RFI ĐIỂM BÁO NGÀY 26-3-2011
Lê Phước - RFI
Thứ bảy 26 Tháng Ba 2011
Le Figaro khám phá vùng đất ranh giới dài 8 891 km của Canada và Mỹ với bài viết « Ranh giới Canada-Hoa Kỳ : một vùng ranh giới của đủ loại buôn lậu ». Một người dân địa phương cho biết, vào ban đêm, những thiếu niên của ở vùng Akwesasne vận chuyển ma túy qua dòng sông Saint-Laurent đóng băng. Đôi khi băng vỡ, người bị chôn vùi dưới lòng nước lạnh giá.
Ở vùng Akwesasne, một khu bảo tồn của sắc tộc da đỏ bản địa Mohawk trên đất Canada, nằm sắt biên giới với Hoa Kỳ, có đủ loại đồ lậu : ma túy, vũ khí, người … Khu vực Akwesasne có nhiều đảo nhỏ và nhiếu chổ ẩn nấp, vì thế cảnh sát chỉ thường tuần tra trên sông cái, chứ không bao giờ tuần tra ở khu vực này. Khu vực này có vị trí địa lý hết sức đặc biệt, vì nằm ở giữa vùng Ontario và Québec của Canada và bang New York của Hoa Kỳ.
Một quan chức cảnh sát Canada trực tiếp quản lí địa bàn cho biết, đại đa số người dân ở đây điều tuân thủ luật của Canada, thế nhưng có khoảng từ 4 đến 5% lệ thuộc vào các tổ chức tội phạm. Theo nguồn tin cảnh sát, trong khu vực Akwesasne, có đến 10 nhà máy thuốc lá lậu. Những người Mohawk bán thuốc này với giá thấp hơn bốn năm lần so với thuốc lá hợp pháp.
Theo cảnh sát địa phương, không chỉ có thuốc lá, mà còn có cả vũ khí, ma túy và người. Thường thì hướng giao dịch là từ Candana sang Mỹ. Năm 2000, có 12 000 người nhập cư trái phép bị phát hiện trên biên giới Canada - Mỹ, trong khi đó ở vùng biên giới Mêhicô - Mỹ con số này lên đến 1,6 triệu. Năm 2010, số người bị phát hiện ở ranh giới Canada - Mỹ là 6 800, và ở ranh giới Mêhicô - Mỹ là 540 000.
Các tổ chức tội phạm sử dụng nhân công độ chừng 16 đến 17 tuổi. Tiền thù lao cho mỗi chuyến hàng là 200 đô la. Cảnh sát thú nhận không rượt đuổi bọn buôn lậu trên sông Saint-Laurent vì không biết rõ đường đi trên con sông bằng họ. Trên vùng biên giới dài đến gần 9 000 cây số, công tác đảm bảo an ninh tuyệt đối hầu như là không thể.
Ấn Độ ưu tiên trồng bông biến đổi gien
Lĩnh vực trồng bông biến đổi gien đã bắt đầu phát triển ở Ấn Độ từ 9 năm nay. Hiện tại, Ấn Độ chỉ xếp sau Trung Quốc trong lĩnh vực này. Câu hỏi đặt ra là liệu người trồng bông Ấn Độ có thật sự được lợi ích hay không ? Le Monde phân tích vấn đề qua bài viết « Người trồng bông ở Ấn Độ đua nhau lao vào trồng coton biến đổi gien ».
Le Monde cho biết, bông biến đổi gien bị cáo buộc là thủ phạm khiến nhiều nông dân tự tử. Giá giống rất cao, nếu thất mùa, người trồng bông sẽ bị vỡ nợ. Tại vùng Vidharbha thuộc miền Tây Ấn Độ, trong mười năm qua, đã có 20 000 vụ tự tử do nợ nần chồng chất.
Thế nhưng, một nghiên cứu của giáo sư Glenn Stone, giáo sư nhân chủng học thuộc Đại học Washington ở Saint-Louis (bang Missouri), đã cho những kết luận rõ ràng hơn. Nghiên cứu này không cho rằng bông, hay coton biến đổi gien chính là nguồn gốc của hiện tượng tăng số người tự tử.
Nghiên cứu này so sánh tình hình trước và sau khi du nhập kỹ thuật trồng coton biến đổi gien ở bốn huyện phía đông nam của Ấn Độ. Kết quả không đầy hứa hẹn như lời của các nhà sản xuất giống, nhưng cũng không quá bi thảm như đánh giá của những người chống kỹ thuật biến đổi gien.
Theo nghiên cứu này, trước kia, người dân trồng giống coton lai, mùa màng luôn bị sâu bọ đe dọa. Những nông dân ít tiếp cận thông tin, thiếu phương tiện và không biết cách sử dụng thuốc trừ sâu đã bị mất mùa và nợ nần chồng chất đến bước tự tử. Chính là nhờ vào coton biến đổi gien, lượng thuốc trừ sâu sử dụng đã giảm được đến 55%. Thế nhưng, những giống coton biến đổi gien mới không chống được sâu bệnh lâu và phải được đổi mới thường xuyên. Vì thế nhiều nông dân không theo kịp những thay đổi kỹ thuật quá mau chóng trong nông nghiệp. Nhiều nông dân không còn biết, liệu có nên tiếp tục trồng coton biến đổi gien hay không.
Trong trường hợp này, Le Monde cho rằng, vai trò của marketing rất quan trọng. Như tập đoàn sản xuất giống Monsanto của Mỹ đã tiến hành nhiều đợt tuyên truyền ở nông thôn nhằm cung cấp thông tin cho nông dân về sản phẩm giống của mình. Đồng thời tập đoàn này cũng đã tài trợ cho nhiều hoạt động tôn giáo.
Ở Ấn Độ, diện tích trồng coton biến đổi gien đã lên đến 9,4 triệu hecta. Hiện tại, ngoài coton biến đổi gien, chưa có loại cây biến đổi gien nào khác được cho phép. Tuy nhiên, sắp tới, việc trồng cao su và cà tím biến đổi gien cũng sẽ được nước này xem xét.
Việc trồng các loại cây biến đổi gien có liên quan đền thực phẩm bị cấm ở Ấn Độ. Thế nhưng, Le Monde đặt câu hỏi, liệu lệnh cấm này sẽ kéo dài được bao lâu ? Sau thành công của cuộc cách mạng Xanh trong những năm 1970, Ấn Độ cố gắng hoàn thành cuộc cách mạng thứ hai, đó là tăng năng suất nông nghiệp và đảm bảo nhu cầu thực phẩm của người dân. Thế mà năm 2010, chính phủ lại không bật đèn xanh cho việc trồng cà tím biến đổi gien. Năm 2012, một cơ quan quản lý công nghệ sinh học cấp nhà nước sẽ ra đời, khi đó, cơ quan này sẽ xem xét lại vấn đề nêu trên.
Những khó khăn trong việc bảo vệ các di sản thế giới tại Pháp
Đến với lĩnh vực bảo tồn di sản, nhật báo La Croix có bài « Danh hiệu Di sản thế giới, vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm ». Tờ báo nhận định, những nơi được ghi tên vào danh sách di sản nhân loại có một uy tín lớn, thế nên người quản lý phải biết điều hành cho xứng tầm với « nhãn hiệu » cao quí này.
Ở vịnh Mont-Saint-Michel của Pháp, đã mọc lên những máy chạy bằng động cơ gió. Những người có tâm bảo vệ khu di tích kiên quyết đấu tranh để bảo vệ khu di sản nhân loại được Unesco xếp hạng này. Theo họ, cơ may duy nhất để giành chiến thắng là dựa vào « nhãn hiệu » di sản.
Cơ may này thật không nhỏ, bởi uy tín của khu di sản sau khi được Unesco công nhận và bởi nguy cơ có thể bị rút tên ra khỏi danh sách di sản thế giới. Làm thế nào để giải thích được nguyên nhân tại sao lãnh đạo tỉnh Manche đã cho phép một công ty của Đức, gắn những chiếc chong chóng lên ngọn của 3 cột buồm cao 60m, chỉ nằm cách Mont-Saint-Michel có 20 cây số.
Một di sản khác ở Pháp cũng đang bị đe dọa, đó là khu đô thị trung cổ ở Provins (tỉnh Seine-et-Marne). Khu vực này được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 2001, thế nhưng, đang cơ nguy cơ bị xóa tên kể từ khi chính quyền ở đây có ý định xây dựng lại một phần của khu vực « mang nhãn Unesco » này. Tháng 11/2010, Ủy ban di sản thế giới đã cảnh báo, Pháp phải xem xét lại vụ việc, tránh xây dựng gây ảnh hưởng đến giá trị của khu di sản.
Kể từ khi ra đời công ước bảo vệ di sản của Unesco vào năm 1972, chỉ có hai nơi bị rút lại danh hiệu di sản thế giới. Như vậy có phải ủy ban này quá dể dãi không ? Một quan chức Unesco dứt khoát « Ủy ban Di sản có thể cử một đội công tác đến hiện trường. Nếu giá trị và sự toàn vẹn của khu di sản bị đe dọa thì tùy mức độ mà có hai cách giải quyết, hoặc là đưa di sản liên quan vào danh sách di sản bị đe dọa để kêu gọi những biện pháp sửa chữa, hoặc rút tên di sản ra khỏi danh sách chính thức của Unesco ».
Thế nhưng, lỗi cũng không hẳn là chỉ thuộc về nước sở hữu di sản. Một giới chức phụ trách di sản của Pháp bức xúc, càng đi sâu tìm hiểu mục tiêu của Unesco là bảo tồn các di sản nhân loại cho thế hệ mai sau, càng bị mù mờ khi đi vào áp dụng cụ thể những tiêu chuẩn nghệ thuật. Bởi Unesco chỉ yêu cầu lập kế hoạch quản lí và tôn tạo các khu di tích như thể người ta đưa một bản tờ khai mẫu, mà trong đó không có ô để điền.
Tại Pháp, Đảng cực hữu Mặt Trận Quốc gia thu được thắng lợi trong cuộc bầu cử hội đồng tỉnh vòng 1
Đến với chính trị nước Pháp, Liberation thông tin về cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng tỉnh vòng hai diễn ra vào ngày mai. Hiện tại, có đến 400 ứng cử viên thuộc Đảng Mặt trận Quốc gia có tên trong danh sách trên tổng số 1.556 đơn vị bầu cử. Bài viết mang dòng tựa « Đảng Mặt Trận Quốc gia thắng thế trong cuộc bầu cử hội đồng tỉnh ».
Bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) cho rằng, đối với cánh hữu, thắng lợi vừa rồi của đảng FN như một chất xúc tác làm hiện rõ những dị biệt giữa người theo chủ nghĩa dân tộc và người theo chủ nghĩa quốc tế, người ủng hộ tự do mậu dịch và người theo chủ nghĩa bảo hộ. Bà Le Pen cũng tuyên bố : « Đảng UMP sẽ biến mất trong vài năm nữa ». Bà kêu gọi : « Hãy đến với chúng tôi, hỡi những đồng bào có tâm bảo vệ đất nước ».
Đảng UMP đang tìm cách giành lấy cử tri trên « mảnh đất » của đảng FN. Ông Claude Gueant, bộ trưởng nội vụ, tuyên bố hôm 17/3 rằng, trong giai đoạn làn sóng nhập cư ào ạt, mất kiểm soát, đôi khi người Pháp có cảm giác như không phải ở trên mảnh đất của mình vậy. Một tuần sau, ông Gueant nói : « Những người sử dụng các dịch vụ công cộng không được mang dấu hiệu tôn giáo trên người, hay biểu hiện một sự thiên vị tôn giáo nào ».
Bà Le Pen phản ứng : « Họ (người của đảng UMP) hành động như thể họ là đảng đối lập vậy ». Bà cũng mạnh dạn tuyên bố : những gì đang diễn ra cho thấy đời sống chính trị Pháp đã thay đổi sâu sắc, hệ thống cũ đang bị sụp đổ.
Trang nhất các tờ báo Pháp
Trang nhất nhật báo Le Monde có bài « kịch bản tồi tệ nhất đang diễn ra ở Fukushima ». Tờ báo cho biết tình trạng nguy hiểm ở lò số 3 và nguy cơ phát tán phóng xạ. Trong bối cảnh đó, các nước Châu Âu ráo riết kiểm tra các lò phản ứng của mình.
Le Figaro dành tranh nhất cho bài « Libya : Sarkozy và Cameron đang chuẩn bị một sách lược ngoại giao mới ». Bài báo cho biết, sau một tuần oanh kích, Pháp và Anh đang tính đến giải pháp hòa bình ở Libya .
.
.
.
No comments:
Post a Comment