BBC
Cập nhật: 13:21 GMT - thứ năm, 24 tháng 3, 2011
Chính phủ Philippines vừa chuẩn thuận việc khôi phục một căn cứ không quân tạ̣i quần đảo Trường Sa hiện vẫn còn đang tranh chấp.
Bấm : http://wscdn.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2011/03/24/110324132039_phil_spratlys_466.gif
Báo Philippines cho hay Tổng thống Benigno Aquino đã thông qua đề xuất của Không lực nước này khôi phục và nâng cấp căn cứ Rancudo trên đảo Pag-Asa thuộc quần đảo Trường Sa, mà Philippines đang nắm giữ.
Căn cứ Rancudo lâu nay đã bị hư hại và xuống cấp.
Tờ Philippine Star nói Tổng thống Aquino đã chỉ thị cho một số cơ quan nhà nước, trong có Bộ Năng lượng, đầu tư tài chính để có thể cung cấp đợt đầu 8 tỷ peso cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại Rancudo.
Báo này cho rằng trong số sáu quốc gia đang tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa thì Philippines là chậm nhất trong việc đầu tư xây dựng cơ sở trên các đảo đã chiếm được.
Các nguồn tin quân đội Philippines được viện dẫn nói tiền đầu tư trước hết sẽ được đổ vào để bê tông hóa sân bay Rancudo dài 1,5 km cũng như mua thêm chiến đấu cơ và tàu tuần tra.
Kể từ sự kiện hôm 02/03, khi hai tàu chiến có gắn súng máy của Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò MV Venture của Philippines hoạt động trong khu vực Bãi Cỏ rong (Reed Bank), cách đảo Palawan 200 km về phía tây, Manila bắt đầu có nhiều động thái phản ứng.
Ngoài việc tổ chức tăng cường tuần tra, hộ tống tàu cá và tàu thăm dò cùng các phản đối chính thức qua đường ngoại giao, Philippines còn cho đăng nhiều bài công khai chỉ trích chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Báo Philippine Star trích nguồn quân đội nói tình hình an ninh tại Biển Đông "đang gây quan ngại".
Nguồn tin này cũng nói bản thân Tổng thống Aquino đã phải lên tiếng bày tỏ lo lắng trước tình trạng yếu kém của cơ sở vật chất của Philippines trên quần đảo Trường Sa.
Mới đây, chỉ huy không quân Philippines cũng thừa nhận rằng nước này còn thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể đối phó hữu hiệu với các tàu nước ngoài xâm phạm hải phận Philippines, thua kém nhiều so với Trung Quốc, Việt Nam hay Malaysia, là các quốc gia cùng tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc vừa loan báo tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong năm 2011, mà phần lớn sẽ được đầu tư vào hoạt động "bảo vệ biển đảo".
.
.
Trọng Nghĩa - RFI
Thứ năm 24 Tháng Ba 2011
Đúng một hôm sau khi Philippines xác nhận kế hoạch xúc tiến việc khai thác dầu khí tại vùng Reed Bank gần quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa tất cả những ai có ý định tương tự. Đối với Bắc Kinh, khu vực Trường Sa, mà họ gọi là Nam Sa, thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho nên không ai có quyền tự ý thăm dò dầu khí trong vùng này nếu không được phép của Bắc Kinh.
Phát biểu vào hôm nay 24/03/2011 tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, đã lại tuyên bố : « Trung Quốc nắm giữ chủ quyền không thể chối cãi trên quần đảo Nam Sa và vùng biển tiếp giáp ». Đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đe dọa : « Bất kỳ hoạt động của các nước hoặc các công ty thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc mà không được phép của chính phủ Trung Quốc đều bị coi là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, và ... bất hợp pháp và vô giá trị ».
Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra 24 tiếng đồng hồ sau khi bộ Năng lượng Philippines xác nhận việc Công ty dầu khí Forum Energy, trụ sở tại Anh Quốc, đã hoàn tất giai đoạn thăm dò địa chấn tại vùng Reed Bank ở Biển Đông, ngoài khơi Philippines, và chuẩn bị công việc khoan giếng. Là một công ty con của tập đoàn Philippines, Philex Mining Corp., Forum Energy đã được trao quyền thăm dò và khai thác mỏ khí đốt Sampaguita ở khu vực Reed Bank, cách quần đảo Trường Sa 150 cây số về phía Đông.
Bà Khương Du đã tuyên bố như trên khi được mời bình luận về kế hoạch của Manila, nhưng không hề nêu đích danh Philippines hoặc công ty Forum Energy, cũng như không nói rõ là khu vực được thăm dò thực sự nằm trong vùng biển của Trung Quốc hay không.
Theo các nhà phân tích, thái độ cố tình mập mờ của Bắc Kinh thể hiện ý muốn lợi dụng trường hợp của Philippines để gởi tín hiệu đe dọa đến toàn bộ năm nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Trường Sa, từ Philippines, Việt Nam, Malaysia, cho đến Brunei và Đài Loan.
Lời cảnh cáo cũng nhằm hù dọa các công ty dầu khí quốc tế có hợp đồng thăm dò và khai thác với các láng giềng của Trung Quốc. Trong thời gian qua, một số tập đoàn dầu khí Anh Mỹ làm ăn với Việt Nam đã từng bị Bắc Kinh dọa nạt, buộc chinh quyền Mỹ phải lên tiếng.
Sau cùng, tuyên bố hôm nay của Bắc Kinh, khi nhắc đến khái niệm « vùng biển tiếp giáp », được cho là cách thức để Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền của trên khoảng 80% diện tích Biển Đông, nằm trong tấm bản đồ hình chữ U mà họ đã công khai hóa vào tháng 5 năm 2009. Đòi hỏi này được Bắc Kinh lập đi lập lại cho dù đã bị hầu hết các chuyên gia quốc tế đánh giá là không có cơ sở.
.
.
.
VOA
Thứ Năm, 24 tháng 3 2011
Trung Quốc cảnh cáo hoạt động khai thác dầu khí tại quần đảo Trường Sa sau khi một công ty loan báo kế hoạch bắt đầu khoan dầu trong khu vực có tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Khương Du, nhấn mạnh rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại dãy đảo vừa kể cũng như các vùng lãnh hải gần kề ở Biển Nam Trung Hoa.
Bà Khương Du nói rằng bất kỳ hoạt động khai thác dầu khí nào trong khu vực mà không được sự cho phép của Trung Quốc sẽ vi phạm chủ quyền Trung Quốc, và vì vậy là bất hợp pháp và không có hiệu lực.
Trong tuần, công ty dầu khí và khai khoáng Forum Energy có trụ sở tại Anh Quốc loan báo tại Manila rằng họ đã hoàn tất một cuộc khảo sát địa chất vùng Mỏ khí đốt Sampaguita cách quần đảo Trường Sa chừng 150 cây số về phía Đông và giờ đây sẽ bắt đầu công tác xác định vị trí tốt nhất để tiến hành các mũi khoan thẩm định.
Trước đây trong tháng, Philippines đã phản đối việc hai tàu tuần duyên quân sự của Bắc Kinh đã vào khu vực có tên gọi là Reed Bank và buộc một tàu khai thác dầu phải rời khỏi khu vực.
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Khương Du, nhấn mạnh rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại dãy đảo vừa kể cũng như các vùng lãnh hải gần kề ở Biển Nam Trung Hoa.
Bà Khương Du nói rằng bất kỳ hoạt động khai thác dầu khí nào trong khu vực mà không được sự cho phép của Trung Quốc sẽ vi phạm chủ quyền Trung Quốc, và vì vậy là bất hợp pháp và không có hiệu lực.
Trong tuần, công ty dầu khí và khai khoáng Forum Energy có trụ sở tại Anh Quốc loan báo tại Manila rằng họ đã hoàn tất một cuộc khảo sát địa chất vùng Mỏ khí đốt Sampaguita cách quần đảo Trường Sa chừng 150 cây số về phía Đông và giờ đây sẽ bắt đầu công tác xác định vị trí tốt nhất để tiến hành các mũi khoan thẩm định.
Trước đây trong tháng, Philippines đã phản đối việc hai tàu tuần duyên quân sự của Bắc Kinh đã vào khu vực có tên gọi là Reed Bank và buộc một tàu khai thác dầu phải rời khỏi khu vực.
.
.
.
No comments:
Post a Comment