Saturday, March 12, 2011

ĐỘNG PHONG NHA - KIỆT TÁC THIÊN NHIÊN, TRƠ TRỌI VĂN HÓA (Người Việt)

Trần Tiến Dũng/Người Việt
Friday, March 11, 2011 2:58:01 PM

Sau hơn bốn tiếng đồng hồ ngồi xe, cuối cùng chúng tôi cũng đến được vùng núi đá vôi có động Phong Nha-Kẻ Bàng nổi tiếng. Ngay cái nhìn đầu tiên, du khách phải đối diện với hai hình ảnh trái ngược nhau. Cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, còn phố thị thì xây cất bát nháo, lôm côm không ra một phong cách ngô khoai gì. Nói cách khác là di sản thiên nhiên thế giới này đang bị khai thác theo kiểu vô tư cắn xé, bòn rút, thậm chí chẳng màng đến chuyện giữ cho di sản thiên nhiên được Liên Hiệp Quốc công nhận này một chút sĩ diện.

Ðường vào di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng vẫn thấy người nghèo chống ghe vớt rong về nuôi heo. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Theo giá tour rẻ tiền, chúng tôi không được đi động khô mà chỉ đến động nước. Ở bến đò vào động, ban quản lý chỉ định chúng tôi đi xuống một chiếc thuyền vẻ ngoài thì sơn phết hình con rồng, nhưng bên trong thì cũ mục và chẳng có một cái áo phao an toàn nào cả.
Một chị ngồi gần thuyền khều tôi, chị chỉ chỗ nước rỉ ra từ khe ván thuyền đằng mũi. Nhiều người đi thuyền cũng thấy những khe thủng và họ nhìn lom lom vào chỗ xì nước của lớp gỗ mục, nhưng chẳng ai buồn lên tiếng cảnh báo hoặc đòi hỏi thay thuyền để bảo đảm an toàn. Thường thì những trường hợp như thế này dân Việt Nam đều có cách xử sự im lặng liều thân nhắm mắt, dù chắc rằng ai cũng biết chuyện thuyền du lịch ở vịnh Hạ Long bể đáy làm chết mười mấy người khách Tây. Chắc có lẽ họ cho rằng, khách Tây chết đuối chớ có phải khách ta đâu.

Ghe chở du khách vào động Phong Nha trên những ghe nhỏ, không được trang bị áo phao dù từng xảy ra tai nạn chết người ở Vịnh Hạ Long. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chỉ riêng con sông Son và cảnh núi đá vôi chập chùng ven sông không thôi cũng làm nên một bức tranh phong thủy tuyệt mỹ. Nhưng cảnh trí thiên nhiên cũng muốn chứng tỏ cho con người biết sự giận dữ khi bị đối xử khai thác bất công. Người lái thuyền cho biết, không năm nào lũ lớn bằng năm 2010, nước sông dâng ngập trắng, ngập lút cả mái nhà hai bên bờ sông. Trên lòng sông, thuyền chở khách đi chầm chậm, dân cư hai bên con sông người thì tắm, người thì giặt giũ trong dòng nước trong thấy đáy. Du khách chỉ vào những chiếc thuyền đang vớt rong dưới đáy sông hỏi người hướng dẫn viên du lịch là rong ở đây dùng vào việc gì. Cô hướng dẫn viên trả lời cụt ngủn: “Rong cho heo ăn!” Rồi lại có du khách là người miền Nam, bà này cho biết nhà bà có nuôi cá bè xuất khẩu, bà chỉ vào mấy cái bè nhỏ, hỏi: “Mấy cái bè nhỏ nhỏ nuôi cá gì?” Cô hướng dẫn viên nói: “Nuôi cá sông cho du khách ăn.”
Thông tin gần đây cho biết khu vực quanh động và rừng cấm quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi bọn lâm tặc “về hưu” cấu kết với cán bộ địa phương đương chức, tha hồ kinh doanh mua bán những loài động, thực vật quí hiếm. Nếu có nhiều tiền, các quán nhậu ở đây sẵn sàng phục vụ các loại thịt rừng, bò sát , cá sông... những loài được xếp vào sách đỏ nguy cơ tuyệt chủng.

Một góc bến thuyền đưa đón du khách vào thăm động Phong Nha. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ðoạn sông gần đến cửa động Phong Nha bỗng hiện ra một cái nhà thờ cổ. Trong vòng cung những ngọn núi đá vôi, tháp chuông nhà thờ này vươn lên trông uy nghi và thánh thiện lạ lùng. Từ lúc rời Quảng Trị, đi suốt cung đường HCM đến vùng Phong Nha này chúng tôi mới nhìn thấy một cái nhà thờ. Không thể biết xứ đạo trải qua bao biến động lịch sử, từ chiến tranh tới hòa bình hiện tại có bao nhiêu giáo dân, nhưng người ta biết chắc rằng phong cách kiến trúc và phần hồn của cái nhà thờ nhỏ và cũ này vẫn còn nguyên vẻ đẹp, để phần nào đó giúp người dân hiền lương khỏi xấu hổ vì sự trơ trọi, nghèo kiệt của văn hóa và đời sống tinh thần trước tuyệt tác của thiên nhiên.
Có dư luận tin rằng, ngoài các văn bản tiếng Chăm khắc trên hang động mà các nhà thám hiểm người Anh tìm thấy và những văn tự có từ thời vua Minh Mạng, thắng cảnh Phong Nha-Kẻ Bàng không hề được bồi đắp tô điểm thêm được chút văn hóa gì. Nói cách khác, những người có trách hiện hiện nay chỉ toa rập với nhau ăn mày kiệt tác thiên nhiên mà tạo hóa ban tặng cho dân tộc.

Xóm nghèo ven sông Son trong khói chiều, vừa đẹp vừa buồn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ðến cửa động Phong Nha thuyền tắt máy, chuyển sang dùng mái chèo. Thắng cảnh thiên nhiên này dù không phải vào mùa cao điểm du lịch nhưng thuyền chở du khách vẫn tấp nập chen lấn trên đoạn sông ngầm hẹp như cảnh giành đường ở Sài Gòn-Hà Nội. Trong một đoạn động được phép tham quan dài khoảng sáu trăm thước, du khách được người người hướng dẫn dùng loại đèn pin Trung Quốc soi vào các thạch nhũ để thuyết minh. Thật không thể tả xiết vẻ kỳ ảo của kỳ quan hang động vào bậc nhất thế giới này. Nhưng chúng tôi trong tình trạng choáng ngộp trước kỳ tích thiên nhiên vẫn không quên tình trạng của chiếc thuyền. Khi người hướng dẫn cho biết nơi đoạn hang động chúng tôi đang thưởng thức có trần cao 50 mét và đáy sông sâu hơn 35 mét thì chúng tôi không khỏi rùng mình lo sợ ép tim. Ai đó nói dại: “Rủi bây giờ mà chìm xuồng là chết mẹ.”

Một góc đẹp huyền ảo của động Phong Nha-Kẻ Bàng. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Ôi ngành du lịch Việt Nam! Biết đến bao giờ mới thôi các kiểu làm ăn bất kể trời đất. Biết đến bao giờ mới ý thức được rằng giữ gìn sự an toàn của du khách là thương hiệu quan trọng hơn mọi tài sản kỳ quan thắng cảnh. Sau những phút trầm trồ và chụp ảnh trong tình trạng thiếu oxy của hang động, thuyền quay trở ra. Chúng tôi được mời lên tham quan một ngách động có tên là động Tiên, được đi bộ giữa vẻ đẹp có một không hai và được tạm thời thoát nỗi ám ảnh về chiếc thuyền mục là một ân phước.

Cửa động Phong Nha với các chiếc ghe đưa du khách ra vào. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Trò chuyện với người lái thuyền về đời sống của những người vừa làm du lịch vừa là nông dân như anh. Bằng giọng Quảng Bình chất phác anh cho biết. Chiếc thuyền “cũ mục” là tài sản của anh hợp tác đưa khách với ban quản lý. Cả khu du lịch có hơn ba trăm chiếc, thế nên vào mùa Hè đông khách, mỗi tháng anh được một chuyến, còn mùa vắng người thì cả tháng cũng chẳng được chuyến nào. Giá mỗi người khách là bốn mươi ngàn. Chở tối đa là mười sáu người. Nếu gặp đoàn ít người cũng phải đưa. Riêng tiền thuê bao thuyền hai trăm ngàn thì ban quản lý lấy, đông người hay ít người họ cũng lấy thế, chỉ mình là thiệt. Anh có hai đứa con, thằng con lớn mười sáu tuổi, bảo hắn ráng học, đủ tuổi vào làm hướng dẫn du khách, lương tháng được triệu rưỡi có tương lai hơn, “ấy thế mà giờ lại bỏ học, đang bám lấy tôi làm kiếp đưa thuyền.”
Rời động nước Phong Nha, đứng trước vùng ánh sáng chói lòa từ cửa động, cảm giác của chúng tôi là được trở về dương thế sau hơn một giờ được ở “cõi trời và cõi âm ti.” Nhìn cảnh khói cơm chiều vương vấn trên những mái nhà lụp xụp hai bên dòng sông Son, du khách không còn cảm xúc về cái đẹp nữa mà chỉ thấy nặng lòng.

Ngôi nhà thờ bên sông Son là nét đẹp văn hóa trơ trọi ở vùng thắng cảnh nổi tiếng này. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Với cách khai thác nguồn tài sản du lịch vô giá mà thiên nhiên và lịch sử ban tặng như hiện nay thì chỉ những người có quyền, có thế được hưởng lợi, và tốc độ giàu có của họ vào hàng nhất nhì thế giới. Ngược lại, thảm cảnh tuột dốc của tài nguyên du lịch và đời sống người dân cũng thuộc hàng đầu bảng. Du lịch Việt Nam không phải là nguồn động lực để kiến tạo văn hóa, bảo vệ thiên nhiên môi trường hoặc giúp nâng cao đời sống người dân yếu thế.
.
.
.



No comments: