới và lãnh thổ, như bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thuỷ sản, và ngăn ngừa mất thêm nguồn cá để duy trì nguồn lợi thủy sản.
Thứ tư, ý tưởng cho rằng Biển Đông có thể là một biển "gắn kết" không nhất thiết chỉ được xem là một ý tưởng trừu tượng. Có những nguyên tắc cụ thể đã tồn tại trong một thời gian dài trong luật pháp quốc tế chỉ ra hướng này và phục vụ như một bảng chỉ đường tới đích này. Cụ thể, Phần IX của UNCLOS cung cấp một cơ chế khu vực quản trị đại dương toàn diện nhắm tới tất cả các mối quan tâm hàng hải theo một cách thức liên kết, hợp tác chung giữa các bên liên quan có thể, từ các Quốc gia ven biển / khu vực, các Quốc gia ngoài khu vực, cho tới các tổ chức quốc tế / tổ chức phi chính phủ.
Philippin và Việt Nam luôn thực hiện tất cả các hợp tác chung của mình phù hợp với luật pháp quốc tế và đặc biệt là với UNLCOS. Tất cả các bên với vấn đề Biển Đông cần phải nghiêm túc nhìn vào UNCLOS Phần IX, bao gồm cả đề xuất thành lập một tổ chức hàng hải khu vực có thể quản lý hợp tác khu vực ở biển kín và nửa kín, và làm thế nào để có thể áp dụng cho Biển Đông.
Thông qua thảo luận về những bài học và hiểu biết trên từ quan hệ đối tác và hợp tác Philippin-Việt Nam ở Biển Đông trong những năm qua, bài viết này không có ý định đơn giản hóa vấn đề. Về mặt quan niệm, những bài học này là dễ hiểu, tuy nhiên, gặp khó khăn trong việc thực hiện. Thực tế này cần được thừa nhận để có một cách tiếp cận thực tế cho hợp tác ở Biển Đông. Nhưng những gì Philippin và Việt Nam thể hiện trong suốt những năm qua đó là ngay cả khi đối mặt với những thách thức dường như không thể vượt qua trong những giai đoạn đầu hoặc lập kế hoạch cho các nỗ lực hợp tác, vẫn có thể đạt được chúng bằng sự kiên nhẫn và bền bỉ.
Cả hai quốc gia vẫn lạc quan cho rằng hợp tác ở Biển Đông sẽ tiếp tục phát triển mạnh và điều này đã được các nhà lãnh đạo của cả hai chính phủ tuyên bố rõ ràng. Với việc triển khai các sáng kiến khác nhau giữa hai nước, Philippin và Việt Nam chắc chắn đang thực hiện hết sức, riêng biệt và song phương, để trở thành trụ cột đáng tin cậy trong việc thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.

Henry S. Bensurto, Jr., Tổng thư ký, Ủy ban các vấn đề Biển và Hải Dương (CMOAS), Bộ Ngoại giao Philippin
Bản quyền thuộc NCBĐ

Tải bản PDF tại đây




[1] Trình bày tại Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực, do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 10-12 tháng 11 năm 2010, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam. Các quan điểm được trình bày trong bài viết này là các quan sát và quan điểm riêng của tác giả; chúng không được sử dụng với mục đích chuyển tải các lập trường chính thức của Chính phủ.
Luật sư Henry Sicad Bensurto Jr. hiện tại là Tổng thư ký của Ủy ban các vấn đề về Biển và Đại dương (CMOA), Bộ Ngoại giao Philippin. Ông là một người nhận giải thưởng của Tổng thống Gawad Mabini (ngang hàng các tướng lĩnh) cho những đóng góp và lãnh đạo tốt của mình trong việc thông qua Đạo luật Cộng hòa số 9522 hay còn gọi là Luật về Đường cơ sở các Quần đảo Philippin, có hiệu lực sau 27 năm nỗ lực của Chính phủ trong việc cố gắng hài hòa Luật nội địa Phillippin với Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Với tư cách Tổng thư ký CMOAS, ông cũng là người hướng dẫn chuẩn bị và đệ trình một phần yêu sách của Philippin về Thềm lục địa mở rộng (ECS) lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) vào tháng 4 năm 2009. Với sự nghiệp của một nhà ngoại giao, ông đã phục vụ với nhiều nhiệm vụ khác nhau trong các nhiệm kỳ ngoại giao của Philippin ở nước ngoài; gần đây nhất là ở thủ đô Washington DC. Ông nhận bằng Cử nhân về Khoa học Chính trị (chuyên ngành Kinh tế) tại trường Đại học Philippin năm 1985 và Bằng luật từ trường Đại học Luật San Beda, Manila, năm 1990. Ông theo đuổi nghiên cứu sinh về ngoại giao tại Đại học Oxford năm 1995-1996, đạt loại ưu về Luật quốc tế và bằng khen về Thương mại quốc tế. Ông có một bằng cấp về Luật biển tại Học viện Rhodes về Chính sách và Luật Đại dương, Rhodes, Hy Lạp; Giấy chứng nhận về Luật An ninh Quốc gia của Học viện Luật An ninh Quốc gia, Trung tâm An ninh Quốc gia tại Đại học Virginia trường Luật, Charlottesville, VA. Ông cũng tham dự các khóa học ngắn hạn về Luật Thương mại quốc tế và Luật Nhân quyền tại Trung tâm Luật Georgetown và American University ở Washington DC.
[2] WU Schicun và Zou Keyuan. Maritime Security in the South China Sea: Cooperation and Implications [An ninh Hàng hải ở Biển Đông: Hợp tác và Hệ quả] trong Wu Shicun và Zou Keyuan, bt., Maritime Security in the South China Sea: Regional Implications and International Cooperation
[An ninh Hàng hải ở Biển Đông: Những hệ quả khu vực và hợp tác quốc tế] (London: Ashgate, 2009), tr. 51-80.
[3] Rafael E. Seguis, Phát biểu Khai mạc Hội nghị Ba bên giữa Trung Quốc-Philippin-Việt Nam về Thăm dò Nghiên cứu Khoa học Biển và Đại dương ở Biển Đông (JOMSRE-SCS) ngày 17-18 tháng 1 năm 2008, Philippin.
[4] Như trên.
[5] Từ các tài liệu cơ bản khác nhau của JOMSRE-SCS thông qua Ban thư ký CMOA.
[6] Alberto A. Encomienda. “Introduction to JOMSRE-SCS” [Giới thiệu về JOMSRE-SCS] trong Proceedings of the Conference on the Results of the Philippines-Vietnam Joint Oceanographic and Marine Scientific Research and Expedition in the South China Sea (JOMSRE-SCS I and IV) [Kỷ yếu Hội nghị về kết quả nghiên cứu khoa học và thám hiểm chung Phillippin-Việt Nam về hàng hải và đại dương ở Biển Đông], bt. Angel C. Alcala, Quỹ Oceanfriends Inc: Philippin, năm 2008.
[7] Như trên.
[8] Nguyễn Tác An và Bùi Hồng Long. “Some Significant Results and Lessons Learned from JOMSRE-SCS” [Một số kết quả quan trọng và bài học kinh nghiệm từ JOMSRE-SCS} trong Kỷ yếu Hội nghị về kết quả nghiên cứu khoa học và thám hiểm chung Phillippin-Việt Nam về hàng hải và đại dương ở Biển Đông (JOMSRE-SCS I và IV), bt. Angel C. Alcala, Quỹ Oceanfriends Inc: Philippin, năm 2008.
[9] Như trên.
[10] Đó là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC Ltd), Công ty Dầu khí Quốc gia Philippin (PNOC) và PetroVietnam.
[11] Xem “Methods and Equipment Used by Marine Geologists” [Phương pháp và thiết bị được các nhà địa chất biển sử dụng], USGS, tr. 2. có tại http://walrus.wr.usgs.gov/pubinfo/margeo12.html và “Oceanography, Geological” [Hải dương học, địa chất] tại http://www.waterencyclopedia.com/Oc-Po/Oceanography-Geological.html
[12] Cũng như nhiều nghiên cứu sinh học thuần túy hữu ích cho lợi ích thủy sản thương mại, và nhiều nghiên cứu cơ bản về các tính chất vật lý của các đại dương sẽ được sử dụng bởi các nhà thiết kế vũ khí quân dụng và hệ thống phát hiện. E.D. Brown. The International Law of the Sea [Luật Quốc Tế về Biển], Quyển 1. Aldershot: 1994, tr. 129.
[13] Leszek Buszynski. “The South China Sea: Avenues Towards a Resolution of the Issue” [Biển Đông: Con đường hướng tới một Nghị quyết về Vấn đề] ở Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 26-27 tháng 11 năm 2009, Hà Nội, Việt Nam. bt. Tran Truong Thuy. tr. 168.
.
.
.

No comments: